Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe và ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của người bị xơ gan. Trứng là thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây liệu bệnh gan ăn trứng gà được không nhé!
1Tìm hiểu về một số bệnh gan
Xơ gan là gì?
Xơ gan là tình trạng xơ hóa gan tạo thành sẹo do tổn thương trong thời gian lâu dài. Các mô sẹo thay thế mô gan khỏe mạnh và ngăn cản gan hoạt động bình thường. Xơ gan là giai đoạn cuối của các bệnh lý gan mãn tính.
Tổn thương gan do xơ gan thường không thể phục hồi được. Tuy nhiên, nếu xơ gan được chẩn đoán, điều trị sớm có thể hạn chế và ngăn chặn tình trạng xơ gan trở nên trầm trọng hơn.[1]
Xơ gan là tình trạng xơ hóa gan tạo thành sẹo do tổn thương trong thời gian lâu dài
Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan là cơ quan lớn nhất bên trong cơ thể giúp tiêu hóa thức ăn, dự trữ năng lượng và loại bỏ chất độc. Bệnh gan nhiễm mỡ (thoái hóa mỡ gan) là tình trạng mô tả sự tích tụ chất béo trong gan lớn hơn 5% trọng lượng gan.[2]
Gan nhiễm mỡ được phân loại dựa trên nguyên nhân và các tình trạng liên quan gồm:
- Gan nhiễm mỡ do rượu (ALD): Nguyên nhân thường do người bệnh uống quá nhiều rượu khiến gan có thể không hoạt động tạo ra các tế bào mới thay thế các tế bào cũ như bình thường.
- Bệnh gan nhiễm mỡ liên quan rượu và rối loạn chuyển hóa (MetALD), tăng nguy cơ tác động đến sự tích tụ mỡ trong gan.
- Bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (MASLD) như béo phì, bệnh tiểu đường loại 2, cao huyết áp và những bất thường về lipid. Đồng thời, tình trạng này cũng có thể xảy ra khi bạn tiêu thụ một lượng rượu nhỏ mỗi tuần.
- Các dạng gan nhiễm mỡ khác: Việc sử dụng nhiều loại thuốc và ột số bệnh lý khác nhau có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ.
Bệnh gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ chất béo trong gan
2Trứng gà là gì? Giá trị dinh dưỡng của trứng gà
Trứng gà là thực phẩm giàu dinh dưỡng tự nhiên và dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Mỗi 100g trứng gà chứa khoảng 131 kcal.[3]
Protein trong trứng gà có chất lượng cao nhất và thường được dùng làm tiêu chuẩn để đo lường chất lượng của các nguồn protein khác. Ngoài ra, trứng rất giàu vitamin B2, vitamin B12, vitamin D, vitamin A và một số vitamin B khác như folate, biotin, axit pantothenic, choline cùng các khoáng chất và nguyên tố vi lượng thiết yếu.
Lòng đỏ chỉ chiếm hơn một phần ba quả trứng nhưng có thể cung cấp 3/4 lượng calo. Lòng trắng trứng lại cung cấp hơn một nửa tổng lượng protein và riboflavin.
Mặc dù hàm lượng chất dinh dưỡng trong trứng không cao, nhưng chúng lại có khả dụng sinh học cao, giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng hiệu quả hơn so với nhiều nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng khác.[4]
Trứng gà là thực phẩm giàu dinh dưỡng tự nhiên và dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể
3Người bệnh gan nên ăn gì?
Những loại thực phẩm cần thiết cho người bệnh gan
Người bệnh gan cần một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng nhưng vẫn đảm bảo giảm tải công việc cho gan. Điều này giúp ngăn ngừa các biến chứng và tổn thương thêm cho gan.
Chế độ ăn cho người bệnh gan cần bổ sung các loại thực phẩm sau:
- Thực phẩm giàu protein như cá, ngũ cốc, sữa hoặc nguồn thực vật như các loại đậu. Một người trưởng thành cần tiêu thụ khoảng 1 gram protein/kg/ngày để duy trì hoạt động hàng ngày.
- Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, nhiều chất chống oxy hóa polyphenol như rau củ, trái cây, quả việt quất, dâu tây, lựu,... giúp giảm sự tiến triển của xơ gan, bảo vệ sức khỏe gan và cải thiện sức khỏe chung.[5]
- Thực phẩm giàu chất xơ trong rau xanh, đậu, ngũ cốc, bánh mì,... Chất xơ giúp cải thiện tiêu hóa, hỗ trợ giải độc gan, làm sạch cơ thể và cân bằng các chất dinh dưỡng. Từ đó, tăng cường sức khỏe gan.
- Thực phẩm giàu omega 3 như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ,... có thể giúp cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa và tốt cho bệnh xơ gan.
- Ngoài ra, người bệnh gan cũng nên uống 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày sẽ giúp loại bỏ độc tố, thanh lọc cơ thể và làm mát gan.
Chế độ ăn cho người bệnh gan cần bổ sung thực phẩm giàu protein, vitamin, khoáng chất, chất xơ và omega-3
Những thực phẩm người bệnh gan cần tránh
Bên cạnh các loại thực phẩm nên tiêu thụ, người bệnh gan cũng nên tránh các thực phẩm như:
- Mỡ động vật, chất béo: Khi ăn chất béo và mỡ động vật, gan sẽ phải làm việc nhiều hơn để bài tiết. Khi gan bị tổn thương, việc tiêu hóa chất béo khiến tăng áp lực cho gan, thậm chí không thể bài tiết mỡ dẫn đến các triệu chứng về tiêu hóa hoặc mỡ tích tụ gây gan nhiễm mỡ.
- Thịt và hải sản sống, nấu chưa chín: Những người bị tổn thương gan do xơ gan sẽ bị suy giảm chức năng miễn dịch, vì vậy vi khuẩn và vi rút từ thực phẩm sống có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Thịt đỏ: Thịt đỏ khi tiêu thụ thường được chuyển hóa tại gan do chứa rất nhiều protein. Vì vậy, ăn quá nhiều thịt đỏ sẽ làm gan phải hoạt động nhiều hơn, khiến tình trạng bệnh gan trở nên nghiêm trọng hơn.
- Thực phẩm giàu cholesterol như nội tạng động vật, lòng đỏ trứng,... khi tiêu thụ nhiều sẽ tăng gánh nặng cho gan, khiến tình trạng bệnh gan trở nên trầm trọng hơn.
- Thực phẩm chứa hàm lượng đường cao là nguyên nhân có thể dẫn đến rất nhiều bệnh như béo phì, tiểu đường,... Do đó, nên hạn chế tiêu thụ đường để giảm gánh nặng và kiểm soát tiến triển của bệnh gan.
- Rượu, bia, đồ uống có cồn sẽ làm gia tăng hoạt động của gan, là nguyên nhân tiềm ẩn gây tổn thương gan nhiều hơn, thúc đẩy quá trình xơ gan, thậm chí là suy gan và ung thư gan.
Người bệnh gan nên tránh tiêu thụ thực phẩm giàu cholesterol, hạn chế bệnh trở nên trầm trọng hơn
4Bệnh gan ăn trứng gà được không?
Có nhiều ý kiến cho rằng chế độ ăn giàu cholesterol không tốt cho các bệnh lý về gan, trong khi trứng gà lại là thực phẩm chứa hàm lượng cholesterol cao. Tuy nhiên, người bệnh xơ gan, gan nhiễm mỡ vẫn có thể ăn trứng nhưng chỉ nên ăn lòng trắng, không ăn lòng đỏ vì các lý do sau:
- Thành phần dinh dưỡng trong lòng trắng và lòng đỏ không giống nhau.
- Lòng trắng trứng giàu canxi, selenium, protein nhưng ít calo, giảm gánh nặng cho gan.
- Hàm lượng cholesterol tương đối cao trong lòng đỏ trứng có thể không được tiêu hóa hết, dẫn đến tích tụ mỡ trong gan. Điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe gan và làm suy giảm chức năng gan.
Do đó, người bị bệnh gan không nên ăn liên tục vì lượng dinh dưỡng trong trứng khiến gan phải hoạt động nhiều hơn, tăng áp lực lên gan. Trung bình mỗi tuần, người bị xơ gan và cả gan nhiễm mỡ chỉ nên ăn từ 1 - 3 quả trứng luộc thay vì chiên hay rán.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp xơ gan, gan nhiễm mỡ giai đoạn 3, 4 nên loại bỏ hoàn toàn trứng ra khỏi thực đơn, thay vào đó bổ sung protein bằng các nguồn thực phẩm khác để tránh bệnh tiến triển nặng hơn.
Người bệnh gan vẫn có thể ăn trứng nhưng chỉ ăn lòng trắng, không ăn lòng đỏ
5Ăn trứng như thế nào để tốt cho sức khỏe?
Một số lưu ý khi ăn trứng để vừa cung cấp đủ dinh dưỡng mà vẫn đảm bảo tốt cho sức khỏe:
- Người đang bị cảm hoặc vừa khỏi cảm nên tránh ăn trứng để không làm tăng nhiệt lượng trong cơ thể, khiến bệnh cảm trở nên nghiêm trọng hơn.
- Người có hệ miễn dịch kém, vừa ốm dậy không ăn trứng sống, trứng chưa luộc chín vì bề mặt vỏ trứng có nhiều lỗ li ti, không khí và vi khuẩn có thể xâm nhập vào bên trong trứng. Nếu không luộc chín thì vi khuẩn từ trứng sống dễ dàng đi vào cơ thể, khiến bạn đau ốm hơn, có thể nhiễm vi khuẩn Salmonella từ lòng đỏ trứng.
- Người già, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh nên ăn trứng luộc.
- Người bị bệnh tim mạch, cholesterol cao nên hạn chế ăn trứng. Nếu ăn hãy cân nhắc loại bỏ lòng đỏ trứng vì cholesterol nằm ở phần lòng đỏ là chủ yếu.
- Không nên ăn quá nhiều trứng, chỉ nên ăn 3 - 4 quả/tuần, không quá 1 quả/ngày.
Không nên ăn quá nhiều trứng, chỉ 3 - 4 quả/tuần, không quá 1 quả/ngày
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc thêm những thông tin về lượng trứng nên tiêu thụ cho những người bệnh gan. Hãy chia sẻ bài viết này đến mọi người nếu bạn thấy hữu ích nhé!