Vượt qua hàng chục đội thi trong cả nước, dự án "Robot điều dưỡng tích hợp AIoT và điều hướng tự động" của đội AIoT BKR giành giải nhất cuộc thi "Bach Khoa Innovation" năm 2024. Cuộc thi do Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức với sự đồng hành của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.
![Thấy nhiều bệnh viện quá tải, 5 sinh viên chế tạo robot y tá - 1](https://cdn.vosc.edu.vn/wp-content/uploads/2025/01/y-ta-com.jpg)
Đội AIoT BKR giành giải nhất cuộc thi "Bach Khoa Innovation" với ý tưởng robot y tá (Ảnh: N.Q).
Dự án này của 5 sinh viên đến từ Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) gồm Trần Vũ Gia Huy, Lê Nguyễn Trọng Đức, Lê Hà Thanh, Nguyễn Thành Thơ và Vương Đình Thiên.
Các thành viên chia sẻ, ý tưởng xuất phát từ thực tế quan sát tình trạng quá tải, thiếu hụt đội ngũ y bác sĩ ở các bệnh viện dẫn đến bệnh nhân thiếu sự hỗ trợ về mặt tinh thần trong quá trình điều trị.
Đội cũng nắm thêm số liệu từ Bộ Y tế về việc quá tải tại các bệnh viện lớn khi có đến 20% y tá phải làm việc vượt quá khả năng, tham khảo nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội về trực trạng có đến 30% các lỗi phát thuốc trong bệnh viện bắt nguồn từ quy trình thủ công.
Nhận thấy những vấn đề trên cùng với nhu cầu cấp thiết về tương tác tinh thần cho bệnh nhân, đội đã phát triển robot y tá Florence với mục tiêu cải thiện chất lượng chăm sóc tại các bệnh viện ở Việt Nam.
![Thấy nhiều bệnh viện quá tải, 5 sinh viên chế tạo robot y tá - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/WHgUXPpdsQcPNuQiselprBNmy-0=/thumb_w/1020/2024/10/18/quan-quan-bang-sinh-vien-edited-1729242507358.jpeg)
Đội AIoT BKR cùng "robot điều dưỡng tích hợp AIoT và điều hướng tự động" (Ảnh: N.Q).
Robot y tá Florence được trang bị những tính năng tiên tiến như tự động điều hướng, giao tiếp bằng giọng nói, đo lường và phân tích dữ liệu. Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), robot có khả năng nhận diện bệnh nhân, thu thập dữ liệu bệnh nhân và hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Sau khi hình thành ý tưởng, nhóm đã xây dựng kế hoạch với ba giai đoạn chiến lược gồm thiết kế và chế tạo sản phẩm; thử nghiệm trong phạm vi phòng thí nghiệm và cơ sở y tế; hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ và sản xuất hàng loạt.
Ở giai đoạn đầu, các thành viên đầu tư vào việc nghiên cứu thiết kế và chế tạo robot trong phòng Lab. Các bạn cũng tiến hành lập kế hoạch chi tiết cho việc sử dụng các linh kiện điện tử, đảm bảo tích hợp tốt nhất cho các chức năng di chuyển, giao tiếp của robot, và tập trung vào lập trình cho các tính năng AIoT và tự động điều hướng.
Việc thử nghiệm các chức năng này trong nhiều môi trường và tình huống khác nhau, theo nhóm tác giả là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả khi robot vận hành thực tế.
Sắp tới nhóm nghiên cứu sẽ làm việc với các bác sĩ ở nhiều cơ sở y tế để có thể thử nghiệm trực tiếp với bệnh nhân. Song song với quá trình phát triển sản phẩm, các bạn cũng chủ động tìm kiếm các đối tác tiềm năng, các doanh nghiệp công nghệ để đồng hành cùng dự án.
Đến nay, robot mới chỉ được thử nghiệm trong phạm vi phòng thí nghiệm. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm, tối ưu thiết kế và khả năng di chuyển thông minh của robot để phù hợp với không gian và yêu cầu của môi trường bệnh viện rồi sau đó sẽ tiến hành thử nghiệm thực tế tại bệnh viện.
Để đảm bảo an toàn, nhóm sẽ tiến hành các thử nghiệm nghiêm ngặt về khả năng di chuyển, tránh vật cản của robot. Đồng thời, họ cũng sẽ đánh giá khả năng tương tác của robot với người dùng ở các độ tuổi, giới tính khác nhau.
Nhóm tác giả tin rằng, robot y tá này sẽ đáp ứng được tất cả các yêu cầu khắt khe của môi trường bệnh viện và mang lại lợi ích cho cả bệnh nhân và cơ sở y tế.
![Thấy nhiều bệnh viện quá tải, 5 sinh viên chế tạo robot y tá - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/Ebjskdwq55YnDAfi-KsSBUKp4JQ=/2024/10/18/anh-chup-man-hinh-2024-10-18-luc-160913-edited-1729242645457.jpeg)
Robot này được kỳ vọng sẽ giảm tải áp lực tại các bệnh viện (Ảnh: N.Q).
Nguyễn Thành Thơ, thành viên của nhóm cho hay, mô hình robot y tá không phải quá mới lạ trên thế giới, tuy nhiên còn hạn chế khả năng ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam do vấn đề chi phí và độ tương thích về mặt công nghệ, chức năng.
Đại diện nhóm thông tin, robot nhóm đang phát triển có giá thành chỉ bằng 1/5 so với việc nhập khẩu, vận hành và bảo dưỡng một robot y tá từ nước ngoài
Thêm nữa, sản xuất tại chỗ nên việc làm chủ công nghệ và công tác vận hành, bảo dưỡng cũng thuận lợi hơn; thiết kế các chức năng phù hợp với đặc tính của bệnh nhân Việt Nam như giao tiếp bằng giọng nói, chăm sóc 24/7, hiểu được văn hóa và phong tục tập quán của người Việt.
Robot y tá cũng giúp thu thập dữ liệu quan trọng để truyền đạt lại cho bác sĩ, nhằm giúp tối ưu hóa quá trình chăm sóc và điều trị.