Là vùng đất của lễ hội nên đề tài về lễ hội không thể thiếu vắng trong sáng tác của các họa sĩ Nam Định. Qua nét cọ tài hoa của những họa sĩ Nam Định, các tác phẩm hội họa về lễ hội đã phản ánh khá đầy đủ về vẻ đẹp văn hóa, con người ở vùng quê văn hiến.
Họa sĩ Dương Đức Điện (76 tuổi) nổi tiếng với tác phẩm “Lễ hội Đức Thánh Trần” (năm 1995). Ở tác phẩm này, họa sĩ Dương Đức Điện muốn người xem có cái nhìn toàn cảnh, khái quát những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Thể hiện tác phẩm bằng nghệ thuật khắc tổng hợp, ông đã dành thời gian hơn 3 tháng để sáng tác. Cái tài của họa sĩ Dương Đức Điện trong cách sáng tạo tác phẩm “Lễ hội Đức Thánh Trần” là bao quát được toàn bộ không gian văn hóa của khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp vào dịp lễ hội. Ở phía bên trái bức tranh là hình ảnh không gian Chùa Tháp với dòng người đủ mọi lứa tuổi hướng về cõi Phật yên bình. Ở phía bên phải tác phẩm là hình ảnh Đền Trần với đoàn rước kiệu, rước hoa, cờ lọng...; giữa cổng đền là đội múa rồng đang biểu diễn, phía trong là cảnh chọi gà dân gian. Với kích thước lớn, khổ 100x400cm, thoạt nhìn người xem có cảm nhận bức tranh chưa cân đối bởi dòng người bên Chùa Tháp có phần trầm lắng, số lượng ít hơn ở Đền Trần. Tuy nhiên đó chính là dụng ý của tác giả khi muốn nhấn mạnh về sự rộn ràng của “Lễ hội Đức Thánh Trần”. Để bố cục tác phẩm cân đối, tác giả đã khéo léo đặt hình ảnh cây cầu nối giữa Đền Trần và Chùa Tháp để tạo sự hài hòa giữa ít và nhiều chi tiết, giữa yên bình và rộn rã... Tác phẩm “Lễ hội Đức Thánh Trần” của họa sĩ Dương Đức Điện được giới mỹ thuật trong cả nước đánh giá cao và được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc.
Một phần tác phẩm “Lễ hội Đức Thánh Trần” của họa sĩ Dương Đức Điện.Họa sĩ Vũ Xuân Dương có nhiều tác phẩm hội họa về đề tài lễ hội, tiêu biểu như: lễ hội Phủ Dầy (2002), Lễ hội Chùa Cổ Lễ (2009), Hội Chợ Viềng (2009) và lễ hội Đền Trần (2013)... Các tác phẩm về đề tài lễ hội của họa sĩ Vũ Xuân Dương đều được vẽ trên chất liệu sơn dầu với phương pháp chồng các lớp sơn tạo sự xen kẽ giữa các màu. Với cách vẽ này, mỗi màu trong các tác phẩm hội họa về lễ hội của Vũ Xuân Dương đều có ý nghĩa riêng và đòi hỏi sự kỳ công về kỹ thuật và thời gian hoàn thiện tác phẩm. Tác phẩm “lễ hội Phủ Dầy” được họa sĩ Vũ Xuân Dương vẽ năm 2002 với hình ảnh không gian ở Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản). Những điểm nhấn trong tác phẩm được họa sĩ sử dụng gam màu cam tạo sức hút cho người xem. Để biểu đạt cảm xúc trong tác phẩm, tác giả đã phối hợp nhịp nhàng các đường lượn, nhịp điệu các mảng chính phụ xen kẽ, tạo bề mặt sinh động cho người xem cảm giác không gian tác phẩm có sự huyền bí nhưng vẫn mang hơi thở nhộn nhịp của cuộc sống hiện đại. Tác phẩm “Lễ hội Đền Trần” của họa sĩ Vũ Xuân Dương được trưng bày tại triển lãm Mỹ thuật khu vực II đồng bằng sông Hồng năm 2013. Tác phẩm là sự liên kết các mảng nhóm trên một bố cục dàn hàng ngang, với chi tiết là hình ảnh những người phụ nữ mặc áo nâu sòng, đầu đội tráp đang hướng vào cổng đền, bên cạnh là hình ảnh một đứa trẻ đang ngẩng mặt nhìn lên hàng chữ nho trước cổng đền. Ngụ ý của tác giả khá rõ khi kết hợp giữa 2 thế hệ trong tác phẩm: Đó là sự tiếp nối truyền thống tự hào, lòng biết ơn của thế hệ trẻ với các bậc tiền nhân có công với dân với nước. Gam màu chủ đạo của tác phẩm: là màu ghi xám, điểm chút màu nâu trầm tạo sự huyền bí chốn tâm linh.
Đề tài lễ hội như mối “lương duyên” gắn kết trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Trần Văn Trọng. Qua hơn 20 năm cầm cọ, anh là một trong những tác giả có nhiều tác phẩm về đề tài lễ hội được tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng, các triển lãm chuyên ngành và in ấn trên các sách, báo, tạp chí. Các tác phẩm lễ hội của anh tái hiện chân thực, sống động các lễ hội mang đặc trưng của nền văn hóa, văn minh lúa nước tại các địa phương trong tỉnh như: Lễ khai ấn Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy, Lễ rước nước ở ngã ba sông Đáy, Hội làng xã Hải Anh (Hải Hậu), Hội làng xã Minh Tân (Vụ Bản)… Với phong cách thể hiện độc đáo: tối giản, khái quát, chặt chẽ trong bố cục; ngộ nghĩnh về hình; nét hoạt và gam màu vui tươi, sống động đã đem lại cảm nhận cho người xem về những không gian lễ hội rộng lớn nhưng vẫn cụ thể từng chi tiết. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Hội làng”, “Lễ hội Phủ Dầy”, “Điệu chầu văn”, “Hội Đền Trần”, “Đắp đê”, “Lễ rước nước”... Tác phẩm “Điệu chầu văn” (2016) thể hiện toàn cảnh các hoạt động phần hội tại Phủ Vân Cát. Trung tâm của tác phẩm là mái phủ rêu phong với ngói Nam cổ kính, màn hầu đồng với các chi tiết sống động khắc họa cảnh cô đồng, cung văn đang thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, xung quanh là các đoàn rước rồng với chiêng, trống, cờ xí đan xen tạo nên những lớp hình vui tươi, làm cho bố cục chặt chẽ. Với màu sắc tươi tắn, các gam màu nóng, lạnh xen kẽ với các sắc vàng chanh, xanh nõn chuối, đỏ son, nâu đất... làm nổi bật không gian tâm linh. Tác phẩm ra đời trong thời điểm Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nên có giá trị về tính thời sự. Tác phẩm đã được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng. Đến nay, nhiều tác phẩm vẽ về đề tài lễ hội của anh đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam và Chi hội Mỹ thuật (Hội VHNT tỉnh) đánh giá cao và ghi nhận bằng Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho các tác phẩm “Hội làng” và “Giai điệu chợ xuân”, Giải C và Giải Khuyến khích giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh với các tác phẩm “Lễ hội Phủ Dầy” và “Hội làng”.
Họa sĩ Đặng Sơn Nam cũng là người nặng tình với các di tích và lễ hội. Trong số các tác phẩm hội họa về đề tài lễ hội của ông, có 2 tác phẩm tiêu biểu gồm: “Tháng Tám hội Cha”, “Tháng Ba hội Mẹ”. Tác phẩm “Tháng Ba hội Mẹ” được tác giả thể hiện trên chất liệu lụa tạo cảm giác mơn man, nhẹ nhàng. Tác phẩm tái hiện hình ảnh hội múa rồng đang biểu diễn ở phía sân Phủ Tiên Hương. Nổi bật trong tác phẩm là hình ảnh ngôi phủ màu đỏ nhạt, bên trong phủ là giá hầu đồng với thanh đồng và các cung văn. Với giá trị đẹp về nội dung và ý nghĩa, tác phẩm tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2012. Tác phẩm “Tháng Tám hội Cha” cũng được vẽ năm 2012 bằng chất liệu sơn dầu, được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2013. Tác phẩm được thể hiện bằng bút pháp tả thực, nhẹ nhàng, sử dụng lối vẽ vờn với bố cục dàn trải, phân chia tạo khoảng trống nên tạo cho người xem cảm giác hòa mình vào khởi đầu của lễ hội...
Họa sĩ Vũ Thị Hường là một trong số ít họa sĩ nữ vẽ về đề tài về lễ hội. Các tác phẩm tiêu biểu của chị gồm “Lễ hội Chùa Cổ Lễ” và “Lễ hội Đền Trần”. Sinh ra và lớn lên tại Thị trấn Cổ Lễ, mỗi lần gần đến dịp hội chùa luôn thôi thúc chị nhớ về quê hương. Tác phẩm về hội Chùa Cổ Lễ đầu tiên được họa sĩ Vũ Thị Hường sáng tác năm 2009. Với bố cục chặt chẽ kết hợp đường nét đậm nhạt, nét bút phóng khoáng, ào ạt cảnh lễ hội trong không gian trời chiều với tông màu nâu đỏ gợi cảm xúc chất chứa cho người xem. Tác phẩm “Lễ hội Đền Trần” được tác giả vẽ phóng khoáng, tự nhiên, sắp xếp theo trật tự, ngôn ngữ hình ảnh của tác giả. Tác phẩm với hình ảnh trung tâm là cổng Đền Trần, hai cổng phụ cân đối hai bên với lá cờ tung bay phấp phới ở bên phải; bên trái là cây cổ thụ vươn cao... Điểm nhấn của tác phẩm là dòng người đông đúc, có người già, trẻ em trong các trang phục truyền thống. Những nét bút ào ạt sáng màu gợi cho người xem cảm giác dòng người đang trảy hội dưới mưa phùn, bao quanh là màu xanh lá cây đầy sức sống căng tràn của mùa xuân.
Các tác phẩm hội họa của các họa sĩ Nam Định về đề tài lễ hội không chỉ có giá trị về thẩm mỹ mà còn có giá trị về văn hóa - lịch sử. Qua mỗi tác phẩm, người xem được hòa quyện với không gian, tính thiêng, tính cộng đồng của mỗi lễ hội, từ đó thêm trân quý văn hóa truyền thống, bồi đắp niềm tự hào về truyền thống lịch sử cha ông, tiếp tục đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Bài và ảnh: Viết Dư