Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nông Ngọc Sơn - Bác sĩ hóa trị và điều trị giảm nhẹ - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Hóa trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất. Nhưng ít ai biết cách hóa trị hoạt động và tiêu diệt ung thư như thế nào?
1. Hóa trị là gì?
Hóa trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất, đây là cách điều trị ung thư sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị sử dụng một số loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn chúng phát triển và di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể người bệnh.
Hóa trị được sử dụng bằng cách tiêm truyền hoặc thuốc uống. Bệnh nhân ung thư thường được tiêm truyền thuốc thông qua ven (tĩnh mạch) tại phòng khám ngoại trú hoặc trong bệnh viện. Các loại thuốc hóa trị dạng uống thường được phát để bệnh nhân có thể tự uống tại nhà.
Thuốc hóa trị thường được sử dụng trong 1 ngày và nghỉ 2 đến 3 tuần để giữ được sức khỏe và giúp các tế bào lành có thời gian hồi phục. Tuy nhiên, cách sử dụng thuốc phụ thuộc vào loại ung thư bạn mắc phải và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Tại sao cần đến hóa trị đã sau khi mổ cắt bỏ đi khối bướu? Thực tế, ngay cả sau khi phẫu thuật để cắt bỏ một khối u, cơ thể vẫn có thể còn sót lại các tế bào ung thư. Những tế bào này như hạt giống, có thể phát triển khối u mới hoặc di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể. Thuốc hóa trị giúp tiêu diệt, thu nhỏ hoặc kiểm soát các tế bào đó.
Trường hợp ung thư đã lan tràn ở giai đoạn muộn, hóa trị giúp giảm nhỏ khối bướu, làm giảm đau, giảm khó thở và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Một số trường hợp không thể mổ cắt bỏ được, nhưng sau hóa trị giúp thu nhỏ khối u thì có thể phẫu thuật được thuận lợi.
2. Hóa trị hoạt động như thế nào?
Có nhiều thuốc hóa trị với các tác động khác nhau như:
- Tiêu diệt cả tế bào ung thư và tế bào lành
- Chỉ kiềm chế các tế bào ung thư
- Ngăn cản việc hình thành mạch máu đi tới nuôi khối bướu
- Tấn công các gen để các tế bào ung thư tự chết
Hóa trị thường tác động vào các tế bào đang sinh sôi nhanh chóng vì đây là điểm đặc trưng của tế bào ung thư. Không giống như phóng xạ hoặc phẫu thuật chỉ tác động vào một vùng trên cơ thể, hóa trị có thể theo máu đến tác động trên khắp cơ thể. Vì thế nó có thể ảnh hưởng đến một số tế bào khỏe mạnh phát triển nhanh như: tế bào da, tóc, ruột và tủy xương. Do đó gây nên những tác dụng phụ ở da, rụng tóc, tiêu chảy, và giảm tạo máu ở xương.
Tùy thuộc vào loại ung thư và tình trạng của bệnh, mà hóa trị có những tác dụng khác nhau:
- Chữa khỏi bệnh: Trong một số trường hợp, việc điều trị có thể tiêu diệt hết các tế bào ung thư. Thường áp dụng trong các loại ung thư máu.
- Kiểm soát bệnh ổn định: Trong đa số trường hợp, hóa trị chỉ có thể ngăn ung thư lan sang các bộ phận khác trong cơ thể hoặc làm chậm sự phát triển của khối ung thư.
Trong một số trường hợp giai đoạn muộn, hóa trị chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng đau hoặc chèn ép do ung thư gây ra. Những khối u này thường tiếp tục phát triển trở lại.
Hóa trị đôi thường được sử dụng kết hợp với: phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp sinh học. Điều này gọi là phối hợp đa mô thức, giúp tăng cơ hội trị khỏi bệnh và khắc phục các yếu điểm của riêng từng phương pháp. Hóa trị có thể được sử dụng để:
- Thu nhỏ khối u trước khi xạ trị hoặc phẫu thuật - được gọi là hóa trị tân hỗ trợ
- Tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật hoặc xạ trị - được gọi là hóa trị bổ trợ
- Làm cho các liệu pháp khác (sinh học hoặc phóng xạ) hiệu quả hơn
- Kiểm soát các tế bào ung thư tái phát hoặc lan sang các bộ phận khác trong cơ thể bạn
Thời gian người bệnh sử dụng hóa trị phụ thuộc vào loại ung thư, tình trạng bệnh và mục tiêu điều trị như: chữa khỏi bệnh, kiểm soát bệnh hoặc chỉ giúp giảm đau.
Có rất nhiều loại thuốc hóa trị được chia thành các nhóm thuốc dựa trên cách thuốc đó tác động. Mỗi nhóm thuốc phá hủy hoặc thu nhỏ tế bào ung thư theo một cách khác nhau.
- Một số loại thuốc làm hỏng DNA của các tế bào ung thư để ngăn chúng tạo ra nhiều bản sao. Chúng được gọi là các tác nhân kiềm hóa, đây là loại hóa trị lâu đời nhất. Thuốc hóa trị này điều trị nhiều loại ung thư khác nhau, chẳng hạn như bệnh bạch cầu, ung thư hạch, bệnh Hodgkin, đa u tủy và sarcoma, ung thư vú, phổi và buồng trứng. Một số ví dụ về các tác nhân kiềm hóa là cyclophosphamide, melphalan và temozolomide. Tuy nhiên, trong quá trình tiêu diệt các tế bào xấu, nó cũng có thể tổn thương tủy xương của người bệnh, điều này có thể gây ra bệnh bạch cầu nhiều năm sau đó. Để giảm nguy cơ này, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc với liều lượng nhỏ. Một loại tác nhân kiềm hóa, thuốc platin như carboplatin, cisplatin hoặc oxaliplatin, có nguy cơ gây bệnh bạch cầu thấp hơn.
- Một loại thuốc hóa học can thiệp vào quá trình trao đổi chất bình thường của tế bào, khiến chúng ngừng phát triển. Những loại thuốc này được gọi là thuốc chống chuyển hóa, các bác sĩ thường sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu, ung thư ở vú, buồng trứng và ruột. Các loại thuốc trong nhóm này bao gồm 5-fluorouracil, 6-mercaptopurine, cytarabine, gemcitabine và methotrexate, trong số nhiều loại khác.
- Hóa trị liệu anthracycline tấn công các enzyme bên trong tế bào ung thư. Chúng có hiệu quả cho nhiều loại ung thư. Một số loại thuốc này là Actinomycin-D, bleomycin, daunorubicin và doxorubicin. Tuy nhiên, khi sử dụng liều cao kháng sinh chống khối u, hóa trị liệu anthracycline có thể làm tổn thương tim hoặc phổi của bạn. Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định dùng trong một thời gian ngắn và luôn ghi lại tổng liều thuốc đã từng sử dụng.
- Các loại thuốc là chất ức chế phân bào ngăn chặn các tế bào ung thư tạo ra nhiều bản sao của chính chúng. Nó có tác dụng ngăn cơ thể người bệnh tạo ra các protein mà tế bào ung thư cần phát triển.
- Một loại thuốc khác gọi là chất ức chế men topoisomerase, cũng tấn công các enzyme giúp các tế bào ung thư phân chia và phát triển. Các loại thuốc này điều trị một số loại bệnh bạch cầu và ung thư phổi, buồng trứng và ruột. Nhóm thuốc này bao gồm etoposide, irinotecan, teniposide và topotecan. Tuy nhiên, một số trong các loại thuốc này làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư thứ hai vài năm sau đó.
- Steroid là thuốc hoạt động giống như nội tiết tố của cơ thể, nó rất hữu ích trong việc điều trị nhiều loại ung thư và giúp người bệnh không bị buồn nôn sau mỗi đợt hóa trị. Bên cạnh đó, steroid cũng có thể ngăn ngừa phản ứng dị ứng với một số loại thuốc hóa trị. Một số thuốc steroid mà bác sĩ thường chỉ định là methylprednisolone và dexamethasone
Hiện nay, trong quá trình điều trị ung thư, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân sử dụng hóa trị kết hợp với các liệu pháp toàn thân khác như liệu pháp trúng đích, liệu pháp nội tiết, hay liệu pháp miễn dịch. Bởi, hóa trị tuy là một phương pháp điều trị ung thư phổ biến, nhưng nó lại đem lại nhiều tác dụng phụ. Các loại thuốc chống ung thư mới hiện nay trong liệu pháp trúng đích, và liệu pháp miễn dịch tấn công chọn lọc các tế bào ung thư và ít ảnh hưởng lên các tế bào khỏe mạnh. Điều đó có nghĩa là chúng gây ra tác dụng phụ nhẹ hơn.
3. Cách hóa trị đi vào cơ thể để điều trị ung thư
- Qua đường tiêm: Các loại thuốc được tiêm trực tiếp vào cơ bắp ở hông, đùi hoặc cánh tay của bạn; hoặc tiêm vào dưới da bụng, da đùi.
- Qua động mạch (IA): Các loại thuốc đi trực tiếp vào động mạch đang nuôi dưỡng khối ung thư, thông qua một kim, hoặc một ống thông mỏng.
- Qua màng bụng (IP): Thuốc được đưa đến khoang màng bụng, nơi chứa các cơ quan như gan, ruột, dạ dày và buồng trứng của bạn. Biện pháp này được thực hiện trong khi phẫu thuật hoặc qua một ống thông xuyên qua da bụng.
- Qua tĩnh mạch (IV): Hóa trị truyền vào tĩnh mạch ở cánh tay, hoặc qua buồng tiêm đặt dưới da vào tĩnh mạch chủ ở ngực.
- Bôi kem: thuốc ở dạng kem được thao lên da.
- Đường uống: Bạn nuốt một viên thuốc hoặc chất lỏng có thuốc.
Hóa trị qua đường truyền tĩnh mạch (IV) như thế nào?
- Kim: Thuốc có thể được bơm qua một cây kim mỏng đặt vào trong tĩnh mạch cánh tay của bạn.
- Ống thông tĩnh mạch: Đây là một ống mềm, mỏng. Bác sĩ đặt một đầu vào một tĩnh mạch lớn, thường ở vùng ngực của bệnh nhân. Đầu kia ở bên ngoài cơ thể và được sử dụng để truyền thuốc hóa trị, hoặc lấy máu làm xét nghiệm. Ống thông này thường giữ lại khi về nhà để các đợt hóa trị sau sử dụng lại. Người bệnh nên lưu ý theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng ở da xung quanh ống thông.
- Buồng tiêm dưới da: Buồng tiêm được bác sĩ cấy vào dưới da. Khi lấy máu làm xét nghiệm hoặc truyền thuốc, điều dưỡng sẽ cắm 1 cây kim chuyên dụng xuyên qua da vào buồng tiêm một cách dễ dàng và nhanh chóng. Buồng tiêm thường được cấy cho những bệnh nhân có ven (tĩnh mạch) ở cánh tay khó đặt kim, hoặc ven bị chai lặn đi sau khi hóa trị. Một buồng tiêm sau khi đặt có thể sử dụng tiêm truyền hàng ngàn lần, hoặc kéo dài 2,3 năm giúp giảm đau và an toàn cho bệnh nhân khi phải lấy ven, lấy máu nhiều lần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com