Nấm mối là loại nấm ngon, giàu dinh dưỡng, mọc vào mùa mưa ở những nơi có thổ nhưỡng sạch, không thuốc trừ sâu. Chính vì thế, sản lượng tự nhiên của nấm mối khá ít nên giá thành nửa triệu đồng mỗi kg.
Song hiện nay, người dân đã nuôi trồng được một loại nấm có nhiều điểm tương đồng với nấm mối ngoài tự nhiên - đó là nấm mối đen. Mô hình trồng nấm mối đen đã được nhóm bạn trẻ ở Vĩnh Long triển khai kết hợp cùng nông dân và mang về lợi nhuận hấp dẫn.
Nghề của sự kiên trì
Trang trại nấm mối đen Bình Minh rộng 120m2 là sản phẩm của 5 bạn trẻ kết hợp với ông Nguyễn Văn Phương (ngụ xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) từ tháng 8/2022. Trong đó, Nguyễn Tuấn Anh và Huỳnh Lương Nhân (trưởng nhóm) là người hỗ trợ giống, kỹ thuật và đầu ra, còn ông Phương là nông dân trồng thí điểm.
Anh Tuấn Anh cho biết, nấm mối đen được nhập ở Bình Dương, mỗi túi phôi đã có sẵn giá thể cấy meo giống nấm mối đen. Ban đầu nhóm của anh trồng thử nghiệm 1.000 bịch phôi. Sau hơn 2 tháng, nhận thấy nấm mối phát triển tốt anh quyết định nhập thêm 3.000 bịch phôi.
"Nấm mối đen được chúng tôi nuôi trong môi trường nhân tạo, lúc nào nhiệt độ cũng đảm bảo từ 26-28 độ C; độ ẩm từ 85% trở lên. Bên trong nhà trồng nấm còn trang bị hệ thống quạt mát, phun sương điều khiển qua smartphone", chàng trai sinh năm 1995 chia sẻ.
Theo Tuấn Anh, nấm mối đen không quá khó nuôi nhưng quan trọng nhất là khâu lựa chọn phôi nấm chất lượng. Trên thị trường có 2 loại phôi gồm Thái Lan và Trung Quốc, nhóm của Tuấn Anh chọn phôi nấm của Thái Lan. Tỷ lệ hao hụt mỗi đợt trồng khoảng 10-20%.
"Giá thể trồng nấm mối đen cũng đơn giản. Trước đây chúng tôi dùng mùn cưa nhưng khi thu hoạch lại khó vệ sinh nấm thương phẩm, sau này mới chuyển qua giá thể cát.
Dinh dưỡng trong bịch phôi đã có, người trồng chỉ cần tưới nước kích ẩm cho nấm mỗi ngày. Nguồn nước tưới nấm phải sạch", anh Tuấn Anh nói thêm.
Tuấn Anh bày tỏ, trong quá trình trồng nấm cũng có khá nhiều rủi ro. Thời gian đầu anh và cộng sự cũng lúng túng không biết xử lý tình trạng bệnh trên nấm nên hao hụt khá nhiều.
Nấm mối đen thường bị bệnh dòi cam, mốc xanh. Ngoài ra lúc trồng cũng phải hết sức cẩn thận với ruồi, vì nấm có hương thơm, có thể dụ ruồi tới, nếu không kiên trì là không làm được.
Dù mới khởi nghiệp chưa đầy một năm, song mô hình trồng nấm mối đen của nhóm thanh niên đã thu về kết quả khả quan.
Anh Huỳnh Lương Nhân (phụ trách đầu ra) cho biết, trại hiện có 15.000 bịch phôi, bình quân 5.000 phôi sẽ thu được 15-16kg nấm/ngày. Thị trường tiêu thụ ở nhiều thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội... Do nhu cầu tiêu thụ cao nên nấm mối đen luôn "đắt như tôm tươi", hầu như cung không đủ cầu.
"Mất nhiều thời gian nhưng khi đã thu hoạch, mỗi bịch phôi sẽ cho năng suất liên tục từ 4-5 tháng. Vì vậy, người trồng phải tính toán thời gian và số lượng phôi phù hợp để đảm bảo có nấm thu hoạch quanh năm.
Khi phôi hết khả năng cho nấm chúng tôi mới thay bịch phôi khác. Giá thể sau đó có thể tận dụng trồng nấm bào ngư, nấm rơm hoặc ủ mục làm phân bón", Lương Nhân nói.
"Đếm" tiền triệu mỗi ngày
Đánh giá về hiệu quả canh tác nấm mối đen, ông Nguyễn Văn Phương cho biết, ông kết hợp cùng nhóm của Nhân và Tuấn Anh trồng nấm mối đen vì nghe giới thiệu về giá trị kinh tế nên trồng thử nghiệm.
"Lúc trồng thấy lâu nhưng đến đợt thu hoạch nấm ra liên tục. Hiện tôi đang thu hoạch 2.000 bịch phôi, mỗi ngày hái khoảng 5-6kg. Giá được thu mua từ 300.000 đồng/kg", ông Phương vui vẻ nói.
Ông Phương cho hay, nấm hái xong, phải gọt chân, quét cát và bảo quản trong tủ mát. So với trồng bưởi, mô hình trồng nấm mối đen giúp ông kiếm hơn một triệu đồng/ngày. Sắp tới ông sẽ mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao sản lượng và lợi nhuận.
Được biết, nhóm của Tuấn Anh và Nhân đang hợp tác với 5 nông dân tại miền Tây trồng nấm mối đen, nhóm sẽ xây nhà trồng, cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu đầu ra cho người sản xuất.