Cách trị bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không là một phương pháp dân gian giảm triệu chứng bệnh hiệu quả. Khi được sử dụng đúng cách, lá trầu không có khả năng giúp điều trị bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ. Nếu không được điều trị kịp thờ, trĩ có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và nguy cơ tái phát trở lại cao.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tìm hiểu về lá trầu không
Khi nói đến các loại cây thuốc nam trị bệnh trĩ, lá trầu không thường được nhắc đến đầu tiên. Lá trầu không rất phổ biến ở Việt Nam. Trầu không thuộc họ Piperaceae, cùng họ với tiêu và lá lốt,...
Theo quan điểm của Y học cổ truyền, lá trầu không được coi là một bài thuốc có tính ấm, vị cay nồng và mùi thơm đặc trưng có tác động vào các kinh phế, tỳ và vị.
Theo y học hiện đại, lá trầu không có các tác dụng giảm đau, chống viêm, kháng khuẩn, cầm máu và kích thích hệ thần kinh trung ương. Do đó, lá trầu không đã được sử dụng để điều trị một số tình trạng bệnh lý sau đây:
Trị vết thương: Với thành phần chống oxy hóa, lá trầu không hỗ trợ quá trình liền vết thương nhanh hơn.
Đau khớp: Nhờ chứa chất polyphenol có tác dụng chống viêm, lá trầu không có thể làm giảm đau do viêm khớp.
Khó tiêu: Lá trầu không giúp cải thiện triệu chứng đầy hơi và khó tiêu. Hơn nữa, trầu không còn hỗ trợ hệ tiêu hóa hấp thu chất dinh dưỡng hiệu quả hơn.
Viêm răng miệng: Nhai lá trầu không có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng. Ngoài ra, nhờ chứa phenolic, lá trầu không còn có khả năng cầm máu cho bệnh nhân sau khi nhổ răng.
Đau rát họng: Với khả năng kháng viêm và kháng khuẩn, lá trầu không được sử dụng để điều trị các triệu chứng viêm họng.
2. Vì sao có thể chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không?
Trầu không là một trong những cây thuốc nam phổ biến được sử dụng để điều trị bệnh trĩ. Điều này là nhờ vào những đặc tính nổi bật của lá trầu không như:
Kháng viêm, kháng khuẩn, cầm máu: Với những đặc tính này, cách trị bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không có thể giúp bệnh nhân trĩ giảm ngứa rát, cầm máu và thu nhỏ kích thước búi trĩ,...
Giàu khoáng chất và vitamin: Các khoáng chất và vitamin có trong lá trầu không ngoài làm chậm quá trình oxy hóa mà còn bảo vệ trực tràng khỏi các gốc tự do, giúp hồi phục nhanh chóng các tổn thương do trĩ.
Cải thiện tiêu hóa: Lá trầu không giúp giảm triệu chứng đau dạ dày, đầy bụng, chướng hơi và khó tiêu. Do đó, trầu không thường được áp dụng trong điều trị bệnh trĩ ở mức độ nhẹ.
3. Các cách trị bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không
Vì trĩ là vấn đề tế nhị, người bệnh thường ít đi khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng. Khi những búi trĩ chưa gây tổn thương hoặc chỉ ở độ 1 hay độ 2, lá trầu không là một phương pháp chữa trị tại nhà khá hiệu quả và an toàn.
Dưới đây là một số cách trị bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không có khả năng giúp hỗ trợ cho những người mắc bệnh trĩ.
3.1 Lá trầu không ngâm hậu môn
Người bệnh nên thực hiện cách trị bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không sau khi đã đi đại tiện xong và vệ sinh kỹ hậu môn bằng nước ấm để đảm bảo hiệu quả tối đa. Để thực hiện, người bệnh cần làm theo các bước sau đây:
Đầu tiên, ngâm lá trầu không trong nước muối khoảng 20 phút. Sau đó, rửa sạch lá trầu và cho vào nồi đun sôi với một lượng nước vừa đủ.
Đậy nắp nồi và đun với lửa vừa.
Khi nước trong nồi đã sôi, tiếp tục đun thêm khoảng 10 phút.
Đổ nước ra chậu và đợi cho bớt nóng, sau đó ngâm hậu môn trong nước cho đến khi nước không còn nóng nữa thì dừng lại.
3.2 Đắp lá trầu không chữa bệnh trĩ
Đắp trầu không vào vùng hậu môn giúp tinh chất của lá trầu tác động trực tiếp, sát khuẩn búi trĩ, mang lại cảm giác thoải mái cho vùng da xung quanh. Các thao tác thực hiện như sau:
Rửa sạch lá trầu không, ngâm trong nước muối loãng, sau đó để ráo.
Giã lá trầu với một ít muối và lọc để lấy phần nước.
Thấm nước lá lên búi trĩ.
Đắp phần bã lá còn lại lên hậu môn khoảng 20 phút.
Rửa hậu môn bằng nước và lau khô nhẹ nhàng.
3.3 Xông búi trĩ bằng lá trầu không
Thay vì đắp, ngâm lá trầu không trực tiếp lên hậu môn, một cách trị bệnh trĩ tại nhà khác là sử dụng lá trầu không để xông búi trĩ.
Sau khi nấu chín, nước lá trầu không cần để nguội. Sau đó, người bệnh đặt nồi dưới hậu môn với khoảng cách an toàn để tránh bỏng và xông hậu môn cho đến khi nước nguội.
3.4 Kết hợp trầu không và thảo dược
Ngoài trầu không, bồ kết, hạt gấc và hạt cau là những cây thuốc nam khác được sử dụng để điều trị bệnh trĩ. Phương pháp kết hợp những loại dược liệu này với trầu không có thể giúp giảm chảy máu và co thắt búi trĩ, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị.
Để thực hiện cách trị bệnh trĩ tại nhà này, người bệnh cần làm những bước sau:
Rửa sạch nguyên liệu, đập vỡ hạt gấc và bổ cau.
Đun sôi hỗn hợp bồ kết, hạt cau và gấc trong nước với lửa vừa.
Khi nước sôi, thêm lá trầu vào và giảm lửa.
Cuối cùng, nhắc xuống để xông hoặc ngâm hậu môn.
4. Lưu ý khi dùng chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không
Để tăng hiệu quả khi sử dụng cách trị bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không, người bệnh cần lưu ý điều sau:
Lựa lá trầu tươi, có màu xanh đậm để đảm bảo giàu tinh chất.
Rửa sạch lá trầu trước khi sử dụng để tránh nguy cơ viêm nhiễm hậu môn khiến tình trạng nặng hơn.
Không nên thụt rửa sâu vào hậu môn để tránh nguy cơ viêm nhiễm hậu môn và trực tràng.
Để đạt hiệu quả khi sử dụng cách trị bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không, người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý bao gồm ăn uống đủ chất, tăng cường chất xơ và vitamin; giảm thiểu các thực phẩm dầu mỡ, khó tiêu và cay nóng. Ngoài ra, uống nhiều nước (2 lít mỗi ngày) cũng giúp ngăn ngừa táo bón và giúp thanh lọc cơ thể.
Thường xuyên vận động, không nên ngồi hoặc đứng một chỗ thời gian dài và hạn chế các hoạt động quá sức.
Tránh rặn mạnh khi đi tiêu.
5. Một số cách chữa bệnh trĩ tại nhà khác
Các phương pháp dân gian chủ yếu được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh trĩ ở những trường hợp nhẹ. Dù tác dụng của các phương pháp còn bị hạn chế và chỉ có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh nhưng người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc sau đây để tự điều trị bệnh trĩ hiệu quả tại nhà:
Lá diếp cá: Rau diếp cá được coi là có tính mát, hỗ trợ giải độc cơ thể, kích thích quá trình tiêu hoá và bài tiết. Do đó, người bệnh có thể sử dụng rau diếp cá dưới dạng ăn sống trực tiếp, xay nhuyễn hoặc ép lấy nước uống. Ngoài ra, nước rau diếp cá cũng có thể sử dụng để làm sạch vùng hậu môn, xông hoặc đắp bã để làm dịu tình trạng bệnh.
Dầu dừa: Đầu tiên, người bệnh cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và khô ráo vùng hậu môn. Sau đó, thấm dầu dừa vào đầu tăm bông và nhẹ nhàng thoa một lượng vừa đủ lên bề mặt hậu môn. Sau khoảng một giờ, người bệnh dùng khăn khô để cẩn thận lau sạch vùng này.
Nghệ vàng tươi: Người bệnh cần chuẩn bị một củ nghệ đã được rửa sạch, gọt vỏ và giã nát. Sau đó, cho vào một miếng khăn mỏng hoặc một miếng vải nhỏ. Tiếp theo, bọc khăn lại và đắp lên vùng hậu môn trong khoảng 2-3 giờ. Cuối cùng, dùng nước ấm để vệ sinh sạch sẽ vùng da này.
Cách trị bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không là phương pháp chỉ mang tính chất hỗ trợ trong quá trình điều trị. Dù những cách này có những ưu điểm nhưng người bệnh chỉ nên sử dụng khi bệnh trĩ ở mức độ nhẹ. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm, người bệnh cần đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.