Năng lượng Mới số 341
1. Cuối tháng 5, tôi theo tàu Cảnh sát biển Việt Nam ra khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của ta.
Hơn một tuần lênh đênh trên những con tàu Cảnh sát biển và được chứng kiến đủ chiêu trò gây sự của các tàu hải tuần, hải giám, hải cảnh của Trung Quốc, tôi mới thấy sự nhẫn nhịn của lực lượng thực thi pháp luật trên biển của ta thật phi thường.
Và thật là vui khi không ít cán bộ, chiến sĩ của các tàu Cảnh sát biển 8003, 8001, 2013 lại nhớ vanh vách tên của nhiều cán bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Các anh gọi rất chính xác tên tắt những đơn vị như PVEP; PTSC, Vietsovpetro, PV Drilling… Hóa ra, nhiều sĩ quan, thủy thủ trên các tàu Cảnh sát biển có thời gian gắn bó với ngành Dầu khí - ấy là các anh tham gia bảo vệ các công trình dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên vùng biển của ta. Các anh bảo rằng, chính những người làm dầu khí Việt Nam đã phải đối mặt với các trò phá đám, cắn trộm của Trung Quốc từ rất lâu rồi.
Vậy các trò ấy là gì?
Là cho tàu vây ép, dọa dẫm đâm va; là gọi loa khủng bố tinh thần, là giả vờ “hỏng máy” để tàu trôi dạt về phía giàn khoan; là cắt cáp tàu thăm dò địa chấn… Những khi ấy, mỗi người thợ thăm dò, khai thác dầu khí của PVEP, PTSC, Vietsovpetro là những người lính, sự có mặt của họ là khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chỉ có điều là họ không được trang bị vũ khí, mà họ tham gia giữ biển bằng công việc và trái tim quả cảm của mình.
Tôi cũng được chứng kiến sự lo lắng của nhiều đồng chí lãnh đạo từ Tập đoàn đến các đơn vị như PVEP, PTSC… mỗi khi từ ngoài khơi xa, có báo cáo về là có tàu Trung Quốc đến gây sự.
Có lẽ đến lúc này cũng phải công bố cho “thiên hạ” biết, ở trên biển, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã làm những việc lớn thế nào.
Năm 2007, PVEP thay mặt Ủy ban Biên giới Quốc gia thực hiện Đề án khảo sát tiềm năng dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. PVEP điều hành trực tiếp đề án này, cử người làm việc trực tiếp trên tàu địa chấn thuê của nước ngoài và tổ chức công tác bảo vệ đề án với sự tham gia của các lực lượng trên biển.
Ngày 8-5-2007, đề án đã phải dừng công tác thu nổ do tàu chiến của Trung Quốc với sự hỗ trợ của máy bay cản phá hoạt động khảo sát của tàu địa chấn sau khi đã thực hiện được khoảng 30% khối lượng công việc.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng và Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu trao Bằng khen của Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân Lam Sơn JOC
Năm 2008, PVEP tiếp tục thực hiện đề án còn dang dở với một tàu địa chấn khác. Nhưng ngày 15-9-2008, Trung Quốc lại đưa các tàu ra cản phá, thậm chí cắt đứt cáp của tàu. Với quyết tâm hoàn thành đề án và theo chỉ đạo của Tập đoàn, PVEP tiếp tục khảo sát tại Lô 31 thềm lục địa Việt Nam. Sau đó, PVEP đã chủ trì và trực tiếp tham gia vào quá trình xử lý, minh giải tài liệu địa chấn, từ và trọng lực, đồng thời viết báo cáo nộp Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) đúng thời hạn (trước ngày 15-2-2009). Đây là những tài liệu hết sức quý giá và thiết thực phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo Quốc gia về Ranh giới ngoài Thềm lục địa Việt Nam để kịp thời trình Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc vào tháng 5-2009.
Đặc biệt, PVEP là đơn vị trực tiếp điều hành hợp đồng dầu khí lô 148-149, bể Phú Khánh là lô đã từng bị cắt cáp tàu địa chấn trong lúc đang hoạt động nhưng PVEP vẫn hoàn thành hoạt động khảo sát địa chấn 2D và 3D; tiến hành thu nổ địa chấn và khoan giếng khoan PV-94 trên bãi Tư Chính thuộc khu vực Trường Sa, thềm lục địa Việt Nam đạt chiều sâu 3.331m (năm 1994). Việc hoàn thành giếng khoan này không những mang nhiệm vụ nghiên cứu thềm lục địa của Việt Nam mà còn mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của đất nước trên Biển Đông. Hiện tổng công ty đang xúc tiến các bước chuẩn bị cho công tác thu nổ tại Lô 144-145, bể Phú Khánh.
Đã có rất nhiều tấm gương thể hiện phẩm chất yêu nước của “người lính dầu khí” PVEP. Mỗi công trình, mỗi dự án mà PVEP đã và đang thực hiện là nơi chứng minh cho lòng yêu nước của người lính PVEP.
Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho PVEP, nhưng với những gì mà cán bộ, công nhân viên PVEP đã thể hiện ở trên vùng biển của ta thì họ cũng xứng đáng được gọi là “những chiến binh giữ biển”.
2. Mỗi một công trình khai thác dầu khí được hoàn thành và hoạt động có hiệu quả là công lao của rất nhiều người từ rất nhiều ngành khoa học. Có những công trình hoạt động vượt dự tính ban đầu, nhưng cũng có những nơi không được như kỳ vọng… Đó là lẽ thường tình và trong ngành thăm dò khai thác dầu khí - một ngành có tỷ lệ rủi ro vào loại cao nhất trong tất cả các ngành nghề - thì ấy là chuyện đương nhiên.
Nhưng nói đến PVEP mà không nói đến những thành công ở mỏ Đại Hùng và mới đây nhất là mỏ Sông Đốc thì thật là thiếu sót.
Việc PVEP tiếp quản lại mỏ Đại Hùng từ các liên doanh nước ngoài với giá chuyển nhượng… 1 USD là một minh chứng cho trí tuệ của những “chiến binh PVEP”.
Một mỏ dầu khai thác có cấu tạo địa chất phức tạp, sản lượng sụt giảm nhanh so với dự báo. Tiền bán dầu không đủ lấy thu bù chi, chính vì thế mà một công ty nước ngoài đã “bỏ của chạy lấy người” và để khỏi mất tiền dỡ hàng ngàn tấn sắt thép cũ mang đi, rồi dọn sạch đáy biển, họ đã bán lại cho PVEP với giá tượng trưng 1 USD. Nhưng với sự tính toán khoa học, các cán bộ chuyên môn, kỹ thuật của PVEP và của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã “nhìn” thấy ở độ sâu hàng ngàn mét dưới đáy biển “còn dầu”. Và quả nhiên, sau khi nhận lại mỏ, bằng nhiều giải pháp mở rộng mỏ, PVEP đã biến Đại Hùng trở thành “cỗ máy kiếm tiền” cực kỳ hiệu quả. Hồi cuối năm ngoái, khi chuẩn bị đón xuân Giáp Ngọ, tôi được theo lãnh đạo Tập đoàn và PVEP ra chúc tết cán bộ, công nhân viên mỏ Đại Hùng. Mọi thứ ở đây đã nhuốm màu thời gian, điều kiện sinh hoạt và làm việc ở đây cũng không được thực sự thoải mái vì giàn đã “có tuổi”… Ấy vậy mà mỗi ngày giàn vẫn bền bỉ đóng góp cho Tổ quốc gần hơn chục ngàn thùng dầu.
Bữa cơm trưa của những “người lính” PVEP ở giàn khoan PVD-39 tại Lô Juni 2 (Venezuela)
Mỏ Đại Hùng tại bể Nam Côn Sơn được đưa vào khai thác đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài tìm kiếm - thăm dò dầu khí trên hầu hết các bể trầm tích ở Việt Nam. Hiện nay sản lượng khai thác dầu của mỏ Đại Hùng đã đóng góp một phần rất quan trọng vào kết quả sản xuất kinh doanh của PVEP với tiền lãi nhiều trăm triệu USD/năm.
Cách đây ít hôm, tôi được ra mỏ Sông Đốc, một mỏ dầu nằm xa nhất cực Nam của Tổ quốc - cách mũi Cà Mau hơn 200km. Đây cũng là mỏ dầu mới được PVEP hồi sinh, khi mà các nhà thầu nước ngoài không thiết tha gì nữa. Cũng bằng những tính toán khoa học, có những giải pháp hợp lý về kỹ thuật, về quản lý sản xuất, tiết giảm chi phí, mỏ Sông Đốc mỗi ngày cũng cho ngót nghét 3.000 thùng dầu…
Anh em Vietsovpetro và PVEP hay dùng từ khai thác dầu kiểu “mót khoai” - nghĩa là áp dụng các biện pháp kỹ thuật để kéo dài đời mỏ, khai thác chắt chiu từng thùng dầu… Chính vì thế mà ở trên “cánh đồng dầu khí” đang suy giảm trữ lượng, thì chúng ta vẫn “mót” được những thùng dầu rất có ý nghĩa và trên hết là đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trong những năm qua, PVEP đã cùng nhiều nhà thầu khác tìm kiếm - thăm dò thành công nhiều mỏ khác và được đưa vào phát triển sau này, đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng sản lượng khai thác của ngành dầu khí đến hiện nay và các năm tiếp theo, như việc phát hiện ra mỏ Rạng Đông Lô 15-2 được đưa vào khai thác năm 1998, mỏ Hồng Ngọc được đưa vào khai thác năm 1998… Cùng với thành công của Liên doanh Dầu khí Việt Xô tìm thấy dầu trong đá móng nứt nẻ, dầu đã được khai thác ở móng nứt nẻ tại các mỏ Rạng Đông và Hồng Ngọc. Việc áp dụng kỹ thuật mới trong công tác thăm dò và thẩm lượng khai thác dầu ở tầng móng granite nứt nẻ, đã đưa PVEP trở thành công ty có kinh nghiệm khai thác dầu trong tầng móng. Cùng với các nhà thầu, PVEP đã mở rộng thăm dò và khai thác dầu khí trong móng tại hàng loạt các mỏ khác như mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Cá Ngừ Vàng, Diamond… trong các năm sau năm 2000. Bên cạnh đó, PVEP đã cùng Nhà thầu BP phát hiện ra các mỏ khí Lan Tây, Lan Đỏ, cùng Nhà thầu KNOC phát hiện ra mỏ Rồng Đôi, Rồng Đôi Tây (được đưa vào khai thác sau năm 2000) đã góp phần quan trọng đảm bảo nguồn nhiên liệu trong sản xuất điện, đạm, hóa chất...
3. Chắc chắn rằng, PVEP là đơn vị kinh tế đầu tiên của Việt Nam dám “mang chuông đi đánh xứ người”, bởi từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, những người thợ thăm dò, khai thác dầu khí của PVEP đã có mặt ở Algeria; Iraq, Malaysia và sau này là ở trong rừng sâu Amazon của Peru, vùng hoang mạc ở Venezuela…
Tôi đã đến nơi VPEP đang chuẩn bị khai thác dầu ở sa mạc Sahara tại Algeria và tận mắt chứng kiến những cơn bão cát tối mù trời đất. Được biết thế nào là cái nóng hơn 50 độ C và thấy anh em PVEP, PV Drlling đang ngày đêm lao động quần quật ở đây. Rồi được cảm nhận bầu không khí “sặc mùi thuốc nổ” từ các nhóm khủng bố gây ra và được nghe nhiều chuyện mà không nhà văn nào tưởng tượng ra được. Hơn chục năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên của PVEP đã kiên nhẫn chịu đựng đủ mọi thứ khó khăn gian khổ, vượt qua đủ thứ rào cản, sự phức tạp về luật pháp của Algeria để thực hiện cho được khát vọng “tìm dầu làm giầu cho Tổ quốc”.
Tôi cũng đã đến mỏ dầu Pirana nằm trong rừng rậm Amazon của Peru, nơi có “người lính PVEP” đang chịu đựng những cơn mưa rừng thối đất, thối cát; chịu đựng những đàn muỗi bay như ném trấu vào mặt để “đánh tiếng chuông PVEP vang lên khắp vùng Nam Mỹ”.
Rồi ở Lô Juni 2 tại vùng hoang mạc của Venezuela, tôi cũng đã biết thế nào là nỗi nguy hiểm về an ninh đối với anh em PVEP. Nơi mà cướp giật xảy ra như cơm bữa. Nơi mà giá cả leo thang từng ngày và nơi mà anh em sống như bị nhốt trong… nhà giam, bởi bước chân ra đường là có thể gặp nguy hiểm…
Ấy vậy mà chưa có “người lính PVEP” nào thoái chí. Chưa có trường hợp nào “đảo ngũ”. Chả thế mà có lần Tổng giám đốc Đỗ Văn Khạnh đã thốt lên với tôi: “Được làm việc ở PVEP thật là may mắn với tôi. Bởi ở đây là nơi rèn luyện cực kỳ tốt”.
Đón dòng dầu tại mỏ Pirama (Peru)
PVEP luôn tự hào là đơn vị tiên phong của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong hợp tác, hội nhập quốc tế và đầu tư ra nước ngoài. Để đảm bảo an ninh năng lượng cho chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, thực hiện chủ trương của Chính phủ, PVEP đã đặt những bước chân đầu tiên ra nước ngoài từ những năm 90 của thế kỷ trước (PSC Lô PM-304 - Malaysia và tham gia tô nhượng ở một số dự án). Bắt đầu từ việc trao đổi một số phần trăm tham gia các dự án tìm kiếm thăm dò của các công ty dầu khí nước ngoài có hoạt động ở Việt Nam, PVEP dần tiến đến tham gia đấu thầu quốc tế (Lô 433a và 416b-Algeria) và mua tài sản (Lô 67- Peru). Trong các chuyến thăm cấp Nhà nước, Chính phủ đến những vùng lãnh thổ in dấu ấn của PVEP, lãnh đạo cấp cao đều đánh giá cao cố gắng nỗ lực và hiệu quả hoạt động của tổng công ty tại những địa bàn xa xôi, khí hậu khắc nghiệt, nhiều khác biệt về điều kiện kinh tế văn hóa, tổ chức chính trị xã hội và tiềm tàng nhiều ẩn họa về an ninh.
Tới nay, PVEP đã và đang tham gia điều hành và quản lý 20 dự án dầu khí tại 15 quốc gia tại các khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi, Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ, Mỹ Latinh. PVEP hiện đã có trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí từ nước ngoài tại các mỏ Cendor/ lô PM 304, Malaysia, mỏ D30/Lô SK305, Malaysia. Trong năm 2013, PVEP đã đưa mỏ Cendor mở rộng (giai đoạn 2) vào khai thác và tiếp tục thực hiện công tác phát triển để sớm đưa mỏ West Desaru (giai đoạn 3) của Lô PM 304 vào khai thác trong thời gian tới đây.
Mới đây, PVEP đã đón dòng dầu đầu tiên từ dự án trọng điểm Lô 67 - Peru với việc đưa vào khai thác hai mỏ Dorado và Pirana vào tháng 11 và 12-2013. Đồng thời, PVEP đang tập trung nguồn lực cùng đối tác tích cực thúc đẩy dự án mỏ Bir Seba - Algeria với mục tiêu bắt đầu khai thác vào cuối năm 2014.
4. Lẽ đời là “Lịch tận gian nan hảo tác nhân” - Nơi gian khó làm nên người tài giỏi.
PVEP, hay nói xa hơn là nghề thăm dò khai thác dầu khí chính là cái nôi đào tạo nên những nhà lãnh đạo tài ba, những nhà khoa học có kiến thức Thật; có năng lực Thật; có khát vọng Thật.
Ở đâu cũng vậy, môi trường lao động khắc nghiệt, luôn phải đối mặt với khó khăn, gian khổ và áp lực của công việc thì bao giờ cũng sản sinh ra những cán bộ có ý chí, có bản lĩnh, và luôn có sức sáng tạo, đồng thời cũng là nơi tạo được môi trường đoàn kết, tất cả vì việc chung.
Nghề khai thác dầu khí với nghề nhà báo hình như cũng có nét tương đồng. Ấy là nghề không “nói phét” được, là nghề “bánh đúc bày sàng”; “múa võ giữa chợ” - nghĩa là làm được gì, thành quả ra sao, hay hoặc dở… đều phơi bày ra cho thiên hạ thấy. Không thể nói ta là phóng viên giỏi, mà không có một bài báo nào được chú ý. Và dĩ nhiên, cũng không thể nói ta là chuyên gia giỏi, nếu như cứ đi hết thất bại này đến thất bại khác trong tìm kiếm thăm dò khai thác, mặc dù, để có được một giếng khoan “hoàn hảo” phải có sự tham gia của ngót… 60 ngành khoa học khác nhau.
Khó có thể đếm hết được các nhà lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo các đơn vị thành viên qua các thời kỳ mà đã trưởng thành từ “lò… rèn” PVEP. Nói là “nhiều” thì có lẽ chưa đủ. Mà nói “hầu hết” thì có thể ai đó sẽ cho là “hơi quá”, nhưng có lẽ lại đúng hơn.
Mỗi “người lính PVEP” hoàn toàn có thể tự hào về điều đó.
Năm 2009-2010: PVEP đã tiết kệm 23 tỉ đồng chi phí bộ máy do tối ưu vị trí văn phòng, chi phí đi lại, văn phòng phẩm, họp hành, thông tin liên lạc, thuê trụ sở, phương tiện, tối ưu hóa nhân lực và tối ưu 400 triệu USD trong công tác xét duyệt CTCT&NS so với ngân sách Nhà điều hành các dự án đề xuất cùng tiết kiệm từ các sáng kiến, sáng chế
Năm 2011-2012: Tiết kiệm 38 tỉ đồng chi phí quản lý bộ máy và 9,41 triệu USD chi phí nhiên liệu trên các tàu dịch vụ (MGO) cùng tối ưu 230 triệu USD trong công tác xét duyệt CTCT&NS so với ngân sách Nhà điều hành các dự án đề xuất.
Năm 2013: Tiết kiệm 28,7 tỉ đồng chi phí quản lý bộ máy và 32,78 triệu USD trong quá trình triển khai thực hiện CTCT&NS năm 2013 tại 60 dự án dầu khí cùng với tối ưu hàng trăm triệu USD trong kỳ xét duyệt CTCT&NS các dự án.
PVEP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng trong việc nộp ngân sách Nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng đất nước. Từ xuất phát điểm là không có dầu khí, từ khi thành lập đến cuối năm 2013, PVEP đã khai thác trên 47,81 triệu tấn dầu và condensate, 40,37 tỉ mét khối khí, gia tăng trữ lượng 305,52 triệu tấn quy dầu. PVEP đã chuyển đổi thành công mô hình tổ chức quản lý từ hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập, tổng tài sản của PVEP tăng từ 17.385 tỉ đồng năm 2004 lên 133.877 tỉ đồng tính đến hết năm 2013. Vốn chủ sở hữu của PVEP tăng từ 12.113 tỉ đồng năm 2004 lên 73.264 tỉ đồng tính đến hết năm 2013; lực lượng cán bộ, lao động kỹ thuật của PVEP đã thực sự trưởng thành, từng bước làm chủ khoa học công nghệ, đảm nhận tốt những vị trí trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài.
Trải qua chặng đường xây dựng và phát triển, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí đã từng bước trở thành công ty dầu khí quốc tế thực thụ, lớn mạnh vượt bậc về tiềm lực tài chính so với những ngày đầu hoạt động, là đơn vị chủ lực của Tập đoàn trong vai trò công cụ điều tiết vĩ mô của nền kinh tế, góp phần ổn định năng lượng cho đất nước.
- Tổng tài sản tại thời điểm 31-12-2013 là 133.877 tỉ đồng, tăng hơn 7 lần so với năm 2004 là 17.385 tỉ đồng.
- Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31-12-2013 là 73.264 tỉ đồng, tăng hơn 6 lần so với năm 2004 là 12.113 tỉ đồng.
- Doanh thu năm 2013 là 60.751 tỉ đồng, tăng hơn 646 lần so với năm 2004 là 94 tỉ đồng.
- Lợi nhuận sau thuế năm 2013 là 14.732 tỉ đồng, tăng hơn 433 lần so với năm 2004 là 66 tỉ đồng.
- Nộp ngân sách Nhà nước năm 2013 là 18.458 tỉ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2004 là 8.975 tỉ đồng.
Nguyễn Như Phong
Link nội dung: https://vosc.edu.vn/khai-thac-dau-khi-buoc-dau-phat-hien-o-a76309.html