Đuông dừa (hay còn gọi là mọt cọ đỏ, ấu trùng sago) là một dạng ấu trùng sâu của loại họ vò voi, thuộc họ bọ cánh cứng. Chúng thường sinh sống ở các vùng nhiệt đới thuộc châu Á, thường thấy trong cổ hũ dừa, phần thân và nhất là ngọn của cây dừa, cau hoặc đủng đỉnh.
Đuông dừa có hình dạng giống con sâu non, thân mềm nhũn. Khi đuông trưởng thành sẽ có kích thước bằng ngón tay trỏ hoặc có thể lớn hơn. Chúng có chiều dài từ 3cm đến 5cm, toàn thân có màu trắng hoặc vàng nhạt.
Đuông dừa có hình dạng giống con sâu non.
Ở thời kì này thì đuông dừa sẽ mập tròn chứa đầy sữa và mềm nhũn. Thông thường hằng năm cứ vào mùa sinh sản thì chúng giao phối rồi phát triển dần. Đến lúc trứng nở ra ấu trùng và lớn dần lên thì nhờ ngày đêm ăn cổ hũ dừa vừa mềm vừa ngon sẽ làm cho cây dừa đó kiệt sức rồi úa tàn dần đến chết. Chính vì thế người ta hay bổ thân dừa ra để bắt đuông.
Tại Việt Nam, đuông dừa có nhiều tại miền Tây Nam bộ hoặc một số tỉnh miền Trung. Đặc biệt chúng được xem như đặc sản nổi tiếng của vùng sông nước, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Đuông dừa mập tròn chứa đầy sữa và mềm nhũn.
“Loài này thoạt nhìn trông rất ghê, nhiều người không dám ăn, nhất là khi chứng kiến chúng ngọ nguậy trong bát nước mắm ớt. Nhưng ai ăn rồi sẽ mê mệt bởi hương vị béo ngậy, bùi bùi mà không có loại ấu trùng nào có được.
Ngày xưa, chỉ người dân miền Tây mới biết đến món này. Song vài năm trở lại đây, chúng bắt đầu được khách du lịch trong và ngoài nước “đề ý”, sẵn sàng dồn hết can đảm về thưởng thức”, chị Huỳnh Ngọc Hoa (29 tuổi, quê Bến Tre) cho biết.
Hiện nay, chị em nội trợ muốn mua đuông dừa không phải dễ vì tùy vào mùa vụ mà nó không được bán phổ biến như các loài nông sản khác. Chị em có thể mua đuông dừa sống trực tiếp ở các cửa hàng ở miền Tây sông nước hoặc mua loại đông lạnh. Theo đó, đuông dừa to bằng đầu ngón tay cái có giá khoảng 22.000-25.000 đồng/con; đuông dừa đông lạnh có giá khoảng 10.000 - 15.000 đồng/con.
“Với các loại đặc sản khác, chị e nội trợ có thể mua về và chế biến thành các món ăn ngon. Nhưng đuông dừa lại khác, phải được sơ chế tỉ mỉ trước khi chế biến.
Cụ thể, người dân khi thu hoạch đuông dừa thường bắt từng con vì khi cầm quá nhiều sẽ bị chúng cắn nhẹ hoặc gây chết đuông dừa. Sau đó cho tất cả đuông dừa vào một cái rổ đựng.
Đuông dừa ngâm mắm.
Tiếp theo người dân sơ chế đuông dừa cho sạch bằng cách cho hết đuông dừa vào bên trong một cái xô nước sạch khoảng 2 - 3 phút rồi vớt ra. Việc ngâm nước đuông dừa sẽ giúp chúng sạch các vết nhờn còn dính trên thân.
Xong xuôi họ tiếp hàng làm sạch bên trong con đuông dừa: pha một chén rượu trắng hoặc nước muối loãng rồi bỏ đuông dừa vào bên trong khoảng 4 - 5 phút. Lúc này chúng ta sẽ thấy đuông dừa bơi tung tăng trong đó. Nó sẽ giúp những con đuông dừa được làm sạch các chất bẩn bên trong cơ thể rồi đem chế biến thành những món ngon”, chị Hoa nói.
Đuông dừa nướng muối ớt.
Từ đuông dừa có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, như: đuông dừa chấm nước mắm - món ăn quen thuộc của người miền Tây, đuông dừa lăn bột chiên giòn, đuông dừa xiên que nướng, đuông dừa nấu cháo, cuốn bánh tráng, nấu xôi, gỏi… Tất cả đều thơm ngon và hấp dẫn người thưởng thức ngay từ lần đầu tiên.
Link nội dung: https://vosc.edu.vn/duong-dua-song-o-dau-a75619.html