Rủ nhau đi săn nấm mì

Rủ nhau đi săn nấm mì

Cùng nhau chia sẻ một “ổ” nấm mì.

Theo như lời kể của những người chuyên săn nấm, củ mì sau khi đưa vào các nhà máy chế biến sẽ được tách bỏ phần tạp chất bao gồm vỏ, đất còn bám lại, đầu mì (phần dính với gốc) và rễ chót củ không có tinh bột. Tạp chất này qua thời gian hoai mục được tận dụng như một loại phân bón hữu cơ có ích cho cây trồng. Bà con thường gọi hỗn hợp trên là bã mì, hay dùng để bón cho cây cao su bằng cách kéo vào trong lô đổ đống hoặc cào mỏng ra.

Bã mì có nhiều chất xơ, khi gặp phải những điều kiện tự nhiên thuận lợi như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, không bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc diệt cỏ, nấm mì sẽ mọc lên từ đó. Điều này giải thích vì sao không phải vườn cao su nào được bón bã mì cũng có nấm mì. Nấm mì có màu sắc giống như nấm rơm nhưng hình dạng tròn trĩnh hơn, kích thước nhỏ hơn. Chúng thường mọc rải rác từng khóm, mỗi khóm khoảng năm đến mười nấm, khi trưởng thành đỉnh nấm hình nón, phía dưới và thân nấm màu trắng hồng. Nấm mọc trên bã mì đã được cào ra (độ dày khoảng mười phân) phát triển rất tốt, gần bằng nấm rơm. Nhưng nếu mọc trên những chỗ bã còn đổ đống thì nấm sẽ kém phát triển, trường hợp này muốn tìm thấy nấm phải gạt xuống một lớp mặt khoảng năm phân.

Thật ra nấm mì đã được người ta tìm thấy từ nhiều năm trước đó, nhưng ít ai dám ăn vì sợ bị ngộ độc. Có một câu chuyện vui giải thích vì sao gần đây người ta đã dám ăn loại nấm này. Cách nay không lâu, vài công nhân cạo mủ cao su tại một nông trường thuộc ấp 3, xã Suối Dây, huyện Tân Châu trong lúc đang ngồi nhậu thì hết mồi nhắm. Một người trong nhóm bất chợt phát hiện gần đó có con cuốn chiếu đang ăn loại nấm màu đen nhạt, nhìn thoáng qua trông rất giống nấm rơm cỡ nhỏ nhưng lại mọc lên từ lớp bã mì (nên mới có tên gọi là nấm mì). Một người trong nhóm liền suy đoán: “Cuốn chiếu ăn được, chắc người ăn sẽ không sao”. Thế là họ cùng nhau đi nhổ nấm, kết quả thu được khoảng bốn ký.

Sau khi làm sạch, nấm được khèo sơ qua với dầu ăn phi tỏi, sau đó đem nấu cháo. Lúc mới bỏ nấm vào, nồi cháo đã bốc mùi thơm hấp dẫn, cộng thêm chút hạt nêm, ít muối, đường tinh luyện vừa phải, bột ngọt, hành lá, tiêu hạt xay nhuyễn, nhìn thôi cũng đã phát thèm nhưng đến khi mang ra thì… không ai dám ăn vì sợ chết. Mọi người đành chọn giải pháp… cho chó ăn thử trước, nếu sau hai giờ mà chó không có vấn đề gì thì đến lượt người ăn. Thời gian “nhịn thèm” chờ đợi đã qua, con chó vẫn… tỉnh bơ lại còn tỏ ý… đòi ăn thêm. Thế là món ngon được mang đi hâm nóng cho người ăn. Nồi cháo hôm đó hết sạch, lời đồn lan nhanh… Hiện nay muốn săn được một ký nấm mì quả là không dễ dàng.

Theo kinh ghiệm, nấm mì thường mọc lên từ những mảnh vỏ mì to và cuống củ còn sót lại. Trong thực tế, có rất ít loại bã mì còn lại những yếu tố thuận lợi cho nấm phát triển như vậy, vì nhân công thu hoạch củ có xu hướng tinh chọn phần cần lấy. Mặt khác, số người biết đến nấm mì ngày càng nhiều. Chỉ cần phát hiện chỗ nào có nấm thì ai cũng tranh thủ săn phần trước. Trong khi đó, số vườn cao su có bón bã không nhiều. Cách nhanh nhất để biết săn nấm mì ở đâu là liên hệ với người đã chở bã mì đến đó đổ.

Ngày 10.6.2016, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Để ngụ tổ 1, ấp 3, xã Suối Dây, huyện Tân Châu- người chuyên chở thuê bã mì cho các chủ vườn cao su. Rất may, anh Để cũng đang có nhu cầu đi săn nấm. Anh cho hay: “Loại nấm này bà con cũng mới biết có thể ăn được gần đây. Nấm rất thơm ngon, nếu thử xếp hạng các loại nấm trong tự nhiên mà tôi biết thì nấm mì đứng hạng nhì sau nấm mối, kế đến mới là nấm tràm, hạng tư thuộc về nấm tròng gà và trứng ngỗng. Muốn tìm được nhiều nấm mì, nên tranh thủ đi ngay trong đêm nay”.

3 giờ sáng 11.6.2016, anh Để rủ thêm vài người hàng xóm nữa cùng đi săn nấm mì, thằng nhóc con anh cũng đòi theo. Mỗi người chuẩn bị một cây đèn pin, vài túi nylon và một cây đoản nhỏ để vạch lá cao su và bã mì tìm nấm. Một người trong nhóm tự tin kể, mấy đêm trước có mưa chắc chắn đêm nay nấm mì mọc rất nhiều. Cả nhóm phấn khởi, cùng nhau chạy xe về hướng những cánh rừng cao su thuộc ấp 6, xã Suối Ngô. Không ngờ, đến nơi đã thấy có khoảng sáu người đang đội đèn pin chia nhau đi theo lô nhổ nấm từ trước đó. Thấy vậy, anh Để mới dẫn chúng tôi quay ngược trở ra những đám cao su thuộc ấp 7, xã Suối Dây. Đến đây cũng gặp phải tình trạng tương tự. Quyết định không đi nữa, mọi người cùng tiến vào săn nấm mì. Mặc dù khắp nơi đều có dấu của “thợ săn nấm” vào cuộc, thật ra họ vẫn không thể bới kỹ hết hàng trăm đống bã mì.

Như một quy luật ngầm, cùng đi chung nhóm nhưng đến nơi mọi người không cùng đi chung lối. Duy chỉ có thằng nhóc con anh Để, thấy chỗ nào có nấm là la hét inh ỏi gọi người lớn đến để chứng kiến và chia nhau chiến lợi phẩm. Một người hàng xóm của nhóc căn dặn không được dùng tay để gạt bã mì hay lá cao su, vì có thể sẽ đụng phải cây nhọn, miểng chén, rắn, bò cạp và rết. Quan sát kỹ mới thấy mọi người hay ấn nhẹ bàn tay lên khắp đống bã mì rồi mới gạt ra nhổ nấm. Hỏi vì sao phải làm như vậy thì được biết, chỗ nào có hơi nóng nhiều khả năng phía dưới có nấm. Rong ruổi theo các lô cao su đến tám giờ sáng, kết quả mỗi người thu được khoảng hai ký nấm mì.

Vẫn còn quá ít cho một chuyến đi săn, anh Để chợt nhớ ra một điểm khác ở ấp 3, xã Suối Dây, nơi có câu chuyện chó ăn nấm mì mà anh kể trước đó. Cả nhóm lại tiếp tục lên đường thẳng tiến về hướng ấp 3. Vừa đến nơi đã bắt gặp hơn mười người có giỏ xách gần đầy nấm mì, từ trong vườn cao su hướng ra chỗ để xe chuẩn bị về. Xem ra không còn nghi ngờ gì nữa về phong trào khắp nơi đổ xô đi săn nấm mì, kể cả ban đêm. Đã tốn công vượt chặng đường hơn 15km đến đây, cả nhóm đều đồng ý vào “mót” nấm. Nấm ở đây to gần bằng nấm rơm, do bã mì đã được cào ra.

Rủ nhau đi săn nấm mì

Anh Để cùng con tìm nấm.

Gần 12 giờ trưa, anh Để cùng hàng xóm mới về đến nhà, trong giỏ xách của mỗi người đựng khoảng 4kg nấm mì. Do loại nấm này mới được nhiều người rủ nhau đi săn trong năm nay, khách hàng còn chưa quen thuộc, nên giá bán cũng vô chừng. Người biết ăn sẵn sàng bỏ hơn trăm ngàn đồng để mua 1kg nấm mì. Người có nấm chưa biết sẽ định giá ra sao cho hợp lý, đành chọn cách thuận mua vừa bán. Có khách hàng trả giá 60.000 đồng/kg cũng bán luôn, đơn cử như nhóm của anh Để. Riêng chúng tôi thì được đãi một bữa cháo nấm mì thơm ngon, hấp dẫn đến chén cuối cùng. Thiết nghĩ, nguồn tạp chất củ mì hiện đang rất dồi dào, sao không thể nghiên cứu để tận dụng làm kinh tế?

Quốc Sơn

Link nội dung: https://vosc.edu.vn/nam-trong-ga-trung-ngong-a73334.html