Chú ý đến chi tiết là một trong những phẩm chất của ứng viên được nhiều nhà tuyển dụng quan tâm, bất kể ngành nghề hay thâm niên. Tùy thuộc vào loại công việc, họ sẽ đề cập đến kỹ năng này bằng cách sử dụng các từ đồng nghĩa như tỉ mỉ, kỹ lưỡng, chu đáo hoặc tận tâm.

Chia sẻ về lí do ưu tiên người có khả năng chú ý đến chi tiết, chị Lâm Mộng Tuyền, Chuyên viên tuyển dụng cấp cao chia sẻ: “Tôi nhận thấy những nhân viên đặc biệt chú ý đến các chi tiết nhỏ là người có hiệu suất cao nhất. Họ không sống theo triết lý: chỉ cần hoàn thành là được, không cần phải hoàn hảo. Họ không để cho lỗi lầm trôi qua và không hài lòng với công việc dưới mức trung bình. Do đó, chất lượng công việc họ làm cao hơn nhiều so với người thiếu chú ý đến những điều nhỏ bé”.

Hỏi gì để biết ứng viên có kỹ năng chú ý đến chi tiết hay không?

Hơn nữa, người quan tâm đến chi tiết biết giá trị của thời gian và tránh bị xao lãng khi làm việc. Họ cũng linh hoạt và có thể làm việc độc lập hoặc theo nhóm, luôn muốn cải thiện quy trình làm việc, cố gắng làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn và có chất lượng cao hơn. Việc có những người như vậy trong nhóm sẽ mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp nhờ việc tạo ra các quy trình ưu việt hơn và đảm bảo mọi người đều làm việc tốt hơn.

Nếu bạn đang thắc mắc làm sao để biết ứng viên có tính kỹ lưỡng như những gì họ đã nói hay không thì sau đây là câu trả lời dành cho bạn. Chị Mộng Tuyền đã gợi ý một số câu hỏi phỏng vấn giúp bạn đánh giá được mức độ chú ý đến từng chi tiết của ứng viên, đồng thời tiết lộ khả năng của họ về các kỹ năng mềm quan trọng như giao tiếp và niềm đam mê công việc chất lượng cao.

“Khả năng chú ý đến chi tiết sẽ giúp duy trì công việc chất lượng cao và hạn chế những sai sót bất cẩn có thể gây ra tác động tiêu cực.”

Bạn làm gì để đảm bảo công việc của mình không mắc lỗi?

Các ứng viên nếu sở hữu kỹ năng chú ý chi tiết sẽ có nhiều phương pháp đảm bảo chất lượng khác nhau. Một số người có thể sử dụng các công cụ và phần mềm tự động để phát hiện bất kỳ lỗi nhỏ nào, số khác sẽ sử dụng quy trình rà soát và chỉnh sửa nghiêm ngặt, nhiều người sẽ tạo danh sách kiểm tra hay đặt nhiều câu hỏi để làm rõ ngay từ đầu…

“Tùy theo công việc mà mỗi ứng viên sẽ có các lựa chọn khác nhau nhưng điều quan trọng là họ phải cho bạn thấy họ có bí kíp riêng để đảm bảo chất lượng công việc”, chị Mộng Tuyền nhấn mạnh.

Bạn đã bao giờ làm công việc đòi hỏi sự chú ý cao độ đến từng chi tiết chưa?

Theo chị Mộng Tuyền, đây là câu hỏi đặc biệt quan trọng bạn cần hỏi khi phỏng vấn cho một vị trí cần xử lý các giấy tờ quan trọng như tài liệu pháp lý hoặc các ấn phẩm quảng cáo, vì chỉ một sơ suất nhỏ như dấu phẩy thôi cũng có thể gây ra hậu quả khó lòng cứu vãn.

“Cùng với việc nói về các nhiệm vụ đòi hỏi sự tỉ mỉ đã làm trước đây, nếu ứng viên có thể đề cập đến các bài học họ đã rút ra được từ những nhiệm vụ đó thì bạn có thể yên tâm. Họ có đôi mắt cú vọ với kinh nghiệm kiểm tra chi tiết đầy mình đấy”, chị Tuyền khẳng định.

Làm thế nào để bạn quyết định rằng công việc đã hoàn thành và sẵn sàng để gửi đi?

Lí do chị Mộng Tuyền khuyên bạn nên hỏi điều này là vì có một ranh giới mong manh giữa người chú ý chi tiết và người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Bạn nên tuyển ứng viên quan tâm đến chi tiết nhưng không làm giảm năng suất do bị ám ảnh bởi việc sửa chữa mọi thứ và suy nghĩ quá nhiều về nó. Đây là điều bạn sẽ đánh giá được qua câu hỏi này.

Chị phân tích “Ứng viên lý tưởng sẽ tóm tắt các bước hoàn thành cuối cùng của họ, có thể là nhờ người khác xem qua một lượt công việc hay tạm dừng và quay lại với cái nhìn mới mẻ để kiểm tra lại… Dù là gì thì họ cũng cần biết khi nào họ đã hoàn thành và cần dừng lại công việc. Kiểm tra công việc để tránh mắc sai sót là điều cần thiết nhưng không vì thế mà kéo dài thời gian, làm ảnh hưởng đến những người hợp tác cùng”.

Bạn làm gì để đối phó với sự xao nhãng ở nơi làm việc?

Sự xao nhãng khiến việc tập trung vào chi tiết trở nên khó khăn hơn gấp bội nhưng nó lại có mặt ở khắp mọi nơi, từ đồng nghiệp đang nói chuyện, chuông điện thoại, thông báo email hay tin nhắn hoặc thậm chí là tiếng gõ bàn phím lạch cạch… Bất kể là gì đi nữa thì ứng viên chú ý đến chi tiết sẽ biết cách xử lý gọn những kiểu xao nhãng này để đảm bảo công việc được hoàn thành ở mức cao nhất.

Ứng viên của bạn có thể đưa ra bất kỳ ví dụ cụ thể nào về cách họ tránh bị phân tâm không? Họ có kỹ thuật riêng nào không? Chẳng hạn như nghỉ giải lao thường xuyên để duy trì sự tập trung hoặc tắt thông báo email và tin nhắn trò chuyện, đóng bớt các tab không cần thiết hay cài đặt khoảng thời gian tập trung và không dừng lại cho đến khi kết thúc khoảng thời gian đó. Một số người thích nghe podcast hoặc một số bản nhạc nhất định trong khi tập trung vào nhiệm vụ và điều đó không sao cả nếu nó giúp họ duy trì mức độ chú ý và tập trung cần thiết. “Điều bạn cần tìm là ứng viên có biết điều gì phù hợp với họ và có thể trình bày rõ ràng cách họ duy trì một môi trường làm việc không bị phân tâm hay không”, chị Tuyền lưu ý.

Có bao giờ bạn phát hiện ra đồng nghiệp hoặc cấp trên mắc sai sót chưa và bạn ứng xử thế nào?

“Đây là một câu hỏi hay vì nó kết hợp sự chú ý đến chi tiết và kỹ năng giao tiếp, hai thuộc tính rất quan trọng cần đánh giá khi tuyển dụng”, chị Tuyền nhận xét. Bạn cần chọn ứng viên chú trọng đến chi tiết nhưng vẫn là một thành viên tôn trọng nhóm và đưa ra phản hồi một cách tử tế.

Không ai muốn làm việc cùng người chú trọng chi tiết đến mức cầu toàn tiêu cực, luôn cằn nhằn về những lỗi nhỏ nhặt hay trái lại, thấy lỗi nhưng lẳng lặng cho qua vì sợ nhắc nhở sẽ làm mất lòng.

Nếu ứng viên giải thích rằng họ sẽ lưu ý về lỗi sai một cách lịch sự và riêng tư, thậm chí đề nghị giúp sửa lỗi hoặc giải thích lỗi đó là gì nếu đó không phải là lỗi rõ ràng như lỗi đánh máy hoặc chính tả, thì đó chính là người đầy triển vọng đấy.

Nếu hỏi những câu hỏi này trong buổi phỏng vấn, bạn sẽ biết được liệu ứng viên có con mắt chú ý đến chi tiết hay không. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các phương pháp khác để xác định trước đặc điểm tính cách này, như xem xét kỹ hơn các chi tiết trong CV, thư xin việc và portfolio của họ.

Bạn cũng có thể biết liệu họ có phải là những ứng viên có chú ý đến chi tiết hay không bằng cách đánh giá hành vi chung của họ trong cuộc phỏng vấn. Nếu họ ý thức hơn về ngoại hình và cách cư xử thì đây là một dấu hiệu tích cực. Tương tự như vậy, việc đến phỏng vấn đúng giờ và thể hiện kỹ năng lắng nghe cũng là những tín hiệu tốt.

Vân Phạm

Link nội dung: https://vosc.edu.vn/hay-hoi-de-biet-a71168.html