Học E-learning như thế nào?

E-Learning là gì?

Học tập trực tuyến (hay còn gọi là eLearning/ online learning) là phương thức học tập có sử dụng kết nối mạng để phục vụ học tập, lấy tài liệu học, trao đổi giao tiếp giữa người học với nhau và với giảng viên.

Ưu điểm đối với người học

1. Học tập mọi lúc, mọi nơi: Việc trao đổi thông tin, truyền đạt kiến thức theo yêu cầu. Sinh viên có thể truy cập các khoá học bất kỳ nơi đâu như văn phòng làm việc, tại nhà, tại những điểm Internet công cộng, 24 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.

2. Tiết kiệm chi phí đi lại. Sinh viên chỉ bắt buộc phải đi thi tập trung tại địa điểm của nhà trường.

3. Tiết kiệm thời gian so với phương thức giảng dạy truyền thống: do rút giảm sự phân tán và thời gian đi lại.

4. Linh hoạt: Sinh viên có thể đăng ký bao nhiêu khóa học mà việc học cần, có thể tự điều chỉnh thời gian, tốc độ học theo khả năng và có thể tự tham khảo, nghiên cứu thêm thông qua các nguồn tài liệu được hướng dẫn tham khảo.

5. Được hỗ trợ: Với hệ thống công nghệ eLearning, sinh viên dễ dàng theo dõi tiến độ học tập, kết quả học tập, được hỗ trợ giải đáp thông tin kịp thời.

Học E-Learning tại Trường Đại học Mở Hà Nội như thế nào?

Phương pháp học E-Learning

Sinh viên sau khi làm thủ tục nhập học sẽ được cấp tài khoản học tập. Sinh viên được hướng dẫn cách đăng nhập và học tập trên hệ thống đào tạo trực tuyến của nhà trường.

Trước khi học các học phần trong chương trình đào tạo, sinh viên cần tham gia học các môn Nhập môn Internet và E-learning , Phát triển kỹ năng cá nhân 1 và Phát triển kỹ năng cá nhân 2.

Khi tham gia các học phần trong chương trình đào tạo, sinh viên tham gia các hoạt động học tập sau:

(1) Học với bài giảng điện tử, học liệu: Sinh viên tự học, tự nghiên cứu theo bài giảng điện tử, học liệu trên hệ thống, sách/giáo trình in ấn và tài liệu tham khảo. Sinh viên sử dụng máy tính kết nối mạng chủ động học tập.

(2) Học trên lớp học trực tuyến (Vclass): Sinh viên theo dõi lịch học để tham gia đầy đủ, đúng giờ. Tại lớp học trực tuyến (Vclass), giảng viên ôn tập, tổng hợp hoặc bổ sung kiến thức cần thiết cho sinh viên. Sinh viên và giảng viên có thể trao đổi, thảo luận tương tác, hỏi đáp về kiến thức học phần.

(3) Thảo luận/trao đổi giải đáp thắc mắc: Sinh viên thảo luận, trao đổi với giảng viên và thảo luận với nhau trên Diễn đàn thảo luận lớp môn hoặc tại các buổi học trực tuyến trên mạng (VClass). Sinh viên có thể đặt câu hỏi trên Diễn đàn và nhận được câu trả lời trong thời gian 48 giờ, chậm nhất 72 giờ. Sinh viên lưu ý: cần tích cực tham gia Diễn đàn thảo luận lớp môn trong suốt quá trình học tập để trao đổi, thảo luận, tiếp nhận từ giảng viên các bài tập, tài liệu bổ trợ; tham gia đầy đủ các buổi chuyên đề, các buổi học Vclass để ôn tập kiến thức đã học, trao đổi thảo luận với giảng viên và cập nhật các nội dung kiến thức mới.

(4) Làm bài tập, thực hành: Mỗi học phần có các bài tập, các video hướng dẫn thực hành (tùy theo học phần) để sinh viên luyện tập, thực hành. Các bài luyện tập chủ yếu theo hình thức trắc nghiệm. Đối với các học phần thực hành, sinh viên được yêu cầu nộp sản phẩm. Tùy theo yêu cầu của từng học phần, việc đánh giá quá trình học tập của sinh viên dựa trên các hình thức: học trên hệ thống, làm bài luyện tập trắc nghiệm, tham gia lớp học trực tuyến (Vclass), tham gia Diễn đàn thảo luận lớp môn.

(5) Kiểm tra đánh giá, thi kết thúc học phần: Mỗi học phần có các bài kiểm tra sinh viên cần phải hoàn thành để tính điểm kiểm tra. Tùy theo học phần, bài kiểm tra có các hình thức sau: trắc nghiệm, tự luận, bài tập nhóm, bài tập kỹ năng, bài kiểm tra trên lớp… Các yêu cầu và thời hạn hoàn thành các bài tập, kiểm tra được thông tin trên Kế hoạch học tập lớp môn ngay từ khi bắt đầu lớp môn. Sinh viên lưu ý: chủ động sắp xếp thời gian và hoàn thành các bài tập trên hệ thống đúng thời hạn (hệ thống sẽ đóng sau khi kết thúc thời hạn nộp bài để ghi nhận điểm; hệ thống tự động ghi nhận điểm bài trắc nghiệm sinh viên, giảng viên sẽ chấm trực tiếp trên hệ thống đối với bài tự luận, bài tập nhóm, bài tập kỹ năng).

Trong quá trình học, sinh viên có nhu cầu học tập trung có thể đăng ký thông qua CVHT để nhà trường bố trí tổ chức lớp.

Thi kết thúc học phần:

Các hình thức thi: tập trung tại Trạm đào tạo (làm bài thi trắc nghiệm, tự luận, vấn đáp trực tiếp); nộp sản phẩm, báo cáo (bài tập lớn/tiểu luận/thực tập); vấn đáp trực tuyến. Hình thức thi, thời gian dự kiến thi/nộp sản phẩm, báo cáo được thông báo trên Kế hoạch học tập lớp môn. Trước ngày thi 01 tuần, sinh viên được thông báo lịch thi cụ thể cho từng học phần/môn học và danh sách dự thi. Sinh viên có thể ôn tập về môn học với các tài liệu ôn tập trên hệ thống và tham gia ôn tập tại buổi Vclass. Lưu ý: Ngân hàng đề thi độc lập với ngân hàng câu hỏi luyện tập, kiểm tra. Nội dung kiến thức câu hỏi thi trong phạm vi kiến thức đã học mà học liệu và giảng viên đã cung cấp.

Điều kiện dự thi kết thúc học phần:

- Sinh viên đủ điều kiện học tập (hồ sơ, quyết định trúng tuyển, quyết định công nhận sinh viên)

- Sinh viên hoàn thành nhiệm vụ học tập và điều kiện dự thi theo yêu cầu trên Kế hoạch học tập lớp môn;

- Học phần thi đảm bảo điều kiện tiên quyết;

- Nộp đầy đủ học phí theo thời gian quy định.

Đánh giá kết quả học tập:

Kết quả học tập của sinh viên (điểm tổng kết học phần) được đánh giá qua các điểm thành phần gồm: điểm quá trình, điểm kiểm tra và điểm thi kết thúc học phần. Cách tính điểm của từng học phần được hướng dẫn tại Kế hoạch học tập lớp môn.

Cách đánh giá kết quả học tập:

Kết quả học tập của sinh viên (điểm tổng kết học phần) được đánh giá qua các điểm thành phần gồm: điểm quá trình, điểm kiểm tra và điểm thi kết thúc học phần. Điểm thi kết thúc học phần được tính tùy theo yêu cầu của mỗi môn học (thông tin trên Kế hoạch học tập lớp môn).

Theo quy định 1818/QĐ-ĐHM ngày 10/5/2024 của Hiệu trưởng Trường ĐH Mở HN. Sinh viên có điểm tổng kết không đạt (điểm F) sẽ phải học lại học phần. Để hạn chế học lại, sinh viên cần tích cực học tập hơn, đồng thời lưu ý điều chỉnh đăng ký kế hoạch học tập nếu không đủ khả năng hoặc điều kiện hoàn thành.

Tốt nghiệp:

Điều kiện xét tốt nghiệp:

Hội đồng xét tốt nghiệp của nhà trường sẽ ra quyết định công nhận tốt nghiệp cho sinh viên đủ điều kiện. Danh sách sinh viên tốt nghiệp được đăng tải trên website của Trung tâm để sinh viên tra cứu.

Từ 01/03/2020, Nhà trường áp dụng theo Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT ngày 30/12/2019 của Bộ GD&ĐT quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng đại học, hình thức đào tạo ghi tại phụ lục văn bằng, không ghi trên văn bằng.

Các hỗ trợ và dịch vụ dành cho sinh viên

Cố vấn học tập:

Cố vấn học tập lớp hành chính có nhiệm vụ:

a. Tư vấn và hướng dẫn sinh viên trong quá trình học tập:

b. Theo dõi quá trình học tập của sinh viên:

Cố vấn học tập lớp học phần có nhiệm vụ:

Thông tin liên lạc của Cố vấn học tập được thông báo tại mỗi lớp môn trên hệ thống.

Học liệu và môi trường học tập trực tuyến:

Với tài khoản học tập của mình, sinh viên được truy cập vào hệ thống học trực tuyến để tham gia học tập các học phần theo kế hoạch học tập đã đăng ký.

Hướng dẫn học - Bài giảng điện tử (bài giảng đa phương tiện)

đại học trực tuyến

Tài liệu học tập - Bài giảng phiên bản audio

Bài giảng video - Bài giảng ghi lại trên lớp học trực tuyến (Virtual classroom)

Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến - Bài tập tự luận, bài tập nhóm, bài tập kỹ năng - Giáo trình in ấn (sinh viên đăng ký mua)

Môi trường học tập trực tuyến gồm có thành phần sau:

Lớp học trực tuyến đăng tải các nội dung học tập (học liệu), nhiệm vụ học tập

Diễn đàn trên mạng để trao đổi, thảo luận với giảng viên và các bạn trong lớp

Lớp học trực tuyến đồng bộ VClass theo lịch học

Các hình thức hỗ trợ kỹ thuật: hệ thống H113, điện thoại, thư điện tử (email), tin nhắn

Trang web thông tin http://elc.ehou.edu.vn

Môi trường học tập trực tuyến được xây dựng trên hạ tầng công nghệ đào tạo e-learning đảm bảo đầy đủ các yêu cầu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (theo Thông tư 12/2016 /TT-BGDĐ T ngày 22/4/2016).

Quản lý sinh viên:

Cung cấp và hỗ trợ thông tin

Từ khi đăng ký đến khi vào học, sinh viên được cung cấp, tư vấn và hỗ trợ đầy đủ thông tin liên quan đến khoá học và việc học tập.

Sinh viên được thông báo đầy đủ, kịp thời các thông tin về lớp học, nhiệm vụ học tập, về kế hoạch, lịch học tập và thi hết môn, các thông báo… Sinh viên được giải đáp các thắc mắc (trong thời hạn chậm nhất 72 giờ) về kiến thức chuyên môn, thủ tục giáo vụ và vấn đề kỹ thuật. Sinh viên được cung cấp các công cụ để trao đổi và học tập như Diễn đàn thảo luận lớp môn, Hệ thống hỗ trợ H113, thư điện tử, tin nhắn, thông báo trên hệ thống.

Hỗ trợ kỹ thuật

Trước khi bắt đầu học các học phần trong chương trình, sinh viên được trực tiếp cán bộ hỗ trợ kỹ thuật hướng dẫn:

Trong quá trình học tập, sinh viên được hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên qua các hình thức: email, điện thoại, hệ thống hỗ trợ H113 online…

Giải quyết các thủ tục hành chính

Sinh viên đăng ký kế hoạch học tập vào đầu khoá học và trước mỗi kỳ học, nộp cho Cố vấn học tập (lớp hành chính).

Sinh viên được giải quyết các thủ tục hành chính: chuyển lớp, chuyển ngành học, đăng ký xét miễn học phần, xác nhận sinh viên, bảo lưu kết quả học tập, tiếp tục theo học, hoãn thi, đăng ký ngành học thứ hai, chuyển đổi phương thức học tập, … (sinh viên làm đơn theo mẫu đơn của Nhà trường - trên website và nộp cho Cố vấn học tập) sau 01 tuần đăng ký.

Chuyển đổi phương thức học tập

Trung tâm Đào tạo Trực tuyến tiếp nhận các sinh viên học tập theo phương thức từ xa truyền thống, sinh viên học các hệ đào tạo chính quy, vừa làm vừa học chuyển sang học theo phương thức E-learning.

Thủ tục: Sinh viên làm đơn xin chuyển đổi phương thức, loại hình học tập (mẫu tại website https://elc.ehou.edu.vn), có xác nhận của nơi đang học, kèm theo quyết định đầu vào, bảng điểm xác nhận các môn đã học (để được chuyển đổi, công nhận) và các giấy tờ liên quan đến quá trình học tập.

Link nội dung: https://vosc.edu.vn/hoc-truc-tuyen-a70533.html