Ngày 17-6-1929: Tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 17-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 17-6

Sự kiện trong nước

- Ngày 17-6-1929, hơn 20 đại biểu các tổ chức cơ sở đảng ở miền Bắc đã họp ở ngôi nhà số 312 phố Khâm Thiên - Hà Nội, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng; quyết định xuất bản Báo Búa Liềm - cơ quan ngôn luận của Đảng - và cử ra Ban Chấp hành Trung ương của Đảng.

Ngôi nhà số 312 phố Khâm Thiên - Hà Nội, nơi ra đời của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 17-6-1929. Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Sự ra đời của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng đã đáp ứng xu thế tất yếu của lịch sử cách mạng Việt Nam, thúc đẩy phong trào cộng sản trong nước phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho việc ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930.

- Ngày 17-6-1930, Nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp đưa lên đoạn đầu đài ở Yên Bái xử tử. Nguyễn Thái Học sinh ngày 1-12-1902 tại làng Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là nhà cách mạng chủ trương dùng vũ lực lật đổ chính quyền thực dân Pháp, giành độc lập cho Việt Nam. Ông là một trong số những người sáng lập Việt Nam Quốc dân Đảng năm 1927 và người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930.

- Ngày 17-6-1976, đơn vị An ninh vũ trang An Giang, tiền thân của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang ngày nay, được thành lập. Đứng chân trên địa bàn biên giới giáp ranh với Campuchia, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã sát cánh cùng với quân và dân tỉnh An Giang bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, xây dựng mối đoàn kết quân dân gắn bó và thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng trong những năm qua.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 17-6-1631, Hoàng hậu Mumtaz Mahal, vợ của Hoàng đế Shah Jahan của Vương triều Mogul, qua đời trong khi sinh nở. Để tưởng nhớ bà, Hoàng đế Shah Jahan đã cho xây dựng Lăng mộ Taj Mahal, nơi mà giờ đây đã trở thành một trong bảy kỳ quan của thế giới và một địa điểm du lịch nổi tiếng tại Ấn Độ.

Lăng mộ Taj Mahal. Ảnh: Capricorn Studio/Shutterstock

- Ngày 17-6-1944, Iceland tuyên bố trở thành nước cộng hòa độc lập, tách khỏi Liên minh Iceland-Đan Mạch vốn đã tồn tại từ năm 1918.

- Ngày 17-6-1972, năm đối tượng đột nhập vào văn phòng của Đảng Dân chủ tại Khách sạn Watergate ở thủ đô Washington, Mỹ. Sự kiện này khơi mào cho vụ bê bối “Watergate”, một trong những cuộc khủng hoảng chính trị mang tính biểu tượng trong lịch sử chính trường nước Mỹ kéo dài từ năm 1972 đến năm 1974. “Watergate” bao gồm các hoạt động bí mật và bất hợp pháp như nghe trộm văn phòng của các đối thủ chính trị, sử dụng FBI, CIA và Sở Thuế vụ làm vũ khí chính trị..., do chính quyền Tổng thống Nixon thực hiện. Vụ việc này kết thúc với việc Tổng thống Nixon phải từ chức vào năm 1974.

Cựu Tổng thống Nixon vẫy chào trước khi lên chuyên cơ Marine One để rời Nhà Trắng vào ngày 9-8-1974, một ngày sau khi ông tuyên bố từ chức do áp lực từ vụ bê bối "Watergate". Ảnh: CNN

Theo dấu chân Người

- Ngày 17-6-1924, tại Moscow, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản với tư cách là đại biểu tư vấn, là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp nhưng cũng là người Việt Nam đầu tiên tham dự đại diện cho các dân tộc thuộc địa. Đại hội có sự tham dự của 504 đại biểu đến từ 49 Đảng Cộng sản và Đảng công nhân thay mặt cho 1.319.000 đảng viên cộng sản trên toàn thế giới và 10 tổ chức quốc tế. Trước khi Tổng bí thư của Quốc tế Cộng sản V.Côlarốp đọc nghị quyết và lời kêu gọi của Đại hội, đại biểu Nguyễn Ái Quốc nêu câu hỏi: “Tôi muốn biết đại hội có gửi lời kêu gọi đặc biệt đến các nước thuộc địa không?”. Sau khi nghe V.Côlarốp giải thích rằng: “Trong chương trình của đại hội đã có nêu vấn đề thuộc địa, vấn đề các nước phương Đông, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, tất cả các đại biểu đều có thể phát biểu thêm về vấn đề trên”. Nguyễn Ái Quốc đề nghị: “Trước khi biểu quyết thông qua lời kêu gọi, tôi đề nghị bổ sung thêm mấy chữ: Gửi các dân tộc các nước thuộc địa”. Đề nghị của Nguyễn Ái Quốc đã được Đại hội nhất trí tán thành.

Nguyễn Ái Quốc (hàng đầu, thứ nhất từ trái qua) chụp ảnh chung cùng với một số đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5. Ảnh tư liệu: hochiminh.vn

- Ngày 17-6-1947, tại Tân Trào, Bác chủ trì Hội đồng Chính phủ kỷ niệm 6 tháng tiến hành toàn quốc kháng chiến và nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo về tình hình hoạt động quân sự. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh thành lập Trường Ngoại ngữ nhằm mục đích đào tạo cán bộ cho công tác đối ngoại của công cuộc kháng chiến.

- Ngày 17-6-1956, Báo Nhân Dân đăng bài “Bình dân học vụ” của Bác biểu dương: “…tính đến tháng 5, cả miền Bắc đã có ngót 1.715.000 người đi học, từ các lớp i. t. đến các lớp bổ túc cấp 2. Có thành tích ấy là vì nhân dân ta hiểu thấu rằng: bất kỳ làm nghề gì, nếu không biết chữ thì khó tiến bộ, cho nên nhiều người cố gắng đi học. Từ thành thị đến thôn quê, ở các đường phố, các nhà máy, các công trường, các chợ búa... khắp nơi có lớp học. Già, trẻ, gái, trai, ai chưa biết chữ đều tìm cách vượt khó khăn để đi học. Buổi sáng, buổi trưa, buổi tối, đến đâu cũng nghe tiếng học. Thật là một phong trào sôi nổi, một cảnh tượng tưng bừng của một dân tộc quyết rời bỏ chỗ tối, bước lên chỗ sáng... Một dân tộc siêng làm, ham học như thế, thì làm việc gì cũng thành công!... chúng ta nhất định tiêu diệt giặc dốt trong thời gian đã định”.

- Ngày 17-6-1958, Bác đã ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đã xóa xong nạn mù chữ trước thời hạn quy định và sớm nhất trong các huyện ở miền Bắc.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa”.

Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi làm việc với đội ngũ cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương vào ngày 17-6-1968 về việc xuất bản cuốn sách “Người tốt, việc tốt” nhằm tuyên truyền, nêu gương những nhân tố tích cực, những cách ứng xử đúng đắn. Người đã dặn: Hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa III ngày 20-5-1968. Ảnh: hochiminh.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định giá trị, bản chất cách mạng, khoa học, tính nhân văn, nhân đạo của Chủ nghĩa Mác - Lênin mà mỗi người nói chung, cán bộ, đảng viên Ban Tuyên huấn Trung ương nói riêng phải ra sức học tập để không ngừng nâng cao trình độ nhận thức, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào quá trình công tác, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trong bối cảnh đất nước ta đang có nhiều sự đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đang ngày càng được nâng lên, lời dạy “Hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong công tác giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên; là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận, đi đôi với việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo và giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng, Bác Hồ sáng lập, giáo dục và rèn luyện, là đội quân luôn quyết chiến, quyết thắng. Một trong những nhân tố để tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù, đó chính là quân đội ta luôn thấm nhuần Chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội; được nhân dân tin yêu, đùm bọc, chở che, giúp đỡ; không ngại gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải ra sức học tập lý luận chính trị, quân sự, chuyên môn nghiệp vụ; tích cực huấn luyện, rèn luyện, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng vào thực hiện chức trách, nhiệm vụ; tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, thương yêu, quý trọng đồng chí, đồng đội, đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ với nhau trên tình thương yêu giai cấp ở mọi lúc, mọi nơi, xứng đáng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ mà Đảng, Nhà nước, và nhân dân trao tặng.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 17-6-1992.

Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 17-6-1992 đăng bài viết “Nơi năm xưa Bác Hồ căn dặn: Các chú tàn nhưng không phế” kể lại câu chuyện kỷ niệm Bác Hồ về thăm Khu điều dưỡng thương binh hỏng mắt thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vào năm 1956.

Trong buổi gặp gỡ với các thương binh, Bác đã căn dặn: “Các chú tàn những không phế” như một lời động viên các thương binh, bệnh binh vượt lên hoàn cảnh, đóng góp công sức và trí tuệ để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

TRUNG THÀNH (tổng hợp)

Link nội dung: https://vosc.edu.vn/boi-canh-nao-dan-toi-su-xuat-hien-cua-cac-to-chuc-cong-san-o-viet-nam-nam-1929-a66877.html