Phan Hưng Nhơn
Đến ngày nay, những tài liệu dân tộc học, ngôn ngữ học, khảo cổ học đều xác nhận rằng Tổ Tiên người Việt Nam đã hiện diện hàng thiên niên kỷ trước Tây lịch trên lãnh thổ mà ngày nay được gọi là Bắc phần Việt Nam. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có gốc nguồn xa xưa nhất trên hoàn cầu. Tiếng nói của người Việt Nam đã được hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm gắn liền với lịch sử dân tộc. Nhờ được sinh sống trên đất Tổ, người Việt Nam ngày xưa đã có thể hình thành được một ngữ hệ dân tộc vững chắc, hòng sau đó tuy bị gần ngàn năm Bắc thuộc, vẫn bảo tồn được tiếng nói của mình.
Những di tích và di vật phát hiện được đã xác nhận Tổ Tiên người Việt từng tạo nên được các nền văn hóa huy hoàng một thời từng sáng chói khắp Đông Nam Á. Một nền văn minh nào đó đã được gọi là, văn minh không thể thiếu yếu tố chữ viết, để lưu lại những tâm tư, kiến thức hay hoạt động của người thời đó. Tìm hiểu về Tổ Tiên, nhiều người đã phân vân muốn biết tiếng nói và chữ viết, qua các cuộc thăng trầm của lịch sử dân tộc đã được hình thành và biến chuyển như thế nào?
I.- TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜi VIỆT NAM
Sử liệu chính xác cũng như những thư liệu khoa học mới đều đã minh định rằng dân tộc mà ngày nay được gọi là dân tộc Việt Nam, chính là hậu duệ của dân KEO ngày xưa từng cư trú lâu đời ở Bắc Việt Nam. Tài liệu khảo cổ xác nhận rằng từ thời đại đá mới đã cộng cư trên lãnh thổ Bắc Phần Việt Nam nhiều loại hình nhân chủng mà chủ yếu là hai loại Indonésien-cổ và Australomélanésien: hai thành tố nhân chủng cơ bản hình thành dân KEO. Dân KEO đã cư trú lâu đời ở lưu vực sông Mã cùng vùng trung du và đồng bằng Bắc Việt từ những thời xa xưa của lịch sử. Vết tích cư trú của họ đã được các nhà khảo cổ ngày nay phát hiện rất nhiều ở những khu vực này.
Khi người Việt Nam đã có một nguồn gốc dân tộc lâu đời như thế, tất nhiên tiếng nói của họ cũng có nguồn gốc xa xưa không kém. Hiện nay các nhà ngôn ngữ học khắp thế giới hiện đều có cùng ý niệm rằng cư dân nói tiếng MônKhmer, vào những thiên niên kỷ trước Tây lịch đã cư trú đông đúc ở miền Đông Bắc Đông Dương cũ. Từ năm 1852, nhà ngôn ngữ học Logan, trong sách Ethnology of the Indopacifik Island, Journal of the Indian atchipelao II, trang 658, cho rằng tiếng Việt Nam cùng họ hàng với tiếng Môn-Khmer. Năm 1852, J.F.S: Forbes, trong sách Comparative of the languages of Furter India, trang 11, cũng đã nêu lên sự đồng nhất giữa ngôn ngữ Việt và Môn-Khmer.
Trong quyển Les Langues du monde, nhà Đông phương học Henri Maspéro nói tiếng Việt Nam có nhiều liên quan với tiếng Thái. Theo ông, tuy tiếng Việt quả có thật có nhiều từ gốc Môn-Khmer nhưng không có hệ thống đầy đủ và tất cả đều được xen vào một số lớn từ mà nguồn gốc là Thái. Maspéro cho rằng tiếng Việt Nam và tiếng Thái đều có hệ thống thanh điệu trong khi tiếng Môn-Khmer không có và tiếng Việt Nam và tiếng Thái giống nhau trong việc dùng từ CON và CÁI để chỉ những vật hoạt động và không hoạt động. Ông Maspéro kết luận rằng ngôn ngữ tiền Việt Nam đã xuất hiện do kết quả của một ngôn ngữ Môn-Khmer, một ngôn ngữ Thái và một ngôn ngữ thứ ba hiện nay chưa biết được, nhưng ngôn ngữ có ảnh hưởng chủ đạo vẫn là ngôn ngữ Thái.
Trong sách The Journal of the Royal asiatic society, ở trang 427, ông C.O. Blagden tỏ vẻ nghi ngờ lề lối của Henri Maspéro trong lập luận dựa vào thanh điệu để sắp hạng ngôn ngữ. Trong sách Les Langues du mondes của ông, ở trang 398, ông Przyluski cũng nói lập luận của Maspéro chưa có cơ sở và sắp tiếng Việt vào dòng họ các ngôn ngữ tộc Nam Á. Năm 1953 trong Bulletin de la société de linguistique de Paris, ông A.G. Haudricourt bác bỏ hẳn quan điểm của Maspéro và mạnh mẽ chứng minh những mối liên hệ giữa tiếng Việt Nam và ngữ tộc Nam Á. Năm 1958, trong thuyết trình của ông, ông Andrewnoi chủ trương rằng tiếng Việt Nam thuộc ngữ tộc Nam đảo. Nói tóm lại nếu dựa theo các lập luận trên đây, có thể có hai quan điểm:
1- Nên xếp tiếng Việt Nam vào ngữ hệ Thái.
2- Tiếng Việt Nam có liên hệ với các ngôn ngữ Nam Á vì thuộc ngữ tộc Nam Á hay Nam đảo. Những nhà ngôn ngữ học từng chủ trương tiếng Việt Nam thuộc ngữ tộc Nam Á còn nói thêm rằng về mặt từ cơ bản, tiếng Việt Nam có nhiều liên quan mật thiết với các ngôn ngữ Nam Á và các từ ấy đều có một hệ thống chặt chẽ. Ví dụ như về hệ thống số đếm:
Tiếng Việt Nam cũng như tiếng Môn-Khmer đều cùng có tiền-từ trung-từ nhưng cũng cùng không có hậu-từ. Tài liệu nhân loại học từng cho biết người Việt Nam cũng như người Thái cùng các bộ tộc ở Nam đảo đều có liên quan đến chủng tộc Indonésien-cổ, cho nên thiết nghĩ sự liên quan mật thiết về ngôn ngữ đã bắt nguồn từ sự xuất phát từ một nguồn gốc chung từ những thời xa xưa của lịch sử.
Một số học giả chịu nặng ảnh hưởng của Hán nho, cho rằng tiếng Việt cùng một nguồn gốc với tiếng Trung Hoa. Đó là một sai lầm lớn lao. Sử liệu về thời Thái thú Sĩ Nhiếp cũng như thời Mã Viện đều chứng minh người Việt Nam xưa không cùng ngôn ngữ với các dân tộc ở về phương Bắc nước mình. Trong sách TIỀN HÁN THƯ có kể chuyện: „đời Đào Đường có sứ bộ xứ Việt Thường ở phương Nam tới triều với NHIỀU NGƯỜI THÔNG DỊCH. Họ biếu con rùa thần… Nếu quả thật cùng một ngôn ngữ thì đâu phải cần đem theo nhiều thông dịch viên. Dầu phải công nhận rằng sau gần ngàn năm Bắc thuộc, có nhập vào ngôn ngữ Việt thêm một số từ gốc Hán nhưng không thể vì thế mà nói rằng tiếng Việt Nam có cùng nguồn gốc với ngôn ngữ Hán. Nhất là khi ngữ pháp của hai ngôn ngữ lại quá khác biệt. Ví dụ: trong tiếng Việt hình-dung-từ khi nào cũng đứng sau danh-từ chớ không đứng trước như ngôn ngữ Trung Hoa. Nếu người Việt Nam nói con ngựa trắng, cái áo xanh, ông Mạnh, thành Hà Nội; thì người Trung Hoa nói bạch mã, thanh y, Mạnh tiên sinh, Hà Nội thành.
Như thế sau gần ngàn năm Bắc thuộc, tiếng Việt Nam đã hội nhập thêm một số từ Hán, để làm cho tiếng Việt Nam được phong phú hơn. Những ảnh hưởng chủ đạo đã cấu thành hình thái của tiếng Việt Nam đã được ổn định từ lâu trước thời tiếp xúc với Trung Hoa. Nhờ vào vốn liếng bền vững về ngôn ngữ đó mà sau này sau gần ngàn năm bị đô hộ, ngôn ngữ Việt Nam chẳng những không bị tiêu diệt, trái lại còn phong phú thêm hơn. Tiếng nói còn thì dân tộc còn. Trong khi hàng trăm bộ lạc hay tiểu quốc ở phía Bắc nước Âu Lạc đều bị đồng hóa hết thì dân tộc Việt Nam vẫn bảo vệ được tiếng nói đặc thù của mình, một phần nhờ tiếng nói của dân tộc Việt Nam đã được ổn định lâu từ trước do sự thể Tổ Tiên người Việt đã cư trú lâu đời trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam từ những thời xa xưa của lịch sử.
SỰ BIẾN ĐỔI CỦA TIẾNG VIỆT QUA CÁC THỜI ĐẠI
Nếu có một phép lạ nào làm cho một người Việt Nam ngày nay gặp được người Việt thời cổ nói chuyện thì chắc chắn người Việt Nam ngày nay sẽ không hiểu tiền nhân mình muốn nói gì. Sở dĩ có tình trạng đó là do tiếng nói của dân tộc đã biến đổi quá nhiều qua các thời đại và chính nhờ những biến đổi đó mà tiếng Việt đã có thể trở thành tuyệt vời như hiện tại.
Các truyền thuyết của người Kinh (danh xưng để gọi người Việt ở đồng bằng) và các truyền thuyết của các bộ tộc thiểu số đã cùng nhau cư trú lâu đời ở Bắc Việt Nam đều nói lên những liên quan mật thiết do cùng có chung một nguồn gốc từ thời buổi xa xưa của lịch sử. Nhất là giữa người Mường và người Kinh. Sử liệu từng cho biết người Mường nguyên xưa là người Việt từng bỏ đồng bằng lên miền núi rừng để tránh họa đồng hóa của ngoại bang xâm lăng. Vì thế có thể nói người Mường là tiêu-bản còn lại của người Việt thời tiền sử. Ngôn ngữ Việt và Mường đều cùng có các yếu tố Thái và Môn-Khmer. Nên việc nghiên cứu ngôn ngữ người Mường có thể tạo nhiều dễ dàng trong công việc tìm hiểu tiếng nói của dân tộc Việt Nam thời tiền sử. Qua các thời đại, tiếng nói của người Việt Nam xưa biến đổi mau lẹ nên lắm khi có thể hậu duệ ngàn năm sau khó hiểu được ngàn năm trước tiền nhân mình muốn nói gì. Ví dụ như trong một đoạn trích sau đây của luận bàn về chữ viết của người Việt-cổ trong sách THANH HÓA QUAN PHONG của Vương Duy Trinh, nếu được âm lại theo chữ quốc ngữ ngày nay sẽ là:
„Du xu dưỡng hứa ão để ba cỏ hương cúc tẩy khu mu đơn tây hương tiêu bông ba hoàng thiên nào du xu mông nồng tối báo kham nô hy châu rõ khoan hiểm bông uẩn hủ. Cú nam báo kiểu dốc liễu hiên sơ chưa giác niêu huấn bộ mi phương ứng chính khu tục ôi khoan hy…“.
Với những lời văn như thế, nếu không có những nhà ngôn ngữ học giải thích lại thì làm sao chúng ta có thể hiểu được ra là:
„… hoa vàng ở trên cao, làm sao lấy được, anh cũng lấy hương vàng thắp đủ ngày khấn hương đăng, khấn trời ở trên cao, trời ở trên cao trông xuống cùng giúp hay không biết có anh cùng em cùng mến lòng nhau không ? Mến lòng làm bạn với nàng mà không theo đến, anh thì lòng muốn bẻ lấy cội cây hoa, muốn lấy cây hoa mà người khác tranh lấy tức lắm hỡi!“.
Hoặc nghe nói những lời sau đây, nếu không được giải thích thì khó được để hiểu:
Khây khươc mang pêu Pô ràng có môch ông, thên hôp là ông Tùng mà cỏ lại bơ chồng: nã nú ra tế nĩ lấp cái ksông Pồ. Nã tan lễ ksông Pô pao thất Thach Pi. Bơ nã mê ti lê ksú tê nã lấp ksông. Lòng klời ksinh tha moch ông hộp là ông sách, mê thương mê thếch pât bởi ông Tùng. Nã mê pao lồ, nã to ming nó tha nã mê pất ông Tùng. Ông Tùng mê chãi hết ming mê chết. Cho dênh cái ksông dĩ chãng lấp ẩu, mê danh cái Thác pờ di.
Nghe nói như vậy thì nên hiểu rằng:
„Khi trước nghe người ta nói rằng có một ông tên gọi là ông Tùng mà có hai vợ chồng: nó rủ nhau để nó lấp cái sông Bồ vào đất Thạch Bi. Vợ nó mới đi lấy đá để lấp sông. Lòng trời sinh ra một ông gọi là ông Sắt mới xuống mới thách vật với ông Tùng. Ông Tùng mới chạy hết mình mới chết. Cho nên cái sông ấy chấp lấp được nên mới có cái thác ấy“.
Bài „Mộng Ký“ trong sách THÁNH TÔNG DI KHẢO có kể lại việc vua Lê Thánh Tông vào một đêm mưa gió nghỉ đêm gần hồ Trúc Bạch đã nằm mộng thấy một người con gái dâng một bức tấu thư gồm 71 chữ ngoằn ngoèo không thể đọc hiểu được, ngay cả triều đình cũng thế. Ba năm sau lại có dịp nằm mộng thấy một tiên ông thổi sáo, nhà vua hỏi về lối chữ lạ đã thấy năm xưa thì tiên ông cho biết „đó là chữ cổ của nước Nam, nay ở miền núi còn nhiều người đọc hiểu được“. Nhờ vậy vua Lê Thánh Tông mới hiểu được lời lẽ trong bản tấu.
Xem như thế đủ rõ nhiều danh xưng Việt-cổ đã biến đổi theo thời gian. Ví dụ như cau trầu ngày xưa được nói là ping nang và bu liu. Bu liu là phiên âm của TRẦU trong tiếng Việt-cổ qua đầu Tây lịch biến thành bliu, vài thế kỷ sau thành blô, đến thế kỷ 17 biến thành blầu và đến nay biến thành trầu. Ngày xưa CAU được gọi pinang sau biến thành M’nang, ngày nay người Mường gọi là nang, còn nếu người Việt ngày nay nói mo nang có nghĩa là mo cau. Danh xưng Mỵ Nương ngày xưa là mệ nàng. Con gái ngày xưa được gọi là mại. Ngày nay mái chỉ còn được dùng để chỉ những loại chim chóc hay gia cầm thuộc giống cái. Ví dụ như con gà mái. Trưng Trắc chỉ là danh xưng của vị nữ anh hùng Việt Nam đã được người đời sau phiên âm theo tiếng Hán. Người Việt ngày xưa gọi Bà là Mling Mlak.
Tiếng nói của người Việt lại còn đôi khi biến giọng vì những biến cố đã tuần tự xảy ra. Như khi trên lãnh thổ mà ngày nay được gọi là Trung Hoa có loạn Xuân Thu Chiến Quốc (thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch), một số cư dân miền lưu vực sông Dương Tử cùng dân vùng đông nam Trung Hoa đã di tản bằng đường biển sang đất Việt tỵ nạn ở vùng Kinh Bắc, vùng Phong Châu. Hoặc sau khi thắng được hai Bà Trưng, Mã Viện đã đưa sang đất Việt hàng ngàn tội nhân, dân nghèo Trung Hoa cùng ngược lại đày sang vùng lưu vực sông Dương Tử hàng ngàn người Việt từng trung thành với hai Bà. Những người mới đến dầu sao cũng chỉ là thiểu số nên phải uốn theo tập tục của người bản địa và trong các cuộc đàm thoại họ phải uốn lưỡi nói theo giọng bản xứ để được thông cảm. Lần lần giọng nói ở những vùng này theo thời gian cũng biến đổi, nhất là vùng dân cư ở phía Bắc lưu vực sông Hồng.
Trong lời nói phần nhiều đã mất hẳn âm R và có nhiều lẫn lộn giữa L và N. Ví dụ như cao niên thì lại nói cao liên chẳng hạn. Tuy nhiên sự pha trộn giữa số đông người Việt và thiểu số người mới đến tại các địa phương chắc chắn không phải đâu đâu cũng cùng một tỷ lệ cho nên ở những chỗ càng xa xôi hiểm trở thì thành phần người mới đến lại càng ít. Hiểm trở nhất thời đó là phần đất đầy núi non hang động đủ cỡ thuộc vùng Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay. Nếu tại lãnh thổ phía Bắc, dầu những người mới đến đều bị Việt-hóa đi nữa nhưng những sai biệt về mức độ pha trộn nòi giống tạo thành những sai biệt về âm thanh, thói quen ăn nói lẫn những khả năng phát âm. Giọng nói của cư dân vùng lưu vực sông Hồng thanh cao hơn lên và âm cũng biến đổi. Cư dân ở đây và nhất là những cư dân phía Bắc sông Hồng lần lần quên mất nhiều tiếng cổ mà Tổ Tiên họ vẫn dùng. Những người Việt ở vùng Thanh, Nghệ Tịnh không bị ảnh hưởng của sự pha trộn giống cũng như ít tiếp xúc với những người mới đến nên bảo thủ được ngôn ngữ, giữ được giọng xưa, âm xưa. Tiếng nói họ có vẻ nặng nề hơn. Vì vậy vào thời kỳ này dân Việt Nam tuy có chung một ngôn ngữ nhưng đã có hai hệ thống khác nhau: giọng nói Bắc và giọng nói Thanh Nghệ.
Năm 1609 vua Lý Thánh Tông cất quân đánh Chiêm Thành. Vì phải đề phòng quân Tống từ Trung Hoa có thể tràn sang nên nhà vua chỉ sử dụng các lộ địa phương quân của các tỉnh phía Nam tức là Thanh Hóa, Nghệ An. Sau khi thắng lợi thu được ba châu Địa Lí, Bố Chính và Ma Linh, thì những người Việt đầu tiên di dân đến ở đây đều là dân dinh của các lộ quân xuất phát từ Thanh Hóa, Nghệ An, và sau đó là gia đình họ. Những di dân Việt này tới vùng đất mới, tất nhiên có sự tiếp xúc với dân Chiêm còn lại trong vùng. Muốn được để thông hiểu, trong lối nói có đôi chút đổi giọng. Thêm vào đó sự pha giống là những điều tất phải có và tất cả đã tạo ra những biến ngữ mới, tạo thành giọng nói đặc biệt của vùng Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay kèm theo sự thay đổi ngữ- thể của nhiều từ. Ví dụ như nói nác thay vì nói nước, hoặc cái đao thay vì cái dao… Các vần anh, ách, ênh, êch, inh, ích nói thànhaen, aet, un, út, in, ít.
Năm 1307, Công Chúa Huyền Trân lấy vua Chiêm là Chế Mân. Nhà Trần thâu về được hai châu Ô, Lý, tức là khoảng lãnh thổ từ sông Thạch Hãn của tỉnh Quảng Trị đến gần sông Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam ngày nay. Những người di dân Việt vào khai khẩn vùng đất mới này là dân vùng Quảng Bình, Quảng Trị với giọng nói đã được biến đổi. Có lẽ vì lần này lãnh thổ Ô, Lý được đổi chủ một cách hòa bình nên dân Chiêm ở lại nhiều hơn. Giọng nói người di dân pha giống với dân bản địa đã tạo thành giọng nói đặc biệt của người vùng Thừa Thiên (Huế) hiện nay. Trong việc hội nhập với người Chiêm, người di dân Việt thường uốn cong thêm đầu lưỡi mà nói an, át, en, et, on, ot, ôn, ót thành ra ang, ac, eng, ec, oong, oc, oông, ooc. Tỉnh Quảng Nam cũng được thành lập sau khi vua Chiêm là Trà Toàn bị quân viễn chinh của vua Lê Thánh Tông đánh bại.
Sử liệu cho biết rằng phần lớn di dân đến tỉnh này là cư dân tỉnh Nghệ An được đưa vào bằng đường biển nên vì vậy sau này giọng Quảng Nam tuy hơi thanh nhưng còn phảng phất giọng nặng nề của người Nghệ An. Sử liệu cũng có cho biết rằng quân đội viễn chinh Việt tiến đánh vùng Bình Định ngày nay, bao gồm quân phát xuất từ Nghệ An Hà Tịnh cộng thêm với dân quân từ Quảng Nam, nên giọng nói Nghệ Tịnh pha lẫn giọng Quảng Nam đã tạo ra giọng Bình Định và chính giọng Bình Định về sau ảnh hưởng nhiều đến giọng nói các cư dân các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận mà các chúa Nguyễn Phúc Tần và Nguyễn Phúc Chu đã chiếm lĩnh được.
Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, một số cư dân vùng phụ cận sông Gianh vì chán cảnh khổ cực triền miên vì binh đao đã theo đường biển vào Nam và tấp vào vùng đất mà ngày nay được gọi là Bà Rịa và Biên Hòa. Vùng đất hoang vu này thuở đó thuộc nước Chân Lạp và rất thưa dân. Nước Chân Lạp đang gặp cảnh nội bộ phân tranh phải cầu cứu với chúa Nguyễn. Năm 1658, chúa Hiền can thiệp vào nội biến ở đấy và bắt vua Chân Lạp Nặc Ông Trấn phải triều cống và nhượng lại đất Bà Rịa và Biên Hòa.
Ở Trung Hoa nhà Thanh triệt hạ được nhà Minh. Khoảng năm ngàn người Trung Hoa không chịu làm tôi nhà Thanh nên bỏ trốn sang miền Trung nước Việt được chúa Nguyễn cho vào khai khẩn đất Đông Phố tức đông bộ Nam phần Việt Nam ngày nay.
Năm 1698 chúa Nguyễn Phúc Chu chia đất Đông Phố ra làm hai dinh Trấn-Biên và Phiên-Trấn cùng mộ thêm dân cận vùng Hoành-Sơn đưa vào. Cùng thời có Mạc-Cửu người tỉnh Quảng Đông sang lánh nạn được chúa Nguyễn cho khai khẩn vùng đất Hà Tiên. Nhân tiện Chân Lạp đang có nội loạn, chúa Võ Vương bèn can thiệp rồi cho thu luôn phần đất phía Tây.
Đến cư trú tại vùng đất mới lại thường chung đụng với người Chân Lạp, người Trung Hoa, tất nhiên sự pha giống là điều tất phải có. Trong cuộc sống hàng ngày, muốn có sự thông cảm, mỗi người phải sửa giọng nói của mình lúc nói chuyện. Lần lần theo thời gian dân cư vùng đất mới này nói tiếng Việt với một giọng lẫn lộn Việt, Chiêm, Miên, Trung, mà mọi người đời nay gọi là giọng Nam. Giọng nói nhân cuộc sống chung chuyển theo nhịp điệu mau hơn, bớt những âm cần đè nặng lưỡi xuống để lưỡi dễ cong sát lên hàm trên. Dân ở đây thường nói ê thành e, ươn thành ương, ớt thành oóc, en thànheng, êt thành ót, ít thành ích, ước thành ức, ướp thành úp, uoi thành ui. Đôi khi họ nói mau đến ríu tiếng lại với nhau. Ví dụ như ngoài ấy thành ngoải.
ẢNH HƯỞNG CỦA CỔ NGỮ, THỔ NGỮ VÀ THỔ ÂM ĐỐI VỚI TIẾNG NÓI
Người Việt Nam, dầu cư trú ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam đều nói chung một thứ tiếng. Tuy giọng địa phương nặng nhẹ có khác nhau chút ít theo từng địa phương, người Việt Nam vẫn dễ dàng hiểu nhau. Như đã nói trước đây, giọng nói của người Việt Nam có biến đổi phần nào, hoặc do sự tiếp xúc với ngoại bang hoặc do những biến cố kế tiếp xảy ra trong tiến triển Nam tiến của dân tộc.
Ở miền Bắc hiện trạng thổ ngữ đa dạng phức tạp ở nông thôn là phản ảnh cội rễ lâu đời nói lên tính chất biệt lập của các thôn xã ngày xưa ở đây. Tại đồng bằng Bắc Việt, có khi hai thôn cách nhau không xa mà thổ ngữ lại khác nhau; chỉ cần nghe qua giọng nói cũng có thể phân biệt người thôn nọ với thôn kia. Ngoài thổ ngữ còn vấn để cổ ngữ. Trung và bắc Trung phần Việt Nam là những nơi còn lưu dụng rất nhiều cổ ngữ. Tuy vậy những cổ ngữ thường chỉ nghe hơi lạ tai chớ không phải là khó hiểu. Ví dụ như nghe một người nào ở đó nói: „tlâu ăn giữa vạc ló lỗ đã ngụy chưa tề thì vẫn có thể hiểu trâu ăn giữa vạc lúa trổ đã ngụy chưa kìa. Hay là mặt blời đã lặn ngang tầm bụi tle thì có thể hiểu mặt trời đã lặn ngang tầm bụi tre. Hoặc khi nghe họ hò:
Thì nên nhớ cây đa là cây da, bến cộ là bến cũ, còn lưa là còn lại.
Lâu đời như dòng giống Việt Nam, tiếng Việt ra đời từ khi có thủy tổ người Việt Nam thành hình, nên tiếng Việt gắn liền với số phận nổi chìm của đất nước. Suốt gần ngàn năm Bắc thuộc, Hán nho được các Thái thú Tàu cho phổ biến sang đất Việt hòng để thực hiện một chính sách nô dịch nặng nề về tư tưởng hay văn hóa với nhân dân Việt Nam. Xã hội xưa từ đó được tổ chức theo khuôn khổ của Hán nho nên giới quan lại giúp vua trị nước phải là người trong phái nhà nho. Đến khi nước nhà được tự chủ, giới quan lại thuộc nho phái này tuy là người yêu nước đã có ý thức rõ rệt về độc lập chính trị cùng chủ quyền lãnh thổ nhưng lại khá mơ hồ về độc lập văn hóa. Khi cần suy tư về văn hóa tư tưởng, những người „NAM NHÂN BẮC HƯỚNG“ này vẫn lấy văn minh, văn hóa Trung Hoa làm hệ thống qui chiếu. Trong khi quần chúng Việt Nam nói tiếng mẹ đẻ thì họ vẫn xử dụng chữ Hán, tiếng Hán, để tỏ họ thuộc giới trí thức. Tiếng Hán được dùng làm văn tự trong khi tiếng mẹ đẻ bị ruồng rẩy xem là „nôm na mách qué“. Vì vậy suốt thời gian dài gần 19 thế kỷ tiếng Việt không ai dạy mà cũng chẳng có ai học. Người Việt nói tiếng Việt là do bản tính tự nhiên. Khắp nước không có một trường dạy nói tiếng mẹ đẻ. Khắp nước không có một bộ tự điển, chỉ mải đến thế kỷ 19 mới có quyển tự điển đầu tiên là ĐẠI NAM QUỐC ÂM TỰ VỊ của Huỳnh Tịnh Của.
Tiếng Việt ngày xưa không được xem là quốc gia văn tự, do đó ở các trường không dạy, các học giả không ai để tâm nghiên cứu, nên người Việt Nam cứ theo thói quen thuở nhỏ mà nói, cứ thuận miệng mà đọc, nên có những âm thanh vì thế mà sai lạc đi, thành ra nơi này khác với nơi nọ.
Ở Bắc Việt thường nói và viết sai những phụ âm ở đầu các tiếng. Lầm âm tr với âm ch, âm d với âm gi, âm s lẫn với âm x.
Ở Nam Phần thường nói và viết sai những phụ âm ở cuối tiếng. Âm C sai thành âm T, AC thành AT, UÔC thành UOT. Âm T sai thành âm C, AT thành AC, UÔT thành UÔC. Vì vậy cũng không nên ngạc nhiên lắm khi thấy người miền Nam nói và viết vát cuốc thay vì vác cuốc, nhác gan thay vì nhát gan… Người miền Nam cũng thường nói và viết sai âm N thành NG (như căn bổn thành căng bổn, kiên nhẫn thành kiêng nhẫn...) hoặc ngược lại âm NG thành N (ngang dọc thành ngan dọc, buông tha thành buôn tha…).
Có nơi người Việt viết đúng nhưng lại đọc sai: Như ở Nam Phần phụ âm V đọc như D: đi về thì nói đi dề, hoặc vợ chồng thì nói dợ chồng. Ở vùng Thừa Thiên thì phụ âm NH đọc như GI. Viết trong nhà mà lại nói trong già.
Đôi khi khác biệt trong tiếng nói cũng do phong thổ mà ra. Nhiều khi cùng một từ mà người miền Nam và người miền Bắc lại dùng nguyên âm khác nhau:
Sự kiêng tên húy vua chúa hay thần thánh cũng là một cớ cho sự thay đổi nguyên âm tại một vài nơi:
- Ở Bắc tùng được nói là tòng vì kiêng tên chúa Trịnh Tùng hoặc cang nói cương vì kiêng tên chúa Trịnh Can.
- Ở Nam thì hoàng nói là huỳnh vì kiêng tên húy chúa Nguyễn Hoàng, Phúc được nói thành Phước vì kiêng chữ Phúc trong họ Nguyễn Phúc hoặc tiếnghồng nói thành hường vì kiêng tên húy Hồng Nhậm của vua Tự Đức.
Sự kiêng tên như thế nên nhiều vùng trong nước nhiều tiếng đã được nói sai chính âm đi, ví dụ như thật nói thành thiệt hay thực, hoặc thì thì nói thànhthời, nhưng dầu có thay đổi lối nói thế nào, giữa người Việt với nhau vẫn không có gì khó hiểu.
Trong ít nhiều tiếng, người ở Nam Phần dùng phụ âm này thì người ở Bắc Phần lại dùng phụ âm khác. Ví dụ như người Việt ở Nam Phần nói: trời, trồng, tro, nhuộm, lời, lẽ, lanh, nhành… thì người ở Bắc Phần lại nói giời, giồng, gio, duộm, nhời, nhẽ, nhanh, cành.
Có những tiếng được dùng nhiều ở Bắc Phần nhưng ở trong Nam Phần lại ít được dùng hay không biết hẳn. Ví dụ như người ở miền Nam nói bông, trái, rương, đặng, kiếm v.v…, thì người ở miền Bắc nói hoa, quả, hòm, được, tìm...
Từ 1945, chữ quốc ngữ đã được nâng lên văn tự quốc gia nên qua việc học hành hay sự phổ biến sách báo bằng Việt ngữ thì những lối nói sai, viết sai đã được sửa đổi lại. Hệ thống giao thông ngày càng thuận tiện hơn trước, cùng những sự di cư đã làm giảm bớt những sai biệt do phong thổ tạo ra.
NHỮNG ÂM TƯỢNG HÌNH TRONG TIẾNG VIỆT
Đặc điểm lạ lùng nhất của tiếng Việt Nam đã được học giả Lê Văn Siêu nêu lên trong sách Nguồn gốc văn học Việt Nam là những khả năng tượng hình các vật và các việc của một số âm trong tiếng nói. Theo ông, dường như có một số âm gốc với những tiếng gốc của nó mà người xưa luôn luôn dùng tới, vừa dùng vừa làm dấu hiệu để rồi theo với thời gian và theo với những trường hợp đặc biệt, nó nảy sinh ra những tiếng khác, tuy nghĩa có khác đi nhưng tính cách đại thể vẫn không đổi. Mỗi âm do đó được mặc nhiên nhìn nhận là dấu hiệu để tượng hình ra vật gì không thể tưởng được. Nếu chữ tượng hình dùng hình vẽ để diễn tả thì trong tiếng Việt Nam có những âm tượng hình dùng âm thanh để diễn tả.
- ÂM „ Í“ CHỈ NHỮNG GÌ NHỎ NHÍT Ví dụ: con chí là con vật bé tí mà nếu mình không mở to mắt ra mà chỉ mở hi hí hay ti hí thì không thể nào thấy được. Trong mọi giống chuột, con chuột nhỏ nhất là con chuột chí.
- ÂM „Ì“ CHỈ NHỮNG GÌ NẶNG NỀ BÉO MẬP Người béo mập thì bụng cứ muốn phì ra, dáng đi thì ì ạch,
- ÂM „Ọ“ CHỈ NHỮNG GÌ ĐEN ĐỦI, XẤU NGƯỜI, XẤU NẾT Mặt nhọ là mặt có vết dơ. Chơi nhọ là chơi xấu không lịch sự. Con bọ là con vật ăn bám đáng khinh. Con vọ là chim ăn đêm phá mùa màng. Người quạu quọ là người có tính nết cáu kỉnh. Người lọ là người lố lăng đáng ghét.
- ÂM „Ơ“ CHỈ NHỮNG TRẠNG THÁI TÂM LÝ LẠ LÙNG Khi thấy lạ thì mặt mày ngơ ngác. Giữa những người lạ thì bơ vơ một mình, mắt đờ ra như một người khờ, thấy gì cũng ngờ ngợ, dễ bị sợ sệt. Người đờ đẩn đâm ra dớ dẩn, chờ mà không biết chờ gì, nhớ mà không biết nhớ ai, mặt mày phờ phạc, trí óc lờ mờ…
- ÂM „Ò“ LẤY CÒ LÀM TIẾNG GỐC, CHỈ NHỮNG VIỆC MỆT NHIỀU LỢI ÍT KHÔNG RÕ RÀNG Con cò hay đi lò dò ở bờ ao để mò tôm tép. Làm việc mà chưa biết cách gọi là làm mò. Lạ đường phải vừa đi vừa hỏi là dò đường. Thò tay xuống nước để mò cua bắt óc… Đưa câu chuyện ra để nghe ngóng ý tứ của người ta là dò ý. Những việc mệt sức nhiều mà lợi ít thì khác gì tò vò nuôi nhện, như con bò làm nhiều mà ăn ít.
- ÂM „ÓT“ DIỄN TẢ SỰ VIỆC TỪ THẤP LÊN CAO Cao chót vót là cao quá khó với tới hoặc khó lên tới được. Thót lên yên ngựa là nhảy thật mau từ dưới đất lên ngồi trên yên ngựa. Vót là dùng dao gọt từ dưới lên trên. Tót vòi là cao quá không có gì sánh được. Trót dại là lỡ có lỗi với người trên.
- ÂM „ONG“ TẢ HÌNH DÁNG NHỮNG VẬT CONG Con ong có thân hình cong theo nhiều chiều. Cái nong để phơi lúa có hình tròn. Cái lọng khi được giương lên để che nắng cho các quan thì có hình tròn. Đong lúa là dùng cái đấu hình tròn mà lường. -
ÂM „OĂN“ TẢ SỰ UỐN CONG NHIỀU LẦN Đường ngoằn ngoèo là đường quanh co. Xoăn xe là cứ quanh quẩn bên mình. Băng khoăng là không biết xử trí làm sao. Loăn xoăn là hơi cuộn lại. Loăng quăng là chạy quanh quẩn, không đích.
- ÂM „OAY“ TẢ THỂ ĐỘNG THEO ĐƯỜNG TRÒN NHIỀU LẦN Xoay nghĩa là quay tròn. Xoáy là nơi gặp gỡ của các luồng nước khiến nước quay tròn và lõm xuống. Loay hoay là bối rối, quay đi, quay lại không biết xử sự như thế nào. Xoay vần là nói cuộc đời thay đổi. Ngoáy là quay đảo theo hình vòng tròn.
- ÂM „OM“ TẢ CẢNH Ở TRÊN CAO NHÌN XUỐNG DƯỚI Lom khom dưới núi tiều vài chú. Lưng cúi cong xuống đi lom khom như người già. Đống củi cháy lom nhom. Lửa lom nhom là lửa nơi bếp thấp mới bắt đầu bén vào củi.
- ÂM „ÓP“ CHỈ NHỮNG VẬT ĐƯƠNG TO BỊ LÀM NHỎ LẠI, HOẶC ĐƯƠNG TRÒN BỊ ÉP MÉO Sự ép ấy gọi là bóp. Củ cải phơi xong bị tóp lại. Cái lon tròn hay hộp giấy vuông bị méo đi một chỗ gọi là móp. Tre hóp là tre nhỏ hơn các loại tre khác. Chóp nón là chỗ nhỏ nhất trên cùng của nón. Thở thoi thóp là thở rất yếu.
- ÂM „UÔT“ CHỈ MỘT TÌNH TRẠNG TRƠN TRU DỄ TUỘT HOẶC QUÁ MỨC Cầm một vật trơn mà để rơi gọi là tuột tay. Sờ nhẹ lên da người hay lông thú gọi là vuốt. Lấy dao gọt cho tròn và trơn gọi là chuốt. Trời lạnh quá tê cả người gọi là lạnh buốt. Cởi quần thả xuống gọi là tuột quần.
- ÂM „ẤP“ DIỄN TẢ MỘT VIỆC LÀM TỪ TRÊN CAO XUỐNG DƯỚI THẤP Con gà ấp nằm phủ lên trên trứng để lấy hơi nóng làm cho trứng nở. Ngã sấp là ngã từ trên cao xuống nằm dài úp mặt xuống. Lấp đất là đổ đất xuống hố sâu cho đầy hố. Nấp là trốn vào một nơi kín cho khỏi bị thấy. Đang đi chân đụng vật gì gọi là vấp.
- ÂM „ẬP“ CŨNG DIỄN TẢ VIỆC LÀM TỪ CAO XUỐNG THẤP NHƯNG LANH HƠN Lưỡi dao phập xuống là lưỡi dao chém xuống thật lanh và mạnh. Dập tắt ngọn lửa. Đập đá là dùng búa đánh mạnh vào đá cho vỡ ra. Ngập nước là nước trên cao đổ xuống khiến mọi thứ ở dưới bị chìm nằm dưới nước. Lạnh quá hay sợ quá thì run lập cập. Gẫy gập là gẫy nửa nọ đè lên nửa kia. Trên đây chỉ giới thiệu tượng trưng một số tiếng tượng hình trong tiếng Việt Nam. Đặc điểm này của tiếng nói dân tộc chứng tỏ người xưa đã sử dụng thông minh của họ để làm giàu cho tiếng Việt Nam.
TIẾNG VIỆT NAM RẤT PHONG PHÚ
Có người nói rằng tiếng Việt Nam nghèo không đủ từ để diễn tả chính xác như tiếng Pháp, tiếng Anh v.v… Khi phát biểu như vậy những người đó vô tình tự thú nhận chính họ nghèo tiếng Việt. Khác gì một thiếu niên rời quê hương lúc còn quá trẻ đến nước tiếp thu thì ở đây chỉ nói tiếng bản xứ nên thiếu niên quên lần tiếng mẹ đẻ nên lần lần chỉ nói tiếng của người bản xứ. Tiếng Việt Nam không có nghèo, trái lại rất phong phú là khác.
Thật ra trước đây tiếng Việt Nam có thiếu những danh từ khoa học kỹ thuật vì trong nước chưa có hoạt động khoa học nào cả. Nhưng một khi khoa học, kỹ nghệ trong nước phát triển thì sự thiếu sót kia sẽ không còn nữa, vì việc làm bao giờ cũng phải đi trước tiếng nói. Bằng cớ là chỉ trong vòng mười năm gần đây tiếng Việt Nam được tăng thêm hàng ngàn danh từ khoa học kỹ thuật.
Có người nói đó là những từ vay mượn. Nhưng về việc vay mượn tiếng ngoại quốc, thử hỏi trên thế giới hiện nay, có nước nào khỏi vay mượn tiếng nước ngoài. Nhưng độc đáo hơn tiếng các nước khác, tiếng Việt Nam có thể vay mượn tiếng nước ngoài đem về, trước khi sử dụng đã Việt hóa những từ đó. Ví dụ:
- Từ HẠ của tiếng Hán, hội nhập vào tiếng Việt Nam thành HÈ.
- Từ XA của tiếng Hán, hội nhập vào tiếng Việt Nam thành XE.
- Từ MÁT của tiếng Môn, hội nhập vào tiếng Việt Nam thành MẮT.
- Những từ như autobus, casseroles, alcool, gare, essence tiếng Pháp thành xe buýt, soong, cồn, nhà ga, xăng của tiếng Việt hoặc những từ aluminium, tank của tiếng Đức trở thành nhôm, xe tăng của tiếng Việt. Từ nào của ngoại quốc không biến âm được thì thường được xoay ra dịch nghĩa hoặc phiên âm theo ngoại ngữ.
Một ví dụ để chứng tỏ tiếng Việt Nam không nghèo mà ngược lại rất phong phú không kém bất cứ tiếng nước nào. Như từ PORTER (của tiếng Pháp) hay từ TRAGEN (của tiếng Đức) dịch sanh tiếng Việt là MANG. Nhưng muốn nói rõ mang cách nào thì người Pháp (hay Đức cũng vậy) phải thêm nhiều từ sau động từ PORTER, như porter sur la tête (mang trên đầu), porter sur l’épaul (mang trên vai), porter sous le bras (mang dưới nách) v.v… trong khi đó thì trong tiếng Việt Nam có cả một loạt động từ có ý nghĩa tương đương RẤT GỌN và GỢI HÌNH như: mang, xách, ẵm, bồng, cầm, cõng, đeo, đèo, đội, gánh, gùi, ôm, quảy, vác, khiêng v.v…
Những từ Việt Nam nói trên tuy tương đương đồng nghĩa nhưng nếu xét tinh vi ra MỖI TỪ ĐỀU CÓ NGHĨA RIÊNG, không thể được dùng lẫn lộn được:
- MANG: đem theo mình, đeo vào mình Vai MANG khăn gói sang sông, Mẹ kêu mặt mẹ, theo chồng phải theo.
- XÁCH: cầm quai hay cán mà nhấc lên để đem theo Gió đưa ông Đội về trời Mụ Đội thương tình XÁCH nón chạy theo.
- ẴM: ôm bằng hai tay mà nâng lên.
- BỒNG: ôm trên tay.
- BẾ: vừa ôm vừa ẵm.
- CÕNG: để lên lưng mà đi.
- ĐEO: mắc hay buộc vào thân thể người hay một vật gì.
- ĐÈO: mang thêm.
- KHIÊNG: hai hay nhiều người hợp sức lại để khênh một vật gì nặng.
- ĐỘI: để lên đầu.
- BƯNG: hai tay cầm mà nâng lên.
- VÁC: để đồ gì nặng lên vai mà đi.
- QUẢY: đeo một vật gì nặng vào một đầu đòn để lên vai mà đi.
- KHÊNH: hai hay nhiều người nâng một vật gì nặng mà đưa đi chỗ khác.
Như vậy cùng nghĩa với PORTER của tiếng Pháp hay từ TRAGEN của tiếng Đức, tiếng Việt Nam kể sơ đã có rất nhiều từ cùng nghĩa nhưng vì tiếng Việt Nam rất chính xác và gợi hình đầy đủ nên khỏi cần thêm bổ-sung-từ theo sau như các từ PORTER hay TRAGEN, để có thể nói rõ mang như thế nào.
TIẾNG VIỆT NAM ĐẦY NHẠC TÍNH
Nghe người Việt Nam nói chuyện với nhau, người ngoại quốc có cảm giác rằng người Việt Nam nói mà như ca hát. Quả thật những lời Việt nếu được phát âm chính xác, nghe nào khác gì lời ca của một bản nhạc. Thật là một ngôn ngữ êm ái, dịu dàng, du dương và giàu thơ nhạc. Nhiều nhà ngôn ngữ học cũng đã từng công nhận như vậy.
Sáu thanh đặc thù của ngôn ngữ này đã tạo được những tiếng bằng, tiếng trắc, thấp cao, nặng nhẹ, rõ ràng. Sáu thanh cũng cấu tạo thành ba cặp đối nhau về độ cao xuất phát: bình bày huyền, hỏi và ngã, sắc và nặng. Tiếng Việt Nam lại có hàng loạt từ được cấu tạo cân đối. Ở những từ ấy thanh Trong phải đi với thanh TRONG (bình sắc hỏi phải đi với nhau), thanh đục phải đi với thanh đục (huyền ngã nặng đi với nhau). Âm O đi với âm E (vỏ vẻ, nhỏ nhẻ), âm Ô đi với âm Ê (bồng bềnh, cồng kềnh), âm U đi với âm I (xù xì, xúng xính, rục rịch). Thêm vào đó tiếng Việt lại có hàng loạt những từ như lăn tăn, lả tả, bâng khuâng, bịn rịn, bồn chồn, hồi hộp, xống xang, xao xuyến là những từ vừa gợi hình vừa gợi nhạc. Hãy thử nghe một câu trong truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du:
Vó câu KHẤP KHỂNH, bánh xe GẬP GHỀNH.
Vừa nghe xong câu thơ đó người nghe có thể mường tượng ngay hình ảnh một chiếc xe ngựa đi trên một con đường xấu lồi lỏm gồ ghề, vó ngựa bước thấp bước cao làm cho chiếc xe lắc lư, cùng với tiếng móng ngựa lộp cộp… Những từ ngữ KHẤP KHỂNH và GẬP GHỀNH đã làm cho câu thơ có nhạc. Hoặc nghe ai đọc:
thì cũng phải công nhận rằng tiếng nói của người Việt Nam quả thật giàu nhạc tính. Đã vậy trong khi nói, người Việt Nam lại hay dùng những thành ngữ mà thành ngữ Việt Nam đều có vần. Như vậy bảo sao có người ngoại quốc đã phải nói rằng: Câu nói của người Việt Nam nào khác một LỜI CA.
Để chứng tỏ tiếng Việt Nam êm ái và nhiều nhạc tính như thế nào, thi sĩ Bàng Bá Lân từng giới thiệu bài thơ „ĐÊM MƯA“ của Huy Cận mà ông cho là có nhiều câu giàu nhạc.
Tiếng Việt Nam là một ngôn ngữ có nhiều thanh điệu, đó là: thanh ngang, thanh huyền, thanh sắc, thanh nặng, thanh hỏi và thanh ngã. Những thanh này tham gia vào sự cấu tạo từ cùng ý nghĩa cho các từ đo. Ví dụ:
BA, BÀ, BÁ, BẠ, BẢ, BÃ.
BA = số mục sau số hai.
BÀ = mẹ của cha mẹ mình.
BÁ = bố, truyền rộng ra.
BẠ = không lựa chọn.
BẢ = thuốc độc trộn với đồ ăn để nhử.
BÃ = vật gì hết hương vị chỉ còn xác, ví dụ như bã chè, bã mía.
Chính sáu thanh điệu này làm cho câu nói có vần có điệu, do đó làm cho tiếng Việt giàu chất nhạc.
TIẾNG VIỆT NAM LÀ MỘT NGÔN NGỮ TIẾN BỘ
Nhiều nhà ngôn ngữ học danh tiếng thế giới sau khi nghiên cứu tiếng nói của người Việt Nam đều đồng thanh công nhận đây là một trong những ngôn ngữ tiến bộ nhất thế giới. Nhà ngôn ngữ học Frey còn cho ấn hành một sách nhan đề „L’Annamite, mère des langues“ (Trước 1945, người Tây phương đặc biệt người Pháp, gọi nước Nam ta là Annam và dân ta là Annamite. Tiếng nói của dân ta cũng là l’Annamite) để tán tụng khả năng của ngôn ngữ này.
Ngôn ngữ Việt Nam thật tình tuyệt vời vì có những nét đặc biệt hiện đại phong phú, duyên dáng, du dương… Tiếng Việt Nam hiện đại nhờ lối viết la-tinh, nhờ cấu trúc đơn âm, nói sao viết vậy, ngữ pháp lại giản dị với cú pháp tự nhiên, thêm cách phát âm Việt Nam chủ yếu lại như cách đọc La ngữ.
Ngoài đặc tính tiêu biểu là một tiếng nói đầy nhạc tính, tiếng Việt Nam là một ngôn ngữ rất phong phú với rất nhiều âm (trên 700 âm) và nhiều thanh (6 thanh). Người Việt Nam có thể uốn lưỡi nói được trên 700 âm khác nhau trong khi như tiếng Quan Thoại chỉ có chừng 1.000 âm, tiếng Pháp, tiếng Anh khoảng 500 âm, tiếng Nhật cũng chỉ có 140 âm. Vì ngôn ngữ ít âm nên để tránh nạn „đồng âm dị nghĩa“, người các nước này phải chắp nhiều âm mới thành một chữ. Ví dụ người Việt Nam nói „TÔI“ (1 âm) thì người Nhật nói „WA-TA-KU-SHI (4 âm), khi người Việt Nam nói „ĂN“ thì người Pháp nói „MANGER“ (2 âm), hoặc người Đức nói „ESSEN“ (2 âm). Với tính chất đơn âm mỗi từ tự nó đã có ý nghĩa, vần của mỗi từ, phát âm độc lập không nhờ cậy vào vần khác để hợp thành. Ví dụ „ĐẸP“ (1 âm), còn trong tiếng Anh „BEAUTIFUL (3 âm), nếu tách ra từng âm thì vô nghĩa, phải nghe trọn 3 âm thì mới hiểu được.
Tiếng Việt Nam nói sao viết vậy, không như tiếng nói các nước khác. Như trong tiếng Anh, chữ „I“ khi thì đọc là „I“ khi thì đọc là „AI“. Ví dụ irascible (đọc I), irate (đọc AI) hoặc nguyên âm „A“. Ví dụ trong các từ canal, fade, faddy cũng được phát âm nhiều cách.
Văn phạm Việt Nam lại rất đơn giản nhưng đầy đủ và hợp lẽ. Đặc biệt cách xếp đặt các từ trong câu theo thứ tự hợp lý như tiếng Phát tiếng Anh (chủ từ, động từ, túc từ), chớ không lộn xộn như tiếng Nga, tiếng Hy Lạp, tiếng Nhật, tiếng Cao Ly hay là những sinh ngữ chưa tiến bộ phải dùng thêm hậu trí từ để chỉ chữ nào là chủ từ hay túc từ hoặc thuộc từ.
Có những ngôn ngữ như Pháp, Đức lại có văn phạm rắc rối tới mức không cần thiết và một cách phi lý. Tại sao những vật vô tri vô giác lại phải thuộc giống đực hay giống cái. Tại sao cái ghế đẩu (le tabouret) là đực, mà cái bàn (la table) lại là cái. Người lính gác là đàn ông rõ ràng mà lại gọi là „la sentinelle“. Trong Đức ngữ, trái bí rợ (der Kurbis) thuộc giống đực nhưng trái chuối (die Banane) lại là cái. Tiếng Đức, tiếng Ý ngoài giống đực, giống cái còn có cả „trung hòa“. Cô gái trẻ được gọi là das Mädchen.
Ngôn ngữ nhiều nước Tây phương được rập khuôn với những mẹo luật phiền phức về cách chia động từ, cách sử dụng các thì và trạng thái. Ví dụ như khi tiếng Việt, nếu dùng động từ LÀ với các chủ từ TÔI, NÓ, CHÚNG TA, CÁC ANH, CHÚNG NÓ động từ LÀ vẫn không thay đổi; thì theo Pháp ngữ với động từ ÊTRE phải là JE suis, TU es, IL est, NOUS sommes, VOUS êtes, ILS sont; trong tiếng Đức thì phải: ICH bin, Du bist, WIR sind hay trong Anh ngữ thì I am, YOU are, HE is.
Trong các ngôn ngữ này, tùy theo chức năng trong câu, mỗi từ biến đổi theo mỗi cách hay trạng. Một động từ ở chỉ định cách từ không biến cách mà chỉ cần thêm một số phụ từ liên hệ. Ví dụ: Tôi đi bây giờ. Tôi vẫn đi. Tôi đang đi. Tôi sẽ đi.
Tiếng Việt Nam lại là một tiếng nói rất phong phú. Trong tiếng nói hàng ngày có những danh từ tả rõ những liên hệ phức tạp hoặc cách thức làm một công việc gì. Đây là những danh từ tuy tương đương đồng nghĩa nhưng nếu xét tinh vi ra mỗi từ đều có nghĩa riêng không thể dùng lẫn lộn được.
Trước đây tiếng Việt Nam có thiếu nhiều danh từ khoa học kỹ thuật vì trong nước thời đó không có một hoạt động khoa học nào. Nhưng một khi khoa học kỹ nghệ trong nước phát triển thì sự thiếu sót đó sẽ không còn nữa. Bằng cớ là chỉ trong mười năm gần đây trong ngôn ngữ Việt Nam đã có thêm hàng vạn danh từ khoa học kỹ thuật.
Tiếng Việt Nam lại có đủ từ để chỉ từng vật, từng việc, có thể được dùng để điễn tả bất kỳ tư tưởng cao siêu nào, bất cứ tình cảm tế nhị nào hoặc trình bày bất cứ kiến thức khoa học phức tạp và hiện đại nào. Nhiều từ tiếng Việt rất khai quát, có thể có nhiều ý nghĩa. Ngoài hàng chục vạn từ sẵn có, tiếng Việt Nam còn có hàng ngàn thành ngữ, tục ngữ do đó làm sao có thể không công nhận sự phong phú của tiếng nói này được?
Ngôn ngữ Việt Nam lại có những đặc tính đặc thù: Vị trí của các từ trong câu rất quan trọng do đó sự thay đổi vị trí có thể làm thay đổi ý nghĩa của từ.
Con chó khác chó con. Trong nhà khác nhà trong. Vị trí của từ trong câu thay đổi thì ý nghĩa cũng thay đổi:
Em yêu anh. Anh yêu em. Yêu anh em. Anh em yêu. Em anh yêu. đều có ý nghĩa khác nhau.
Tiếng Việt lại có lối NÓI LÁI độc đáo, một đặc biệt mà ngôn ngữ các nước khác không thể có được nên có nhiều trường hợp không thể dịch ra ngoại ngữ được hoặc nếu có dịch cũng chỉ là phỏng dịch không sát nghĩa, khó lột được tinh thần nguyên văn.
LỐI NÓI LỜI NGƯỢC VỚI Ý: Nhỏ phải hiểu To, Khen có nghĩa là Chê. Khéo có nghĩa là Vụng. „Bé cái lầm“ có nghĩa là „lầm to“. „Rõ Khéo“ chưa ? Có nghĩa là „lầm lỗi vụng về“.
Những tiếng KHEN, KHÉO ở đây đã được dùng để trách móc mỉa mai không còn nghĩa đen thuần túy nữa.
TIẾNG VIỆT NAM RẤT UYỂN CHUYỂN NGỌT NGÀO
Thi sĩ Bàng Bá Lân từng chứng minh rằng do bản tính hiền hòa người Việt Nam luôn luôn chú trọng đến việc xử thế, cố tránh va chạm tình cảm, do đó trong ngôn ngữ đầy đặc tính uyển chuyển ngọt ngào và ông từng đưa ra những ví dụ lời tỏ tình dịu dàng thiết tha của Kim Trọng: Tiện đây xin một hai điều, Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng? Để chứng minh tiếng Việt Nam rất uyển chuyển ngọt ngào không gì bằng lưu ý đến cao dao tục ngữ. Vì ở đây, tình ý luôn luôn thiết tha và lời luôn luôn uyển chuyển. Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Lời nói đôi khi có thể mộc mạc nhưng không kém phần mềm mỏng ngọt ngào của một tâm hồn chất phác chân thành.
Trong lời nói sự sử dụng điệp ngữ khiến lời nói thêm uyển chuyển:
BẢO TOÀN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT NAM
Nếu từ 1960 trở về trước tiếng Việt được phát triển tốt đẹp và sau thời này tiếng mẹ đẻ và chữ quốc ngữ tuy phát triển ngày càng mạnh hơn nhưng có lẽ chỉ về lượng chớ về phần phẩm thì không khá mấy. Có thể do tình trạng chiến tranh, con người đổ ra nói và viết nhiều mà không cần nói đúng và viết đúng chăng ? Nếu có những người cố gắng làm cho tiếng mẹ đẻ càng ngày càng giàu và hay hơn thì cũng có lắm kẻ làm cho tiếng này càng ngày càng mất lần sự trong sáng của nó bằng:
1) TẬT HAY DÙNG TIẾNG NƯỚC NGOÀI.
Không có ngôn ngữ nào giàu đến mức không cần mượn thêm tiếng nước ngoài cho đến ngày nay việc đôi khi cần phải mượn một số từ của ngôn ngữ nước khác cũng là một chuyện bình thường. Trong tiếng Việt Nam cũng có một số lượng khá lớn từ của ngôn ngữ nước khác. Từ vay mượn nhiều nhất là của tiếng Hán như ngữ pháp, chính trị, lý luận… thứ đến của tiếng Pháp như gare, autobus, savon, café… (nhà ga, xe buýt, xà phòng, cà-phê…). Sở dĩ phải mượn là vì trong tiếng nước mình không có. Ví dụ như một số từ về khoa học chẳng hạn. Trái lại những từ mình đã có thì tại sao mình không dùng từ của mình? „Tôi không ăn“ thì cứ nói „tôi không ăn“ chớ nói „tôi không manger“ nghe đã kỳ mà càng làm cho câu tiếng Việt càng khó hiểu. Ngày xưa có những người mở miệng ra là xổ toàn tiếng Hán, thời Pháp thuộc cũng có những người về những nơi thôn dã hay những nơi „khỉ ho gà gáy“, mỗi khi nói thì xổ cả tràng tiếng Tây. Ngày nay cũng có những „Việt kiều“ về thăm quê hương nói chuyện với ai cũng thốt những tràng tiếng Mỹ để tỏ vẻ khoe khoang. Người trong nước nghe nhưng không hiểu gì hết đành chỉ nói „Cậu ấy nói tiếng Mỹ như gió“. „Việt kiều nghe lại ngạo nghễ tưởng người trong nước khen mình, chớ đâu có hiểu đó là lối „chửi khéo“: „Ôi thật là đồ vong bản!“; chớ nếu thật quả muốn khen, họ đã nói như thế này: „Chà! cậu ấy xa quê hương ròng rã đã mười lăm, mười sáu năm rồi mà còn nói được đúng tiếng Việt… v.v…“.
Sau 1945, tật hay dùng tiếng nước ngoài đã được người Việt hay mắc rất nhiều. Ví dụ như trước 1945 chữ AVION của tiếng Pháp được dịch sang tiếng Việt là MÁY BAY, PORTE AVION là tàu sân bay thì đến thời sau 1960 có chiến tranh với cộng sản thì tại miền Nam Việt Nam lại dùng những từ gốc Hán như PHI CƠ hoặc HÀNG KHÔNG MẪU HẠM.
Hoặc trước 1945, người Việt thường quen tai với những từ như LÍNH THỦY, LÍNH BỘ thì sau đệ nhị thế chiến thường chỉ thấy nói THỦY QUÂN, LỤC QUÂN. Thậm chí có một số người trẻ tuổi cho rằng nói MÁY BAY, LÍNH THỦY, LÍNH BỘ là những từ của cộng sản, người quốc gia không nên dùng. Cho nên đã có câu chuyện buồn cười là một em bé Việt ở Pháp học tiếng Pháp đem từ HELICOPTÈRE hỏi nghĩa với cha nó thì cha nó nói là PHI CƠ TRỰC THĂNG. Em bé bực mình vì không hiểu phi cơ trực thăng là gì bèn chạy sang hỏi ông nội của bé thì được ông giải thích cho rằng đó là danh xưng gốc Hán và ông giải thích PHI là BAY, CƠ là MÁY, TRỰC là THẲNG, THĂNG là LÊN nghĩa là MÁY BAY LÊN THẲNG. Ông dùng tiếng mẹ đẻ để giải thích như vậy thì cháu ông là người Việt tất dễ hiểu ngay chớ cha bé dùng danh xưng gốc Hán thì làm sao bé hiểu được. Làm như thế khác gì dịch cho một người Việt một từ tiếng Pháp bằng một từ tiếng Anh trong khi người Việt đó Anh hay Pháp ngữ đều mù tịt. Với tiếng Hán cũng thế thôi, Hán ngữ cũng là một ngoại ngữ. Có nhập một từ Hán vào ngôn ngữ Việt Nam thì cũng tốt thôi. Tiếng Việt sẽ thêm phong phú hơn. Nhưng không vì đó mà lại chê bai hay phủ nhận những từ tiếng mẹ đẻ tương đương sẵn có.
Trái lại không nên dùng những từ gốc Hán mà Việt Nam cộng sản hay bất cứ ai đã sử dụng để tự CHẾ BIẾN thành những từ kỳ quái khó hiểu như khẩn trương, tuyên giáo, tung thâm, quán triệt v.v… mà sự sử dụng sẽ làm mất sự trong sáng của ngôn ngữ mình.
Trên một tạp chí xuất bản ở Paris năm 2009, ông Lâm Dĩ Mộc kêu gọi nên bảo tồn tiếng Việt Nam, đừng để bị tiêu diệt, nhưng trong suốt bài báo, tác giả lại chỉ trích những ai dùng những từ như: LÍNH BỘ, LÍNH THỦY ĐÁNH BỘ, CHỮ THẬP ĐỎ, LẦU NĂM GỐC, TÒA NHÀ TRẮNG, SAO HỎA… viện cớ đó là ngôn ngữ „miền núi“ của Việt Nam cộng sản và chỉ được dùng những từ như: LỤC QUÂN, THỦY QUÂN LỤC CHIẾN, TÒA BẠCH ỐC, HỎA TINH. Lời chỉ trích lại quá nhiều mâu thuẫn và quá khắt khe, chớ trước năm 1945, người Việt Nam thời này thường dịch những từ ngoại quốc đó sang tiếng mẹ đẻ như vậy. Không tin, cứ đến các thư viện tìm đọc những sách báo ấn hành trước năm 1945 thì rõ. Vã lại, WHITE HOUSE người Pháp dịch là Maison Blanche thì người Việt có gọi là „Tòa Nhà Trắng“; hoặc PENTAGONE là „lầu năm góc“; hoặc CROIX ROUGE là „Chữ Thập Đỏ“ cũng đúng thôi. Đâu còn có thể tìm được những từ tiếng mẹ đẻ khác chính xác hơn để phiên dịch những từ ngoại quốc đó.
Những từ như TÒA BẠCH ỐC, NGŨ GIÁC ĐÀI, HỒNG THẬP TỰ là những từ gốc Hán, được Việt hóa để làm ngôn ngữ Việt Nam thêm phong phú thêm, ai hiểu được nghĩa thì cứ dùng. Tiếng Việt Nam là tiếng nói chung của toàn dân tộc. Mọi người Việt Nam đều có quyền sử dụng. Không lẽ người cộng sản Việt Nam dùng từ nào tiếng mẹ đẻ là chúng ta không được dùng từ đó và phải dùng từ nước ngoài để thay thế hay sao? Trái lại chúng ta chỉ không nên dùng những từ quái đảng mà chúng đã tự biến chế như: khẩn trương, tuyên giáo, tung thâm, quán triệt v.v… mà chúng đang sử dụng.
Ngoài ra ông Lâm Dĩ Mộc còn viết rằng: „Ai nói hay viết đảo ngược Á CHÂU thành Châu Á, Y KHOA thành Khoa Y, HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA thành Công chúa Huyền Trân, TRÚC LÂM THIỀN VIỆN thành Thiền Viện Trúc Lâm… PHI CHÂU thành Châu Phi đều là „SAI PHÁP CÚ, không ý nghĩa, kém cỏi biểu lộ bản chất thất học“.
Nếu ông Lâm Dĩ Mộc là người Việt thì tác giả nên nhớ rằng ngữ pháp Việt Nam hoàn toàn khác biệt hẳn với ngữ pháp Hán và tiếng Việt Nam hiện đại không phải là tiếng nôm như tác giả lầm tưởng. Những từ gốc Hán được mượn dùng trong ngôn ngữ Việt Nam đều được Việt hóa và phải tuân theo ngữ pháp Việt Nam. Những từ CHÂU, KHOA, CÔNG CHÚA, THIỀN VIỆN v.v… là những danh từ chung trong ngôn ngữ Việt Nam đều phải luôn luôn ĐỨNG TRƯỚC những từ mà chúng chỉ định. Cũng như người Trung Hoa có gọi Sàigòn là „Sàigòn thành“ thì người Việt Nam cũng chỉ gọi là „thành Sàigòn“. Cũng như những từ Anh Mỹ, khi được mượn dùng trong ngôn ngữ Pháp hay Đức đều phải theo ngữ pháp Pháp hay Đức.
II) HAM DÙNG NHỮNG TỪ HÁN ĐỂ DỊCH HAY PHIÊN ÂM
Trước 1945, những danh xưng ngoại quốc như Montesquieu, Voltaire hoặc những địa danh như Paris, Roma trên sách báo Việt ngữ đều được ấn hành như nguyên gốc. Đôi khi để giúp những người không biết tiếng ngoại quốc dễ đọc hơn thì có âm thêm phía sau trong vòng ngoặc. Ví dụ: Montesquieu (Mông-tết-ki-ơ) hay Voltaire (Vôn-te), thì sau 1945, thấy trên sách báo, các danh xưng về người hay các địa danh đều được phiên âm theo Hán ngữ: Montesquieu trở thành Mạnh Đức Tư Cưu, Voltaire trở thành Lư Thoa, Paris trở thành Ba Lê, Roma trở thành La Mã… nên lắm người đọc không hiểu đó là danh xưng của ai hay địa danh nơi nào. Sở dĩ có những sự kiện như vậy là do có một số người khi gặp những từ ngoại quốc mà họ không biết dịch hay phiên âm như thế nào bèn chạy vào Chợ Lớn nhờ các „chú Ba“ bày cho. Người Trung Hoa thường đổi tên các địa danh ngoại quốc theo lối phiên âm theo Hán ngữ. Nhưng vì trong ngôn ngữ Trung Hoa không có âm R nên mỗi âm R của danh xưng ngoại quốc đều được thay thế bởi âm L. Do đó Paris trở thành Ba Lê, Roma trở thành La Mã. Lề lối phiên âm như thế lắm khi gây nhiều ngộ nhận. Như trường hợp một người Việt Nam ở Sàigòn gởi thơ cho thân nhân ở Pháp theo địa chỉ Ba Lê thì tháng sau đó thơ trả lại người gởi với phê chuẩn „vô danh“ và kèm theo dấu bưu điện thành Bâle nước Thụy Sĩ.
Trên một tạp chí ở hải ngoại có bài tường thuật về giải vô địch túc cầu thế giới ở Đức. Nhiều nước tham dự đã được gán cho những danh xưng lạ lùng khó hiểu nào là: Nãi Gia Lợi, Ba Nhã Quế, Khốt Đột, Kha Luân Quốc, Gia Mai Kha, Khả Mại Dung, làm người đọc tuy am hiểu nhiều về địa lý cũng không hiểu đó là những nước nào và ở đâu? Sau cùng nhờ xem lại kết quả trên các báo Âu Mỹ lúc đó mới có thể biết: Nãi Gia Lợi là NIGERIA, Ba Nhã Quế là PARAGUAY, Khốt Đột là CROATIA, Khã Mại Dung là CAMEROUN…
Nhiều người tự hỏi không hiểu tại sao tác giả bài tường thuật không dùng danh xưng đặc thù của các nước đó mà lại dùng những từ Hán vô nghĩa… Có ai thử giải thích các danh xưng Nãi Gia Lợi, Ba Nhã Quế, Khã Mại Dung có nghĩa là gì ?
Còn nếu muốn phiên âm lại cho dễ đọc thì tại sao không dùng chữ quốc ngữ để âm vì hơn cả tiếng Hán, chữ Hán, tiếng và chữ Việt Nam có đủ âm để phiên âm bất cứ ngôn ngữ nào trên địa cầu.
Hay hơn hết là giữ nguyên lối viết và lối đọc của danh xưng nước người. Để cho những người không biết ngoại ngữ dễ đọc thì âm viết sau danh xưng chính, kế thêm trong vòng ngoặc. Ví dụ TUNISIE (Tuy-ni-di), MAROC (Ma-rốc), CAMEROUN (Ca-morun) chớ dùng những từ Hán như Ba Nhã Quế, Khốt Đột, Khã Mại Dung đã vô nghĩa mà còn chướng tai khó hiểu.
III) HAY NÓI XEN THÊM CHỮ HÁN MÀ KHÔNG HIỂU ĐÚNG NGHĨA CHỮ ĐÓ
Có đôi người thường có thói xen vào câu nói bằng tiếng mẹ đẻ của họ những từ ngoại quốc, nhất là những từ gốc Hán mà họ không hiểu rõ nghĩa của từ đó. Ví dụ như muốn nói về CHỖ YẾU thì họ lại dùng từ YẾU ĐIỂM mà thật sự theo Hán ngữ, YẾU ĐIỂM có nghĩa là ĐIỂM QUAN TRỌNG mà đúng ra từ NHƯỢC ĐIỂM mới có nghĩa là CHỖ YẾU.
Nhiều âm của Hán ngữ đôi khi lại trùng âm với âm Việt ngữ nhưng lại có nghĩa khác nhau. Ví dụ từ Hán YẾU có nghĩa là CỐT, QUAN TRỌNG, CHÍNH nên Yếu điểm có nghĩa là điểm quan trọng. Yếu nhân là người trọng yếu. Từ YẾU của Việt ngữ là có nghĩa là yếu ớt, kém, vì vậy khi người Việt Nam nói người yếu có nghĩa là người đó kém sức khỏe. Vậy khi người Việt Nam nói ĐIỂM YẾU (chữ yếu đứng sau chữ điểm) thì ĐIỂM YẾU này có nghĩa là điểm kém, chỗ yếu. Như thế đủ thấy YẾU ĐIỂM và ĐIỂM YẾU có nghĩa hoàn toàn ngược và khác nhau.
Cũng nên lưu ý rằng có nhiều từ Hán, khi được mượn vào ngôn ngữ Việt Nam thì lại đổi nghĩa khác hẳn với nghĩa vốn có trong tiếng Hán. Ví dụ như KHÚC CHIẾT trong tiếng Hán có nghĩa là quanh co thì sang tiếng Việt Nam lại có nghĩa là gãy gọn.
Cũng có từ Hán-Việt được tưởng rằng có ý nghĩa giống nhau nhưng thật ra vẫn có nhiều khác biệt. Ví dụ như từ PHÁT HIỆN và từ KHÁM PHÁ. Sự thật thì PHÁT HIỆN có nghĩa là tìm thấy cái gì trước đây chưa biết hoặc chưa tìm thấy; còn KHÁM PHÁ có nghĩa là tìm ra được cái gì được ẩn giấu trong bí ẩn và việc đó bao hàm ý phải có công tìm tòi.
Vì vậy muốn sử dụng đúng từ Hán-Việt nên hiểu rõ đúng nghĩa và cách dùng từng từ, nhất là phải biết phân biệt các từ Hán-Việt trùng âm với các từ thuần Việt ngữ.
IV) NÓI VÀ VIẾT ĐÚNG THEO NGỮ PHÁP
Trong cuộc nói chuyện hay trên các văn thư, việc nói và viết sai ngữ pháp cũng thường có thể xảy ra cho bất cứ ai. Nhưng có người cho rằng cần gì phải giữ gìn ngữ pháp trong lời nói, cốt hiểu nhau là đủ rồi. Nhưng một lời nói sai ngữ pháp tất nhiên sẽ mất đi sự trong sáng và sẽ trở thành khó hiểu hoặc có thể tạo ra nhiều ngộ nhận. Ngữ pháp tiếng Việt Nam đòi hỏi một người muốn nói đúng tiếng Việt, ngoài việc hiểu rõ ý nghĩa đúng của từ, cần phải biết rõ công dụng của các loại từ và vị trí đúng của từ trong câu nói.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TIẾNG VIỆT NAM
Những kết quả mới nhất của ngành khảo cổ cũng như kết quả về những nghiên cứu khoa học đã cho thấy Việt Nam có thể là một trong những khu vực của địa cầu mà loài người xuất hiện sớm nhất. Nước Việt Nam không phải chỉ có bốn ngàn năm văn hiến mà còn nhiều hơn thế nữa. Vì vậy tiếng nói của người Việt Nam cũng lâu đời như dòng giống Việt Nam và đã hiện hữu ngay thời thủy tổ người Việt Nam thành hình.
Ngành dân tộc học cho biết dân tộc Việt Nam nguyên là hợp chủng của nhiều bộ tộc dân cùng chung sống trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam từ những thời xa xưa của lịch sử. Sử liệu cũng như truyền thuyết lưu lại đều cho biết dân tộc Việt Nam thuộc dòng giống TIÊN RỒNG. Tiên có nghĩa là người ở trên núi, RỒNG là tượng trưng cho dân ở nước. Các ngành khoa học mới đều xác nhận rằng dân tộc Việt Nam xưa được thành hình do sự kết hợp của các bộ tộc từ núi rừng thảo nguyên tiến xuống đồng bằng với các bộ tộc vùng ven biển và hải đảo tiến lên. Tiếng nói của dân tộc đã được hình thành theo nhịp phát triển của dân tộc. Tiếng Việt Nam đã có một nguồn gốc rất lâu đời và sự tiến hóa của tiếng nói này cũng đã phải tùy thuộc theo số phận nổi chìm của dân tộc.
Trong suốt gần ngàn năm bị Tàu đô hộ, các di tích lịch sử bị hủy diệt, chữ viết cũng như tiếng nói bị cấm đoán. Tổ tiên người Việt chỉ được phép dùng chữ Hán để viết và tiếng Hán để nói. Tuy vậy vì nhờ Tổ tiên người Việt đã cư trú lâu đời trên lãnh thổ Bắc Việt nên có được thời gian dài đủ để hình thành ngữ hệ một cách ổn định để sau đó dầu bị ngoại bang phương Bắc thống trị vẫn giữ được bản sắc tiếng nói của dân tộc. Suốt thời gian bị đô hộ chữ viết của dân tộc bị cấm đoán. Chữ Hán được các Thái thú Tàu áp đặt thay thế chữ Việt. Học hành, thi cử, luật lệ, dụ sắc, giấy tờ chốn công đường đều dùng chữ Hán. Đó là nguyên do của sự ra đời của văn chương truyền khẩu của dân tộc Việt Nam. Văn chương truyền khẩu bao gồm những tục ngữ, thành ngữ, ca dao đã có công nhiều trong sự bảo tồn tiếng nói của dân tộc Việt Nam suốt thời kỳ này.
Từ thế kỷ XIII, trong khi ngay tại Âu Châu văn chương chưa được triển khai bao nhiêu thì tại Việt Nam đã có những bài thơ chải chuốt niêm luật chỉnh tề. Tiêu biểu là chuyện thơ Vương Tường bao gồm 39 bài tứ tuyệt và 10 bài bát cú. Sự kiện đó chứng tỏ rằng tiếng mẹ đẻ của dân tộc vẫn phát triển thạnh đạt.
Tuy nhiên suốt thời kỳ Bắc thuộc, Hán Nho đã được phổ biến ở đất Việt để khống chế nhân dân Việt Nam, đã tạo ra ở đây một số khoa bảng NAM NHÂN BẮC HƯỚNG. Cho nên đến thời kỳ nước nhà được tự chủ một số lớn khoa bảng đã trở thành quan lại của triều đình. Tuy có thể họ đã có ý thức rõ rệt về độc lập và chủ quyền lãnh thổ, nhưng vẫn còn rất mơ hồ về ý thức độc lập văn hóa. Do đó chữ Hán vẫn được họ áp dụng làm văn tự quốc gia trong khi chữ NÔM được xem là: nôm na mách qué.
Suốt thế kỷ XIV và XV mặc dầu mọi khó khăn, tiếng Việt vẫn phát triển không ngừng. Người Việt đã khéo lợi dụng các thể thơ lục bát để diễn tả hay phát biểu cảm xúc hay tư tưởng của mình.
Đi đôi với tinh thần độc lập của dân tộc từ thế kỷ XV, tiếng Việt đã là một lợi khí văn hóa hoàn bị, nên mặc dầu có sự bành trướng mạnh mẽ của văn chương Trung Hoa, tiếng Việt vẫn dũng mãnh sát cánh với dân tộc. Tiếng mẹ đẻ đã đủ khả năng diễn tả mọi tâm tư của con người. Có lẽ người Việt thuộc một dân tộc có máu thi sĩ trong huyết quản nên lối diễn tả vào thời kỳ này thường dùng lối văn vần. Với các thể thức gắt gao chặt chẽ của thi thơ nôm do Hàn Thuyên mở lối, nhiều tác phẩm văn vần bằng tiếng mẹ đẻ đầy giá trị ra đời. Tiêu biểu là tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Bà Đoàn Thị Điểm. Như thế loại văn vần, lục bát, dầu có niêm luật khác hẳn lối thơ Trung Hoa, vẫn đầy đủ khả năng để phô diễn tất cả mọi tâm trạng đầy tế nhị hay khúc chiết của người Việt Nam.
Như thế từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII tiếng Việt Nam càng ngày càng phát triển mạnh mẽ trong quảng đại quần chúng Việt Nam trong lúc giới quan lại của triều đình cùng giới khoa bảng vẫn xem tiếng Hán, chữ Hán như là ngôn ngữ và văn tự quốc gia. Tuy vậy suốt gần 500 năm, văn thể thơ Đường chỉ có một vài tác phẩm, văn thể thơ nôm tràn ngập trong quần chúng Việt Nam. Ai ai cũng biết hay cũng thuộc Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Kim Vân Kiều, Nhị Thập Tứ Hiếu, Minh Đình Mộng Ký, Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều Vấn Đáp, Bần Nữ Thán, Hạnh Phúc Ca, Quan Âm Thị Kính, Phan Trần, Trê Cóc, Nhị Độ Mai, Lục Súc Tranh Công…
Mãi đến đời Tây Sơn, tiếng Việt mới được xem là ngôn ngữ chính thức và chữ NÔM được xem là văn tự quốc gia. Khi viết chiếu cầu hiền La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiệp, Nguyễn Huệ không dùng chữ Hán mà lại viết bằng chư Nôm. Có thể nói dưới triều đại Nguyễn Huệ, mọi chiếu chỉ, văn thư của triều đình đều dùng chữ Nôm. Nhà cầm quyền thời đó còn lợi dụng thi ca bằng chữ Nôm làm lợi khí giáo dục. Tiêu biểu là tác phẩm Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca.
Tiếc thay về sau triều đình nhà Nguyễn lại quay trở lại sử dụng chữ Hán như là văn tự quốc gia. Nhưng chữ Nôm và tiếng mẹ đẻ vẫn được dân chúng bảo vệ. Sự thành hình của chữ quốc ngữ đã giúp nhiều vào công việc cải thiện tiếng nói mẹ đẻ rất nhiều.
Từ năm 1945, tiếng mẹ đẻ được xem như là ngôn ngữ chính thức của dân tộc Việt Nam và chữ quốc ngữ được nâng lên hàng văn tự quốc gia. Tại các trường học, tiếng Việt đã được sử dụng nên đa số người Việt đã nói đúng tiếng Việt và viết đúng chính tả.
Nguồn bài đăng
Link nội dung: https://vosc.edu.vn/viet-nam-noi-tieng-gi-a66820.html