Cần làm gì để đòi lại quyền lợi khi bị chủ "quỵt" lương?

Những ngày gần đây, vụ việc chị A. một bà mẹ đơn thân tố bị chủ quán cơm ở Hà Nội "quỵt" lương đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Chủ quán sau khi lên làm việc với chính quyền, đã trả tiền cho nhân viên cũ.

Tuy nhiên, kèm theo việc trả tiền, chủ quán yêu cầu chị A. gỡ bài "tố", đồng thời đăng bài đính chính rằng phía quán cơm không "quỵt" tiền. Tình huống này tiếp tục gây tranh cãi, nhiều người cho rằng, chủ quán nên nhờ chị A. gỡ bài chứ không phải dùng từ "yêu cầu".

Bình luận về sự việc, độc giả Tôn Thiện Anh bức xúc: "Nếu không có báo chí vào cuộc, không có cộng đồng mạng thì chị có trả tiền nhanh như vậy không mà yêu cầu với đính chính?".

"Nếu chủ quán cơm nhất định không trả sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc kinh doanh của họ, thậm chí có thể bị tẩy chay, dẫn đến sập tiệm. Họ cũng biết sức ảnh hưởng của cộng đồng mạng là rất lớn, vì 20 triệu mà dẫn đến kết quả như vậy là không đáng, nên họ phải trả tiền, chứng tỏ chủ quán vẫn còn phân biệt được bên nặng bên nhẹ", độc giả Hiền Hime viết.

Cần làm gì để đòi lại quyền lợi khi bị chủ quỵt lương? - 1

Chủ quán cơm đề nghị chị A. đính chính thông tin sự việc (Ảnh: NVCC).

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, việc chủ quán cơm có ý định không trả lương cho chị A. đã vi phạm quy định về nghĩa vụ trả lương của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2019.

Mặc dù chị A. không ký kết hợp đồng lao động nhưng giữa chị và chủ cơ sở quán cơm đã phát sinh quan hệ lao động 2019 trong quá trình làm thuê và trả lương căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019.

Luật sư Tiền cho biết, việc trả lương đầy đủ, kịp thời là nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động trong khoảng thời gian 14 ngày kể từ khi hai bên chấm dứt hợp đồng lao động (Khoản 1, Điều 48 Bộ Luật Lao động 2019). Ngoài hành động có ý "ăn quỵt" lương của chị A. thì chủ quán cơm còn có hành động đe dọa khi nữ nhân viên đăng bài cầu cứu lên mạng xã hội, xét về mặt đạo đức thì đây là hành vi thiếu tình người và thiếu văn hóa.

"Nhân viên làm công ăn lương đã tạo ra giá trị cho cơ sở kinh doanh của mình, chủ cơ sở có nghĩa vụ trả lương đầy đủ cho người lao động để họ có thể lo toan, trang trải cuộc sống thường ngày. Trong trường hợp này, do chủ quán đã thiếu trách nhiệm và cố tình không trả lương nên người lao động "cực chẳng đã" mới phải cầu cứu mạng xã hội.

Nguyên nhân của chủ quán không trả lương có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, do tình hình kinh doanh khó khăn từ sau đại dịch, thị trường cạnh tranh gay gắt hoặc phát sinh mâu thuẫn giữa chủ quán và nhân viên trong quá trình làm việc. Nhưng dù lý do đưa ra là gì thì việc chủ quán cố tình không trả tiền lương cho chị A trong một thời gian dài là việc cần thiết phải lên án", luật sư Tiền bình luận.

Cần làm gì để đòi lại quyền lợi khi bị chủ quỵt lương? - 2

Nữ nhân viên bị chủ quán cơm "quỵt" lương đăng bài cầu cứu trên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).

Đối với những vụ việc như trên, luật sư Tiền cho rằng các cơ quan điều tra cần vào cuộc, tìm hiểu kĩ về vụ việc, qua đó định hướng cách giải quyết phù hợp, hài hòa về lợi ích giữa các bên. Bên cạnh đó, cần siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra việc ký kết hợp đồng lao động của người sử dụng lao động với người lao động phổ thông.

"Cơ quan chức năng liên quan cần có động thái mạnh mẽ hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra cũng như tuyên truyền, phổ biến pháp luật về việc ký kết giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, cần đẩy mạnh chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về cơ chế bắt buộc doanh nghiệp phải đăng ký người lao động để đảm bảo quyền lợi về lương thưởng, chế độ bảo hiểm xã hội cũng như tránh thất thu thuế của nhà nước", vị luật sư nói.

Theo luật sư Tiền, khi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm, họ hoàn toàn có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Và để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình, khi nộp đơn khởi kiện, người lao động phải nộp kèm theo các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ.

"Việc không có hợp đồng lao động là một bất lợi. Tuy nhiên nếu có các giấy tờ xác nhận thanh toán lương của các kỳ trước và có ghi âm nội dung hội thoại về việc đòi nợ lương thì người lao động có thể nộp những tài liệu, chứng cứ này để tòa xem xét thụ lý cho yêu cầu khởi kiện của người lao động", ông Tiền phân tích.

Đối với trường hợp chủ quán cam kết mà không trả tiền, về nguyên tắc người lao động hoàn toàn có quyền khởi kiện và Tòa án sẽ quan tâm ưu tiên giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Và khi khởi kiện đòi tiền lương, căn cứ Điều 12 Nghị quyết 326/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, người lao động sẽ được miễn án phí, tạm ứng án phí.

Link nội dung: https://vosc.edu.vn/can-lam-gi-a48946.html