Yêu nhau, nhiều cặp đôi đã lựa chọn sống thử để có thể được gần gũi, cùng nhau chia sẻ những buồn vui của cuộc đời. Tranh luận về vấn đề này luôn nóng bởi quan điểm nên hay không nên.
"Sống thử", chuyện bình thường
Cùng với sự phát triển của xã hội, tư tưởng của nhiều bạn trẻ cũng "thoáng" và cởi mở hơn khi đề cập tới vấn đề sống thử.
Đ.T.L. (sinh viên trường Đại học RMIT) chia sẻ: "Thực ra, sinh viên thời nay khác sinh viên thời trước rất nhiều. Các bạn năng động, có khả năng tìm kiếm việc làm, tự chủ hơn về kinh tế và quyết đoán hơn trong việc xây dựng tương lai. Do đó, nếu yêu nhau thật lòng, có chung ước muốn song hành cùng nhau thì tại sao lại không thể sống chung một nhà, cùng nhau san sẻ buồn vui trong cuộc sống?"
Sinh viên T.T.P. (Hải Phòng) kể về câu chuyện bạn cùng lớp: "Trong lớp tôi có một cặp đôi công khai sống thử, thuê chung cư ở cùng nhau, mỗi sáng đều đưa nhau đi học, đi làm. Thời buổi này, sống thử là chuyện hết sức bình thường, không có gì trái thuần phong mỹ tục cả".
Ủng hộ việc sống thử, nữ sinh này cho rằng, sống chung với "người bạn đặc biệt" của mình thì mới có thể thấu hiểu, đồng cảm với nhau.
Với cái nhìn cởi mở, sinh viên Nguyễn Duy Long cho rằng, đây là quyền cá nhân của mỗi người, xã hội cần tôn trọng. Theo Long, các sinh viên đều đã ở độ tuổi trưởng thành nên cũng có quyền làm những gì mà bản thân không thấy sai, không vi phạm pháp luật.
Được nhiều, mất cũng nhiều!
Kinh tế ngày càng phát triển, kéo theo sự phát triển của đời sống vật chất và tinh thần. Giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng ngày càng thoáng hơn trong mọi việc nên sống thử diễn ra là điều tất yếu.
Khi chọn sống thử, các cặp đôi sẽ được bên nhau mỗi ngày, được làm mọi thứ cùng nhau và trải nghiệm những bài học của một cuộc hôn nhân.
Mặc dù chưa kết hôn, song N.V.D. (sinh viên năm 4, Học viện Tài chính) và bạn gái đã quyết định về ở chung một nhà.
"Chúng tôi sống cùng nhau khi bước vào năm 3 đại học. Sống chung, áp lực về tài chính giảm bớt khá nhiều vì cả hai có thể chia sẻ tiền thuê nhà, tiền điện, tiền ăn uống…
Tuy nhiên, trên hết, hơn một năm chung sống đã cho tôi bài học quý giá về cách nhường nhịn, thấu hiểu và chăm lo cho đối phương" - D. tâm sự.
Đồng quan điểm, sinh viên Đ.T.L. cho rằng, không chỉ giúp hiểu nhau, tiết kiệm chi phí sinh hoạt; sống thử còn giúp các cặp đôi thỏa mãn nhu cầu tình cảm, tình dục, trong khi không ràng buộc về pháp lý, không nặng nề về lương tâm và nghĩa vụ như khi đã kết hôn.
Sau khoảng thời gian sống thử, nếu may mắn, các bạn trẻ sẽ vượt qua khó khăn, cùng nhau đi tới hôn nhân bền vững. Tuy nhiên, "gãy cánh giữa đường" cũng không phải là trường hợp hiếm. Thậm chí, một số người còn nói vui: "Đời chỉ đẹp khi còn… sống thử".
"Chân ướt chân ráo" lên Hà Nội học đại học, Q.A. gặp người yêu (nay đã là người yêu cũ). Không lâu sau đó, cả hai quyết định thuê một phòng trọ và dọn đến ở chung.
Thời gian đầu mới dọn về, "lửa yêu" vẫn đang ngụt cháy, tật xấu của đối phương là điều dễ được bỏ qua, thậm chí còn được xem là… nét đáng yêu. Nhưng "chén đũa chung chạn còn xô nhau", huống hồ là hai con người với cá tính riêng biệt. Sau một khoảng thời gian, những mâu thuẫn dần hình thành, từ chuyện nhỏ nhặt nhất…
Q.A. tâm sự: "Tôi và bạn gái hay cãi nhau về chuyện tiền bạc - một vấn đề mà trước khi dọn về ở chung, chẳng bao giờ tôi phải bận tâm đến. Khi những mâu thuẫn tích tụ và lên đến đỉnh điểm, chúng tôi chọn cách chia tay. Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy đau khổ vì mình đã đặt hết hy vọng vào mối quan hệ này nhưng kết quả lại không như mong muốn. Sống thử cũng như cây đinh đóng vào tấm ván, khi dứt ra cả hai đều hỏng".
Nói về sống thử, Đỗ Văn Huy (sinh viên trường Đại học Hàng hải) tỏ ra vô cùng nghiêm khắc. Sinh viên này đã chỉ ra tương lai xám xịt của những đôi lứa chọn lối sống này: "Nhiều bạn trẻ lao vào sống chung mà không trang bị đủ hành trang, kiến thức để bảo vệ mình, gây ra những hậu quả đáng tiếc như: đánh cãi nhau, mang thai, thậm chí nạo phá thai… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và học tập".
Cũng theo Huy, những bạn nữ sẽ bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu một cặp đôi tan vỡ sau sống thử. Nỗi đau thể xác có thể nguôi nhưng tinh thần sẽ rất khó lấy lại. Họ đã đánh mất cả đời con gái lẫn hành trang bố mẹ chu cấp khi học đại học.
Sống thử nhưng trách nhiệm thật
Trải qua đổ vỡ sau, song Q.A. cho rằng, sống thử không phải là điều gì đó khủng khiếp, ngược lại đó là khoảng thời gian đáng nhớ nhất.
"Nhiều người bảo đấy thấy chưa, ai sống thử rồi cũng chia tay thôi. Nhưng trên thực tế, nếu như hai người đã không hợp nhau, chẳng phải sống thử là khoảng thời gian cho ta nhận ra điều đó hay sao?
Nếu lựa chọn giữa việc chia tay người yêu và việc ly dị một người bạn đời, tôi nghiêng về phương án đầu hơn, vì nó sẽ ít hơn những hệ lụy. Bạn bè tôi có rất nhiều đôi sống thử. Một số kết hôn, nhưng phần lớn cũng chia tay. Tuy nhiên, chẳng ai phàn nàn hay hối hận về khoảng thời gian đã từng chung sống".
Đồng cảm với Q.A., sinh viên T.T.P. chia sẻ, bản thân cô cũng không quan trọng chuyện sống thử có kết quả hay không, mà sống thử đem lại cho đôi lứa bài học, trải nghiệm gì trong hành trình yêu của mình.
Với cái nhìn thực tế, thầy Phạm Ngọc Thạch (giảng viên tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, xã hội không nên quá khắt khe về việc nhiều bạn trẻ đang chung sống với nhau như vợ chồng, thay vào đó hãy nhắc nhở để họ không đi vào ngõ cụt.
"Nhiều người lên án việc sinh viên, giới trẻ sống thử vì họ cho rằng chuyện tình dục trước hôn nhân là xấu. Theo tôi, điều này không có gì đáng xấu hổ vì phần lớn mọi người ai cũng thực hiện chuyện đó trong đời mình. Có chăng, ta nên phê phán một số người sống quá dễ dãi, buông thả, lợi dụng sống thử để "tung hoành" bản năng tình dục".
Không ủng hộ nhưng cũng không phản đối việc giới trẻ sống thử, tuy nhiên, theo giảng viên Nguyễn Ngọc Thạch, nếu quyết định "góp gạo thổi cơm chung", các bạn trẻ cần suy nghĩ thấu đáo bởi "sống thử nhưng trách nhiệm thật".
Thầy Ngọc phân tích: "Các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, nên hiểu rằng sống thử là chấp nhận chung sống với nhau như vợ chồng nhưng chưa được pháp luật công nhận. Trước khi quyết định có sống thử hay không, hãy cân nhắc giữa những cái được và mất. Được nhiều, mất cũng nhiều. Và một khi đã "mất" thì dẫn đến nhiều hệ lụy, có thể tổn hại đến sức khỏe, tinh thần, đồng thời tạo nên những vết hằn khó phai trong cuộc đời".
Theo nhà giáo này, để hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra trong quá trình sống thử, các bạn sinh viên nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về giới tính, sức khỏe sinh sản cũng như cách hành xử để có thể tự chịu trách nhiệm nếu lỡ "gạo nấu thành cơm".
Link nội dung: https://vosc.edu.vn/sinh-vien-song-chung-a23525.html