Những năm gần đây, việc xăm hình đã trở nên phổ biến trong cuộc sống và được coi là một "phụ kiện" thời trang hay cách thể hiện cá tính của mỗi người.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 của Học viện Da liễu và Venereology Châu Âu cho biết: "Ngay cả khi các dụng cụ xăm được vệ sinh sạch sẽ đi cùng là biện pháp phòng ngừa sức khỏe nghiêm ngặt thì việc xăm hình có thể gây ra một số biến chứng cấp tính phổ biến".
Các triệu chứng như chảy máu, ngứa, phù nề, đau hoặc cảm giác nóng có thể xảy ra trong giai đoạn chữa lành của hình xăm nếu việc chăm sóc không được thực hiện đúng cách.
Đáng chú ý, các sắc tố trong mực xăm được sử dụng có thể gây ra phản ứng dị ứng cũng như các vấn đề sức khỏe lâu dài bao gồm đột biến gen hoặc ung thư.
Các hạt di chuyển đến các hạch bạch huyết
Mực xăm thường bao gồm các sắc tố kết hợp với dung dịch hỗ trợ như ethanol hoặc isopropanol.
Các sắc tố có thể là titanium dioxide (TiO2), iron oxide (Fe2O3) hoặc barium sulfate (BaSO4).
Nhà nghiên cứu Vincent Balter, tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) giải thích: "Những sắc tố này giống như những sắc tố được sử dụng trong thuốc nhuộm vải, mực máy in và thậm chí cả sơn ô tô".
Hầu hết các loại mực xăm đều chứa các sắc tố hữu cơ, chúng cũng có chất bảo quản và chất gây ô nhiễm như niken, crom, mangan hoặc coban.
Những chất này có thể gây dị ứng da, ngứa, sưng hoặc xuất hiện sẩn.
Theo Giáo sư Martine Bagot, bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Saint-Louis ở Paris, Pháp, những phản ứng này chủ yếu liên quan đến các sắc tố màu đỏ, hồng, cam và vàng.
Và khi chúng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ kích hoạt các triệu chứng trên.
Cơ quan Hóa chất Châu Âu cho biết, sắc tố có thể gây ra các ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng chẳng hạn như đột biến gen và ung thư.
Đặc biệt, chúng có thể di chuyển từ da đến các cơ quan khác nhau dưới dạng các hạt vi mô và nano.
Điển hình, vào năm 2017, một nhóm nghiên cứu quốc tế từ Pháp và Đức đã cung cấp bằng chứng về sự di chuyển của các hạt titanium dioxide, đây là một sắc tố trắng, thường được sử dụng trong mực xăm.
Loại hạt này sẽ kìm hãm sự chữa lành các tổn thương cơ thể, gây ngứa, kích ứng da và chúng cũng di chuyển đến các hạch bạch huyết (có chức năng làm bộ lọc hoặc bẫy giữ lại các phần tử ngoại lai trong hệ miễn dịch).
Họ cũng phát hiện ra sự hiện diện của một số nguyên tố độc hại, chẳng hạn như crom và niken có nguồn gốc từ hình xăm.
"Sự lắng đọng của các hạt dẫn đến ảnh hưởng phì đại mãn tính của hạch bạch huyết bị", nhóm nghiên cứu công bố trong báo cáo.
Thực tế, nếu những chất độc hại này di chuyển dưới dạng hạt nano, chúng có khả năng được tìm thấy ở bất cứ đâu trong cơ thể, bao gồm cả gan, thận và gây tổn thương ở cấp độ tế bào.
Để hạn chế rủi ro sức khỏe của mực xăm đối với người sử dụng, một quy định mới của Liên minh châu Âu có hiệu lực vào tháng 1/2022 đã cấm sử dụng một số sắc tố nhất định và hạn chế nồng độ của chúng trong mực xăm.
Một số kim loại nặng hay các chất hữu cơ như amin thơm hydrocacbon đa vòng (PAHs) đã bị cấm trong mực xăm, chúng được biết đến với đặc tính gây ung thư và đột biến.
Song các nhà khoa học vẫn lo lắng những hạn chế là chưa đủ bởi chúng vẫn gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người, trong khi phần lớn người xăm hình không quan tâm đến thành phần của mực sẽ được tiêm dưới da của họ.
Những biện pháp mới này buộc người thợ xăm hình phải chuyển sang các loại mực khác, không chứa các hợp chất độc hại.
Hiệp hội Nghệ sĩ Xăm hình Quốc gia Pháp (SNAT) cho biết, trên thực tế, rất ít nhà sản xuất ngày nay cung cấp mực tuân thủ các quy định mới và nhiều sắc thái không có sẵn.
Liên quan đến vấn đề này, các nhà khoa học châu Âu sẽ tiến hành một nghiên cứu về nguy cơ ung thư liên quan đến hình xăm trong vài tháng tới tại Pháp và Đức.
Tác giả của nghiên cứu này sẽ do nhà dịch tễ học Milena Foerster, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu.
"Chúng tôi sẽ theo dõi 30.000 người có hình xăm và 90.000 người không có hình xăm. Những người tham gia sẽ được theo dõi trong 20 năm, đây là thời gian cần thiết để quan sát sự phát triển của bệnh, nhưng kết quả sơ bộ sẽ có trong vòng ba năm tới", Milena chia sẻ với tạp chí Capital.
Link nội dung: https://vosc.edu.vn/vi-sao-khong-nen-xam-minh-a22560.html