Trồng cây trong chai nhựa: giải pháp kết hợp bảo vệ môi trường

Tình trạng và tác hại của ô nhiễm không khí, ô nhiễm do rác thải nhựa

Hiện nay, rác thải nhựa đang là một thách thức lớn đối với môi trường, nhất là việc những chai nhựa được thải loại ra ngoài môi trường thiếu sự phân loại. Theo thống kê, hằng năm Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa và nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Rác thải nhựa gây ra những nguy hại khôn lường cho môi trường do chúng rất khó phân hủy nhưng lại dễ sản xuất. Đặc biệt, các loại chai nhựa mà con người dùng hằng ngày có thời gian tồn tại khi được thải ra ngoài môi trường lên đến 450 - 1000 năm, lâu hơn so với thời gian tồn tại của túi nilon khi chỉ mất 10 - 100 là sẽ phân huỷ, trong khi đó, các loại rác thải khác thì có thời gian phân hủy nhanh hơn gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, ngay cả khi rác thải nhựa bị phân rã, chúng không biến mất hoàn toàn mà thay vào đó sẽ tan thành những mảnh vụn nhỏ. Nguy hiểm hơn khi phần lớn rác thải nhựa hiện nay đang bị vứt ra ngoài đại dương gây hại đến các sinh vật biển khi tiếp xúc phải. Sự tồn tại của rác thải nhựa gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với đất và nước. Khi rác thải nhựa lẫn vào trong đất, chúng sẽ làm cho đất bị xói mòn, không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn oxy đi qua đất gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng.

Ngoài ra, khi rác thải nhựa bị bỏ xuống những nguồn nước như ao, hồ, sông ngòi sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn, ứ đọng nước thải khiến cho ngập úng, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, nảy nở. Khi nguồn nước và đất bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng do chúng luôn tồn tại những hóa chất độc hại gây ra các bệnh về nội tiết, giảm khả năng miễn dịch và ung thư.

Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí cũng là một vấn đề phải kể đến. Hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn, mật độ ô nhiễm không khí luôn ở mức cao. Ô nhiễm không khí mang lại rất nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người do trong đó chứa các loại khí độc hại như CO, SO2, NO2, chì,… Những chất đó tăng nguy cơ khiến con người mắc những căn bệnh về đường hô hấp, ung thư, các bệnh về hệ thần kinh như Alzheimer và Parkinson, gây biến chứng về tâm lý, tự kỷ và dễ cáu gắt. Không chỉ có vậy, ô nhiễm không khí còn gây ra các bệnh về mắt. Do đó, ô nhiễm không khí đang đe dọa đến tính mạng con người nếu như chất lượng không khí không được cải thiện.

Trồng Cây Trong Chai Nhựa: Giải Pháp Kết Hợp Bảo Vệ Môi Trường - Ảnh 1.

Ảnh: Pháp Luật Môi Trường

Tận dụng chai nhựa để trồng cây giúp bảo vệ môi trường

Không thể phủ nhận được cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc làm sạch không khí, nhất là khi mỗi cá nhân, hộ gia đình ý thức và hiểu rõ được lợi ích của việc trồng cây, tận dụng những chai nhựa đã qua sử dụng để làm vật dụng trồng cây còn góp phần làm giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.

Trồng Cây Trong Chai Nhựa: Giải Pháp Kết Hợp Bảo Vệ Môi Trường - Ảnh 2.

Ảnh: Vietnamnet

Thứ nhất, người sử dụng có thể trồng được nhiều cây cùng một lúc chỉ với một số ít chai nhựa đã qua sử dụng. Khi tiến hành trồng cây, một chai nhựa có thể dùng để trồng được 2 loại cây do phương pháp này chỉ cần người trồng sử dụng ½ chai cho 1 loại cây. Điều này giúp việc thải loại những chai nhựa đã qua sử dụng được giảm đi đáng kể. Không chỉ có vậy, người trồng áp dụng cách này còn có thể góp phần cải thiện không khí xung quanh vì số lượng cây trồng nhiều đồng nghĩa với việc lượng oxi từ cây tỏa ra môi trường sẽ tăng và lượng khí thải sẽ được những loại cây kia thu lại.

Thứ hai, Việc trồng cây trong chai nhựa còn có tác dụng để trang trí trong nhà, do đó việc này không chỉ khiến cho không gian thêm xanh mà còn gián tiếp thúc đẩy người trồng tích cực tái chế chai nhựa. Khi cây được trồng trong chai nhựa, nó không đơn thuần chỉ để phục vụ trực tiếp cho cuộc sống của người sử dụng mà nó còn có thể được dùng để làm vật trang trí cho căn nhà. Vì thế, người sử dụng sẽ có tinh thần tận dụng những chai nhựa đã qua sử dụng để trở thành vật trang trí hoặc biến những chai nhựa đó thành một vật dụng khác. Qua đó, việc loại bỏ những chai nhựa đã qua sử dụng ra môi trường sẽ được hạn chế một cách đáng kể.

Thứ ba, hành động tận dụng chai nhựa đã qua sử dụng để trồng cây sẽ trở thành nguồn động lực để việc tái chế những đồ nhựa dùng một lần khác. Khi những chai nhựa được tích cực sử dụng thành công cụ để trồng cây, việc này sẽ dần được lan tỏa khiến cho những người sử dụng khác có thể sẽ tiếp thu hiệu ứng, biến những vật dụng nhựa dùng một lần khác thành những đồ vật hữu ích thay vì biến chúng thành rác thải nhựa đem bỏ ra ngoài môi trường.

Việc kết hợp 2 trong 1 tận dụng chai nhựa đã qua sử dụng để trồng cây góp một phần to lớn trong hạn chế rác thải nhựa và ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, để thực hiện việc này một cách hiệu quả, cần phải có những biện pháp hữu hiệu để phát huy hết lợi ích vốn có.

Lựa chọn loại cây trồng phù hợp

Để việc trồng cây trong chai nhựa phát huy được tính hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường, người trông cần xem xét, lựa chọn những loại cây phù hợp với khả năng, điều kiện và không gian sống của gia đình. Hiện nay, các loại rau được chọn để trồng trong những chai nhựa đã qua sử dụng do tiết kiệm được thời gian và đem lại sự tiện lợi, cung cấp thực phẩm cho gia đình. Bên cạnh đó, một số loại cây khác được trồng với mục đích trang trí không gian và tăng cường oxi, lọc sạch không khí. Tuy nhiên, nếu như những loại đó không được theo dõi và chăm sóc đúng cách do điều kiện và khả năng của người trồng không đáp ứng được, rất có thể sẽ không phát huy được tác dụng đem lại không gian xanh, giúp bảo vệ môi trường.

Áp dụng các phương pháp bổ trợ cho cây trồng đúng cách

Trồng cây trong chai nhựa đã qua sử dụng không chỉ là việc làm đơn thuần qua vài bước mà còn phải chú trọng đến những cách để bổ trợ cho cây có thể phát triển được. Phân bón là một thứ không thể thiếu trong quá trình chăm sóc cây, tuy nhiên, người trồng cần xem xét kỹ đặc tính của cây và loại đất trồng để chọn loại phù hợp. Ngoài ra, người trồng không nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Điều này không những gây hại cho chính người trồng mà còn làm tổn hại đến môi trường xung quanh khi các chất độc hại từ những loại thuốc đó bay ra bên ngoài hoặc các vỏ thuốc không may bị đổ ra ngoài môi trường, khiến việc kết hợp giữa giảm rác thải nhựa và ô nhiễm không khí không có kết quả.

Sử dụng tối đa số lượng chai nhựa có được

Người trồng cần tận dụng tối đa số chai nhựa đã qua sử dụng để tạo thành một vườn cây trong chính không gian của mình. Để những chai nhựa không bị lãng phí, đem vứt bỏ, người trồng nên chú trọng về cách thiết kế để sử dụng được hết tất cả mọi chai nhựa có được để phục vụ cho việc trồng cây. Việc này không những làm giảm thiểu được vấn đề rác thải nhựa mà còn khiến cho số lượng cây xanh được tăng lên giúp lượng oxi từ cây được tỏa ra nhiều hơn, góp phần nâng cao chất lượng không khí và làm cho lượng khí thải độc hại có trong môi trường ngày càng giảm đi.

Bài trí không gian hợp lý cho việc trồng cây trong chai nhựa

Trồng cây trong chai nhựa cũng cần một không gian hợp lý để tận dụng được hết những nguyên liệu có được. Vì thế, người trồng cần chú ý đến nơi để đặt những chậu cây bằng chai nhựa đã qua sử dụng để cây ở trong đó vừa đón được ánh sáng, vừa không bị sương và để thuận lợi cho việc chăm sóc, tưới cây, không làm ảnh hưởng đến không gian xung quanh. Thêm vào đó, việc bài trí không gian còn giúp trồng được nhiều cây, tận dụng được một số lượng lớn chai nhựa đã qua sử dụng. Hành động này giúp những chai nhựa kia không bị đem bỏ ra ngoài môi trường và để chất lượng không khí được cải thiện. Từ đó, môi trường sống xung quanh được nâng cao một cách đáng kể.

Sử dụng những chai nhựa đã qua sử dụng cho việc trồng các loại cây ngay tại chính không gian trong mỗi hộ gia đình là một biện pháp kết hợp hiệu quả nhất hiện nay đóng góp một phần không nhỏ trong việc giải quyết 2 vấn đề gây ra tác động lớn đến môi trường hiện nay đó là rác thải nhựa và ô nhiễm không khí. Tuy nhiên để biện pháp này được phát huy một cách có hiệu quả, người sử dụng cần phải lưu tâm, chú trọng đến những phương thức áp dụng hợp lý nhằm giúp bảo vệ môi trường./.

Link nội dung: https://vosc.edu.vn/trong-cay-bang-chai-nhua-a21473.html