Thiền phái Trúc Lâm (禪派竹林) là một dòng thiền Việt Nam hình thành từ thời nhà Trần, do Vua Trần Nhân Tông sáng lập. Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng thiền này.
Với việc lập ra phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông đã thống nhất các Thiền phái tồn tại trước đó và toàn bộ giáo hội Phật giáo đời Trần về một mối.
Ảnh minh họa vua Trần Nhân Tông
Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ - Thư họa Trần Nhân Tông xuống núi hóa duyên
Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang (gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ). Thiền phái này được xem là tiếp nối nhưng là sự hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam của thế kỉ thứ 12 - đó là dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa-lưu-chi.
Hiên Nhà sẽ liệt kê và giới thiệu đến quý bạn đọc các Thiền Viện Trúc Lâm ngày nay do Hoà thượng Thích Thanh Từ khởi xướng tại Việt Nam.
19 Thiền Viện Trúc Lâm tuyệt đẹp tại Việt Nam:
1. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử:
Thiền viện Yên Tử hay còn được gọi là Chùa Lân, Long Động Tự do vị trí của nó nằm trên một quả đồi có hình dáng một con lân nằm phủ phục nên chùa được đặt tên theo dáng núi như vậy.
Thiền viện thuộc thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử
Đây chính là nơi vua Trần Nhân Tông cho tôn tạo, xây dựng vào năm 1293. Khi ấy, ba vị sư tổ của Trúc Lâm Yên Tử là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang thường đến đây thuyết pháp.
Chùa Lân xưa kia là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm. Hiện ngõ chùa vẫn còn lưu dấu tích xưa với ngõ dài, rộng, hai bên có nhiều tháp mộ các nhà sư.
Các công trình chính của chùa gồm chính điện, nhà thờ Tổ, lầu trống, lầu chuông, nhà tăng, La Hán đường… Đặc biệt, chùa có tượng đồng Thích ca mâu ni nặng gần 4 tấn và tượng Bồ Đề Đạt Ma làm bằng gỗ dáng hương nặng khoảng 3,2 tấn.
Ngoài ra, nơi đây cũng có quả cầu được trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác định là quả cầu Như ý lớn nhất Việt Nam.
2. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã:
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là một thiền viện thuộc phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, là một danh lam thắng cảnh của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thiền viện tọa lạc dưới chân núi Bạch Mã, giữa lòng hồ Truồi thuộc địa bàn xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Quý bạn sẽ đi đò qua hồ Truồi là tới thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Nơi đây, quý bạn sẽ chiêm ngưỡng tượng Phật Thích Ca cao sừng sững đang ngồi thiền trên ngọn đồi chính giữa hồ.
Tượng Phật Thích Ca lộ thiên
Đến với Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, nơi tiếng chuông chùa ngân vang trong không gian tĩnh lặng in sâu vào tâm hồn người dân xứ Huế cũng như du khách đến thăm Chùa. Bao nhiêu sự lo toan của cuộc sống đời thường đã nhường chỗ cho sự thư thái, điềm nhiên và bình an.
3. Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm:
Thiền Viện Trúc Lâm Giác Tâm còn gọi là chùa Cái Bầu thuộc thôn 1, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm tỉnh khoảng 65 cây số. Thiền viện Giác Tâm là thiền viện Ni trong tông môn.
Thiền Viện nằm rất xa khu dân cư, tựa lưng vào núi, hướng mặt ra vịnh Bái Tử Long.
Đây là một trong hai thiền viện Phật giáo lớn của Quảng Ninh. Chùa được đầu tư xây dựng lại trên nền của chùa Phúc Linh Tự, vốn có từ cách đây hơn 700 năm.
Phong cảnh nên thơ - “Non nước hữu tình” hòa cùng tiếng chuông uy nghiêm, tiếng gió rì rào từ biển khiến tâm thân được thanh tịnh, bình an vô cùng.
Nơi đây còn đánh dấu những sự kiện lịch sử quan trọng để chúng ta tưởng nhớ như Cuộc chiến chống quân Mông - Nguyên từ thế kỷ thứ XIII của các vị anh hùng nhà Trần, hay đã từng chứng kiến trận đánh đón đầu, tạo tiền đề hết sức quan trọng cho chiến thắng sông Bạch Đằng vang dội năm 1288.
3. Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng:
Thiền Viện được tọa lạc tại xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng được xây dựng từ chân lên lưng chừng của ngọn núi Non Vua. Đây là đỉnh cao nhất trong dãy Nham Biền. Đỉnh ngọn Non Vua có Giếng trời, còn được gọi là Thiên huyệt, quanh năm có nước sạch trong mát.
Thiền viện được đặt tên là Phượng Hoàng do gắn với một truyền tích vị quân vương tao ngộ 100 con phượng hoàng đậu đỉnh dãy núi Neo tại vùng biển Nham Điền. Sau đó, người dân đã đặt tên cho đỉnh núi cao nhất nơi con phượng hoàng đầu đàn đậu là non Vua.
Thời nhà Trần, vùng Nham Biền (nay thuộc xã Nham Sơn) là điền trang thái ấp của Thái sư Trần Thủ Độ. Tương truyền, núi Bành Kiệu, Non Vua là nơi Trần Thủ Độ đặt kiệu để rước vua về xem ông đánh rắn thần trừ tai họa cho nhân dân.
4. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên:
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây.
Truyền thuyết kể rằng, khoảng thế kỷ thứ 3, có một vị hòa thượng tên là Khương Tăng Hội dừng chân ở đây, dựng chùa truyền giáo, vì thế nơi đây là cái nôi của Phật giáo Việt Nam.
Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (Chùa Tây Thiên, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Đền Cô, Đền Cậu, Đền Thõng, Thác Bạc).
Nơi đây không chỉ được biết đến là nơi đất linh mà còn là địa danh với những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ thú thu hút không ít những du khách hành hương về cõi Phật, thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình.
Thiền viện được xây dựng nhanh nhất với kinh phí thấp nhất. Lý do của đều này là nhờ sự góp công của người dân, các thợ thủ công và các làng nghề.
Về thiết kế, thiền viện mang đậm dấu ấn, kiến trúc chùa Việt Nam đương đại với cổng Tam Quan, những họa tiết, chi tiết điêu khắc tinh tế và sắc sảo.
5. Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác:
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tọa lạc tại ấp 1 (cách Quốc lộ 1A khoảng 20 km, và cách đường Tràm Mù hơn 500 m), thuộc xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, Việt Nam.
Trụ trì thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác là Thượng tọa Thích Thông Phương, đệ tử kiệt xuất nhất của Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ, người có công khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.
Thiền viện được xem là một trong những thiền viện lớn nhất nước với diện tích 30ha. Tổng thể kiến trúc Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được xây theo mô hình truyền thống của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Điểm nhấn quan trọng trong toàn thể kiến trúc tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác này là bốn Thánh tích (hay còn gọi là Tứ động tâm) được xây dựng theo tỉ lệ 6/10 với thánh tích nguyên mẫu bến Ấn Độ. Bốn thánh tích này gồm vườn Lâm Tì Ni nơi Phật đản sinh, Bồ Đề Đạo Tràng nơi Phật thành đạo, vườn Lộc Uyển nơi Phật chuyển pháp luân, Câu Thi Na nơi Phật nhập diệt).
6. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam:
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam tọa lạc tại ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, Việt Nam. Đây là một thiền viện thuộc hàng lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ.
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được xây dựng trên diện tích gần 4 ha, với kết cấu lợp ngói, khung cột gỗ lim, chánh điện rộng cùng nhà tổ, nhiều tượng Phật được làm bằng gỗ Du Sam… Tổng kinh phí xây dựng là 145 tỷ đồng.
Chánh điện lợp ngói tám mái theo theo phong cách nhà Trần. Tổ điện lợp ngói bốn mái theo phong cách nhà Lý.
Lầu trống và Gác chuông (đại hồng chung nặng 1,5 tấn) được làm theo kiểu tháp chuông chùa Keo ở tỉnh Thái Bình.
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam nằm trong khu Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung Thành Phố Cần Thơ. Sư trụ trì của Thiền viện Phương Nam là Đại đức Thích Bình Tâm.
7. Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt:
Nằm giữa rừng thông xanh mướt bạt ngàn của thành phố Đà Lạt, thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt là công trình kiến trúc độc đáo tại núi Phụng Hoàng, cạnh hồ Tuyền Lâm, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 5 km.
Đây là là một trong 3 thiền viện lớn nhất nước ta được khởi công xây dựng năm 1993 và chỉ mất một năm để hoàn thành.
Được mẹ thiên nhiên cùng vơi núi rừng Đà Lạt ưu ái, nơi đây là nơi thu hút một lượng lớn khách du lịch, các Phật tử hướng Phật cũng như các tăng ni đến đây tụ tập.
Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt được chia thành 4 khu chính: khu tịnh thất hòa thượng; hòa thượng viện trưởng; khu vực ngoại viện; khu nội viện tăng - nội viện ni. Người mà lên ý tưởng quy hoạch thiền viện cũng là trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Thích Thanh Từ.
Tuy nhiên, trụ trì hiện nay của thiền viện là Thượng tọa Thích Thông Phương.
8. Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc:
Thiền viện Sùng Phúc là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Thiền viện Sùng Phúc nằm trên đất của một ngôi chùa cổ trước của làng Xuân Đỗ Thượng, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỉ XVI-XVII thuộc chốn tổ Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.
Thiền viện là nơi tu tập của không chỉ các Phật tử mà còn là của các thanh thiếu niên Phật tử và cũng là nơi ra đời của Đoàn Thanh niên Phật tử Trần Thái Tông.
Ngôi thiền tự được Hoà Thượng Thích Thanh Từ ban tên là Thiền Viện Sùng Phúc trong chuyến thăm viếng miền Bắc vào những ngày đầu xuân Ất Dậu - 2005. Và vị sư trụ trì hiện nay của ngôi chùa là Đức Thích Tâm Thuần.
Ngày nay, Thiền Viện Sùng Phúc không chỉ là nơi tu tập của các phật tử lớn tuổi mà tại đây còn là nơi tu tập và sinh hoạt của bạn Thanh Thiếu niên đủ mọi lứa tuổi và đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc khôi phục lại tinh thần Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử ở miền Bắc như Hoà Thượng Thích Thanh Từ luôn tâm niệm.
9. Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng:
Xứ Thanh miền đất địa linh nhân kiệt, nơi gợi về quá khứ hào hùng từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc với nền văn hóa nguồn cội. Con sông Mã nơi đây đã góp phần làm cho văn minh Việt phát triển rực rỡ với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Chính vì thế người đời có câu: “Hàm Rồng - Sông Mã“
Với tổng diện tích 9.000m2, được tọa lạc trên đồi núi Hàm Rồng, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng nằm thanh tịnh trên ngọn đồi cao, bên bờ Sông Mã.
Thiền phái trúc lâm Hàm Rồng do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, đến năm 2010 được khởi công xây dựng với nguồn kinh phí do các tăng ni phật tử, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng góp.
Thiền viện Hàm Rồng góp phần tôn tạo danh thắng núi Hàm Rồng trở thành một danh lam thắng tích, một nơi du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn đối với nhiều vị khách du lịch cũng như các vị Phật tử, Tăng Ni đến tụ tập.
10. Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức:
Được kiến tạo trên nền chùa cổ Kim Tôn thuộc xã Đồng Quế, huyện Sông Lô thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức là sự kế thừa, phát huy những tinh hoa, giá trị từ con đường từ bi, trí tuệ của đạo Phật nói chung, của dòng thiền Trúc lâm nói riêng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Lý - Trần.
Nhận thức được giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của một công trình kiến trúc đã trở thành phế tích, với công đức vô lượng của các quí Phật tử gần xa bao gồm nhân dân địa phương và ngành văn hóa Vĩnh Phúc cùng với Đại đức Thích Tỉnh Thuần (Phó trụ trì Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên) đã tâm nguyện mong muốn tôn tạo chùa -tháp Kim Tôn, đồng thời, khởi công xây dựng tại nơi đây một công trình Phật giáo mang đậm phong cách Phật giáo thời Trần.
Năm 2010, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức được chính thức khởi công xây dựng với nhiều hạng mục khác nhau.
Thiền Viện Trúc Lâm Tuệ Đức là một công trình kiến trúc đẹp trách lệ với không gian cao xanh, tĩnh mịch, u huyền… dưới chân núi có hồ Bò lạc xanh biếc lung linh bóng núi ẩn chứa nhiều sự tích xa xưa, làm cho Sáng Sơn trở nên thắng cảnh có sức mời gọi.
Nơi đây đang hình thành một khu di tích văn hóa, tâm linh, sinh thái hấp dẫn hàng vạn du khách, phật tử.
11. Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Quang:
Với diện tích 6.000m2, Thiền viện Tuệ Quang hay là Chùa Huỳnh Võ cũ do gia đình sư cô Thích Nữ Huệ Ðịnh phát tâm xây dựng rồi cúng dường lại cho Hòa Thượng (năm 1999), được mang tên của vị Thiền sư Thiền phái Trúc Lâm, tọa lạc tại số 13, đường Linh Trung, Quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh thiền viện là địa bàn dân cư mà chung quanh là khu công nghiệp với những nhà máy xí nghiệp mọc lên san sát, đủ mọi thứ âm thanh nhiễu loạn.
Tuy bất lợi về hoàn cảnh môi trường, nhưng thiền viện Tuệ Quang vẫn có số lượng chư Tăng hơn hai mươi vị cùng nương nhau tu hành và hàng tuần vẫn thanh thản hướng dẫn cho mấy trăm Phật tử cùng tu tập theo pháp môn Thiền tông.
12. Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp:
Với diện tích 3,68 ha, Thiền viện Chính Pháp được tọa lạc tại xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
Đây không chỉ là nơi tu học của Tăng Ni và Phật tử mà còn là địa chỉ phục vụ công tác an sinh xã hội như giáo dục, y tế, chăm sóc người già neo đơn và trẻ mồ côi trong tương lai.
Thiền viện gồm 5 hạng mục chính gồm: Tòa Tam Bảo, Cổng Huệ Quang, Viện Đại Trí, Viện Đại Hạnh và Viện Đại Bi.
Tòa Tam bảo với tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 18 mét, ngự trên đài sen cao 4 mét và được đặt trên tòa tháp 3 tầng với chiều cao 15 mét. Đây sẽ là nơi thờ Phật, xá lợi Phật, chư Tổ, kinh điển pháp bảo và cũng là nơi cư trú của chư Tăng và là nơi tu học của đại chúng.
13. Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc:
Chùa Hộ Quốc (hay thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc) là một trong những công trình nằm trong dự án khu du lịch tâm linh có diện tích hơn 110ha (diện tích chùa chiếm khoảng 12%) thuộc ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Là một trong hệ thống Thiền Viện Trúc Lâm của cả nước, với lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển chùa thu hút rất nhiều du khách tới tham quan.
Tuy nằm trong cùng hệ thống Thiền Viện Trúc Lâm nhưng kiến trúc của Thiền viện Hộ Quốc có chút khác biệt so với các Thiền viện khác bởi chùa được dựng hoàn toàn từ các cột gỗ lim nên chiều cao của các gian cũng bị giới hạn theo chiều cao của cột gỗ. Ngoài ra trong chùa cũng có ban thờ Đức Ông giống như các chùa ở Bắc Bộ.
Kiến trúc của chùa là sự kết hợp giữa kiến trúc thời Lý và Trần. Bước vào chùa sẽ thấy một khoảng sân rộng với tượng phật cao tầm 3m màu cẩm thạch nguyên khối được điêu khắc tỉ mỉ. Từng đường nét trên tượng được chăm chút mềm mại, mang cảm giác thanh thoát cho bức tượng.
Người dân cũng như các vị Tăng Ni và Phật tử bốn phương tới với chùa Hộ Quốc không chỉ để cúng viếng, tụ tập tu tập mà còn để tham quan cảnh sắc nơi đây.
14. Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh:
Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh tọa lạc tại ấp Khoán Tiều, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Nằm cách trung tâm thành phố Trà Vinh 50 km về hướng đông nam và các thị xã Duyên Hải 12 km về hướng đông với diện tích gần 10 ha. Đây là ngôi thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm duy nhất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh được xây dựng trên khuôn viên rộng 7 ha, trong khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển, mặt tiền nhìn ra biển Đông bao la, với tổng kinh phí xây dựng hơn 120 tỷ đồng do các doanh nghiệp và phật tử phát tâm cúng dường. Ngôi Thiền viện được thi công trong hai năm và khánh thành vào ngày 31/01/2016.
Toàn bộ các kiến trúc tại Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh được thiết kế và xây dựng theo mô hình các ngôi chùa Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần (thế kỷ XII đến thế kỷ XIV), mà điển hình là các mái ngói dạng hai tầng. Các đầu đao cuối mái được vuốt cong nhẹ nhàng, thể hiện tính khiêm cung, hài hòa với tự nhiên của dân tộc.
Thiền viện Trúc Lâm đang giữ nhiều kỷ lục trong số các tự viện Phật giáo trên địa bàn Trà Vinh như ngôi chùa gần biển Đông nhất, toàn bộ các kiến trúc gần với kiến trúc truyền thống dân tộc nhất, ngôi Chánh điện to nhất, tượng Phật tổ to nhất, tượng Quán Thế âm to nhất, đại hồng chung lớn nhất, giảng đường có sức chứa lớn nhất, khoảng sân phía trước Chánh điện rộng lớn nhất…
15. Thiền viện Trúc Lâm Thiên Trường:
Thiền viện Trúc Lâm Thiên Trường được xây dựng trên diện tích 34.000m2, nằm sát Quốc lộ 10, thuộc địa bàn phường Lộc Vượng thuộc thành phố Nam Định.
Công trình gồm nhiều hạng mục quan trọng như Đại hùng Bảo điện Trúc lâm Thiên Trường (rộng 4840m2); Đại tượng Phật Thích Ca bằng đồng, cao 14,8m, nặng 150 tấn; tôn tượng Di Đà bằng đồng nặng 17 tấn, tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, tượng Tam Tổ Trúc Lâm, tượng Trần Hưng Đạo.
Với chiều cao 14,8 m, đại tượng Phật đặt tại Trúc Lâm Thiên Trường, trung tâm Phật giáo tỉnh Nam Định là bức tượng Phật bằng đồng lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra trong quần thể trung tâm còn có nhiều hạng mục khác như đền thờ Vua Hùng và đền thờ Bách tính; đền thờ Đức Thánh Trần; Trai đường, cổng Tam quan, hồ nước, Văn phòng Hội Phật giáo tỉnh…
16. Thiền viện Trúc Lâm Chơn Không:
Thiền Viện Chơn Không được xây dựng vào năm 1969, tọa lạc ở độ cao 80 m trên triền Núi Lớn, thuộc địa bàn Vũng Tàu. Nơi đây nổi bật trên nền cảnh núi đồi hùng vĩ với quần thể các công trình như tháp tổ, chính điện, tháp chuông, thiền đường, khu Tăng ni, nhà khách… tạo thành điểm tham quan thu hút không chỉ Phật tử mà còn đông đảo du khách bốn phương.
Thiền viện Chơn Không thật sự là thắng cảnh yên ắng đến tuyệt vời rất thích hợp cho Phật tử và du khách hành hương, tham quan và có dịp tìm hiểu về Thiền tông.
Khuôn viên chùa rộng khoảng 2.000 m2, với một cảnh quan kỳ vĩ, quần thể kiến trúc độc đáo gồm Chánh điện, tháp chuông, bia tháp Sư Tổ Trúc Lâm, phần mộ thân sinh Hòa Thượng, bia Thiền viện Chơn Không, nền nhà bếp cũ và hồ nước Pháp Lạc Thất còn đó, đường Tiêu Dao, đồi Tự Tại, đường Đại Mai, đường Thạch Đầu, đường Kinh Hành và những Ngôi Thất di tích…
17. Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên:
Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên hay còn được gọi là Chùa Khỉ - được Hòa Thượng Thích Thanh Từ khai sơn vào năm 1987 thuộc trường phái Đại Thừa, mang khiến trúc gần giống như thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Thiền viện tọa lạc ở chân núi Minh Đạm, thuộc thị trấn Phước Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách đèo nước ngọt Long Hải chỉ hơn 1 km.
Đi dọc theo con đường quanh co uốn lượn về hướng biển Long Hải, bạn sẽ được ngắm nhìn một bên là biển mênh mông, một bên là ngọn núi Kỳ Vân cao vời vợi quanh năm lộng gió. Bạn sẽ thấy thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên nằm yên bình dưới những ngọn đá đồ sộ.
Tảng đá khác chữ của Thiền viện Chân Nguyên
Thiền viện cũng là nơi cư ngụ của bầy khỉ đuôi dài gần 200 con, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có đàn khỉ thiên nhiên nhiều nhất”. Vì vậy, Thiền viện Trúc lâm Chân Nguyên thường được người dân địa phương gọi là chùa Khỉ. Hàng ngày, đàn khỉ thường xuống núi ăn và vui đùa trong khuôn viên.
18. Thiền viện Thường Chiếu:
Thiền viện Thường Chiếu toạ lạc giữa cây số 76 - 77 Quốc lộ 51, thuộc thành phố Vũng Tàu và cách thành phố Biên Hoà khoảng 44 km, và cách trung tâm thị trấn Long Thành 14 km.
Thiền viện mang tên một danh sư Việt Nam đời nhà Lý, môn phong của sư được các thế hệ sau phát triển rực rỡ và chuyển tiếp thành dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đời Trần, danh sư vì thế đã trở thành danh xưng của thiền viện Thường Chiếu non một thế kỷ sau.
Nhìn toàn cảnh khu Thiền viện có địa thế đẹp, lại thuận tiện đường giao thông cho du khách tham quan, toạ lạc trên khu đất rộng 10 hecta. Nội thất chánh điện rộng rãi, thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên, con người. Điện thờ Phật đơn giản mà trang nghiêm, chỉ thờ duy nhất Đức Bổn sư Thích ca Mầu ni, tay cầm bông sen, biểu trưng niêm hoa vi tiếu.
Hai bên có cặp độc bình bằng gốm cẩn xà cừ cao 3,5m. Toàn bộ cửa ra vào và cửa sổ đều làm bằng gỗ quý chạm lộng các đề tài: tứ linh, hoa lá…
19.Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ:
Cách trung tâm Thành Phố Phan Rang - Ninh Thuận chưa đầy 5km, Thiền viên Trúc Lâm Viên Ngộ sở hữu một vẻ đẹp hữu tình mà không phải địa danh nào cũng có được khi tọa lạc trên đồi cao và dựa lưng vào sườn núi.
Nơi đây được xem là địa linh của vùng đất nắng gió, là thiền viện lớn nhất tỉnh Ninh Thuận.
Đại sảnh Thiền Viện được thiết kế và xây dựng khá đơn sơ, nhưng không kém phần trang nghiêm và linh thiêng, là nơi đón tiếp người dân hay các Tăng Ni, Phật tử đến thắp hương cầu nguyện.
Thiền viện trước kia có tên gọi là Phụng Sơn, được xây dựng chủ yếu bằng đá và gỗ quý với hai khu riêng biệt: Tăng viện và Ni viện và được thiết kế với các mái chùa lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển, các tượng Phật và nhiều khu đền thờ nằm từ giữa núi cho đến đỉnh.
Gắn liền với thắng cảnh Đá Chồng và hình thành từ cuối năm 2008, đến đầu năm 2009, Thiền viện được khởi công xây dựng lại chánh điện dưới chân núi. Hy vọng, trong tương lai nơi đây sẽ là một điểm đến thú vị của du khách mỗi khi đặt chân lên Ninh Thuận đầy nắng, gió biển và góp phần phát triển nền kinh tế du lịch của tỉnh nhà.
Sự hiện hữu của các Thiền viện Trúc lâm tại Việt Nam không ngoài ý nguyện kế thừa, chia sẻ và phát huy những tinh hoa - giá trị cao qúy từ con đường từ bi, trí tuệ của đạo Phật nói chung, của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, góp phần tô đậm thêm mối liên hệ mật thiết giữa các giá trị cốt lõi của Phật giáo với những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vốn hình thành từ ngàn đời trong diễn trình lịch sử - văn hóa Việt Nam, được trao truyền cho hôm nay và mai sau.
Nguồn: Tổng hợp
Hiennha.com
>> Xem thêm: 10 Bộ Phim Phật Giáo Hay và Ý Nghĩa Trong Cuộc Sống
Link nội dung: https://vosc.edu.vn/co-bao-nhieu-thien-vien-truc-lam-a21264.html