1. Tiền nhàn rỗi là gì?
Tiền nhàn rỗi được hiểu là một khoản tiền cá nhân không cần dùng đến trong một thời gian nhất định. Đây là số tiền còn lại sau khi bạn đã phân chia các khoản chi phí cho cuộc sống, kể cả khoản dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp.
Thông thường, với số tiền nhàn rỗi này, nhiều người sẽ chọn thực hiện đầu tư, tìm kiếm thêm lợi nhuận và mở rộng tài sản, để tiền lại sinh ra tiền.
Đặt trường hợp, nếu không dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư mà chỉ giữ nguyên vẹn như vậy thì có nên không? Câu trả lời là không nên, vì theo thời gian số tiền này cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Khi lạm phát tăng đồng nghĩa với việc số tiền nhàn rỗi sẽ mất đi giá trị. Vì thế, đầu tư chính là cách để bạn bảo vệ khoản tiền nhàn rỗi khỏi các rủi ro của lạm phát.
2. Tiền nhàn rỗi nên đầu tư vào đâu?
Có tiền nên đầu tư gì vào thời điểm này? Dưới đây là gợi ý 6 cách đầu tư tiền nhàn rỗi hiệu quả, phổ biến hiện nay.
2.1. Gửi tiết kiệm
Gửi tiết kiệm là một hình thức đầu tư truyền thống, tuy không mới nhưng luôn là sự lựa chọn đầu tiên của nhiều người khi có tiền nhàn rỗi.
Ưu điểm:
Đầu tư đơn giản, không đòi hỏi về kiến thức chuyên môn nên ai cũng có thể thực hiện được.
Có cả hình thức gửi tiết kiệm online và offline cho bạn lựa chọn, nếu muốn tiết kiệm thời gian thì có thể chọn gửi tiết kiệm online.
Rủi ro thấp vì các ngân hàng đều có bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng.
Nhược điểm:
Lãi suất gửi tiết kiệm rơi vào khoảng 4 - 7%/năm, tỷ suất tương đối thấp, không mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, để nhận lại được mức lãi suất trên, khách hàng chỉ được rút tiền (gốc và lãi) khi đáo hạn. Nếu rút trước thời gian này, lãi suất nhận được thông thường chỉ dưới 1%.
Lãi suất ngân hàng có thể biến động mạnh dựa trên sự thay đổi của các yếu tố kinh tế vĩ mô.
2.2. Mua vàng
Mua vàng là loại hình đầu tư được nhiều người ưa chuộng, họ sẽ mua vàng và cất giữ, khi có việc cần hoặc vàng tăng giá thì sẽ bán ra, thu về lợi nhuận từ khoản chênh lệch.
Ưu điểm:
Vàng thuộc hàng kim loại quý nên có luôn giữ được giá trị theo thời gian. Ngay cả khi giá vàng giảm, giá trị cơ bản của nó vẫn không thay đổi.
Trong lúc thị trường biến động như lạm phát, vàng sẽ không bị mất đi giá trị.
Có tính thanh khoản cao, dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt.
Nhược điểm:
Giá vàng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Ngân hàng nhà nước. Bên cạnh đó, có một sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư khá e ngại khi đầu tư vào vàng.
Rủi ro mất cắp nếu tích trữ vàng không cẩn thận.
2.3. Đầu tư bất động sản
Đầu tư bất động sản cũng là một lựa chọn mà bạn nên cân nhắc bên cạnh gửi tiết kiệm và mua vàng. Tại Việt Nam, bạn có thể chọn các loại hình đầu tư bất động sản vào: đất nền, căn hộ chung cư, nhà phố, bất động sản nghỉ dưỡng, hoa viên nghĩa trang, Shophouse và Officetel, phòng trọ cho thuê,…
Ưu điểm:
Tăng sinh lợi nhuận cao trong thời gian dài.
Tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản rất lớn do quá trình đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng diễn ra mạnh mẽ ở các khu vực kinh tế quan trọng.
Nhược điểm:
Cần vốn đầu tư lớn và vững chắc.
Cần có kiến thức chuyên sâu, nhạy bén với thị trường để có quyết định đầu tư đúng đắn.
Thời gian đầu tư dài hạn, có thể dài hơn so với kế hoạch ban đầu.
Mất nhiều thời gian để thực hiện mua bán, làm các thủ tục cần thiết.
Tính thanh khoản thấp hơn so với các hình thức đầu tư khác.
Thị trường bất động sản có thể biến động mạnh do các hoạt động đầu cơ diễn ra ngày càng nhiều.
2.4. Đầu tư cổ phiếu
Đây là hình thức đầu tư rất phổ biến ở các nền kinh tế phát triển. Ở Việt Nam, cổ phiếu vẫn là dạng đầu tư mới và thị trường chứng khoán nói chung vẫn còn khá trẻ.
Ưu điểm:
Khả năng sinh lời cao từ chênh lệch giá trị cổ phiếu và hưởng cổ tức trong trường hợp công ty kinh doanh thuận lợi, có lãi, quyết định chi trả cổ tức cho các nhà đầu tư.
Tính linh hoạt cao, có thể mua bán cổ phiếu dễ dàng.
Tính thanh khoản cao.
Nhược điểm:
Yêu cầu kiến thức chuyên môn vững chắc để đọc được báo cáo tài chính và nắm bắt tốt các sự thay đổi trên thị trường.
Thị trường chứng khoán thường biến động trong ngắn hạn do chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố.
Người đầu tư dễ bị chi phối bởi các biến động ngắn hạn và tâm lý chung của đám đông, dẫn đến đầu tư không hiệu quả.
Đầu tư ngắn hạn mang đến rủi ro cao hơn so với rủi ro dài hạn bởi khi đầu tư ngắn hạn, bạn cần phán đoán thị trường nhạy bén và chọn thời điểm thích hợp để mua bán thì mới có lợi nhuận.
2.5. Đầu tư chứng chỉ quỹ mở
Chứng chỉ quỹ mở là sản phẩm của quỹ mở . Các nhà đầu tư tham gia góp vốn vào quỹ thông qua việc mua chứng chỉ quỹ. Quỹ mở, được quản lý bởi những công ty quản lý quỹ với các chuyên gia đầu tư dày dặn kinh nghiệm, sẽ sử dụng nguồn vốn từ các đầu tư cá nhân hoặc tổ chức và mang đi đầu tư vào các danh mục như cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi hoặc quỹ hỗn hợp.
Ưu điểm:
Nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian tìm hiểu cũng như theo dõi thị trường.
Danh mục đầu tư đa dạng, đáp ứng tốt các nhu cầu đầu tư của người tham gia.
Chi phí thấp, thủ tục đơn giản và tính thanh khoản cao.
Nhược điểm :
Quỹ mở dễ bị thoái hóa vốn do ảnh hưởng từ các cổ đông trong tổ chức tài chính hay ngân hàng.
Chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động của thị trường chứng khoán.
Hạn chế người mới tham gia quỹ khi tổng tài sản quá lớn.
2.6. Tham gia bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư
Xu hướng gần đây, nhiều người chọn mua bảo hiểm liên kết đầu tư như một cách để tối ưu kế hoạch tài chính cá nhân.
Ưu điểm:
Lợi ích 2 trong 1, vừa được bảo vệ tài chính trước các rủi ro cuộc sống, vừa đầu tư tăng sinh lợi nhuận.
Thời gian tham gia càng sớm thì phí càng rẻ, thời gian bảo vệ càng dài, dễ dàng nâng cao quyền lợi bảo vệ với các SPBT.
Có thể rút tiền theo nhu cầu trong quá trình tham gia bảo hiểm để thực hiện các mục tiêu cá nhân.
Linh hoạt đầu tư với nhiều quỹ có danh mục đầu tư, lãi suất và mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau. Ngoài ra, bạn còn có thể đóng thêm phí bảo hiểm để có cơ hội gia tăng lợi ích đầu tư.
Các thông tin về đầu tư rõ ràng, minh bạch và được quản lý bởi các chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm. Đồng thời các hoạt động của bảo hiểm cũng sẽ được giám sát bởi các đơn vị nhà nước có thẩm quyền.
Nhược điểm:
Chỉ phù hợp cho các mục tiêu đầu tư dài hạn.
Đối với bảo hiểm đầu tư liên kết chung, có lãi suất đảm bảo nhưng tỷ suất đầu tư thực tế ở mức trung bình thấp. Ngược lại, đối với bảo hiểm đầu tư liên kết đơn vị, không có lãi suất đảm bảo nhưng có cơ hội đạt tỷ suất đầu tư ở mức cao.
Theo pudential.com.vn