1. Chỉ trong hai đêm 2-3/8, đã có thêm 3 tân hoa hậu và 13 tân á hậu, nâng tổng số Hoa hậu, Á hậu ở Việt Nam lên tới gần 200 người chỉ trong vòng 1 năm. Miss Grand 2024, Hoa hậu du lịch, Hoa hậu doanh nhân là 3 cuộc thi sắc đẹp đã góp phần nâng số lượng Hoa hậu, Á hậu Việt Nam lên mức độ ấy. Và từ nay tới cuối năm, không ai dám chắc là sẽ không còn có cuộc thi sắc đẹp nào nữa được tổ chức. Do đó, con số "Hoa-Á" có lẽ còn chưa dừng ở mức này.
Nhan nhản hoa hậu, nhan nhản á hậu đã là vấn nạn của Việt Nam từ nhiều năm nay rồi và nếu không quản lý chặt, có lẽ sẽ đến một ngày, ở Việt Nam ta, chỉ cần cô gái nào nhìn ưa mắt một chút, trời mưa biết chạy vào nhà, có khách đến biết chào hỏi thì có lẽ cô gái ấy cũng hoàn toàn có cơ hội một ngày nào đó không đăng quang thì cũng phải kiếm cái á hậu làm vốn lận lưng.
Vừa đăng quang xong, Hoa hậu Võ Lê Quế Anh (Miss Grand 2024) đã bị tố là người nhà của đạo diễn Hoàng Nhật Nam, thành viên chủ chốt của Ban tổ chức cuộc thi. Tất nhiên, các bên đều phủ nhận thông tin ấy. Ông Hoàng Nhật Nam chỉ chia sẻ rằng do có thời gian cùng cộng tác nên Tết nhất, Võ Lê Quế Anh cũng như nhiều người đẹp khác cũng có ghé thăm nhà chúc Tết. Giải thích này là hợp lý. Chuyện trong showbiz quý mến nhau, ghé thăm nhau cũng đâu khác gì những ngành nghề khác, các đối tác vẫn thường thăm hỏi nhau thường xuyên.
Câu hỏi mà chúng ta có thể đặt ra chính là "Là hoa hậu thì được lợi ích gì và nó có phải là một sự nghiệp hay không?". Nói thật, đúng là đăng quang ở một cuộc thi lớn luôn mang lại cho con người ta lợi thế lập nghiệp, thậm chí mang lại cả món tiền thưởng xứng tầm. Nhưng sự nghiệp đó có thật sự bền hay không, nhất là khi hoa hậu không còn là của hiếm? Ngày xưa, khi Việt Nam chỉ có 1-2 cuộc thi hoa hậu, một hoa hậu được công chúng nhớ tới nhiều năm sau đó và nhờ vào danh tiếng ấy, hoa hậu có thể có được nhiều lời mời tham gia các sự kiện. Cái đó cũng có thể được coi là một cái nghề. Nhưng hôm nay, khi mà chưa kịp hết quan tâm tới 1 cuộc thi nhan sắc, người ta đã có ngay vài cuộc thi tương tự để theo dõi, cái sự quên của công chúng đối với hoa hậu cũng nhanh lắm. Mà khi đã bị quên, đã nhạt nhoà, cơ hội kiếm tìm các dự án để cộng tác cũng thưa dần. Ít show thì ít thu nhập. Chẳng hiểu các hoa nhà ta sẽ sống bằng gì? Nước lọc và không khí chăng?
2. Trong không khí rộn ràng của những hoa hậu, á hậu cán đích con số 200, làng showbiz lại có phen rộn ràng hơn với những pha ghen tuông đúng chất hoạn thư. Một vụ thì ngôi sao showbiz bị tố giật chồng. Còn một vụ khác thì một ngôi sao showbiz kéo dài cơn ghen sau khi đã ly dị cũng vì lý do bị… giật chồng.
Diễn viên Nam Thư đã lần đầu lên tiếng chính thức sau khi bị tài khoản facebook Zyy Doo tố cáo cô có quan hệ bất chính với chồng của facebooker này. Thậm chí, Zyy Doo còn bóng gió tố Nam Thư thường xuyên hút cỏ, với tên một số loại cỏ ưa thích của nữ diễn viên này. Nam Thư im lặng cả tháng mới tổ chức một cuộc họp báo, đại ý khẳng định mình không có quan hệ bất chính với ai cả và cho biết cô đã gửi đơn khởi kiện.
Chưa biết bao giờ thì tòa án mới thụ lý đơn kiện nhưng xem ra, toà công luận đang không đứng về phía Nam Thư mà thay vào đó lại đứng về phía Hoạn Thư Zyy Doo. Chẳng biết trắng đen như thế nào nhưng trước mắt, sự nghiệp của Nam Thư đang bị đe dọa thật sự. Và việc tổ chức họp báo có vẻ là nước cờ sai lầm của Nam Thư. Lẽ ra, cuộc họp báo đó nên được làm từ đầu tháng 7, khi vụ việc nổ ra. Nhưng khi mọi thứ tưởng như đã chìm dần, việc Nam Thư tổ chức họp báo đang gây tác dụng ngược.
Chưa biết, phía Zyy Doo có những bằng chứng gì trong tay nhưng trước mắt, các dự án có mặt Nam Thư sẽ ảnh hưởng rất lớn. Công chúng Việt vốn dĩ cực ghét những tiểu tam và không ít các tiểu tam đã phải trả giá cả sự nghiệp trước làn sóng tẩy chay mạnh mẽ của một bộ phận công chúng đa số là các bà mẹ bỉm sữa.
Ở một góc khác của showbiz, Diệp Lâm Anh lại khơi mào cuộc chiến với chồng cũ khi đăng tải những dòng nửa mùi mẫn, nửa chua cay về phía một nửa ngày xưa của mình. Số lượng likes, shares, bình luận dường như đã làm cho cô nàng hai con này say đòn và có vẻ như những tác động ngược đang bắt đầu manh nha.
Phải thừa nhận, những ngày đầu tiên của vụ việc ly hôn, Diệp Lâm Anh đã nhận được rất nhiều ủng hộ từ phía công chúng. Công chúng Việt, như nói ở trên, rất ghét những tiểu tam và họ đứng về phía Diệp Lâm Anh, xem cô như một nạn nhân cần cảm thông và chia sẻ.
Nhưng sau một thời gian dài tính bằng năm, khi vụ ly hôn đã hoàn tất và cả hai không còn ràng buộc pháp lý nào, cái cách Diệp Lâm Anh mang chồng cũ ra "nghịch" đang khiến công chúng dần sa vào hội chứng Stockholm. Họ dần dà có xu hướng cảm thông cho chồng cũ của Diệp Lâm Anh hơn khi bắt đầu nhận thấy anh này là nạn nhân đúng kiểu "cây muốn lặng mà gió chẳng đừng".
Thực tế, nếu cao tay, Diệp Lâm Anh nên kín tiếng, thậm chí tuyệt đối tránh nhắc về đổ vỡ cũ và hướng tới tương lai mà sống. Đằng này, ngoài vài gameshow ít ỏi mà cô tham gia, Diệp Lâm Anh dường như không có một sản phẩm mới nào trong làng giải trí cả. Sản phẩm duy nhất của cô bây giờ chỉ là câu chuyện của chính mình với chồng cũ.
Nhưng cái đáng nói hơn chính là cô đang không ý thức được sau này con cái của mình sẽ đọc được những gì mà cha mẹ chúng dành cho nhau. Đây mới là thứ đáng ngại nhất mà những nhân vật chính trong câu chuyện ỏm tỏi này dường như không lưu tâm. Việc cha mẹ chia tay vốn đã là một biến cố quá lớn đối với những đứa con. Khi chia tay là đặng chẳng đừng, hậu chia tay cần có cái tinh tế, khéo léo, thậm chí nhẫn nhịn để con cái không bị hằn sâu thêm vết thương quá lớn.
Ấy vậy mà Diệp Lâm Anh cứ điềm nhiên như không với vết thương ấy. Có vẻ như với cô, làm sao để chồng cũ ăn không ngon, ngủ không yên khi bên tình mới có lẽ là mục đích tối thượng nhất? Cái cơn Hoạn thư này quả thật đáng sợ và tác động tiêu cực của nó sẽ còn rất lâu dài, không chỉ với các con của Diệp Lâm Anh mà với ngay chính bản thân cô, một phụ nữ trẻ vẫn còn cả một tương lai rất dài phía trước.
Chỉ mới một nửa tháng 8 thôi, showbiz Việt đã "ỏm củ tỏi" vì những câu chuyện rất thiếu tính chuyên môn và quá giàu tính câu khách. Đó có phải là cái đáng lo ngại hay không? Tại sao không phải là những ca khúc mới, vai diễn mới, bộ phim mới… mà lại là những chuyện chỉ liên quan đến cái bề ngoài và những riêng tư không nhất thiết phải phơi lên mạng xã hội? Và nó sẽ có tác động thế nào tới công chúng, nhất là giới trẻ?
Trả lời câu hỏi này không phải là nhiệm vụ chỉ của riêng những nhà quản lý văn hoá, mà còn của chính từng con người trong cộng đồng. Nếu chúng ta đừng quan tâm tới nữa, chắc chắn các vở bi hài kịch kiểu này sẽ không còn đất diễn nữa. Đơn giản, còn khách còn múa hát, nên vì thế, còn likes, còn shares, còn bàn tán xôn xao, cái tạp kỹ kỳ dị kia sẽ vẫn còn dài dài…