Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 26-3-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 26-3
Sự kiện trong nước
- Ngày 26-3-1931: Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930). Ngay từ rất sớm Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, họp từ ngày 20 đến ngày 26-3-1931 (tại nhà số 236, đường Richaud, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) do đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì đã dành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và chỉ thị cho tổ chức Đảng ở các địa phương phải quan tâm đến việc xây dựng Đoàn Thanh niên. Hội nghị đã quyết định thống nhất các tổ chức Đoàn thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương.
Bác Hồ với thanh niên Việt Nam. Ảnh tư liệuNgay sau khi thành lập, Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương đã phát triển được nhiều đoàn viên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Từ phong trào cách mạng giai đoạn này đã xuất hiện nhiều gương thanh niên đấu tranh oanh liệt, tiêu biểu là người đoàn viên thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng với câu nói nổi tiếng trước tòa án kẻ thù: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.
Sự phát triển lớn mạnh của Đoàn đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta. Đó là sự vận động khách quan phù hợp với yêu cầu của cách mạng, đồng thời, phản ánh công lao to lớn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã sáng lập và rèn luyện tổ chức Đoàn. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3 họp từ ngày 22 - 25 tháng 3 năm 1961 đã quyết định lấy ngày 26-3-1931 (một ngày trong thời gian cuối của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, dành để bàn bạc và quyết định những vấn đề rất quan trọng đối với công tác thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn hằng năm. Ngày 26-3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh quang vinh.
Từ ngày 26-3-1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã nhiều lần thay đổi tên gọi:
Từ 1931 - 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương
Từ 1937 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương
Từ tháng 11 năm 1939 - 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương
Từ tháng 5 năm 1941 - 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam
Từ ngày 25 tháng 10 năm 1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam
Từ tháng 2 năm 1970 - tháng 11 năm 1976: Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh
Từ tháng 12 năm 1976 đến nay: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - đội quân xung kích cách mạng, đội dự bị tin cậy của Đảng. Ảnh: Tuoitrethudo.vnPhát huy truyền thống vẻ vang trong 91 năm qua, các cấp Đoàn và tuổi trẻ cả nước giữ vững niềm tin sắt son với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, biến những khó khăn, thách thức thành động lực, kiên trì, kiên định thực hiện vị trí, chức năng, vai trò của mình trong hệ thống chính trị; phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; khơi dậy khát vọng dựng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp thanh thiếu niên và nhi đồng. Luôn tiên phong đi đầu, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, xung kích, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Mảnh máy bay lấy từ xác máy bay Mỹ bị bắn rơi tại núi Nài vào ngày 26-3-1965. Ảnh tư liệu- Ngày 26-3-1965: Bộ đội pháo cao xạ đã bắn rơi 12 chiếc máy bay Mỹ tại tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một trận thắng oanh liệt của binh chủng pháo cao xạ trong cuộc chiến đấu đánh trả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta.
- Ngày 26-3-1975: Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Trong ngày này, lá cờ cách mạng tung bay trên bầu trời Cố đô Huế, đánh dấu mốc lịch sử, Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Với thắng lợi đó, thành phố Huế và quân dân toàn tỉnh đã trở thành hậu phương trực tiếp chi viện và tạo đà tiến công mạnh mẽ về quân sự ở Đà Nẵng; góp phần đưa chiến dịch Huế - Đà Nẵng - một trong ba chiến dịch lớn của quân và dân Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đến thắng lợi hoàn toàn, góp phần vào sức mạnh tổng hợp của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.(1)
Sự kiện quốc tế
Nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig Van Beethoven. Ảnh tư liệu- Ngày 26-3-1827: Ngày mất Nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig Van Beethoven. Beethoven sinh ngày 17-12-1770 tại Bonn, Ðức. Beethoven là người có năng khiếu âm nhạc rất sớm. Năm 12 tuổi, ông đã thành thạo ngoại ngữ và chơi được nhiều loại đàn như violon, piano, organ. Trong khoảng 10 năm từ 1782-1792, ông sáng tác khoảng 50 tác phẩm, trong đó có 3 bản sonata piano, 2 bản đại hợp xướng và một số ca khúc. Beethoven qua đời ngày 26-3-1827 tại Vienna (Viên), Áo. Ông được đánh giá là đại diện xuất sắc nhất cho trường phái cổ điển Vienna, nhà văn hóa vĩ đại của thế giới và là một trong những người mở đường cho dòng nhạc lãng mạn.
- Ngày 26-3-1979: Ngày ký kết Hiệp ước Ai Cập - Israel, mang lại nền hòa bình đầu tiên giữa một nước A-rập và một nước Do Thái, chấm dứt 30 nǎm chiến tranh giữa hai nước này. (2)
Theo dấu chân Người
- Ngày 26-3-1953, báo Nhân Dân đăng một bài báo nhỏ của Bác (ký tên C.B) có tên là “Cột dây thép” phản ảnh sự việc có một cột dây thép bị mối ăn, ngả xuống cạnh một làng. Thanh niên, phụ lão làng ấy xung phong ra trồng lại. Qua bài báo, tác giả biểu dương và nhắc nhở ý thức bảo vệ của công là bổn phận của mọi công dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. Ảnh: Hochiminh.vn- Ngày 26-3-1964, báo Nhân Dân đăng bài báo về “Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng”. Tác giả ký tên là “Chiến sĩ” nhưng đó chỉ là bút danh của Bác Hồ. Viết bài báo vào dịp kỷ niệm thành lập Đoàn, Bác vừa nêu một tấm gương sáng của thanh niên trong cuộc đấu tranh chống thực dân giành độc lập nhưng cũng để kể lại những chi tiết như một nhân chứng lịch sử nhằm đính chính một số điều mà sách báo viết không chính xác về nhân vật lịch sử này.
Bài báo cho biết, chính Nguyễn Ái Quốc (khi đó mang bí danh Lý Thuỵ) là người đã tham gia đào tạo Lý Tự Trọng và một thế hệ những chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi mà kiên cường này: “Năm 1925, “Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí” thành lập ở Quảng Châu. Mục đích của Hội là chuẩn bị điều kiện để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản.
Hội đã quyết định bồi dưỡng một nhóm trẻ em làm hạt nhân cho phong trào nhi đồng cách mạng sau này. Lúc đó không thể đưa trẻ em trong nước ra. Hội chọn lấy 10 em gái và trai, con Việt kiều ở Xiêm đưa đến Quảng Châu, trong đó có em Trọng 11 tuổi.
Em tên thật là Lê Văn Trọng. Để giới thiệu các em vào trường tiểu học (thuộc Trường Đại học Tôn Trung Sơn), đồng chí Lý Thuỵ nhận các em là họ hàng thân thích. Vì vậy em Trọng cũng như các em khác đều đổi thành họ Lý.
Để nuôi các em ăn học, một phần do đồng chí Lý Thuỵ phụ trách, một phần do các đồng chí Trung Quốc giúp đỡ. Các em không phải đi bán báo để lấy tiền nuôi mình, như có người đã nói sai.
Em Trọng thông minh, vui tính, siêng học, siêng làm; vóc người thấp nhỏ nhưng cứng cáp. Cho nên anh em quen gọi là “Trọng Con”.
Sau khi thuật lại việc Lý Tự Trọng đã bị thực dân bắt và kiên cường trước mọi ngón đòn tra tấn của kẻ thù, bài báo nhắc lại câu chuyện nhà báo Ăngđrô Viônlít (Andro Viollis) thuật lại: “Khi dẫn bà đến thăm đồng chí Trọng ở xà lim những người bị án tử hình, người Pháp gác ngục ngậm ngùi nói với bà rằng: y không khỏi kính trọng dân tộc Việt Nam vì đã có những người con oanh liệt như Trọng. Sau gần 10 tháng vô cùng đau khổ, ngày 21 tháng 11 năm 1931, Lý Tự Trọng, người thanh niên anh hùng 17 tuổi, bị lũ thực dân Pháp đưa lên máy chém! ... Đồng chí Lý Tự Trọng đã nêu gương chân chính cách mạng cho chúng ta noi theo. Ngày nay, được Đảng giáo dục, có Đoàn dìu dắt, thanh niên chúng ta phải xung phong gương mẫu trong đạo đức, trong sinh hoạt, trong học tập, trong lao động; phải thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”... (3)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp lâu dài và gian khổ, song nhất định thắng lợi. Mọi người chúng ta, bất kỳ ai, làm việc gì, ở cương vị nào, đều phải là những chiến sĩ dũng cảm của sự nghiệp vẻ vang ấy”.
Câu nói trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Báo cáo chính trị tại Hội nghị Chính trị đặc biệt diễn ra vào cuối tháng 3 năm 1964, khi miền Bắc đã có 10 năm được hưởng hòa bình thống nhất, đang trong quá trình xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa; miền Nam đang trực tiếp đấu tranh chống đế quốc Mỹ và Chính quyền Việt Nam cộng hòa, tiếp tục sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Bác Hồ tới thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệuChính tại thời điểm này Bác đã động viên nhân dân tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; cùng một lúc tiến hành hai cuộc cách mạng trên cả hai miền (cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam) là một việc làm hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài. Trong lời kêu gọi “chống Mỹ, cứu nước” tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa… nhân dân Việt Nam nhất định thắng, Mỹ nhất định thua”. Chính vì vậy, để tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và ủng hộ nhân dân miền Nam anh dũng đấu tranh bằng cả sức người, sức của, càng đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, xác định rõ thái độ, trách nhiệm, tích cực tạo ra sức mạnh to lớn để hoàn thành thắng lợi vào sự nghiệp vẻ vang ấy.
Hiện nay, sau hơn 30 năm đổi mới, bằng sự nỗ lực cố gắng, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu đáng tự hào. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng. Song lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được Đảng, nhân dân ta phát huy mạnh mẽ trong sự nghiệp cách mạng mới. Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay, cần thống nhất nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta vẫn đang ở thời kỳ quá độ còn nhiều khó khăn, phức tạp và lâu dài… đòi hỏi Đảng và nhân dân ta tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng và có phương pháp, hình thức, bước đi phù hợp cho từng giai đoạn cách mạng. Đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch…
Quân đội nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác, xác định rõ nhiệm vụ, chức năng trong sự nghiệp cách mạng, là lực lượng nòng cốt sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhà nước và nhân dân. Trước yêu cầu cao của sự nghiệp cách mạng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, đảm bảo cho Quân đội nhân dân hoàn thành tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất và các nhiệm vụ được giao, thực sự xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 5334 ngày 26-3-1976 đã đăng trang trọng bức ảnh “Hồ Chủ tịch nói với các cháu thanh niên, thiếu niên Việt Bắc ( 13-3-1960)”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 5334 ngày 26-3-1976. Ảnh: Qdnd.vnNGUYỄN CÚC (Tổng hợp)
(1): Theo baothainguyen, baoninhthuan, vnuf.edu.vn
(2): Theo baothainguyen, baoninhthuan
(3): Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010