Có thể bạn chưa biết, có rất nhiều đời tổng thống của Mỹ: Barack Obama, Franklin Roosevelt và Bill Clinton đều là luật sư trước khi họ trở thành một nhà chính trị gia. Xuất phát điểm từ nghề luật sư đã mang đến cho họ một cái đầu lý trí, một sự hiểu biết sâu rộng, những phẩm chất của người luật sư. Chính những điều đó đã giúp họ đưa ra những quyết định làm thay đổi cả nước Mỹ.
Định nghĩa Luật sư
Luật sư là những người hành nghề trong lĩnh vực pháp luật. Thực hiện các dịch vụ pháp lý như tư vấn pháp luật, tư vấn soạn hợp đồng, đàm phán, thỏa thuận về các vấn đề pháp luật hoặc bào chữa, bảo vệ quyền lợi của khách hàng trước tòa. Khách hàng của luật sư có thể là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức nào đó.
Để trở thành một luật sư, bạn phải thi đỗ Chứng chỉ hành nghề luật sư và làm việc cho một văn phòng luật sư nhất định. Tại Việt Nam, sau khi tốt nghiệp các ngành luật, các cử nhân luật sẽ phải tham gia một khóa đào tạo nghề luật. Sau khi nhận được chứng chỉ, phải đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư tỉnh/thành phố, thời gian tập sự là 18 tháng. Sau quá trình tập sự, có thể lựa chọn thi Chứng chỉ hành nghề luật sư để trở thành một luật sư thực thụ.
Công việc của một luật sư
Luật sư là những người hành nghề pháp luật. Mà pháp luật thì bao trùm tất cả các khía cạnh, lĩnh vực của đời sống, xã hội. Do tính quản lý đa dạng của pháp luật mà người luật sư sẽ làm việc trong những lĩnh vực nhất định nào đó.
Luật sư có thể là người bào chữa, đại diện hợp pháp cho khách hàng của mình trong tố tụng dân sự hoặc hình sự. Hoặc là công tố viên đại diện cho chính phủ trong tố tụng hình sự.
Họ cũng có thể là người khởi kiện, đại diện cho khách hàng (cá nhân, cơ quan, tổ chức) để bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn. Hoặc làm việc ở các vị trí cố vấn: tư vấn pháp luật; phổ biến các điều luật; nghiên cứu cách cư xử của khách hàng cho đúng luật…
Ngoài việc hành nghề luật sư, một luật sư dày dạn kinh nghiệm, nhiều năm trong nghề có thể giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học, học viện - những trường có đào về các ngành luật.
Bên cạnh những công việc tư nhân, luật sư còn có thể làm việc cho chính phủ (công tố viên, thẩm phán), các tổ chức phi lợi nhuận.
Những kỹ năng cần thiết để trở thành một luật sư tài giỏi
Luật sư là những người hành nghề trong lĩnh vực pháp luật. Chính vì thế mà công việc, đối tượng mà họ làm việc, giao tiếp hàng ngày chính là các điều luật. Do đó, họ thường dành phần lớn thời gian của mình tại văn phòng hoặc phỏng xử án.
Tuy nhiên, không phải vì tính chất công việc “chuyên môn” như vậy mà người luật sư không cần thiết phải có những kỹ năng khác. Đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bởi nếu không đạt được những kỹ năng trên, một người “luật sư” sẽ chẳng thể nào trở thành một người luật sư thực thụ được.
Khả năng giao tiếp mạnh mẽ: Một vị luật sư ấp úng, lắp bắp, lời nói không rành mạch, rời rạc thì chẳng thể thuyết phục được ai, và cũng chẳng thể bảo vệ khách hàng của mình. Một người luật sư tư vấn nếu không khéo giao tiếp với khách hàng của mình thì khả năng hợp tác giữa họ cũng không thể cao được
Khả năng phân tích cao: Bất cứ người luật sư nào cũng phải rèn luyện cho mình khả năng phân tích cao, nhanh nhạy. Để phân tích, tìm hiểu được rõ ngọn ngành sự việc, để có thể ứng phó được những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Khả năng nghiên cứu: Có rất nhiều bộ luật, điều luật về tất cả các vấn đề, các lĩnh vực trong đời sống, xã hội. Và có những điều luật có thể sẽ thay đổi vào một lúc nào đó. Hoặc có những điều luật đã thay đổi từ lâu nhưng đến một thời điểm nào đó mới được áp dụng. Chính vì thế mà một người luật sư cũng phải trau dồi khả năng nghiên cứu của mình.
Career.gpo.vn hy vọng bài viết trên sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về luật sư. Giúp cho bạn có một cái nhìn rõ hơn về công việc này.
Thùy Leah