Sales Logistics được người đời xem là một “heated game” đẹp đẽ, đầy ý nghĩa nhưng đâu ai hiểu được phía sau nó là con đường đầy khó khăn và thử thách. Một mặt là sự máu lửa và rất nhiều con số “bonus” trong lương thưởng; một mặt là áp lực KPI, là không có đơn, là khách hủy booking. Nghề nào cũng có hai mặt cả, admin khuyên các bạn trẻ “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” nhé. Còn nếu bạn đang băn khoăn có nên dấn thân vào nghề này không thì câu trả lời sẽ được hé lộ qua những chia sẻ dưới đây. Cùng Vạn Hải tham khảo ngay nào!
1. Sales Logistics là gì?
Sales Logistics được hiểu một cách đơn giản là nhân viên bán hàng, bán các sản phẩm và dịch vụ Logistics như: kho bãi, booking, cước vận chuyển quốc tế, dịch vụ khai báo hải quan hoặc các dịch vụ liên quan khác. Trách nhiệm chính của họ là giới thiệu, tìm kiếm khách hàng để cung cấp các dịch vụ logistics của công ty đến những cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước, nước ngoài thông qua đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường bộ,…
2. Sales logistics làm gì tại hãng tàu và tại công ty Forwarder
Nhân viên sales logistics có thể làm việc trong công ty Forwarder hoặc các hãng tàu/hãng hàng không. Tùy vào môi trường đặc thù mà công việc cụ thể cho vị trí này sẽ có một vài chỗ khác biệt.
Sale hãng hàng không, hãng tàu làm gì?
- Tiến hành cung cấp giá cước và các chi phí liên quan, lịch tàu/máy bay, hỗ trợ khách hàng trong quá trình đóng hàng, đưa hàng xuống tàu/máy bay, hoàn tất chứng từ, thủ tục… nhằm thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp.
- Chăm sóc khách hàng bằng cách thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu vận chuyển, thông báo về những dịch vụ ưu đãi, support giá ưu tiên… để duy trì mối quan hệ.
- Theo dõi và hỗ trợ khi có vấn đề phát sinh để đảm bảo khách hàng hài lòng nhất với dịch vụ của doanh nghiệp mình.
- Ở các vị trí cao hơn như quản lý, bạn sẽ chịu trách nhiệm quản lý các nhóm nhân viên kinh doanh, đưa ra định hướng chiến lược, mức độ ưu tiên với từng nhóm khách hàng…
Nhân viên Sales Logistics trong các công ty Forwarder làm gì?
- Tìm kiếm khách hàng thông qua các nền tảng hỗ trợ như facebook, zalo, whatsapp… sau đó tiến hành gặp gỡ trao đổi và chăm sóc khách hàng.
- Chào bán cước và dịch vụ all-in (trucking nội địa, hun trùng, kiểm dịch, vệ sinh, thông quan…) cho các cá nhân/công ty xuất khẩu (shipper hàng xuất) và nhập khẩu (consignee hàng nhập).
- Làm việc với hãng tàu/NVOCC để kiểm tra lịch tàu, giá cước, phí và phụ phí liên quan để thông tin cho khách hàng.
- Phối hợp các bộ phận khác để xử lý hàng thuận lợi, xử lý vấn đề phát sinh nếu có, cập nhật tình trạng hàng cho các shipper/consignee.
3. Một nhân viên Sales Logistics cần những gì?
Sales logistics là một vị trí chịu nhiều áp lực về doanh số và tỷ lệ đào thải cũng rất cao. Tuy nhiên, vị trí sales logistics có thể dành cho tất cả những ai có đam mê đối với nghề sales không chỉ riêng với người học chuyên ngành liên quan mới làm được. Chính vì vậy, giữa một rừng người làm sales logistics bạn cần phải có những gì để khách hàng lựa chọn bạn và để có được một lộ trình phát triển nghề nghiệp như mong muốn.
Kiến thức nghiệp vụ của sales logistics
- Có am hiểu căn bản về quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa, quy trình Logistics, giao nhận, quy trình khai báo thủ tục hải quan cho một lô hàng…
- Có khả năng giao tiếp bằng tiếng anh ở mức cơ bản, biết thêm các ngoại ngữ khác (Trung, Hàn, Nhật…) là một lợi thế.
Kỹ năng sales logistics cần có
- Có kỹ năng giao tiếp linh hoạt
- Kỹ năng đàm phán và thương lượng.
- Có kỹ năng xử lý tình huống, chịu được áp lực cao của công việc.
- Biết cách sắp xếp và tổ chức công việc hiệu quả.
- Tuân thủ thời gian, lịch trình cho khách, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển đúng tiến độ
- Thành thạo việc sử dụng các công cụ tin học văn phòng.
- Thái độ làm việc chủ động, kiên nhẫn
4. Những khó khăn mà nhân viên Sales Logistics sẽ gặp phải?
Sales Logistic là nghề có mức thu nhập rất hấp dẫn nếu bạn đã có riêng cho mình một lượng khách hàng ổn định. Tuy nhiên, để đạt được điều đó là không hề dễ dàng, bạn phải chịu áp lực về doanh số, tỷ lệ đào thải cao. Dưới đây sẽ là những khó khăn thực tế mà một nhân viên sales logistics phải đối mặt:
Lượng kiến thức khổng lồ
Ngay từ ghế nhà trường, các bạn sinh viên đã phải tiếp nhận một lượng kiến thức nền tảng lớn. Khi ra trường và đi làm, bạn còn phải nắm vững thêm những kiến thức thực tế, các vấn đề để xử lý tình huống phát sinh. Ngoài ra, nghề này cũng sẽ yêu cầu bạn có trình độ ngoại ngữ tốt để làm việc với các đối tác nước ngoài.
Đòi hỏi năng lực giải quyết vấn đề linh hoạt, nhanh chóng, chính xác
Ngành logistics là ngành có sự thay đổi liên tục, bạn bắt buộc phải có khả năng update và tự phát triển. Vì công việc sẽ có phát sinh những sự cố phức tạp và những biến số khó lường. Nó đòi hỏi bạn phải có khả năng nhanh nhạy, nắm bắt vấn đề, xử lý chính xác, giảm thiểu thiệt hại cho cả bản thân, công ty và khách hàng.
Tiềm lực của công ty
Trong những năm gần đây, ngành logistics tại Việt Nam liên tục phát triển, nhiều doanh nghiệp ra đời, dẫn đến mức độ cạnh tranh trên thị trường rất cao. Nếu công ty của bạn không có một lợi thế cạnh tranh với đối thủ, thì nhân viên sales khó lòng mà thuyết phục được khách hàng phải tin tưởng và lựa chọn.
Ví dụ, công ty có chất lượng dịch vụ tốt, giá cạnh tranh, có đội ngũ backup cho sales xịn thì đó sẽ là hành trang tốt cho nhân viên sales đi tìm kiếm khách hàng, và ngược lại.
Ngoài ra, nếu công ty có quy trình sales rõ ràng, logic thì khả năng thành công sẽ cao hơn. Theo một nghiên cứu của Havard Business Review , các công ty có áp dụng quy trình sales sẽ có mức tăng trường doanh thu cao hơn 18% so với những công ty không có quy trình sales.
Là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong mọi tình huống
Sales logistics là người đưa ra giải pháp và bán nó cho khách hàng. Bạn sẽ phải theo dõi gắt gao hành trình xuất, nhập, giao hàng để không có một vấn đề nào phát sinh ảnh hưởng tới lô hàng của khách. Nếu trường hợp có vấn đề và phải phát sinh chi phí để giải quyết, thì sales sẽ là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm.
Áp lực doanh số
Như những thông tin đề cập phía trên thì bạn có thể thấy, làm sales logistics có rất nhiều áp lực, trong đó áp lực doanh số vẫn luôn là nỗi đau của bất kì ai. Với một số bạn mới ra trường, các bạn sẽ phải đối mặt với những ngày dài đẵng đẵng tìm kiếm khách hàng, gửi mail, gọi điện chào bán dịch vụ. Khoảng thời gian đầu sẽ luôn dễ dàng khiến các bạn bị nản và áp lực vì không tạo ra doanh số. Tuy nhiên, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo nhé, rồi sự nỗ lực và may mắn sẽ đến với bạn, khi bạn đủ kiên trì.
Vậy, với những chia sẻ phía trên, Vạn Hải mong là bạn đọc sẽ phần nào trả lời được thắc mắc “Có nên làm nghề sales logistics hay không?”. Nếu còn thắc mắc gì thì hãy để lại comment bên dưới để được giải đáp nhé.