Hướng dẫn 15 cách chữa cúm tại nhà thông dụng nhất, giảm nhanh các triệu chứng khó chịu, người bệnh mau phục hồi sức khỏe và quay trở lại với công việc.
Tổng quan bệnh cúm
Cúm là căn bệnh thường gặp về đường hô hấp do virus gây nên. Bệnh lây lan nhanh và thường xuất hiện đột ngột với các triệu chứng như sốt, đau nhức, ho khan, mệt mỏi,… Tùy vào thể trạng của mỗi người, các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày cho đến vài tuần.
Thời gian khi virus cúm xâm nhập vào cơ thể cho đến khi phát bệnh là 2 ngày. Ngay khi phát hiện biểu hiện đầu tiên của cúm, người bệnh cần điều trị ngay để tránh biến chứng nguy hiểm. Cho đến nay, cúm là bệnh đã có vắc xin phòng ngừa rất hiệu quả.
Mắc bệnh cúm có cần khám bác sĩ không?
Trong đa số các trường hợp, cúm có thể tự khỏi sau khi sử dụng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ, điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống… Tuy nhiên, nếu xuất hiện các dấu hiệu trở nặng sau, bệnh nhân cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị cúm kịp thời, tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Ở người lớn
- Nhiệt độ vượt quá 38oC;
- Sốt liên tục kéo dài;
- Lồng ngực đau nhức, khó thở, thở khò khè;
- Đau họng, choáng váng.
Ở trẻ em
- Nhiệt độ vượt quá 38oC;
- Trẻ biếng ăn, quấy khóc;
- Sốt cao và kéo dài;
- Các triệu chứng cảm lạnh không mất đi mà còn nghiêm trọng hơn;
- Đau tai, thở khò khè.
15 cách trị cúm tại nhà hiệu quả
Đa số các trường hợp cúm không gây nhiều biến chứng nguy hiểm, người bệnh có thể duy trì cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh có thể gây khó chịu, mệt mỏi kéo dài cho người bệnh. Điều trị đúng cách có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu, người bệnh mau phục hồi sức khỏe hơn. Dưới đây là một số cách điều trị cúm tại nhà hiệu quả:
1. Uống thuốc trị cúm
Sử dụng thuốc trị cúm trong trường hợp người bệnh muốn giảm nhanh các triệu chứng cúm hoặc khi tình trạng bệnh tiến triển xấu đi khi trị cúm tại nhà. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc kháng sinh có tác dụng giảm đau hoặc giảm viêm thường có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn lên một số cơ quan khác. Do đó, người bệnh nên được chỉ định dùng thuốc từ các bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Một số loại thuốc dùng chữa cúm tại nhà phổ biến có thể kể đến như: Paracetamol (1), Aspirin (2), Codein (3), Ambroxol (4), Natribenzoat, Diphenhydramine (5), Ibuprofen, Phenylephrine, Fexofenadine, Loratadine.
2. Để cơ thể nghỉ ngơi
Trong quá trình điều trị cúm tại nhà, bệnh nhân nên giảm tối đa lượng công việc nặng hay phải đi lại ngoài trời nhiều. Thay vào đó, hãy dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn để tình trạng bệnh tiến triển tốt hơn.
Hãy chú ý lắng nghe cơ thể. Nếu cảm thấy mệt mỏi, không muốn tập thể dục thì đừng quá gắng sức. Đừng cố giải quyết những công việc hàng ngày khi triệu chứng cúm đang trầm trọng. Nghỉ ngơi cũng là cách hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng hiệu quả.
Bên cạnh đó, đừng thức quá khuya, hãy ngủ đủ giấc. Chu kỳ giấc ngủ hợp lý là “chìa khóa” để hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Hãy ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm cả khi bệnh và khi khỏe mạnh.
3. Tăng độ ẩm cho môi trường xung quanh
Virus cúm tồn tại lâu hơn ở không khí khô. Điều này khiến virus lây lan nhanh và dễ dàng hơn. Đặc biệt là vào mùa lạnh, nhiệt độ ngoài trời lạnh làm giảm độ ẩm trong không khí. Không khí trong nhà có thể bị khô do sử dụng hệ thống sưởi hoặc điều hòa không khí.
Sử dụng máy tạo độ ẩm để tăng thêm độ ẩm trong nhà và nơi làm việc, giúp giảm virus cúm trong không khí là cách chữa cúm tại nhà hiệu quả. Ngoài ra, không khí ẩm còn giúp người bệnh giảm các triệu chứng nghẹt mũi, đau họng. Trong trường hợp chưa có máy tạo độ ẩm tại nhà, bạn có thể bật vòi sen với nước nóng và ngồi trong nhà tắm để hít thở không khí trong vài phút. (6)
Có thể bạn quan tâm: Bị cúm có nên xông hơi không? Có tốt hay không?
4. Xông hơi để chữa bệnh cúm tại nhà
Nếu muốn đường thở thông thoáng, ngoài dùng thuốc điều trị, bạn có thể đun một nồi nước sôi để xông mũi.
Đun sôi nước, mang đến nơi thoáng mát, dùng chiếc khăn trùm đầu, nhắm mắt lại và ngả người về trước để hơi nước bốc lên mặt. Ngồi yên và hít thở sâu trong vòng 30 giây. Sau khi nước xông đã nguội tắm nhanh rồi lau khô, mặc quần áo, đắp chăn rồi nằm nghỉ.
Bạn có thể áp dụng phương pháp xông lá để gia tăng hiệu quả, với các nguyên liệu sau: Lá tre, lá sả, lá bưởi, tía tô, ngải cứu, hương nhu, bạc hà mỗi thứ 10 - 20g hoặc một nắm to. Lá tre có tác dụng giải nhiệt, tiêu đờm, sát khuẩn; sả có công dụng làm ấm bụng, sát khuẩn, khử uế, tiêu đờm; lá bưởi giải cảm tiêu thực, trị ho, sốt, đau đầu; hương nhu trị cảm, sốt, nhức đầu, làm ra mồ hôi; tía tô khu phong trừ hàn; bạc hà sát khuẩn, chống viêm.
Trừ lá bạc hà, tất cả các loại lá còn lại rửa sạch rồi cho vào nồi xâm xấp nước, đun lửa sôi trong khoảng 10 phút. Khi chuẩn bị xông cho bạc hà vào rồi đun tiếp 1-2 phút.
Xem thêm: Cách điều trị cúm A hiệu quả và an toàn.
5. Trị cúm bằng cách tắm nước ấm
Tắm nước nóng giúp bổ sung hơi nước, giữ ẩm và thông mũi giúp việc hít thở dễ dàng hơn. Không nên tắm nước lạnh sẽ khiến nhiệt độ cơ thể giảm đi đột ngột, khiến tình trạng bệnh xấu đi. Lưu ý không tắm nếu nhiệt độ cơ thể không ổn định hoặc chóng mặt. Nếu cảm thấy rét run nên tăng nhiệt độ của nước.
6. Sử dụng túi chườm nhiệt
Chườm khăn ấm lên trán và mũi giúp giảm đau đầu và đau xoang. Từ đó hỗ trợ chữa cúm tại nhà hiệu quả.
7. Súc miệng, vệ sinh mũi với nước muối
Nước muối loãng có tác dụng diệt khuẩn và sát trùng cao. Súc miệng bằng nước muối khi bị cúm còn giúp loại bỏ chất nhầy tích tụ sau cổ họng đặc biệt là khi thực hiện động tác ngửa cổ súc miệng. Kiên trì súc nước muối trong nhiều ngày liên tiếp giúp giảm nhanh các triệu chứng đau họng, rát cổ, viêm nhiễm cổ họng.
8. Kê cao đầu khi ngủ
Bệnh nhân cúm có thể gặp tình trạng nghẹt mũi, nhất là vào ban đêm. Kê cao đầu khi ngủ giúp phần mũi rút hết các chất nhầy, đồng thời cũng ngăn chặn tình trạng ợ nóng thường xuyên. Để làm loãng chất nhầy trong mũi, bệnh nhân có thể tạo độ ẩm cho phòng ngủ bằng máy tạo độ ẩm.
9. Bôi tinh dầu
Một số loại tinh dầu có thể giúp bạn chống lại một số loại virus, vi khuẩn góp phần chữa trị bệnh cúm tại nhà hiệu quả. Một nghiên cứu cho thấy, tinh dầu trà có thể giúp bạn chống lại virus cúm bằng cách làm chậm hoặc ngăn chặn tốc độ nhân lên của virus. Tinh dầu trà phát huy hiệu quả tốt nhất khi được dùng trong 2 giờ đầu sau nhiễm trùng.
Có thể trộn tinh dầu trà vào xà phòng rửa tay dạng lỏng khi rửa tay hoặc trộn vào kem dưỡng da bạn đang sử dụng.
Ngoài tinh dầu trà, các loại tinh dầu thực vật và thảo dược khác có thể hoạt động như thuốc kháng sinh tự nhiên và thuốc kháng virus, bao gồm: dầu quế, tinh dầu bạc hà, dầu bạch đàn, dầu phong lữ, dầu chanh, dầu cỏ xạ hương, dầu oregano.
Chỉ sử dụng tinh dầu theo chỉ dẫn. Hầu hết các loại tinh dầu có thể sử dụng trên da sau khi được trộn với các loại dầu như dầu hạnh nhân hoặc dầu oliu. Bạn cũng có thể thêm các loại thảo mộc và gia vị tươi, khô vào thức ăn để đạt được lợi ích tương tự.
Khuếch tán tinh dầu vào không khí bằng máy khuếch tán có thể giúp chống lại một số loại virus, vi khuẩn. Lưu ý rằng, liệu pháp hương thơm có thể ảnh hưởng trẻ em, phụ nữ mang thai và vật nuôi.
10. Uống nhiều nước để chữa cúm nhanh nhất
Cúm có thể khiến cơ thể mất nước nếu đi kèm triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy. Do đó, hãy đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể với nước lọc, nước trái cây hoặc đồ uống bổ sung chất điện giải. Trà thảo dược mật ong có thể làm dịu cơn đau họng.
Nên tránh đồ uống có chứa caffeine vì chúng có tác dụng lợi tiểu, khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Nếu cảm thấy buồn nôn, bạn nên uống nước với từng ngụm nhỏ. Nên quan sát màu sắc của nước tiểu, khi nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc gần như không màu chứng tỏ cơ thể đã được cung cấp đủ nước.
11. Dùng thức ăn dạng lỏng và ấm
Người mắc cúm có thể sốt, ho, đau đầu, đau họng, mệt mỏi toàn thân,… Các triệu chứng có thể khiến người bệnh mệt mỏi, cảm thấy chán ăn. Nên ăn những món ăn dễ tiêu hóa và ấm như các món canh thịt, cháo hoặc súp gà.
Canh là món ăn dễ ăn và dễ tiêu hóa, nguyên liệu nấu canh cũng rất đa dạng như thịt bò, thịt gà, rau xanh, nấm,… Một chén canh ấm, thơm ngon vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, vừa bổ sung nước, làm dịu đau họng, giảm nghẹt mũi.
Súp gà là sự kết hợp tuyệt vời giữa canh và các thành phần nguyên liệu bổ sung. Thịt gà cung cấp protein và sắt; cà rốt, nấm, bắp cũng đem lại rất nhiều dinh dưỡng cho cơ thể mà còn có thể hỗ trợ chữa trị bệnh cúm tại nhà. Bột năng có trong súp cũng khiến bạn no lâu hơn ăn canh. Nếu không thích súp, người bệnh cúm cũng có thể ăn cháo với những lợi ích mang lại tương tự như súp.
12. Bổ sung thực phẩm giàu kẽm
Kẽm có thể rút ngắn thời gian cảm cúm hoặc cảm lạnh. Nghiên cứu được thực hiện bởi PGS Jennifer Hunter, Viện Nghiên cứu Sức khỏe NICM tại Đại học Western Sydney, trên 5.400 người trưởng thành tham gia. Các nhà khoa học nhận thấy, so với giả dược người dùng viên ngậm kẽm hoặc thuốc xịt mũi có thể ngăn ngừa 5 ca nhiễm trùng đường hô hấp mới trong 100 người mỗi tháng, giảm nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Một số thực phẩm giàu kẽm có thể kể đến như:
- Các loại thịt: điển hình như thịt bò, thịt cừu, thịt lợn,… là nguồn kẽm tuyệt vời. Khẩu phần 100 gram thịt bò xay sống chứa 4,8 mg kẽm, chiếm 44% giá trị hàng ngày. Ngoài ra lượng thịt này còn cung cấp 176 calo, 20 gam protein và 10 gam chất béo và nhiều chất dinh dưỡng quan trọng khác;
- Động vật có vỏ: chứa nhiều kẽm, ít calo và lành mạnh. Tuy nhiên, nếu bạn đang mang thai cần phải đảm bảo động vật có vỏ được nấu chín hoàn toàn để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm;
- Các loại đậu: như đậu xanh, đậu lăng chứa lượng kẽm đáng kể. Tuy nhiên trong đậu có chứa phytates ức chế hấp thụ kẽm và các khoáng chất khác, nên kẽm từ các loại đậu không hấp thu tốt như kẽm từ các loài động vật;
- Các loại hạt: có chứa nhiều kẽm, chất xơ, chất béo lành mạnh, vitamin và khoáng chất. Các loại hạt có thể kể đến như hạt bí, vừng, hạt lanh, đậu phộng, hạt điều, hạnh nhân,…
- Trứng: chứa một lượng kẽm vừa phải để bạn đạt được mục tiêu hàng ngày. Không chỉ kẽm, trứng còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin B, selen, choline,…
13. Ăn thức ăn đậm đà, chia nhỏ bữa ăn
Các món ăn bắt mắt, hương vị đậm đà sẽ đánh thức sự thèm ăn của bệnh nhân cúm. Một chút biến hóa cho món ăn tăng thêm vị ngon, mùi thơm hấp dẫn, trang trí đẹp mắt sẽ giúp bệnh nhân cúm cảm thấy ngon miệng hơn. Một số thức ăn có vị cay nồng như tiêu hoặc ớt sẽ giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi ở một số bệnh nhân cúm. Tuy nhiên, thức ăn có vị cay chỉ phù hợp với những bệnh nhân cúm không có triệu chứng đau họng hoặc không gặp các vấn đề về dạ dày.
Ngoài ra, bệnh nhân cúm nên chia nhỏ bữa ăn hàng ngày ra làm 4-5 bữa nhỏ. Chia nhỏ bữa ăn với tỷ lệ thuận theo lượng thức ăn trong mỗi bữa sẽ giúp bộ máy tiêu hóa hoạt động dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Bệnh nhân cúm cũng cần tránh một số loại thực phẩm sau:
- Thức ăn nhanh: những loại thức ăn này tuy nhanh no nhưng lại thiếu dinh dưỡng. Đồng thời thức ăn nhanh cũng chứa nhiều chất béo gây cảm giác ớn lạnh, chán ăn;
- Trái cây chứa nhiều đường fructose: mận, nho khô, chà là, anh đào,… tạo cảm giác đầy hơi, khó tiêu;
- Các loại đậu: có chứa nhiều protein và đường, ăn nhiều gây đầy bụng;
- Nước uống có ga: có thể gây hiện tượng “no giả”, khiến người bệnh không còn muốn ăn các loại thức ăn khác.
- Bia, rượu và các chất kích thích.
14. Tránh sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu
Khi mắc cúm, người bệnh cần thay đổi thói quen hàng ngày bao gồm cả chế độ ăn uống. Trong đó, bia, rượu là những loại đồ uống cần tránh xa. Cụ thể, cồn trong bia, rượu có thể gây nên tình trạng mất nước cho cơ thể, từ đó khiến các triệu chứng nghẹt mũi, đau họng tiến triển tệ hơn. Đặc biệt, người bệnh cúm tuyệt đối không uống rượu khi đang sốt.
Ngoài ra, rượu bia có thể làm suy giảm hệ miễn dịch. Đặc biệt, khi bị cảm cúm hệ miễn dịch của cơ thể đã trở nên suy yếu, uống những loại đồ uống có cồn như bia, rượu khiến cơ thể người bệnh khó hồi phục hơn so với bình thường. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn có thể gây tổn thương lâu dài cho gan, thận, đe dọa sức khỏe người bệnh.
Mặt khác, người bệnh cúm không nên uống rượu, bia vì sự tương tác của chúng với các loại thuốc điều trị mà họ đang sử dụng. Một số loại thuốc có tương tác với rượu có thể kể đến như ibuprofen (Motrin, Advil), naproxen (Aleve), aspirin acetaminophen (Tylenol) các loại siro ho như Robitussin A-C, Robitussin Cough hay azithromycin (Azomax, Zithromax). Đây là những loại thuốc nếu kết hợp với rượu có thể gây chóng mặt, buồn ngủ, đau đầu, buồn nôn và nôn.
15. Mặc quần áo thoải mái
Nhiều người cho rằng khi mắc cúm nên mặc quần áo dày hoặc nhiều lớp quần áo để chống lạnh. Thực tế, đây là quan niệm sai lầm. Mặc quần áo quá dày sẽ khiến người bệnh khó vận động, gây bí da, cản trở sự thoát mồ hôi của cơ thể.
Cúm mùa là căn bệnh thường gặp, ít gây biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây là căn bệnh không thể xem thường đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền. 70-85% các trường hợp tử vong có liên quan đến cúm mùa thường xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên, 50-70% trường hợp nhập viện có liên quan đến cúm mùa xảy ra ở nhóm này.
Ngoài ra, những triệu chứng kéo dài gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng cuộc sống và công việc. Do đó, người dân nên chủ động phòng ngừa bệnh bằng việc tiêm vắc xin phòng cúm mỗi năm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm phòng cúm có khả năng giảm tỷ lệ tử vong do cúm 70-80%, ngăn ngừa biến chứng và giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm tỷ lệ nhập viện vì các bệnh nền đi kèm hay ở những người có hội chứng suy giảm miễn dịch. Người đã tiêm vắc xin nếu không may mắc cúm sẽ có triệu chứng nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn.
Hiện Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC có đầy đủ các loại vắc xin cúm hot nhất hiện nay như: Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc) và Ivacflu-S (Việt Nam). Các loại vắc xin được nhập khẩu bởi các nhà sản xuất vắc xin uy tín trong và ngoài nước, bảo quản trong hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP với nhiệt độ từ 2-8oC, đảm bảo chất lượng và tính hiệu quả của vắc xin ở mức cao nhất.
Để được tư vấn thông tin chi tiết các vấn đề liên quan đến vắc xin cúm và các loại vắc xin khác cho trẻ em và người lớn, đặt lịch tiêm, Quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 028 7102 6595.
Bên cạnh bỏ túi cách chữa cúm tại nhà, người dân nên tiêm phòng vắc xin cúm hằng năm để tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ người cao tuổi và những người có miễn dịch kém trước tác nhân gây bệnh, đồng thời đảm bảo miễn dịch cộng đồng, phòng ngừa bệnh hiệu quả cho những người xung quanh.