Tunis, thủ đô Cách Mạng Hoa Lài

Ký sự du lịch Tây Âu (Bài 15)

Bài và hình: Trịnh Hảo Tâm

Tunis là thủ đô của nước Cộng Hòa Tunisia ở miền Bắc Phi Châu nơi xuất phát cuộc Cách Mạng Hoa Lài vào tháng 12, 2010 của những người trẻ mở đầu cho những cuộc cách mạng trong thế giới Ả Rập chống lại độc tài tại các nước như Ai Cập, Libya…

Tunis, thủ đô Cách Mạng Hoa LàiCổng thành “Sea Gate” vào khu phố cổ Tunis.

Sáng Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013, du thuyền MSC Preziosa cập bến La Goulette của thành phố Tunis thuộc nước Tunisia. Hồi nhỏ sưu tầm tem thư tôi có những con tem của Tunisia, không ngờ hôm nay lại đặt chân đến xứ này. Tunisia có những điểm tương đồng với Việt Nam như trước kia (từ 1881 đến 1956) cũng là thuộc địa của Pháp, ngày nay trên xứ này ảnh hưởng Pháp còn nhiều như những tên đường là những địa danh, danh nhân nước Pháp. Xuống bến tàu quang cảnh sa mạc khô cằn với những cây chà là trên bến, vài con lạc đà được những người Ả Rập cầm cương mời gọi du khách chụp hình nhắc mình nhớ lại Tunisia nằm trên lục địa Phi châu và đây cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân lên lãnh thổ Phi Châu. Tunisia đi sau các nước Tây Âu một giờ nên đêm qua trên tàu đã nhắc hành khách kéo lui đồng hồ lại để đúng với giờ địa phương. Tối nay khi trở lại tàu phải điều chỉnh lại đồng hồ trở lại với giờ Tây Âu vì bến tới tàu sẽ cập Barcelona thuộc Tây Ban Nha.

Về thủ tục nhập cảnh Tunisia rất dễ dàng, chiều qua trong tờ chương trình hàng ngày gởi đến từng phòng trên du thuyền có kèm theo tờ giấy nhập cảnh cho du khách lên bờ dạo chơi. Chỉ cần điền vào hai bản với vài chi tiết cá nhân, hôm nay lên bến họ lấy lại một bản, bản kia họ đóng dấu và đưa cho du khách để làm giấy Visa. Du thuyền có dặn là phải mang theo Passport. Nhân viên bến tàu vui vẻ niềm nở, một cô dáng dấp người Trung Ðông nhan sắc mặn mà mời chào lấy taxi đi viếng thành phố. Thật sự tôi cũng không nghiên cứu trước là lên thành phố Tunis mình sẽ đi đâu, có những nơi nào đáng xem? Trên bảng giá taxi, thấy đề là Medina 40 Euros, Medina và Sidi Bou Said 50 Euros, nếu thêm Carthage tức 3 nơi là 60 Euros. Chúng tôi bốn người chọn đi hết 3 nơi, cô ta nói đi trong ngày, bao lâu cũng được, taxi sẽ chờ, trả tiền sau. Cô trao cho tờ giấy đi 3 nơi, nói ra bên ngoài chọn xe taxi và ghi số xe vào tờ giấy này. Bên trong nhà ga bến cảng này có máy lạnh, tường sơn trắng bày bán đồ kỷ niệm đặc sản Tunisia như đồ trang sức, bình trà chén dĩa bằng bạc, thảm trải nhà, áo và khăn quàng nhiều màu sắc kiểu Ả Rập, dầu thơm, v.v…

Tunis, thủ đô Cách Mạng Hoa LàiÐại lộ Habib Bourguiba con đường chính của Tunis.

Ra phía ngoài một hàng taxi đang chờ, chúng tôi chọn chiếc đầu tiên hiệu Wolkswagen bác tài là một ông trung niên thấp người mang kính cận khá dầy, anh ta cho biết tên là Ahmed. Ahmed vui vẻ, ngôn ngữ chính anh ta nói là tiếng Ả Rập Tunisian nhưng biết khá tiếng Pháp và chút tiếng Anh. Hỏi anh ta 3 địa điểm du lịch mà mình sẽ đi có gì đặc biệt. Ahmed vặn nhỏ radio đang hát nhạc Pháp cho biết Medina là khu phố cổ trung tâm của thành phố Tunis, Sidi Bou Said là khu du lịch cạnh biển và Cathage là khu di tích của đế quốc cổ trước Công Nguyên. Ahmed ca tụng đất nước Tunisia của anh nào là văn minh lâu đời với lịch sử 3 ngàn năm, xã hội an ninh không trộm cắp, giết người, nhất là người dân thông minh phần đông đều là bác sĩ, kỹ sư. Anh ta nói về cuộc Cách Mạng Hoa Lài xuất phát ngay tại thành phố Tunis từ tháng 12, 2010, bằng những cuộc biểu tình của giới trẻ chống lại chính quyền tham nhũng, độc tài, nạn thất nghiệp, giá cả gia tăng làm cuộc sống người dân khốn khổ. Ngày 14 tháng 1, 2011, Tổng Thống Zine El Abidine Ben Ali từ chức và bỏ chạy sau 23 năm cầm quyền, ngày này được chọn là Ngày Cách Mạng. Anh ta nói từ đó đến nay Tunisia đang thay đổi, ngoại quốc đầu tư nhiều hơn nhất là ở khu chế xuất gần phi trường phía Bắc thành phố. Tổng thống hiện nay là Moncef Marzouki và thủ tướng là Ali Laarayedh. Anh ta hỏi chúng tôi tại sao gọi là Cách Mạng Hoa Lài, thật tình tôi cũng không biết, anh ta nói vì hoa lài (Jasmine) là quốc hoa của nước Tunisia.

Tunis, thủ đô Cách Mạng Hoa LàiQuảng trường Ðộc Lập nơi Cách Mạng Hoa Lài bùng phát vẫn còn chiến xa án ngữ.

Từ bến tàu La Goulette xe chúng tôi chạy trên con đường được xây trên con đê bắc ngang qua hồ Tunis là một đầm nước mặn thông ra biển. Hai bên toàn là nước không cây cối nhà cửa, con đường thẳng tắp đi về hướng Tây. Ði khoảng 10 km thì hết đầm và bắt đầu vào ngoại ô thành phố, đất đai khô cằn, cây cối là những loại ít cần nước như cây cọ (palms), hoa Oleander, phượng tím Jacaranda, xương rồng… như những loại cây thường thấy ở miền Nam California. Khác Cali cũng những loại cây đó nhưng được cắt tỉa chăm sóc xanh tươi, còn ở đây nhếch nhác èo uột, cỏ rác um tùm, cát bụi mịt mùng. Nhà cửa ở đây tường tô xi măng sơn trắng vuông vuông nho nhỏ, mái tôn lạnh hay đúc bê tông nóc bằng, phố xá vắng vẻ với nhiều chữ vẽ bậy trên tường bằng chữ Ả Rập lăng quăng nên không hiểu nội dung nói gì?

Lịch sử Tunisia

Nước Tunisia nhỏ nhất ở Bắc Phi Châu nằm kẹp giữa hai quốc gia rộng lớn nhưng nhiều sa mạc là Libya ở phía Ðông Nam và Algeria ở phía Tây, phía Bắc và Ðông giáp Ðịa Trung Hải. Tên nước Tunisia lấy từ Tunis là thành phố lâu đời thành lập bởi dân du mục Berber đi từ vùng sông Nile và người Phoenicians định cư dọc theo bờ biển. Ðến thế kỷ thứ 9 trước Công Nguyên, người Phoenicians thành lập nước Carthage hùng mạnh từng đánh với La Mã, Hy Lạp và Sicily trong vùng biển Ý-Pháp ngày nay. Ðến năm 149 trước Công Nguyên, Carthage bị La Mã xăm lăng và cai trị nhưng nhờ không lo chiến tranh họ phát triển kinh tế sản xuất tơ lụa, đồ gốm, rượu vang sang Ý. Khi đế quốc La Mã suy tàn họ bị người Ả Rập và Ottoman chiếm đóng vào thời Trung Cổ. Từ 1705 nước Tunisia được độc lập với triều đại dòng họ Hussein.

Năm 1869, Tunisia tuyên bố phá sản và nhờ quốc tế trợ giúp, nhân cơ hội đó Pháp đặt chế độ bảo hộ lên Tunisia. Thế Chiến Thứ Hai Tunisia là chiến trường giành nhau giữa phe Trục Ðức Ý và Ðồng Minh, lúc đầu Ðức thắng nhưng sau đó Ðồng Minh phản công giành thắng lợi sau cùng.

Tunis, thủ đô Cách Mạng Hoa LàiNhà thờ chính tòa St. Vincent de Paul ở khu trung tâm thành phố.

Tunisia được Pháp trả độc lập năm 1956 do sự tranh đấu lãnh đạo bởi ông Habib Bourguiba và ông ta trở thành tổng thống đầu tiên. Ðến năm 1987, bác sĩ cho biết ông không đủ sức khỏe và Thủ Tướng Zine El Abidine Ben Ali chiếm quyền tổng thống. Ông này ngồi ghế tổng thống suốt 23 năm bị cáo buộc tham nhũng, bất tài, bóp chết tự do dân chủ nhất là tự do báo chí, bà vợ mua sắm xa xỉ, thường lấy phi cơ nhà nước bay sang Âu Châu mua sắm đồ đạc đắt tiền. Cuộc Cách Mạng Hoa Lài nổ ra, hàng vạn dân chúng xuống đường biểu tình khiến ông phải từ chức tháo chạy vào ngày 14 tháng 1, 2011 và nhà đấu tranh cho nhân quyền Moncef Marzouki được bầu làm tổng thống.

Cách mạng ở Tunisia khơi mào cho làn sóng cách mạng Mùa Xuân Ả Rập trong các quốc gia Hồi Giáo lật đổ các chế độ quân phiệt độc tài lan sang các nước như Ai Cập, Libya, Yemen,… Nhưng cho đến nay tình hình các quốc gia này vẫn bất ổn, kinh tế khủng hoảng không được cải thiện là do các nhà chính trị thuộc nhóm thần quyền, thiếu kinh nghiệm, không đủ tài lãnh đạo như ở Tunis hôm chúng tôi đến trên quảng trường chính vẫn còn dây kẽm gai, xe bọc sắt, quân đội với súng ống canh chừng biểu tình. Ít hôm sau lại có 3 cô gái quần ngắn ngực trần ra đứng biểu tình!

Thủ đô Tunis

Dân số Tunisia là 10 triệu 800 ngàn, 97% là sắc tộc Ả Rập Berber. Thủ đô là thành phố Tunis mà chúng tôi tới du lịch hôm nay với dân số khoảng 2 triệu 400 ngàn người. Thành phố nghèo ít cao ốc nhưng rộng lớn, khu ngoại ô kéo dài về hướng Ðông Bắc ra tận biển với các vùng như La Marsa, Carthage và Sidi Bou Said cách trung tâm Tunis đến 25 km.

Con đường thẳng từ cảng La Goulette đi vào Tunis trở thành đại lộ chính của thành phố là Avenue Habib Bourguiba, lấy tên của người lãnh đạo giành độc lập từ tay người Pháp. Sau khi qua nhà ga xe lửa là đến vòng xoay là quảng trường 14 Janvier 2011 tuy gọi là quảng trường nhưng chỉ có một bồn bông tròn ở giữa và tháp đồng hồ. Từ đây trở vào trung tâm thành phố, đại lộ có hai dãy phân cách ở giữa trồng hai hàng cây tỉa tròn mà tài liệu du lịch gọi con đường này là “Tunisian Champs-Élysées.” Hai bên đại lộ những dinh thự phố xá thời thuộc địa còn sót lại hiện nay làm văn phòng thương mại, các ngân hàng, các hiệu buôn, nhà hàng. Phía trái có một cao ốc cao nhất thành phố là Hotel Africa nhắc tôi nhớ rằng nơi đây là đất Phi Châu, là xứ Ả Rập theo Hồi Giáo không phải các nước tự do dân chủ như Âu Châu là những nơi tôi vừa đi qua.

Nên phải cẩn thận trong mọi lời nói, cử chỉ và phải tuân thủ luật lệ cũng như phong tục của họ.

Tunis, thủ đô Cách Mạng Hoa LàiPhụ nữ Tunisia trên đường phố Tunis.

Tài xế chúng tôi là Ahmed vừa đậu xe lại bên lề đường chưa kịp tắt máy thì cánh cửa xe bên tôi bật ra như có người bên ngoài mở. Không phải là chính khách đi xe có người mở cửa nên tôi cũng chột dạ giật mình, hóa ra có một người Ả Rập râu ria xồm xàm nói với tôi rằng anh ta cung cấp người hướng dẫn du lịch kiêm bảo vệ an ninh (anh ta dùng chữ “body guard”) để đi thăm thành phố. Tôi lắc đầu và nói “Sorry, chúng tôi không cần” và chỉ người tài xế làm như có người hướng dẫn rồi. Khá một điều là anh ta không nói gì thêm và bỏ đi. Tôi thấy họ cũng hiền lành không gì đáng ngại và chúng tôi có 4 người luôn đi chung với nhau mặc dù 2 người kia là phụ nữ đó là vợ tôi và cô em gái.

Trên đại lộ chính này những quán cà phê bày bàn ghế ra tận vỉa hè lúc nào cũng đông đảo dân áp phe chạy mối dịch vụ, tài xế taxi lậu cũng như chính thức ngồi chờ khách. Cũng có những phụ nữ Ả Rập tuy giới luật đạo Hồi khe khắt nhưng họ vẫn thon thả trong quần jean bó sát, áo sơ mi lụa mỏng dài tay, đầu vấn khăn ngồi ăn uống hay dạo chơi mua sắm. Tôi có chụp được một tấm hình phải công nhận rằng họ rất đẹp. Cà phê ở đây là cà phê Thổ Nhĩ Kỳ hương thơm lừng và rất đậm đặc, bánh ngọt làm theo lối Pháp cũng rất ngon. Những tiệm buôn bán nữ trang, đồng hồ, đồ da ví bóp, giày dép, đồ kỷ niệm, tiệm bánh v.v… hàng hiệu Mỹ Âu cũng như đồ Trung Quốc đề giá bằng tiền Dinar của Tunisia (có tất cả 9 quốc gia Hồi Giáo dùng đồng Dinar nhưng giá trị khác nhau). Ðối với du khách, không cần phải đổi tiền Dinar mà có thể dùng đồng Euro hay đô la Mỹ (hiện nay 1 USD = 1.64 Tunisian Dinar).

Cuối đại lộ chính là quảng trường Ðộc Lập (Place de l’independence) cây cối tiêu điều, dây kẽm gai rào xung quanh với hai chiếc xe bọc thép đậu bên trong và các quân nhân nón sắt cầm súng canh gác. Chính giữa là tượng ông Ibn Khaldoun một sử gia sống vào cuối thế kỷ 14, quê quán tại Tunis. Hướng Bắc quảng trường là ngôi nhà thờ Thánh Vincent de Paul với hai tháp chuông nằm lọt giữa hai dãy phố thương mại. Ðây là vương cung thánh đường Thiên Chúa Giáo La Mã có kiến trúc khá đẹp phối hợp kiểu Gothic và Byzantine được khánh thành vào lễ Giáng Sinh năm 1897. Sau khi Pháp trao trả độc lập cho quốc gia Hồi Giáo này nhiều nhà thờ Thiên Chúa Giáo trở thành tài sản của nhà nước như nhà thờ Thánh Louis ở Carthage mà chúng tôi sẽ tới chốc nữa đây. Tuy nhiên nhà thờ Thánh Vincent de Paul tại Tunis này vẫn còn thuộc giáo hội Vatican và là nhà thờ chính tòa giáo phận Tunis. Ðối diện với nhà thờ, phía bên kia quảng trường Ðộc Lập là tòa Ðại Sứ Pháp một tòa nhà kiểu Pháp tường vàng ngói đỏ ẩn mình sau hàng rào sắt trong sân có nhiều cây cối. Ði về hướng Tây thêm một đoạn ngắn nữa đại lộ chấm dứt bằng một sân xi măng rộng giữa có một cổng chào như khải hoàn môn được gọi là “Sea Gate” tức cửa thành ra biển, từ đây có nhiều con hẻm bán buôn sầm uất đi vào khu phố cổ của Tunis được gọi là Medina.

Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch: 1. Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam 2. Miền Tây Hoa Kỳ 3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc 4. Mùa Thu Ðông Âu 5. Tây Âu Cổ Kính 6. Miền Ðông Nước Mỹ Và Canada 7. Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái 8. Nhật Bản, Hồng Kông - Macau, Thái Lan. Ba quyển sách du lịch của Minh Tâm: Á Châu Quyến Rũ 1, Á Châu Quyến Rũ 2 và Ði Cruise Bắc Mỹ. Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD xin hỏi ở các nhà sách VN hay liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823. Ðiện thoại (714)528-1413. Email: [email protected]

Link nội dung: https://vosc.edu.vn/index.php/tunisia-la-o-dau-a48805.html