Mụn đầu đen ở má: Nguyên nhân, dấu hiệu và phòng ngừa

Mụn đầu đen luôn là vấn đề nan giải không chỉ của chị em phụ nữ mà cả đấng mày râu. Loại mụn này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thẩm mỹ cũng như khó loại bỏ hoàn toàn nên gây rất nhiều phiền toái. Bài viết dưới đây của thạc sĩ bác sĩ nội trú CKI Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ cung cấp khái niệm mụn đầu đen ở má, nguyên nhân và các cách phòng ngừa.

mụn đầu đen ở má

Mụn đầu đen ở má là gì?

Mụn đầu đen ở trên má là loại mụn trứng cá có đầu hở và cồi mụn trồi lên bề mặt da. Sau khi bị oxy hóa, các cồi mụn chuyển thành các chấm đen có kích thước khác nhau trên mặt. Cùng với mũi, mụn đầu đen ở má hình thành do các vị trí này có nhiều tuyến bã nhờn.

Mụn đầu đen ở má xuất hiện ở cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, ở nam giới số lượng mụn thường nhiều hơn do thói quen vệ sinh da kém và lối sinh hoạt không tốt.

Tình trạng mụn đầu đen ở má không hề nguy hiểm bởi loại mụn này không gây viêm da và ít có trường hợp làm tổn thương da. Ngoài ra, mụn đầu đen trên má không để lại sẹo mụn và thâm nếu được xử lý đúng cách. Tuy nhiên, việc kiểm tra và điều trị loại mụn này cần được thực hiện sớm để tránh tình trạng trở nặng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt. (1)

Nguyên nhân gây mụn đầu đen 2 bên má

Có rất nhiều nguyên nhân gây mụn đầu đen ở má, cụ thể: (2)

1. Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh

Trong mụn đầu đen, lỗ chân lông mở, tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, đổ dầu thừa nhiều làm bít tắc lỗ chân lông. Từ đó bụi bẩn, vi khuẩn, các tế bào chết và bã nhờn ở lỗ chân lông sau khi tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa. Cuối cùng hình thành mụn đầu đen ở má và các bộ phận khác trên mặt.

2. Không tẩy trang trước khi ngủ

Việc không tẩy trang trước khi đi ngủ làm cho lượng mỹ phẩm dư thừa cũng như khói bụi tích tụ làm bít tắc lỗ chân lông và lâu dần hình thành mụn đầu đen ở má. Vì vậy việc tẩy trang trước khi đi ngủ rất quan trọng và cần thực hiện theo quy trình hợp lý.

3. Vệ sinh da không đúng cách

Những người thường xuyên trang điểm nhưng không thực hiện vệ sinh da bằng sữa rửa mặt chuyên dụng hoặc nước tẩy trang có nguy cơ bị mụn đầu đen ở má rất cao. Bởi vì bụi bẩn từ môi trường, tàn dư mỹ phẩm và dầu nhờn trên da sẽ làm lỗ chân lông bít tắc và mụn đầu đen trên má xuất hiện.

4. Di truyền

Bộ gen của con cái được truyền từ bố mẹ và quyết định một phần loại da và mụn mà chúng gặp phải sau này. Cho nên nếu bố mẹ bị mụn đầu đen ở má và lỗ chân lông to thì con cái cũng có khả năng bị ảnh hưởng.

5. Nặn mụn

Nặn mụn không đúng cách chỉ khiến mụn đầu đen ở má tiến triển nặng hơn. Nặn mụn làm cho mụn đầu đen vào sâu bên trong lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn và dầu nhờn vào lỗ mụn. Từ đó làm tổn thương da, tạo mụn bọc, mụn mủ và các vấn đề khác.

Vì vậy cần hạn chế nặn mụn tại nhà và tìm đến các bác sĩ và chuyên gia để nhận những lời khuyên hữu ích.

6. Chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh

Da chỉ đẹp khi con người có chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý. Việc thường xuyên thức khuya, ngủ không đủ giấc, mất ngủ và thiếu ngủ trong thời gian dài khiến da dễ bị mụn đầu đen ở má. Bên cạnh đó, những thói quen trên còn làm cho da lão hóa nhanh hơn.

Ngoài ra, việc dành quá nhiều thời gian cho công việc gây căng thẳng, mệt mỏi và dẫn đến mất cân bằng nội tiết. Cuối cùng làm cho tình trạng da xấu đi, mụn đầu đen ở má cũng dễ xuất hiện.

7. Mỹ phẩm không phù hợp

Nhiều người lầm tưởng mụn đầu đen không nguy hiểm và tự xử lý ở nhà. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc có các thành phần như adapalene, benzoyl peroxide, BHA, AHA,… nhưng không theo hướng dẫn của bác sĩ không những không có hiệu quả mà còn làm cho tình trạng mụn đầu đen ở má trở nặng.

Bài viết liên quan: Mụn đầu đen ở mũi: Nguyên nhân, dấu hiệu, phòng ngừa

Mụn đầu đen đang bị loại bỏ
Mụn đầu đen đang bị loại bỏ

Dấu hiệu nhận biết mụn đầu đen ở má

Việc nhận biết mụn đầu đen trên má hay các bộ phận khác rất dễ dàng. Mụn đầu đen thường khá nhỏ, nhô lên bề mặt da và có màu tối. Loại mụn này không gây sưng đỏ, đau nhức nhưng nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây viêm nhiễm và trở thành mụn bọc, mụn mủ.

Mụn đầu đen ở 2 bên má có tự hết không?

Mụn đầu đen ở má không thể tự hết do loại mụn này có phần đầu nhỏ màu đen nhưng bên trong có nhân mụn. Nếu không có biện pháp can thiệp thích hợp thì mụn đầu đen trên má không thể biến mất.

Có nên tự nặn mụn đầu đen ở má?

Không nên tự nặn mụn đầu đen trên má vì những nguyên nhân sau:

1. Nặn mụn đầu đen không thể điều trị tận gốc

Mụn đầu đen ở má không giống các loại mụn khác vì chúng thường tồn tại rất lâu trên da. Vì vậy việc nặn mụn chỉ là biện pháp tạm thời và không thể điều trị dứt điểm mụn đầu đen. Bên cạnh đó, nặn mụn bằng tay còn làm giãn lỗ chân lông, khiến lỗ chân lông to ra và gây mất thẩm mỹ.

2. Hình thành mụn đầu đen ở những vùng da khác

Dầu và vi khuẩn gây bít tắc lỗ chân lông và gây mụn đầu đen ở má nên việc nặn mụn sẽ làm cho các tác nhân này phát triển ở những vùng da khác. Từ đó dễ hình thành sẩn mụn và các loại mụn khác cũng như tăng nguy cơ để lại sẹo trên da.

Vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi nặn mụn để tránh làm tổn thương da và làm cho tình trạng mụn đầu đen ở má thêm tồi tệ.

3. Gây kích ứng da

Việc nặn mụn không đúng cách sẽ tác động đến da, khiến cho da dễ kích ứng và viêm nhiễm. Ở một vài trường hợp, các mô xung quanh mụn đầu đen xuất hiện các đốm đen do tăng sắc tố sau viêm. Từ đó làm cho tình trạng da ngày càng xấu đi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các trường hợp nên đến gặp bác sĩ:

Ví dụ về mụn đầu đen trên má
Ví dụ về mụn đầu đen trên má

Các phương pháp điều trị mụn đầu đen ở má tại nhà hiệu quả

Hầu hết các phương pháp điều trị mụn đầu đen tại nhà đều nằm trong quy trình chăm sóc da thường ngày. Các phương pháp đó bao gồm: (3)

1. Rửa mặt đúng cách

Việc rửa mặt đúng cách rất quan trọng trong ngăn ngừa mụn đầu đen ở má. Bạn nên rửa mặt bằng sữa rửa mặt 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối. Buổi sáng, thao tác rửa mặt giúp loại bỏ các chất gây hại như vi khuẩn và dầu thừa tích tụ trên da khi ngủ. Buổi tối, rửa mặt để làm sạch da khỏi các tác nhân ô nhiễm như bụi bẩn, trang điểm và kem chống nắng.

Tuy nhiên, không nên rửa mặt quá nhiều lần trong ngày vì làm cho da khô và kích thích tiết dầu nhiều hơn. Bạn chỉ nên rửa mặt 2-3 lần trong ngày và tuân theo các bước sau:

2. Loại bỏ mụn đầu đen đúng cách

Trước khi thực hiện loại bỏ mụn đầu đen trên má, cần làm sạch da bằng nước ấm hoặc xông hơi da mặt nếu có dụng cụ chuyên dụng. Việc này giúp lỗ chân lông mềm mại và giãn nở hơn, tạo điều kiện loại bỏ mụn nhanh chóng và nhẹ nhàng. Quy trình nặn mụn đúng cách bao gồm:

Đối với các trường hợp mụn đầu đen trên má to, sâu và chai cứng nên đến các cơ sở da liễu để thăm khám và lấy nhân mụn an toàn.

3. Dùng miếng dán lột mụn

Miếng dán lột mụn có công dụng loại bỏ dầu thừa và nhân mụn đầu đen ở má. Cũng giống như nặn mụn, để lỗ chân lông nở ra và co giãn tốt nên xông hơi hoặc tắm nước ấm với vòi sen trước khi dùng miếng dán.

Mặc dù có khả năng loại bỏ nhân mụn hiệu quả và nhanh chóng nhưng miếng dán lột mụn thường lấy đi cả chất nhờn tự nhiên trên da. Từ đó kích thích lỗ chân lông tiết ra nhiều dầu nhờn hơn.

Một số loại miếng dán lột mụn có nguy cơ gây kích ứng da nên khi loại bỏ nhân mụn bằng phương pháp này nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia.

4. Tẩy tế bào chết bằng AHA và BHA

Tẩy tế bào chết giúp cho da thông thoáng và giảm hình thành mụn đầu đen trên má. Tuy nhiên, không nên tẩy da chết vật lý trên nền da đã có mụn vì nguy cơ làm da tổn thương rất cao và tình trạng mụn sẽ càng khó kiểm soát. Các loại tẩy bào chết α-hydroxy acid (AHA) và β-hydroxy acid (BHA) với nồng độ phù hợp sẽ hỗ trợ ngăn ngừa mụn.

AHA bao gồm acid glycolic và acid lactic có nguồn gốc tự nhiên như đường, trái cây, sữa. AHA hoạt động với cơ chế giảm nồng độ ion canxi trong da. Nhờ đó thúc đẩy sự bong tróc của các tế bào da trên bề mặt. Nồng độ thích hợp để tẩy tế bào chết dao động từ 5 - 10%.

BHA có acid salicylic, dễ tan trong dầu, cũng có công dụng tẩy tế bào chết như AHA nhưng acid salicylic còn có khả năng kháng khuẩn và tác động sâu dưới lỗ chân lông. Nồng độ thích hợp để tẩy tế bào chết là 2%.

Tuy có nhiều công dụng nhưng AHA và BHA vẫn có hạn chế là làm cho da dễ bị tổn thương bởi các tia UVA, UVB. Vì vậy cần thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài và thoa lại sau 3 - 4 giờ.

5. Tẩy trang vào cuối ngày

Sau ngày dài hoạt động, bụi bẩn, khói bụi bám lên da mặt rất nhiều nên việc tẩy trang có vai trò rất quan trọng. Nếu không, bụi bẩn sẽ kết hợp với các lớp trang điểm gây bít tắc lỗ chân lông, gây mụn đầu đen trên má. Ngoài ra, việc sử dụng sữa rửa mặt sau khi tẩy trang giúp lỗ chân lông sạch sâu hơn.

6. Các thuốc điều trị mụn đầu đen không kê đơn (OTC)

Các trường hợp bị mụn đầu đen ở mức độ nhẹ và trung bình có thể điều trị bằng các loại thuốc bôi tại chỗ nhằm thúc đẩy sự thay đổi của tế bào da, giảm dầu thừa. Thông thường mất khoảng vài tuần đến vài tháng để thấy được hiệu quả và cần duy trì bôi trong thời gian dài. Các loại thuốc phổ biến như:

7. Thuốc trị mụn đầu đen cần kê đơn

Thuốc bôi OTC có công dụng kiểm soát mụn đầu đen khá tốt nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả. Một số trường hợp mụn đầu đen dai dẳng, nên đến gặp bác sĩ da liễu để được khám và kê đơn thuốc bôi kê toa khác nếu cần.

8. Dưỡng ẩm

Để ngăn ngừa mụn đầu đen ở má, bạn cần chú ý đến việc cấp ẩm cho da. Da khô hoặc thiếu nước sẽ kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và tạo điều kiện cho mụn đầu đen ở má phát triển.

Vì vậy, nên lựa chọn các sản phẩm dưỡng ẩm an toàn, không gây mụn. Các dòng sản phẩm này cần có tính chất dịu nhẹ, không chứa silicone, giữ ẩm cho da và ngăn ngừa mụn đầu đen trên má tái phát. Dưỡng ẩm da có vai trò quan trọng trong quy trình chăm sóc da hàng ngày và không nên bỏ qua.

Bác sĩ Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh đang điều trị mụn đầu đen cho bệnh nhân
Bác sĩ Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh đang điều trị mụn đầu đen cho bệnh nhân

Biện pháp ngăn ngừa mụn đầu đen ở 2 bên má

Mụn đầu đen gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sức khỏe của da. Để ngăn ngừa mụn đầu đen ở má, cần chú ý đến loại da và chọn phương pháp chăm sóc da phù hợp.

Lưu ý chung cho người thường xuyên bị mụn đầu đen

Bất kể loại da nào, tuyệt đối không tự ý nặn mụn đầu đen vì có nguy cơ gây viêm nhiễm và sẹo. Điều nên làm là khám bác sĩ để được lấy nhân mụn an toàn và hiệu quả. Thêm vào đó, nên kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều ngũ cốc, trái cây và rau xanh để nuôi dưỡng làn da từ bên trong.

Bài viết liên quan: Mụn đầu đen có tự hết được không? Để lâu có sao không?

bác sĩ dặn dò bệnh nhân

Giới thiệu dịch vụ BVĐK Tâm Anh

Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da thuộc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, một trong những địa chỉ uy tín trong lĩnh vực da liễu - thẩm mỹ da. Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ không những điều trị các bệnh về da như vảy nến, viêm da cơ địa, mụn trứng cá,… mà còn thực hiện các dịch vụ làm đẹp như botox, tiêm vi điểm, xóa nám, triệt lông, trẻ hóa da, xóa xăm,…

Bên cạnh đó, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da được trang bị các thiết bị kỹ thuật hiện đại như: dàn máy Laser CO2 Fractional (trẻ hóa da), dàn máy Laser Pico (điều trị sắc tố da), máy điện di Apolo Duet +El,…

Ngoài ra, BVĐK Tâm Anh luôn hướng tới xây dựng đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm và giàu chuyên môn trong nhiều lĩnh vực kết hợp quy trình khám chữa bệnh hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến. Nhờ đó cung cấp cho quý khách hàng chất lượng dịch vụ toàn diện nhất.

Bài viết đã cung cấp khái niệm mụn đầu đen ở má, nguyên nhân, dấu hiệu và phòng ngừa. Việc điều trị và ngăn ngừa mụn đầu đen cần tham khảo ý kiến của bác sĩ kết hợp lối sống lành mạnh, chăm sóc da hợp lý.

Link nội dung: https://vosc.edu.vn/index.php/mun-dau-den-o-ma-a21315.html