Công thức chế biến đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa dân dã, mộc mạc của miền Tây

Còn gì tuyệt vời bằng ở tận miền Bắc mà được xơi thử đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa dân dã, mộc mạc của miền Tây. Cách nhanh nhất chính là học hỏi ngay công thức chế biến sau đây.

Mới đây, FB Nguyễn Thị Xuân Diệu - thành viên MXH về ẩm thực và nấu ăn quê Bến Tre đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng khi giới thiệu món đặc sản quê hương miền Tây. "Những ngày gần cuối tháng 4 hướng về ngày lễ lớn của dân tộc, lòng tôi mong ngóng được về quê, được ăn món bánh quê mẹ làm- Bánh Lá Mơ Nước Cốt Dừa (hay còn gọi là Bánh Rau Mơ). Món ăn Miền Tây dân dã mà lịm tim biết bao đứa trẻ sinh ra nơi đây và rồi lớn lên dù đi đâu cũng thương nhớ về nó. Bởi Không chỉ đơn thuần là một món ăn vặt, nó còn là món ăn tinh thần trong kí ức mỗi người.", tác giả món bánh đặc sắc tâm sự.

đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa

Tác giả giới thiệu sơ lược về đặc sản này: "Bánh được làm từ bột gạo xay với lá mơ. Người miền Tây dùng lá mơ rừng là lá có thân lá dài, mỏng, màu xanh nhạt và mùi hương đặc trưng chứ không dùng lá mơ lông (bây giờ nhiều nơi không còn lá mơ rừng thì mọi người cũng dùng lá mơ lông vì cơ bản 2 loại lá này cũng không khác nhau mấy).

Lá dùng để nắn bánh là Lá Dừa Nước, loại lá này cũng là đặc trưng và dễ kiếm ở miền Tây sông nước hoặc cũng có thể dùng lá mít nữa. Chính vì sự đa dạng này mà người ta còn gọi món bánh lá mơ là bánh lá nắn (có nghĩa là bánh được nắn trên mặt lá). Mê nhất là chén nước cốt dừa đặc biệt, loại nước cốt ăn kèm với bánh lá mơ thường được thêm hành lá, mè rang theo khẩu vị. Nước cốt sền sệt với vị ngọt nhẹ, thơm béo, một xíu mằn mặn của muối. Nước cốt dừa là thành phần chốt hạ độ ngon của bánh lá mơ đó...".

Tác giả cũng không quên gửi lời mời cộng đồng mạng về với miền Tây để cùng thưởng thức và làm thử món bánh thú vị dân dã, mộc mạc này. Sau đây là công thức chi tiết từ tác giả.

đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa

Nguyên liệu:

Bột bánh:

- 1 kg gạo- Nửa lon nếp (lon sữa bò, khoảng 250 g)- 100 g đường- 200 g lá (rau) mơ- Một chút muối- Một chút dầu ăn (để bánh không bị dính khi gỡ)- Lá dừa nước (hoặc lá mít để nắn bánh)

-> Thành phẩm thu được 2 kg bánh.

đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa"Gạo và nếp vo sạch rồi ngâm qua đêm. Sáng hôm sau mang ra chợ nhờ người xay dùm rồi về để bột ráo. Sau đó bắt tay vào làm, giờ trưa là có bánh ăn nha...".

đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa"Sở dĩ gọi là Bánh Lá Mơ vì được làm từ thành phần chính là lá mơ. Lá mơ này là loại lá mơ rừng có thân lá dài, mỏng. Nhà em vẫn còn trồng đến giờ, đất trồng tốt nên lá rất to".

đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa"Lá mít và lá dừa nước đã được rửa sạch để ráo, sẵn sàng".

đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa"Bột gạo hoà cùng lá mơ có màu xanh xanh, nếu cho nhiều lá mơ thì sẽ có màu đậm hơn và bánh chín màu cũng đen nhiều hơn".

đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa"Lá dừa nước thì quá quen thuộc với người miền Tây sông nước rồi. Lá này mang về mình dùng muỗng cạo sạch phần màu nâu mặt sau lá rồi rửa cho sạch".

Nước cốt dừa:

- 400 ml nước cốt dừa- 50 g đường- 8 g bột năng- 1 muỗng canh bột gạo- 4 g muối.

đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa"Đối với lá mít thì mọi người có thể nắn mặt trên hay dưới gì cũng được. Muốn bánh láng thì nắn mặt trên, còn muốn có hình gân lá thì nắn mặt dưới".

đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa

đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa"Với lá dừa nước nắn từ trên xuống dưới phủ mặt lá như này...".

đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa"Lá dừa nước dài thì mình gấp lại như này để tiện cho vào nồi nha".

đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa"Đấy, chỉ 15 phút thôi là bánh chín ngay".

Cách làm:

- Đầu tiên vo sạch gạo và nếp rồi ngâm qua đêm. Sau đó xay gạo cùng với lá mơ đã được rửa sạch và cắt nhuyễn. Đây là cách làm truyền thống của người miền Tây vì gạo xay làm bánh ngon hơn là bột gạo khô.- Sau khi xay bột xong dùng vật nặng đè lên túi bột đợi cho bột ráo nước, nhưng cũng đừng để quá lâu bột bị khô.- Sau đó cho đường, muối, dầu ăn vào bột nhồi đều, để bột nghỉ 30 phút.- Trong thời gian bột nghỉ chuẩn bị lá để nắn. Với lá dừa nước thì dùng muỗng cạo sạch phần màu nâu mặt sau lá rồi rửa sạch, để ráo. Nếu dùng là mít thì cũng rửa lá cho sạch và để ráo. - Sau đó dùng tay nắn bột lên mặt lá đã chuẩn bị. Dàn đều bột lên mặt gân lá nếu muốn bánh có đường gân lá đẹp. Dàn bột đều lên mặt lá với độ dày vừa phải, nếu mỏng quá thì bánh khi hấp xong sẽ bị dính khó gỡ, còn dày quá thì bánh hơi cứng mất ngon. - Gập bánh lại làm 3 - 4 lần gấp cho tiện khi cho vào nồi nếu là lá dừa nước; gập đôi hoặc cuốn tròn nếu là lá mít.- Đun nước trên bếp khi sôi thì cho bánh vào hấp khoảng 15 phút là bánh chín.- Đổ nước cốt dừa vào nồi, dùng một ít nước cốt dừa khuấy tan hỗn hợp đường + muối + bột năng+ bột gạo rồi cho hỗn hợp này vào nồi nước cốt dừa đun ở lửa vừa. Khuấy nhẹ nhàng đều tay và liên tục hỗn hợp vài phút đến khi nước cốt dừa sánh đặc lại. Để có mùi thơm thì cho thêm một ít hành lá cắt nhỏ vào rồi tắt bếp(làm như vậy thì nước cốt để lâu không bị loãng, không bị chảy nước).

đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa"Lấy bánh ra và thưởng thức thôi nào. Mình có cho một ít dầu ăn vào bột nên bánh tróc ra dễ không bị dính bánh vào lá".

đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa"Bánh có màu đen, bột bánh ăn dai dai, có mùi thơm đặc trưng lá mơ và in gân lá mít rất đặc sắc".

Thưởng thức:

- Gỡ bánh ra đĩa rồi chan nước cốt dừa lên trên, rắc thêm mè rang nếu thích. Hoặc ăn đến đâu gỡ bánh đến đó rồi chấm vào nước cốt dừa.- Bánh dai dai khi ăn, vừa cảm nhận được hương vị đặc trưng của bánh vừa có hương vị thơm béo của nước cốt dừa.

đặc sản bánh lá mơ nước cốt dừa"Mẹt bánh em và người nhà làm để đãi bạn đến chơi mùa lễ năm ngoái".

Tác giả lưu ý rằng đây là cách làm truyền thống của gia đình mình, người miền Tây hay dùng gạo ngâm và xay lấy bột để làm bánh. "Đối với bột gạo khô sẵn thì chỉ cần rửa sạch lá mơ, cắt nhuyễn rồi xay và lọc lấy nước lá mơ đổ vào bột nhồi lên cùng bột năng + bột nếp + đường + muối + dầu ăn đến khi bột sệt, mịn và đều với nhau nhé. (Định lượng có thể dùng: 400g bột gạo, 150g bột năng, 50g bột nếp, 50g đường, một xíu muối, 1 muống canh dầu ăn. 150g lá mơ + 500ml nước để xay)", tác giả bổ sung thêm.

Nguồn: FB Nguyễn Thị Xuân Diệu

Link nội dung: https://vosc.edu.vn/index.php/cach-lam-banh-la-mo-a20917.html