Câu chuyện hơn 20 năm đi phượt bằng xe máy khắp Việt Nam của ông Văn được nhiều cư dân mạng trong giới phượt bụi biker thả tim và thích thú.
Ông Văn trong chuyến đi đầu tiên cùng “vua du khảo” Đào Kim Trang
Không cần dùng Google Maps
Ông Văn bắt đầu chuyến “xê dịch” đầu tiên vào năm 36 tuổi và đã đi qua 63/64 tỉnh thành Việt Nam cùng nhiều địa điểm ở Lào, Campuchia. Bảy lần vượt đường Tây Trường Sơn, 5 lần sang Campuchia, 12 ngày rong ruổi Tây Bắc… là những “chiến tích” nổi tiếng của ông trong cộng đồng “phượt bụi”.
Chuyến đi dài nhất và ý nghĩa nhất với ông là chuyến 16 ngày năm 2018 (Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái - Lào Cai - Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn - Quảng Ninh - Ninh Bình). Trong chuyến đi này, bạn đồng hành đặc biệt của ông là người vợ - bà Trần Thị Thanh Thủy (51 tuổi), đặc biệt hơn là mỗi người đi một xe. Ít ai biết, bà Thủy vốn bị viêm xoang sàng, có thể ngất xỉu bất cứ lúc nào. “Vì thương chồng, yêu chồng quá nên tôi ráng đeo theo ổng. Đi để sau này còn có kỷ niệm lưu lại, già rồi còn sức đâu mà đi nữa”, bà Thủy giải thích.
“Khoảng năm 1997, tôi đọc được bài báo nói về tour du khảo TP.HCM - TP.Phan Thiết bằng xe đạp cho sinh viên của vua du khảo Đào Kim Trang. Niềm đam mê trong tôi trỗi dậy, nên lập tức đăng ký tham gia”, ông Văn nhớ lại. Từ đó, máu đi phượt cứ chảy suốt trong ông với hơn 20 năm đó đây và các chuyến đi đều bắt đầu bất ngờ, ngẫu hứng. Đó là những lần ông tiện đường ra thăm bà con hai họ ngoài Bắc, là lần “rủ rê” họp mặt với đồng đội năm xưa… Trước khi lên đường, ông cẩn thận kiểm tra, thay nhớt xe. Để an toàn, ông giữ nguyên tắc không chạy quá 50 km/giờ, không bao giờ đi xuyên đêm và phương châm “gặp rắc rối ở đâu thì giải quyết ở đó”.
Con “chiến mã” rong ruổi cùng ông Văn từ Việt Nam sang Campuchia
Chẳng dùng đến Google Maps, ông Văn chỉ dựa vào kinh nghiệm và cột mốc trên đường để du ngoạn. Bí quyết “số một” để có chuyến đi trọn vẹn, theo ông, là trực tiếp hỏi người dân địa phương về những món ngon và địa điểm đáng đi. “Đi tới đâu mình hỏi tới đó, bởi vậy hồi đi Khu di tích Bác Ba Phi ở Cà Mau, tôi cứ lạc đường tùm lum, nhưng mà qua đó mình biết được nhiều đường mới hơn”, ông Văn hóm hỉnh kể.
Càng đi càng khỏe
Ông Văn tâm sự niềm đam mê rong ruổi vốn đã “ăn vào máu” từ nhỏ. Rời ghế nhà trường, ông đi bộ đội, rồi trải qua rất nhiều công việc mưu sinh. Hai vợ chồng cứ vậy dành dụm dần dần. Do hoàn cảnh nên hiện giờ hai vợ chồng đổi nghề, nhận may đồ ở nhà, thu nhập đủ trang trải hằng ngày. Số tiền nhiều năm tích góp được ông Văn dành một phần cho việc đi “phượt”. Mỗi chuyến đi, ông luôn chọn đường về khác đường đi để có cơ hội thăm thú thêm. Ông tâm sự: “Bao giờ tôi cũng muốn đi lại những nơi mình từng đến, để xem chỗ đó đã thay đổi những gì”.
Hai vợ chồng ông Văn tại thác Bản Giốc (Cao Bằng)
NVCC
Bà Thủy kể hồi mới lấy nhau ông Văn đã để bà ở nhà một mình và đi “phượt” hơn một tháng trời. Những năm thập niên 1990, điều kiện còn khó khăn, muốn liên hệ với ông, bà phải ra bưu điện nhắn tin. Ông thấy tin nhắn, gọi về thì hai vợ chồng mới có cơ hội nói chuyện. Biết đam mê đã “thấm vào máu” của chồng, bà tình nguyện ở nhà để quán xuyến mọi việc. “Ổng cũng rủ tôi đi chung, mà tôi ngại thôi. Hồi đầu còn lo lắng, nhưng giờ muốn biết ổng đi tới đâu cứ mở Facebook ổng xem, ổng đăng hết trên đấy, rồi hai vợ chồng hay gọi nhau nên cũng đỡ lo hơn”, bà Thủy nói và “khoe chồng”: “Bây giờ mà nói tới cái “đài” của ổng, Việt Nam đi chỗ nào, chỗ nào là ổng nói ba ngày ba đêm chưa hết nữa”.
“Già rồi thì cũng mệt chứ, nhưng ngủ đêm dậy là mình nạp năng lượng. Thấy vậy đó chứ càng đi càng khỏe, nhất là đi đường rừng càng khoái, đầu óc thư thả, người lâng lâng lắm”, ông Văn cười khà khà và cho biết: “Đất nước mình còn nhiều chỗ đẹp mà tôi chưa đặt chân đến lắm. Sắp tới, tôi sẽ đi xe máy đến tỉnh Bắc Kạn - nơi tôi chưa đến, và dãy Đông Trường Sơn”.