Xu hướng “Ý nghĩa màu hoa bỉ ngạn”
Từ khóa “ý nghĩa màu hoa bỉ ngạn”, “trend bỉ ngạn” được tìm kiếm đột biến trên Google Việt Nam, đặc biệt thịnh hành trên nền tảng mạng xã hội TikTok, Facebook.
Xu hướng này xuất phát từ tài khoản TikTok có tên @manchausa96 với nội dung miêu tả ý nghĩa màu sắc hoa bỉ ngạn trên nền nhạc ca khúc Day by day của T-ara: “Bỉ ngạn đỏ - Hồi ức đau thương, bỉ ngạn vàng - Vĩnh viễn không gặp lại, bỉ ngạn trắng - Sự tinh khiết, Bỉ ngạn xanh - Hy vọng tương lai gặp lại”.
Clip gốc đăng tải từ năm tháng 10/2022 nhưng vọt lên xu hướng tìm kiếm. Tính đến thời điểm này clip đạt hơn 4,6 triệu lượt xem cùng hàng chục nghìn chia sẻ, bình luận.
Trend "Ý nghĩa màu hoa bỉ ngạn" gây sốt mạng xã hội thời gian qua.
Hình ảnh, âm thanh, giọng điệu trong clip mang thông điệp buồn, thậm chí có phần gây khó chịu cho người nghe nhưng vẫn bất ngờ tạo trend. Nhiều cư dân mạng cho biết thấy vui vì nội dung sến sẩm, mang hơi hướm ngôn tình, được lồng ghép, biến tấu vào những hình ảnh, video hài hước.
Hầu hết video “đu trend” đều hướng đến nội dung giải trí, mang lại tiếng cười. Ngay cả nhiều người nổi tiếng như Lê Dương Bảo Lâm, Thùy Tiên… cũng hào hứng với xu hướng này.
Nhiều khán giả thường lấy màu sắc quần áo, đầu tóc của nghệ sĩ tương ứng với màu hoa bỉ ngạn và “chế” theo trend. Cách đây ít ngày, ca sĩ Lệ Quyên trong bộ đầm vàng bắt mắt có khoảnh khắc vô tình “cướp mic” của MC ở Làn sóng xanh “viral” trên mạng xã hội, cư dân mạng nhanh chóng gắn tên cô với “bỉ ngạn vàng”.
Hoa bỉ ngạn có thật không?
Hoa bỉ ngạn là loài hoa có thật, thân thảo, tên khoa học là Lycoris Radiata, có ở Trung Quốc, Nhật Bản, ở Mỹ hoa phát triển ở Bắc Carolina, Texas và nhiều tiểu bang phía Nam khác. Màu sắc thường thấy của hoa là đỏ, trắng, nở xòe mọi hướng như chim công đang múa.
Có nhiều tầng ý nghĩa của hoa bỉ ngạn, ở Triều Tiên là hoa nhung nhớ, ở Nhật Bản, Trung Quốc là hoa mang ý nghĩa phân ly, đau khổ, vẻ đẹp của cái chết.
Được nhiều người biết đến nhất là truyền thuyết của Trung Quốc, người đời kể bỉ ngạn được canh giữ bởi yêu tinh Sa Hoa và Mạn Châu, cả hai bất chấp làm trái quy định gặp mặt và đem lòng cảm mến nhau. Khi Thần biết chuyện đã khiển trách, để hai yêu tinh vào kiếp luân hồi, không thể gặp nhau đời đời kiếp kiếp.
Từ đó, hoa bỉ ngạn hay còn gọi là Mạn Châu Sa Hoa, chỉ nở trên con đường đi xuống địa phủ. Tương truyền, phía dưới cầu Nại Hà là rừng hoa bỉ ngạn nở đỏ rực như máu, nhận những đau thương, tuyệt vọng của người đi luân hồi.