Bản làng người Mông ở trên núi cao. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Đầu tiên, hãy cùng tìm hiểu về cách tộc người này tự gọi chính mình. Chúng tôi tự gọi mình là “Hmoob”. Trong đó âm “H” là âm câm, khi đọc gần như chỉ làm nền cho âm “m” chứ không phát ra. Trường hợp này tương đối giống vai trò của âm “h” trong chữ “hour” của tiếng Anh hay trong trường hợp của chữ “homme” trong tiếng Pháp. Do vậy mà cụm nguyên âm “Hm” ở đây, khi phát âm chỉ còn gần như nghe được mỗi chữ “m”. Còn vần “oo” tương tự như “ông” trong tiếng Việt. Và cuối cùng là chữ “b” ở cuối, đây là một ký hiệu cho việc từ này có dấu như là dấu sắc, dấu huyền trong tiếng Việt.
Nhưng vấn đề nan giải ở đây là âm “b” này là một âm mũi, khi phát âm gần như không tạo ra tiếng hoàn toàn, nó nhấn mạnh thêm vào từ được phát âm. Trường âm mũi này không tồn tại trong tiếng Việt, do đó khó cho người viết có thể hướng dẫn cách phát âm bằng chữ. Từ tất cả những lý giải này, ta thấy rằng phát âm hay gọi người Mông là Mông là cách gần như gần gũi nhất với tên mà do chính cộng đồng chúng tôi tự gọi.
Chỉ có một vấn đề nho nhỏ ở đây là sự xuất hiện của âm mũi ‘b’ trong cụm từ này. Do tiếng Việt không có nên thật khó cho tôi có thể giải thích bằng chữ, do đó, độc giả có thể nghe cách phát âm tộc danh của người Mông ở file mp3 dưới đây:
Như vậy, về cách gọi hay đọc, Mông-b (nhấn mạnh âm mũi b) gần như là chuẩn chỉnh nhất khi nói về người Mông. Thế còn viết thì sao, tại sao trong văn bản viết, tộc danh của người Mông lúc thì được ghi là Mèo, Miêu, Miao; khi thì ghi thành H’mông, HMông, Hmong, Mông?
Học sinh người Mông ở Trường PTCS DTBT Tây Sơn (Nghệ An) trình diễn điệu múa khèn. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Về cách gọi và viết liên quan đến cụm Miêu - Mèo, các tài liệu nghiên cứu lý giải rằng: Ngày xưa, khi người Mông còn sinh sống chủ yếu ở lưu vực sông Hoàng Hà (thuộc lãnh thổ Trung Hoa ngày nay), chúng tôi là một trong những tộc người sớm biết canh tác nông nghiệp. Người Hán khi đó đã gọi chúng tôi là Miêu (tiếng Trung: 苗; bính âm: Miáo). Thông qua lý giải chữ tượng hình khi chữ Miêu này được ghép bởi chữ điền (田) và chữ thảo (愺). Mà trong tiếng Hán, điền là chữ chỉ đất, thảo là chữ chỉ cỏ cây.
Vậy, chữ Miao (苗) này thực tế hàm ý đến cộng đồng trồng cỏ cây trên đất hay cộng đồng làm nông nghiệp canh tác. Chứ nó không phải là chữ Mão (猫) để chỉ con mèo như một số người vẫn lầm tưởng. Như vậy, bên cạnh gọi người Mông là Mông-b như ở trên, ta còn có thể gọi là Miêu (Miao) như tiếng Trung gọi.
Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ bản Mông ở bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Khánh Ly
Còn cách gọi và viết liên quan đến Hơ-Mông (H’mông, HMông, Hmong) thì thực tế hoàn toàn là do những lỗi sai lệch trong lưu truyền văn bản hành chính và thống kê.
Ngày 29/4/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 230/SL về việc ban hành bản quy định việc thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, trong đó có điều 14 ghi rõ: “Đối với các dân tộc không có chữ riêng, sẽ nghiên cứu cách phiên âm tiếng nói của các dân tộc đó. Các dân tộc đều có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trong mọi việc”. Từ thời điểm đó, Phòng Nghiên cứu Xây dựng Văn tự dân tộc thiểu số của Bộ Giáo dục đã xây dựng bộ chữ Mông Việt Nam, lấy ngữ âm Mông Hoa vùng Sa Pa, tỉnh Lào Cai làm âm tiêu chuẩn. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 206/CP ngày 27/11/1961 về việc phê chuẩn phương án chữ Mông, chính thức ban hành đi vào sử dụng như một bộ chữ dùng để dạy xóa mù chữ cho người Mông và dạy tiếng Mông cho cán bộ công tác ở vùng người Mông.
Theo bộ chữ Mông Việt Nam này, tộc danh của người Mông được ghi là “Hmôngz”. Trong đó, “h” vẫn là âm câm khi đọc không phát ra mà chỉ bổ trợ cho “m”; “z” là dấu âm mũi tương tự như “b” ở đầu bài tôi đã giải thích. Như vậy, từ thời điểm này, tộc danh của người Mông đã được ghi gần như là chính thức trên các văn bản hành chính là “Hmôngz”.
Đến năm 1979, trong Bảng Danh mục các dân tộc Việt Nam, tộc danh của người Mông đã bị ghi thành “Hmông”, bỏ quên đi dấu “z” ở cuối. Đó có lẽ là một lỗi thiếu sót trong soạn thảo. Và từ đó, cái tên “Hmông” hay “HMông” được ra đời. Về sau, nhiều người bao gồm cả cán bộ hành chính đã ghi sai lệch đi tộc danh người Mông bằng những cái tên như “H’mông”, “H’Mông” hay “Hơ-Mông”.
Để thống nhất về tộc danh của người Mông, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Khóa X đã có công văn số 09-CV/HĐDT ký ngày 04/12/2001 về việc đề nghị đọc đúng tên và khái niệm về dân tộc, công văn nêu rõ: “Tên gọi dân tộc Mông, nếu viết bằng chữ phổ thông là ngôn ngữ chính thức của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì viết là dân tộc Mông”.
Như vậy, về tên gọi của dân tộc Mông, khi phát âm là Hmoob (Hmôngz) như trong đoạn thoại trên, còn khi viết là Mông là chính xác nhất cả về ngữ nghĩa và văn bản chính thống.
Tài liệu tham khảo
Vương, Q. D. (2005). Văn hóa tâm linh của người Mông: Truyền thống và hiện tại. NXB Văn hóa - Thông tin và Viện Văn hóa.
Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội. (2016). Đi tìm chữ mông: Nghiên cứu cùng Cộng đồng mông thôn giàng tra, Xã tả phìn, huyện sa Pa, 2013-2014.
NXB Thống Kê. (2020). Chương 2: Dân số và các đặc trưng nhân khẩu học. In Kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019. essay.
Nguyễn, K. T. (n.d.). Dân Tộc Mông ở Việt Nam và một số vấn đề VỀ Ngôn NGỮ 1198278 - tạp chí Khoa Học Khoa Học xã hội, SỐ. StuDocu. Retrieved June 15, 2022, from https://www.studocu.com/vn/document/truong-dai-hoc-su-pham-thanh-pho-ho-chi-minh/lich-su-dang/dan-toc-mong-o-viet-nam-va-mot-so-van-de-ve-ngon-ngu-1198278/22062204?fbclid=IwAR1fAbsYyuDBM_e1Nbr7r4eBkzkQqIvy9I2WpKrLECrzD1sT3XIU0e89CFA
Lemoine, J. (2005). What is the actual number of the (h)mong in the world? by Jacques ...Hmong Studies Journal. Retrieved June 14, 2022, from https://www.hmongstudiesjournal.org/uploads/4/5/8/7/4587788/lemoinehsj6.pdf
Nguyễn, T. M. (2017). Những đỉnh núi du ca: Một lối tìm về cá tính H'mông. NXB Tri Thức và Công ty sách Tao Đàn.