Nhạc Việt đại chúng vừa trải qua một tuần “trời yên biển lặng” nhưng vẫn có những “sóng ngầm” gợi sự tò mò. Tại đó, ở Top 10 bảng xếp hạng Billboard Vietnam Top Vietnamese Songs tuần 24 (từ 10 đến 16/6) có duy nhất một sự thay đổi: Thương em của Châu Khải Phong rớt Top và ca khúc được bổ sung vào đó là Bao tiền một mớ bình yên của 14 Casper và Bon.
Đáng nói, Bao tiền một mớ bình yên được xuất bản ngày 23/12/2021 trên kênh YouTube mang tên 14 Casper, tức là đã hơn 6 tháng ra mắt, và bây giờ bất ngờ xuất hiện trong Top 10 một trong những BXH nhạc Việt uy tín. Trong khi đó trên kênh YouTube cá nhân nghệ sĩ, Bao tiền một mớ bình yên hiện thu hút được gần 32 triệu lượt xem, gần 3.500 bình luận. Rõ ràng, ca khúc tựa như một đợt “sóng ngầm” thú vị.
Nghĩ đôi ba điều
Suy nghĩ đầu tiên của tôi, Bao tiền một mớ bình yên chẳng phải dạng vừa! Bởi lẽ, với một người hoạt động âm nhạc có thể coi thuộc thế hệ đi trước, dù rất quan tâm đến đời sống âm nhạc của giới trẻ trong giai đoạn hiện nay nhưng 14 Casper và Bon là 2 cái tên đều như rất mới. Dù vậy, con số hơn 30 triệu view đạt được, cùng với số lượng bình luận chiếm tỉ lệ hơn 10% so với lượng view, cho thấy sự không hề kém cạnh nếu so với những ca khúc đình đám của các ca sĩ đình đám trong thị trường âm nhạc số hiện nay. Đáng nói hơn, kênh YouTube xuất bản Bao tiền một mớ bình yên hiện mới chỉ có hơn 74,1 nghìn lượt đăng ký theo dõi, một con số vô cùng nhỏ nếu so với rất nhiều kênh khác cùng trong lĩnh vực âm nhạc. Đây có thể xem là một thành công bất ngờ mà ca khúc và tác giả đạt được.
Thoáng qua cái tên Bao tiền một mớ bình yên, người viết nghĩ ngay rằng những chất liệu được khai thác trong bài ít nhiều đều sẽ có mối gắn kết với văn học và âm nhạc dân gian. Cách sử dụng ngôn ngữ, cách diễn đạt câu và hàm ý trong tựa đề ca khúc đã nói lên điều đó. Nhưng hóa ra không phải, nó giống như một sự “gây nhiễu” nhằm đánh lạc hướng người tiếp cận.
Ca khúc hoàn toàn không mang màu sắc âm nhạc dân gian. Ngay cả cách dùng từ, hành văn trong ca từ màu sắc dân gian cũng biến mất. Thay vào đó, có cảm giác nó hơi lãng tử và mang thiên hướng của những ca khúc đại chúng khai thác chất liệu âm nhạc phương tây.
Việc đánh lạc hướng trong ý tứ câu từ có thể chỉ là hiệu quả không ngờ đến từ sự tiếp cận của khán giả chứ không phải từ tác giả, nhà sản xuất. Chủ ý đặt cái tựa này có lẽ đến từ cách sáng tác âm nhạc đại chúng của giới trẻ hiện nay: Tạo câu key như một “miếng mồi” để “câu” sự tò mò của khán giả trẻ. Bao tiền một mớ bình yên, tên của ca khúc, cũng tròn trịa một câu hỏi đầy đủ ý, cũng đủ là một câu mang tính then chốt của tác phẩm. Dấu ấn “thời đại” hiện hữu trong ca khúc rất mạnh mẽ ở đây.
Thêm nhiều điều về âm nhạc
Một cảm giác chung khi lắng nghe ca khúc này là sự tròn trịa và một không gian tự nhiên. Điều này đến từ mọi chi tiết. Bao tiền một mớ bình yên là một bản pop R&B. Sự pha trộn giữa tính chất trữ tình tự sự cùng với màu sắc R&B đã tạo nên giai điệu sâu lắng nhưng cũng không kém phần phiêu lãng, quyến rũ và đầy chất nghệ sĩ trong đặc trưng của R&B.
Cũng là chất trữ tình, tự sự, có độ sâu nhưng khác sự chuẩn mực, chỉn chu trong nhiều ca khúc của các nhạc sĩ tiền bối, tự sự của Bao tiền một mớ bình yên ẩn chứa chất phủi phủi, bụi bặm, vừa như những suy tư, vừa mang chất phiêu lãng lại vừa giống như đang rong chơi. Có nghĩa, sự bụi bặm nằm ở chừng mực chứ không quá lên thành phá cách, cũng chẳng ẩn chứa điều gì bùng nổ. Nó khá đơn giản nhưng đạt được những hiệu quả nhất định.
Bao tiền một mớ bình yên có bố cục khá gọn gàng với 2 đoạn, trong đó mỗi đoạn có thể chia thành 2 câu và thêm phần mở rộng để kết thúc. Ca khúc có giai điệu cũng khá đơn giản, nhẹ nhàng nhưng hướng đi của giai điệu tạo nên những âm hưởng khá bắt tai ở cả đoạn đầu tiên và đoạn thứ 2 (phần điệp khúc).
Nội dung ca từ nói về cuộc sống của giới trẻ, giống như góc nhìn, cảm nhận và lời chia sẻ động viên của một chàng trai về một cô gái, có thể là người yêu của chàng trai. Nó giống như một góc về bức tranh cuộc sống của giới trẻ hôm nay với bộn bề công việc cuốn gần hết thời gian vào: “Mười giờ, văn phòng vẫn sáng đèn/ Lại một hôm làm thâu đêm/ Bàn chân đau nhức mỏi/ Tựa lưng em chợp mắt/ Dặn lòng: Vì cuộc sống êm đẹp...”. Nhưng trong sự bận rộn của cuộc sống thường nhật ấy, ta vẫn có thể ấm lòng vì: “Hạnh phúc không đâu cách xa/ Mà ta cứ đi tìm” và vì thế: “Vậy xin em một lần/ Tự yêu thương lấy mình”.
Trong những ca từ như kể chuyện này, có thể nhặt ra được những ý khá hay. Chẳng hạn: “Chẳng ai thu phí ước mơ/ thì hãy cứ mơ từng giây, phút, giờ”, hay “Cười lên để thấy ta thật may mắn khi em như một bông hoa, mọc lên giữa nơi sa mạc cằn cỗi, chỉ cần vậy thôi”... Cũng trong ca từ, tác giả đã chỉ ra cách để “mua” bình yên: “Cần bao nhiêu lâu để em tìm kiếm? Cần bao nhiêu tiền đổi một mớ bình yên? Chẳng ai bán, ai mua, ai mần, ai mang/ Bình yên chứa chan nơi trong lòng nhân gian”.
Có thể hiểu được ý tác giả: Muốn mua bình yên thật khó và cũng thật dễ. Bình yên ở khắp mọi nơi, nhưng cái chính phải là thái độ của mình để có thể nhận ra nó. Vậy nên, có thể không mua được bình yên dù rất nhiều tiền, nhưng cũng có thể tìm thấy ngập tràn sự bình yên dù không có đồng nào.
MV "Bao tiền một mớ bình yên":
Có thể nói, dù mang chất tự sự và là cảm xúc sâu lắng của chàng trai nhưng giống như rất nhiều ca khúc đương thời phổ biến trong giới trẻ, ca từ được diễn đạt như văn nói, đơn giản, kiểu như nghĩ sao nói vậy, dù nói tình cảm nhưng vẫn hàm chứa chất “chill”. Có nghĩa, vốn từ chủ yếu thuộc về đời thường, không giàu chất văn học, nhưng có sự chắt lọc và có ý tứ thông điệp chứ không phải kiểu sử dụng theo kiểu tùy tiện, dễ dãi.
Toàn bộ phần hòa âm của ca khúc với các nhạc cụ được làm bằng nhạc điện tử, trong đó nổi bật là phần drum chơi khá hay, hiện tại có lẽ đây là thế mạnh của nhạc sĩ hòa âm, cũng là tác giả của ca khúc. Phần hòa âm tạo hiệu quả âm nhạc khá đơn giản, không có nhiều track, không rườm rà, rối rắm bởi sự “nhũng nhiễu” của quá nhiều nhạc cụ mà phần nhiều thiên về bố cục của tác phẩm và kỹ thuật mix, một đặc trưng của dòng nhạc điện tử.
Nói tóm lại, Bao tiền một mớ bình yên là một bài khá tròn trịa với bố cục ngắn gọn, giai điệu bắt tai; lời ca có độ sâu theo cảm nhận của giới trẻ đương thời mà lại dễ gần; bản hòa âm khá hiệu quả. Và cũng cần nói thêm, phần thể hiện của giọng ca nam với chất giọng rất đàn ông cũng góp chung cho hiệu quả âm nhạc.
Đây là một ca khúc đơn giản nhưng không đơn điệu, tầm thường.
Và dành cho tác giả
14 Casper tên thật là Nguyễn Mạnh Cường, hiện đang sinh sống hoạt động âm nhạc tại Hà Nội. Khá bất ngờ khi 14 Casper có tuổi đời khá trẻ, anh sinh năm 1999. Trong một vài thông tin ít ỏi trên báo giới, 14 Casper từng chia sẻ quan điểm sáng tác: “Luôn liều mình thử nghiệm âm nhạc, đối nghịch giữa tinh thần bài hát và thông điệp và kể chuyện cho khán giả nghe qua lyrics”. Đối nghịch ở đây theo kiểu nhạc vui lời buồn hoặc ngược lại, khá thú vị.
14 Casper nói được và thể hiện được vì điều này có thể nhìn thấy thông qua Bao tiền một mớ bình yên.
14 Casper mới bước chặng đầu tiên trên con đường âm nhạc của chính mình và đã thể hiện được cá tính. Đối tượng khán giả của 14 Casper không phải đại trà mà đã có sự khu biệt. Con đường ấy còn lắm chông gai, nhưng 14 Casper cứ nên kiên định phương hướng mà mình đã chọn.
- Nhạc Việt ngày nay: Điều giản dị của tuổi 22
- Nhạc Việt ngày nay: 'Chân mây' ở đâu?
- 'Yêu là cưới' - Hiển nhiên mà thành xa xôi!
Điều tôi muốn nói thêm với 14 Casper là: Việc chọn cách kể chuyện trong âm nhạc là rất đúng, đây là một đặc điểm của âm nhạc có từ Đông sang Tây, từ ngàn xưa được duy trì cho đến ngày nay. Nhưng kể chuyện khác với nói chuyện trong giao tiếp, càng hạn chế được cách nói chuyện thì mục đích kể chuyện sẽ càng rõ ràng hơn và tính nghệ thuật trong câu chữ sẽ tăng lên. Điều này, nhiều bậc tiền bối các thế hệ âm nhạc VN đã làm được chẳng hạn như các bậc thầy: Phạm Duy, Hoàng Vân, Lam Phương, Phú Quang, Vinh Sử... và nhiều nhạc sĩ thế hệ sau này, kể cả một vài nhạc sĩ 8x, 9x.
Đừng ngại, đừng sợ nghe nhạc xưa, nhạc đỏ, trữ tình hay nhạc sến... làm mất chất của mình. Nên nghe và nghe ở góc độ học tập, trau dồi, tìm ra những điều thích hợp với bản thân. Đồng thời, giữ đúng chất nhạc đam mê. Như thế, sẽ có thêm nhiều sản phẩm có chất lượng ngày một cao hơn và 14 Casper không chỉ tạo những con “sóng ngầm” mà sẽ hứa hẹn nhiều điều trong tương lai.
Nguyễn Quang Long