1. Bệnh da khô vảy cá
Da khô vảy cá là tình trạng da bị tổn thương chủ yếu là do di truyền. Các tế bào da chết tích tụ thành các mảng da, miếng dày và khô như những chiếc vảy cá trên bề mặt da.
Bệnh da vảy cá có tên khoa học là Ichthyosis Vulgaris, và có thể được biết đến với tên bệnh vảy cá hoặc bệnh da cá. Bệnh thường xuất hiện trong độ tuổi từ 0 đến 7 tuổi, thậm chí có những trường hợp bệnh xuất hiện ngay sau khi trẻ được sinh ra. Hầu hết trường hợp bệnh da vảy cá đều có biểu hiện nhẹ nên dễ bị chẩn đoán nhầm là viêm da cơ. Tuy nhiên, bệnh cũng có những thể tiến triển nặng gây ra tình trạng da nứt và đau. Hiện nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể tập trung vào việc kiểm soát tình trạng bệnh.
Thông thường, các tế bào da sau khi kết thúc chu kỳ của mình sẽ bong ra và để lộ lớp tế bào da mới bên dưới để thay thế. Tuy nhiên không phải lúc nào chu kỳ này cũng diễn ra suôn sẻ. Trong nhiều trường hợp, các tế bào chết không tự bong ra mà bám dính lại trên da tạo thành các mảng dày và khô điển hình như trong bệnh da vảy cá.
Không chỉ tạo cảm giác khó chịu, các mảng da này còn khiến bạn cảm thấy thiếu tự tin khi giao tiếp, và sinh hoạt hằng ngày. Vậy làm thế nào để loại bỏ hết những tế bào da chết này? Phương pháp tẩy tế bào chết là giải pháp được dùng phổ biến hiện nay. Các phương pháp tẩy tế bào chết cũng đa dạng, từ sử dụng các loại hóa chất như alpha hydroxy acid, beta hydroxy acid, enzyme... đến các phương pháp cơ học như dùng bàn chải mềm hay khăn lau tùy theo mật độ tế bào chết trên da.
2. Nguyên nhân bệnh da vảy cá
Nhìn chung bệnh da vảy cá không phải bệnh nghiêm trọng và thường biến mất dần theo quá trình lớn lên của cơ thể. Một số người sẽ không gặp lại tình trạng này thêm bất cứ một lần nào trong đời nữa tuy nhiên với nhiều người khác, bệnh có thể xuất hiện trở lại ở tuổi trưởng thành. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh da vảy cá có thể kể đến như sau:
- Di truyền: Đây là yếu tố không chỉ riêng với bệnh da vảy cá mà còn cả các bệnh về da khác nữa. Chỉ cần bố hoặc mẹ có gen lặn của bệnh da vảy cá hoàn toàn có khả năng truyền bệnh này cho thế hệ con của họ. Đây cũng là một trong những bệnh về da di truyền phổ biến nhất trong cộng đồng.
- Trong một số trường hợp, bệnh da vảy cá không có liên quan gì đến di truyền nhưng lại liên quan đến các tình trạng bệnh khác như ung thư, HIV/AIDS, suy thận, bệnh tuyến giáp.... Đặc biệt có nhiều nghiên cứu đã chứng minh da vảy cá còn liên quan đến việc sử dụng một số loại thuốc mà người bệnh sử dụng để điều trị các bệnh khác.
- Da vảy cá cũng có thể xuất hiện kèm theo các bệnh lý về da khác như viêm giác mạc hoặc viêm da dị ứng hay còn được gọi là bệnh chàm.
- Một nguyên nhân khác có thể kể đến là các tổn thương của da. Khi lành, chúng để lại một vùng da dày hơn, đóng vảy hoặc tạo thành các mảng da khô ráp.
3. Triệu chứng bệnh da vảy cá
Các triệu chứng của bệnh da vảy cá bao gồm:
- Các mảng da bị bong tróc
- Da có cảm giác ngứa rất khó chịu
- Xuất hiện các vảy màu nâu, xám hoặc trắng trên da
- Da khô và dày lên
Triệu chứng nghiêm trọng nhất là hình thành các vết nứt sâu đặc biệt là ở lòng bàn chân hay lòng bàn tay gây cảm giác đau đớn. Đây là biểu hiện của bệnh da vảy cá rất nặng và cần điều trị kịp thời nếu không muốn bệnh diễn biến xấu.
Các triệu chứng của bệnh da vảy cá có xu hướng trầm trọng hơn vào mùa đông khi không khí lạnh và khô. Đây cũng là điều kiện thời tiết lý tưởng với một số bệnh về da nên cần lưu ý bảo vệ và giữ ẩm cho da trong thời kỳ này để đảm bảo một làn da khỏe mạnh.
4. Kết luận
Bệnh da khô vảy cá do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng chủ yếu là do di truyền. Các tế bào da chết không tự bong ra mà bám dính lại trên da tạo thành những mảng, miếng hình dạng giống vảy cá, cá biệt có thể tạo ra những vết nứt sâu trên da và gây ra cảm giác đau, khó chịu và thiếu tự tin khi giao tiếp với mọi người xung quanh. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng hoàn toàn có thể được khắc phục phần nào đó nhờ các kỹ thuật tẩy da chết. Tuy nhiên việc thực hiện các kỹ thuật này cần tuân thủ quy định từ các bác sĩ chuyên về da liễu để có thể được hiệu quả tốt.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org; healthline.com