NẤM NGON VIỆT xin giới thiệu cách trồng 1 số loại nấm tại nhà đơn giản hiệu quả cao, cùng Nấm Ngon Việt tham khảo nhé!
- LỢI ÍCH KHI TỰ TRỒNG NẤM TẠI NHÀ?
Trồng nấm tại nhà vừa là sự lựa chọn cho thư giản giải trí, vừa có một nguồn thực phẩm sạch cho gia đình sử dụng
Cứ tầm trung bình 10-15 ngày bạn sẽ có nấm ăn ngay, trồng nấm tại nhà cũng là một thú vui như trồng cây. Bạn cũng có thể chủ động giãn cách thời gian ra các đợt nấm (cách bằng thời gian mở nắp) cho từng nhóm phôi nấm nếu trồng nhiều, mỗi nhóm 2-3 ngày ra 1 đợt nấm, như vậy thì mỗi tuần bạn đều có nấm ăn thỏa thích.
Nấm từ lâu vốn là một loại thực phẩm sạch và giàu dinh dưỡng, giúp tăng cường sức khỏe với một hệ miễn dịch khỏe mạnh cũng như hỗ trợ chức năng cho các cơ quan nội tạng và ngăn ngừa được nhiều loại bệnh lắm đó nghen.
Bên cạnh đó, vì nấm là thực phẩm ít calo và hỗ trợ giảm cholesterol cùng các khoáng chất có lợi nên cực thích hợp để ăn trong chế độ giảm cân cũng như duy trì một vóc dáng cân đối cho cả nam và nữ.
Nấm cũng là thực phẩm bổ sung sắt rất chi là tốt cho những ai bị thiếu máu nữa, việc trồng nấm tại gia và thường xuyên ăn các loại nấm tươi hay nấm khô sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu máu rất hiệu quả.
Việc sở hữu vài chục phôi nấm và chỉ để ở một góc thoáng trong nhà còn đơn giản hơn việc sở hữu một sân thượng với các loại rau nữa cơ. Nhờ đó cũng giúp bạn thuận lợi trong việc có thể ngắt nấm chế biến mọi lúc mà không phải đi tìm mua bên ngoài, quá tiện lợi luôn.
- CÁC LƯU Ý QUAN TRỌNG KHI TRỒNG NẤM TẠI NHÀ
Khi chất phôi thì bạn nên để cục phôi nằm ngang, phần đầu (cổ phôi) hơi xéo hướng xuống dưới đất một chút (như mái hiên), như thế sẽ hạn chế được việc nước lọt vào miệng phôi khi tưới nấm, nước có lọt vô cũng sẽ chảy ra lại, tránh ẩm mốc trong phôi, úng, mốc.
Khi tưới thì mình nên dùng nước sạch như nước mà mình sử dụng hoặc uống, tránh nguồn nước nước bị nhiễm phèn hay nhiễm mặn (thì phải lọc), nước đạt chuẩn pH trung tính, như vậy sẽ không làm hư bên trong bịch phôi và ảnh hưởng chất lượng.
Nấm tuy khó tính mà đơn giản, bạn chỉ cần đáp ứng nhiệt độ mát mẻ (tùy loại), độ ẩm cao từ 80 trở lên là quá được và nơi có ánh sáng tự nhiên đầy đủ nhất. Tất nhiên là nấm cần tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, nước mưa tạt và gió lùa nữa nhé các bạn.
- HƯỚNG DẪN TƯỚI PHÔI NẤM ĐÚNG CÁCH
Sau khi mang phôi nấm về và để phôi nghỉ ngơi tầm 3-5 hôm rồi thì lúc này bạn có thể tiến hành mở nắp và tưới nước lên phôi nấm được rồi nha.
Cách tưới phôi nấm khi trồng nấm tại nhà khá đơn giản, tuy nhiên bạn chỉ được tưới bên ngoài và chung quanh phôi thôi nhé, dưới đây gồm 2 cách tưới phôi ở 2 điều kiện mở nắp và đóng nắp.
Khi phôi nấm chưa được mở nắp, bạn có thể xịt trực tiếp nước lạnh lên phôi trong vài phút để tạo độ mát mẻ cho phôi nấm.
Khi phôi nấm đã được mở nắp bạn chỉ nên dùng một bình xịt phun sương để tưới lên trên bịch phôi nấm, tưới theo hướng từ trên xuống hoặc xéo xéo một chút, chỉ tưới phun sương chung quanh môi trường trong vài hôm cho đến khi có nấm chui ra.
Mỗi ngày, bạn chỉ cần tưới 4-5 lần (lúc trời nóng) và 1-2 lần (lúc trời mát mẻ có độ ẩm cao). Cụ thể thì mật độ tưới nhiều hay ít tuỳ vào tình hình thời tiết, nếu mưa liên tục, độ ẩm cao thì 1 ngày bạn chỉ cần tưới 1-2 lần, còn trời nóng thì cứ 4-5 lần như trên, không tưới ban đêm.
Bình xịt thì các bạn có thể dùng loại to như bình xịt lau cửa kính hay loại nhỏ như bình xịt dung dịch lau mắt kính để tưới nấm phun sương là tương đối okey nhé.
Lưu ý: Không chỉa vòi và tưới trực tiếp hướng thẳng vào cổ phôi vì sẽ vô tình làm đọng nhiều nước ở cổ phôi.
- CÁCH TRỒNG NẤM BÀO NGƯ XÁM TẠI NHÀ
Sau đây quy trình trồng nấm bào ngư tại nhà dựa trên quy trình trồng nấm bào ngư trên mạt cưa.
1. Chọn bịch phôi nấm bào ngư
Để thực hiện mô hình này các bạn cần phải có những bịch phôi nấm. Bịch phôi nấm là các túi nguyên liệu đã được cấy meo. Chúng ta có thê tìm mua tại các trại nấm bào ngư. Túi phôi được bán rất nhiều ở trên mạng, các website, fanpage chuyên về nấm bào ngư. Nếu bạn ở Hồ Chí Minh, thì bạn có thể tìm đến các trại nấm ở quận 9, tp Hồ Chí Minh. Hoặc gọi điện trực tiếp để được giao hàng tận nơi.
Có rất nhiều bịch phôi nấm cho bạn lựa chọn. Chúng được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như mùn cưa, xác mía, rơm rạ… Hiện nay có thêm mô hình trồng nấm bào ngư trên bã cà phê.
Nếu bạn rành về kỹ thuật tạo phôi, bạn cũng có thể tận dụng nguyên liệu bã cà phê để nuôi trồng. Giá các bịch phôi cũng rất khác nhau. Đối với các bịch phôi làm từ các trại nấm thì giá bán sỉ giao động từ 3.500 đồng đến 5.000 đồng cho một bịch phôi. Giá được quyết định bởi nguồn dinh dưỡng bên trong phôi và phụ thuộc vào con giống. Ngoài ra giá cũng khác nhau khi bạn mua số lượng sỉ hay lẻ. Một số bịch phôi cao cấp có thể có giá trên 25.000 đồng/bịch phôi.
2. Thiết kế không gian trồng nấm bào ngư tại nhà
Đối với phương pháp trồng nấm bào ngư này, các bạn không nên quá bận tâm vào kỹ thuật tạo phôi. Mà quan trọng là cách chúng ta chăm sóc. Nấm bào ngư cũng như nhiều loại nấm khác không cần quá nhiều ánh sáng, do vậy bạn có thể tận dụng những không gian kém ánh sáng. Như ban công, phòng làm việc, phòng bếp, thậm chí nhiều bạn còn tận dụng cả phòng vệ sinh… Miễn sao môi trường không nhiều bụi bẩn, không có gió mạnh là được
4. Sắp xếp các bịch phôi nấm bào ngư
Có rất nhiều cách để trưng bày các túi phôi. Các bạn có thể kết thành chuỗi và trên lên trên móc lủng lẳng. Hoặc các bạn có thể gác trên các kệ trong nhà. Hoặc có thể nơi làm việc. Dù thế nào thì các bạn nên để cổ túi hướng lên phía trên, để các tơ nấm có thể phát triển mạnh.
5. chăm sóc bịch phôi nấm bào ngư
Sau một thời gian từ 15-20 ngày kể từ lúc đem phôi về nhà, các bạn sẽ thấy các tơ nấm sẽ mọc lan rất nhanh. Khi đó chúng ta cần đón nấm. Các bịch phôi sẽ được mở nút ở đầu bịch để các tơ nấm tiếp tục phát triển. Cần tiến hành mở nút bông, rạch các đường trên túi phôi từ 4-6 đoạn cách đều nhau.
Trung bình từ 10-15 ngày, nấm bào ngư kết tai và gần như ra đồng loạt. Nấm là loại nhạy cảm với các điều kiện ngoại cảnh. Do đó cần tưới phun sương cho phôi từ 4-6 lần trên ngày. Lưu ý chỉ tưới phun sương, không tưới trực tiếp vào phôi và tai nấm non sẽ gây đọng ứ nước dẫn đến úng.
Nấm bào ngư phát triển rất nhanh. Khi các bạn thấy mũ nấm mọng lại biểu hiện căng rộng ra, mép tai hơi quặm xuống là lúc thu hái nấm. Đây là lúc mà nấm có chất lượng cao nhất, bảo quản nấm bào ngư được lâu nhất sau khi hái. Khi hái nấm chúng ta nên hái từng chùm nấm, gốc nấm phải được cắt sạch sẽ trước khi xếp vào giỏ. Một bịch phôi nấm bào ngư có thể cho từ 5-6 lần hái, tùy theo điều kiện chăm sóc, chất lượng con giống và cách làm phôi nấm bào ngư.
- TRỒNG NẤM RƠM TRONG NHÀ
Muốn trồng nấm rơm trong nhà đạt hiệu quả cao cần phải hiểu và tạo điều kiện nhà trồng nấm phù hợp với 15 yếu tố sau đây: Nhiệt độ; độ ẩm; PH; ánh sáng; Không khí; nguồn nước; nguyên liệu; giống; Địa điểm trồng và điều kiện nơi trồng; Nhà trồng nấm; Dụng cụ và vật tư trồng nấm; Kỹ thuật trồng; Phòng trừ sâu bệnh; Thu hoạch; Vệ sinh nhà trồng nấm.
1. Nhiệt độ
Nhiệt độ tối thích cho phát triển của sợi nấm là 30 C - 35 C và cho sự hình thành quả thể là 28 - 30 C
Từ 10 - 20 C Sợi nấm sinh trưởng phát triển yếu, ở 20 C: Sau 12 giờ chết toàn bộ quả thể hình đinh ghim và đình chỉ sinh trưởng quả thể hình cầu.
Nhiệt độ < 15 C và > 45 C không bao giờ xuất hiện quả thể.
2. Độ ẩm (A0)
+ Độ ẩm trong mô nấm (Độ ẩm nguyên liệu): Sợi nấm rơm có thể sinh trưởng trong điều kiện nguyên liệu có độ ẩm từ 40 - 90%. Nhưng tốt nhất là 65 - 70%. Kiểm tra độ ẩm nguyên liệu bằng cách nắm nguyên liệu trong tay vắt mạnh:
- Nước không chảy ra (độ ẩm quá thấp)
- Nước chảy ra thành dòng (độ ẩm quá cao)
- Nước chảy ra kẻ tay (độ ẩm đạt yêu cầu)
+ Độ ẩm tương đối của không khí:
Độ ẩm tương đối của không khí có tác dụng điều hoà sự bốc hơi nước từ mô nấm và quả thể nấm ra không khí. Đo độ ẩm bằng ẩm kế.
Nếu trong không khí hơi nước bảo hoà (có độ ẩm 100%) thì sự bốc hơi cân bằng với hơi nước ngưng tụ lại trên mô nấm làm cho mô nấm luôn luôn ẩm ướt tạo điều kiện tốt cho nấm rơm sinh trưởng và phát triển.
A0<=60 - 70% gây chết toàn bộ nấm giai đoạn đinh ghim, đình chỉ sự sinh trưởng của nấm giai đoạn hình cầu. Nếu tiếp tục kéo dài thì gây ra hiện tượng teo đầu của quả thể.
A0 = 80 - 85%: Gây chết một phần giai đoạn đầu đinh ghim, không ảnh hưởng đến giai đoạn khác.
A0 = 90 - 100%: Rất tốt với giai đoạn đầu đinh ghim, nhưng có phần nào giảm phẩm chất ở một số giai đoạn khác. Nếu kèm theo nhiệt độ cao thì nấm sinh trưởng phát triển nhanh, hàm lượng nước trong nấm nhiều, nở nhanh và dễ bị nứt trong khi vận chuyển, nấm giai đoạn hình dù dễ bị thối rữa.
3. pH: Sử dụng giấy quỳ để đo PH
PH là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thu nhận thức ăn và hoạt động của các loại men. Sợi nấm rơm sinh trưởng ở PH = 4 - 11. Nhưng thích hợp nhất đối với nấm rơm là PH = 7 -8
4. Ánh sáng
Nấm rơm không có diệp lục nên không cần ánh sáng để tổng hợp chất hữu cơ như thực vật màu xanh. Do đó thời kỳ sinh trưởng của sợi nấm không cần ánh sáng. Cường độ ánh sáng có thể đình chỉ các quá trình sinh trưởng và gây chết sợi nấm. Ánh sáng như một yếu tố kích thích sự hình thành và phát triển của quả thể.
Nấm rơm trồng trong tối sẽ không hình thành quả thể mặc dù có đầy đủ các yếu tố khác. Thường ánh sáng khuyếch tán của mặt trời hoặc đèn điện Neon (Mỗi ngày chiếu sáng 2 lần, mỗi lần 30 phút đến 1 giờ). Nên bố trí luống nấm như thế nào để khi chiếu ánh sáng khuyếch tán sao cho ánh sáng đến khắp mọi nơi của bề mặt mô nấm để nấm xuất hiện đều cùng một lúc.
Nếu cường độ ánh sáng quá mạnh (trực tiếp của mặt trời) cũng có thể gây chết toàn bộ nấm ở giai đoạn đầu đinh ghim (sau 1 giờ), gây chết 10 - 30% giai đoạn hình cầu. Ánh sáng thừa nếu không đủ gây chết cũng làm cho nấm xấu đi vì quá đen, bao gốc rất dày, thịt nấm cứng làm giảm chất lượng của nấm. Nấm có màu xám lông chuột là ánh sáng vừa đủ.
5. Không khí
Sự thông khí cần thiết cho quá trình sinh trưởng của sợi nấm và phát triển của quả thể.Thiếu oxy xảy ra khi độ ẩm nguyên liệu quá cao (mô nấm), nguyên liệu bị nén quá chặt.
Thiếu oxy (thông thoáng) thường biểu hiện như sau:
Quả thể giai đoạn đầu đinh ghim được hình thành dày đặc nhưng không tiếp tục sinh trưởng, sau vài ngày toàn bộ quả thể chết và mềm nhũn.
Giai đoạn hình cầu không hình thành hoặc hình thành sắc tố đen rất chậm, thời gian ở giai đoạn hình cầu rất lâu.
Quả thể nấm rơm bị thấm dịch từ môi trường làm cho bên trong quả thể biến thành màu nâu (màu của dịch môi trường).
6. Nguồn nước
Dùng nước sạch, không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, không dùng nước thải công nghiệp, nước bẩn ao tù để tưới cho nấm và xử lý nguyên liệu.
Vì rằng, nếu tưới bằng nườc phèn (kể cả rơm rạ ủ ướt bằng nước nhiễm phèn trước khi đem xếp mô thì tơ nấm vừa nảy nở ít vừa phát triển chậm; có thể ngừng tăng trưởng và tai nấm cũng bị dị hình, sẽ đem lại sự thất bại lớn.
Còn nếu tưới nước bị nhiễm mặn thì tơ nấm phát triển rất ít, vừa đổi màu vừa dị hình và cuối cùng không phát triển thành nấm.
Nghệ thuật tưới nước cho mô nấm là dùng bình có vòi bông sen tạo ra những tia nước nhỏ như mưa, như vậy nước tưới dễ thấm đều vào mô, đồng thời không làm hại những nụ nấm mới hình thành.
7. Nguyên liệu
Rơm rạ, bã mía, lục bình, bẹ chuối khô, đay, bông gòn,… trong trường hợp mùn cưa đã hoai mục cũng có thể làm nguyên liệu cho trồng nấm rơm. Năng suất nấm rơm cao nhất hiện nay là trên bông thải (45%), nhưng tiện lợi hơn dùng rơm rạ, năng suất (14,5%-21,6%).
Yêu cầu rơm, rạ thật khô dòn, sau khi gặt lúa xong phơi khô rơm ngay, đánh đống bảo quản dùng dần. Nơi dự trữ không bị mưa dột, nếu để ngoài trời thì nên đánh đống thành cây, hoặc kê cao lên khỏi mặt đất 0,5 - 1m.
Rơm không bị mốc, không nhiễm nấm lạ, không nhiễm phèn, măn. Rơm mới sau khi phơi khô chất đống một tuần mới được dùng.
Xin lưu ý : Chất lượng rơm rạ không phải vùng nào cũng giống nhau, nhưng nói chung, ta thấy:
Rơm rạ lúa nếp tốt hơn lúa tẻ.
Rơm rạ lúa ngắn ngày được xếp vào hạng thứ yếu (thiếu mới dùng)
Rơm rạ gặt hái tại ruộng màu mỡ phù sa tốt hơn rơm rạ của ruộng bón phân hữu cơ. Còn rơm rạ của ruộng bón phân vô cơ lại thua rơm rạ của ruộng bón phân hữu cơ (phân chuồng).
Rơm rạ ruộng nhiễm phèn tốt hơn rơm rạ ruộng bị nhiễm mặn.
Rơm rạ mục do bỏ ngoài mưa nắng dù sao cũng tốt hơn rơm rạ mục bởi nấm mốc tấn công.
Rơm rạ mùa trước ( nếu được bảo quản tốt ) vẫn tốt hơn rơm rạ mới gặt.
8. Giống nấm (meo giống)
Giống nấm quyết định sự thành, bại trong sản xuất, giống tốt cho năng suất cao và ngược lại.
Giống tốt: Giống không bị nhiễm bệnh, giống đúng tuổi, không quá già hoặc quá non, có mùi thơm dễ chịu.
Giống không mốc xanh, mốc đen, giống không có mùi chua.
Túi giống có màu trắng đồng nhất, không loang lỗ, sợi nấm ăn kín đáy, có mùi đặc trưng của giống nấm rơm. Túi giống phía trên có màu hồng nhạt.Tuổi giống từ 12 - 16 ngày tuổi (giống ăn kín đáy túi 2 - 3 ngày.)
Thường từ khi sản xuất đến khi trồng không quá 25 ngày.
9. Địa điểm trồng và điều kiện nơi trồng nấm rơm
Dù trồng ít hay nhiều mô nấm, nơi trồng nấm phải là nơi cao ráo, bằng phẳng và sạch sẽ. Sạch sẽ ở đây có nghĩa là phải xa nơi ao tù nước đọng, nơi bãi rác dơ bẩn, gần chuồng trại chăn nuôi heo, gà vịt, nơi để hóa chất,… vốn ô nhiễm và chứa nhiều côn trùng và mầm bệnh, ảnh hưởng xấu đến nơi trồng nấm sau này.
Trồng nấm rơm chuyên canh trong nhà phải làm 2 nhà để có thời gian xử lý nguồn bệnh sau vài đợt trồng nấm. Nếu trồng nấm trong nhà liên tục cả năm mà không xử lý nguồn bệnh thì sẽ bị nhiễm bệnh và năng suất thấp thậm chí thất thu.
10. Nhà trồng nấm: Có 2 loại nhà: nhà ủ sợi và nhà trồng nấm.
+ Nhà ủ sợi: Rộng 2,6 m, dài 5 m và cao 2,4m trong nhà có 2 dãy kệ, kệ có kích thước: 0,6 x 4 x 1,65 (m) có 3 tầng. Có 1 cửa ra vào và 4 cửa thông gió. Thường 1 nhà ủ sợi dùng cho 5 - 7 nhà trồng nấm.
+ Nhà trồng nấm: tốt nhất có kích thước 3,3 x 5 x 2,4 (m)
Chọn đất làm nhà phải cao ráo, không ngập lụt, đúng tiêu chuẩn ở mục 9
Tùy theo diện tích, quy mô mà làm nhà lớn hay nhỏ. Trước mắt làm 1 nhà, sau đó làm thêm một nhà nữa để tiện cho việc xử lý nguồn bệnh và làm luân phiên nhà này và nhà kia. Bố trí 1 cửa chính và 4 cửa thông gió ở 2 đầu. Tùy theo điều kiện địa phương có thể xây nhà hoặc làm nhà tạm. Nguyên tắc phải che kín toàn bộ để giữ ẩm và giữ nhiệt, có ánh sáng khuyếch tán chiếu vào. Nhà phải có cửa thoát nhiệt ở hai đầu hồi. Chiều cao nhà phải 2 -2,4m.
Mái nhà lợp bằng tranh, lá mía, lá dừa nưóc, tôn,… đều được. Trên mái tùy theo diện tích, kích thước nhà mà lợp 2 hoặc 4 tấm tôn nhựa để ánh sáng dọi vào nhà (ánh sáng khuyếch tán). Xung quanh nhà và trần nhà bọc kín bằng nylon trắng. Xung quanh nhà bên ngoài lớp nylon trắng bọc thêm một lớp bạt. Trong nhà làm 3 - 4 dãy kệ tùy theo diện tích nhà. Khoảng cách giữa các kệ 50 cm để tiện đi lại chăm sóc thu hái.
11. Dụng cụ và vật tư trồng nấm
- Giống nấm (meo giống) Phải đúng tiêu chuẩn ở mục 8.
- Vôi xử lý rơm
- Bể ngâm ủ: Có kích thước: 0,8 x 0,75 x 2m tương đương 1m3
- Kệ ủ rơm
- Nylon ủ rơm.
- Nylon gói rơm. Kích thước tùy theo khuôn gỗ.
- Bình bơm tưới nấm.
- Nhiệt kế: Đo nhiệt độ
- Ẩm kế: Đo ẩm độ
- Giấy quỳ: Đo PH nước
- Kệ trồng nấm: Tùy theo kích thước nhà trồng nấm.
- Khuôn nấm: 12 x 20 x 27cm
- Nhà trồng nấm có kích thước 3,3 x 5 x 2,4 m
- Rơm: Đúng tiêu chuẩn ở mục 7.
12. Kỹ thuật trồng
- Xử lý nguyên liêu (ủ): Rơm rạ khô, không bị mốc, không còn mùi thuốc trừ sâu được ngâm trong nước vôi loãng ( 4 kg vôi tôi/m3 nước) cho đủ ẩm, có màu vàng.
Để rơm róc nước, rồi chất đống ủ có kệ lót cách mặt đất 20 cm, có cọc thông khí ở giữa, xung quanh quây nilon, để hở phía trên, có mái che cao trên nóc để tránh mưa. Sau 2 - 3 ngày, đống ủ có nhiệt độ 65 - 700 C. Kích thước đống ủ : Dài 1,5m, rộng 1,5 m, cao 1,5 m. Một đống ủ đảm bảo tối thiểu từ 300 kg rơm rạ trở lên. Nếu lượng rơm nhiều hơn ta kéo dài đống ủ, chiều cao, chiều rộng giữ nguyên. Xung quanh đống ủ được che nilon để hở chân và nóc đống ủ.
- Đảo rơm: Sau khi ủ rơm 3 ngày, kiểm tra nhiệt độ đống ủ từ 65 - 700 C là được Giũ tơi rơm, chỉnh độ ẩm, dùng tay vắt chặt rơm, nếu thấy chỉ có nước chảy nhỏ giọt như huyết thanh là vừa. Nếu nước chảy thành dòng là rơm còn ướt phải tãi rộng cho bay bớt hơi nước; nếu vắt rơm không có nước là khô, phải dùng phun bổ sung nước. Ủ tiếp 3 - 4 ngày nữa . Theo dõi nhiệt độ trong đống ủ lớn hơn 750 C là đạt yêu cầu. Ngày thứ 7 - 8 sau khi ủ đống, kiểm tra thấy rơm hết mùi khai, mùi chua thì tiến hành đóng mô, cấy giống
Đảo xếp rơm vào đống ủ, đảo từ trên xuống dưới, trong ra ngoài cho đều. Quây nilon như ban đầu.
- Đóng mô: Nếu khuôn lớn xếp từng nắm rơm vào khuôn theo kiểu nằm ngang cao 8 -9cm rồi cấy một lượt giống chạy viền xung quanh mép khuôn từ 3 - 5 cm. Khi trồng xong nhấc khuôn và trồng tiếp mô khác, các mô cách nhau 20 cm. Khuôn nhỏ thì sau khi nhấc khuôn ra, gói mô nấm trong nilon trắng và cấy giống ở 2 đầu mô nấm.Tỷ lệ cấy giống 12 - 15 kg giống/1 tấn nguyên liệu khô.
- Giống nấm: Chuẩn bị giống nấm trước khi ủ nguyên liệu, giống 12 - 16 ngày tuổi.
Sợi giống ăn kín đáy túi, không bị mốc xanh, mốc đen, giống không có mùi chua.
- Chăm sóc sau khi cấy giống: Sợi nấm rơm phát triển rất nhanh từ khi cấy giống đến khi có nấm quả thể từ 9 - 13 ngày. Vì vậy, cần chú ý chăm sóc từng ngày. Từ ngày 1 đến ngày thứ 3: sau khi cấy giống không cần tưới, nếu trời lạnh dưới 250C phải phủ 1 lớp nilon trên mô nấm để giữ ẩm, giữ nhiệt. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 8: Kiểm tra nhiệt độ mô nấm, cắm nhiệt kế trong mô nấm, nếu thấy có nhiệt độ 35 - 380C là tốt. Tưới ẩm nền xung quanh mô nấm và sương mù trên cao. Nếu trời lạnh dưới 250C phải đậy nilon nhưng cách mặt mô nấm tối thiểu là 20 cm để tránh bị hấp hơi. Từ ngày thứ 8 - 9: Khi thấy màng sợi từ màu trắng đục chuyển sang màu trắng trong phải tưới đón nấm. Tưới nhẹ trực tiếp vào các mặt mô nấm cho ẩm đều, đẫm hơn bình thường. Từ ngày thứ 9 - 13 : Trên mô nấm xuất hiện đinh ghim như hạt gạo, tưới giữ ẩm bình thường, tưới cao vòi tránh bị đứt sợi nấm.
13. Phòng trừ sâu bệnh
Biện pháp phòng trừ tổng hợp
- Xử lý nền đất kỹ: Phơi nắng, tưới nước, xới, rắc vôi. Định kỳ thay đổi nền đất để cắt nguồn bệnh
- Xử lý nguyên liệu: Tránh sử dụng nguyên liệu mốc, hẩm,…Đảm bảo độ ẩm, PH thích hợp.
- Xử lý dụng cụ trồng nấm: Giặt sạch, phơi khô trước khi sử dụmg trồng nấm
- Giữ ấm mô nấm: Luôn giữ mô ở nhiệt độ 32 - 35 0C; Trời lạnh che phủ thêm áo mô, trời nắng lấy bớt; Trời quá lạnh sưởi ấm bằng than củi
- Phòng bệnh: Theo dõi thường xuyên để phát hiện bệnh; Diệt ngay nguồn bệnh để tránh lây lan; Dọn vệ sinh và chùi rửa kệ trồng sau mỗi lần trồng
Một số bệnh thường gặp trong quá trình trồng nấm rơm và cách phòng tránh:
Nấm dại:
- Nấm mực: nấm mực phát sinh do ủ nguyên liệu chưa tốt, độ ẩm nguyên liệu quá cao. Loại nấm này không gây hại nhưng cạnh tranh dinh dưỡng mạnh với nấm rơm, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất nấm. Để phòng tránh nấm mực phát triển, cần chú ý chỉnh độ ẩm nguyên liệu phù hợp.
- Các loại nấm mốc (mốc xanh, mốc vàng, mốc đen….) là những bệnh hại nguy hiểm. Nguyên nhân bệnh xuất hiện có thể do nguyên liệu bị nhiễm bệnh từ trước, nhà trồng nấm vệ sinh không sạch sẽ, khu vực nuôi trồng nấm ẩm thấp, trồng nấm nhiều đợt liên tục nhưng không vệ sinh định kỳ.
Động vật phá hoại, gây bệnh: Chuột, gián, kiến, mối… gặm nhấm sợi và cây nấm. Chúng đào hang, làm xáo trộn mô nấm, ăn giống nấm vừa cấy xong… Do vậy, phải dung thuốc bẫy chuột, kiến, gián… tại khu vực nuôi trồng nấm.
14. Thu hoạch
Nấm rơm phát triển nhanh, sau vài giờ nấm có thể nở xòe. Vì vậy, phải hái nấm đúng tuổi, trước lúc nứt bao.
Nên thu hái nấm lúc giai đoạn hình trứng vì giai đoạn này dinh dưỡng cao nhất. Nấm ngon và có chất lượng cao nhất là khi quả nấm từ hình tròn chuyển sang hình trứng chưa nứt bao.
Trường hợp nấm mọc tập trung thành cụm, ta có thể tách những cây nấm lớn hái trước, nếu khó tách thì hái cả cụm. Nấm mọc rộ, ngày hái 2 - 3 lần. Những ngày nóng, nhiệt độ không khí cao, nấm phát triển nhanh, vì vậy phải quan sát kỹ. Khi nấm hơi nhọn đầu là hái ngay.
Sau khi hái nấm xong, tưới ẩm đều cho nấm mọc tiếp. Lứa 1 từ ngày 14 - 18 chiếm 80% năng suất. Hết lứa 1 chăm sóc tiếp để nấm ra tiếp lứa 2.
Sau khi thu hoạch xong đợt đầu, phải làm vệ sinh mô nấm, bằng cách nhặt bỏ hết những gốc nấm còn sót lại trên mô nấm. Một mô nấm có kich thước như khuôn (dài 27 cm, rộng 20 cm, cao 12 cm) đạt từ 50g - 100 nấm.
15. Vệ sinh nhà trồng nấm
Sau khi thu hoạch, loại bỏ các mô nấm ra khỏi nhà trồng. Chất đống cao 40 cm tưới nước vôi ủ thành phân. Đống ủ cách xa khu vực trồng nấm. Có thể dùng các mô nấm này để ủ phân vi sinh. Dọn sạch sẽ nhà trồng, mở hết các cửa thông gió và cho ánh sáng vào nhà trồng. Phơi nhà trồng 5 - 7 ngày trước khi trồng lần tới. Chùi rửa và phơi kệ trồng, quét nước muối và vôi lên kệ theo tỷ lệ: (Muối/ vôi = 1/1).
- CÁCH TRỒNG NẤM MỐI ĐEN TẠI NHÀ
Cũng giống như nấm bào ngư, hay các loại nấm ăn thông thường khác. Nấm mối đen có thể được trồng tại nhà bằng những vật dụng đơn giản. Để trồng nấm dễ dàng trước tiên bạn cần phải chuẩn bị phôi nấm, meo nấm, kệ nấm, bình xịt,... Bạn cũng cần có các kiến thức cần thiết trong quá trình chăm sóc nấm.
Hầu hết các loại nấm đều thích hợp sinh trưởng ở môi trường không có gió lùa, không tiếp nhận ánh nắng trực tiếp. Mà nơi trồng nấm chỉ cần có ánh sáng tự nhiên, có không khí. Nhiệt độ từ 25 đến 33 độ C cùng với độ ẩm đạt từ 80 đến 90%. Cách trồng nấm cũng trải qua các giai đoạn từ phân lập giống, chuẩn bị nguyên liệu, làm bịch, hấp phôi, cấy meo cho đến ủ tơ, chăm sóc.
Nếu bịch phôi nấm được chăm sóc và tưới nước đầy đủ. Nhiệt độ cùng với độ ẩm được duy trì ở tiêu chuẩn thích hợp. Chỉ sau gần 30 ngày chăm sóc là bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những cây nấm tròn tròn nho nhỏ lú ra bên trên bịch phôi. Bạn chỉ cần chịu khó chăm sóc phôi nấm hằng ngày là đã có thể ăn nấm trong thời gian dài từ 4-5 tháng rồi nha!
Hướng dẫn cách thu hoạch nấm hiệu quả
Một điều cần phải lưu ý trong quá trình thu hoạch nấm đó là không dùng các vật dụng bằng kim loại để nhổ nấm. Bạn chỉ nên dùng tay để hái nấm một cách nhẹ nhàng. Vì trong dân gian truyền lại nếu dùng các kim loại để nhổ nấm, tại những vị trí đó nấm sẽ không mọc lại nữa.
Lưu ý: Bạn phải hái sạch cây nấm, không để thân nấm và gốc nấm sót lại. Bạn sẽ phải tốn thêm công sức để vệ sinh gốc nấm còn sót lại ở dưới phôi cho sạch để ra đợt nấm mới tốt hơn, nếu không sẽ dễ sinh bệnh cho phôi nấm.
Thời gian để hái nấm cũng là điều đáng lưu tâm. Để thu hoạch được nấm chất lượng tốt nhất. Nên thu vào trong thời gian từ 4 giờ sáng tới 6 giờ sáng. Vì hầu hết các loại nấm đều có xu hướng mọc vào ban đêm. Nếu hái nấm quá trễ thì nấm sẽ bắt đầu tàn đi, hoặc nở ra dẫn đến chất lượng cây nấm không còn ngon nữa.
- KẾT LUẬN TRỒNG NẤM TẠI NHÀ
Việc tự trồng nấm tại nhà với 5-50 phôi khá là đơn giản, thoải mái, bạn hoàn toàn có thể trồng nấm tại nhà để làm thú vui và có thể bứt ăn mọi lúc thật sự tiện lợi.
Tại nhà chỉ cần nơi đặt nấm thoáng mát, không có gió lùa, mưa tạt, ánh nắng chiếu vào và đó không phải phòng ngủ, phòng khách hẹp hay nhà bếp nhỏ thường có người là hợp lý.
Đôi khi, nếu bạn trồng ít phôi nấm quá thì bạn cũng không cần chăm sóc nhiều mà chỉ cần tưới nước là có nấm ăn. Mỗi ngày sẽ tưới 1-2 lần khi trời mát hay thậm chí có mưa, tưới 4-5 lần khi trời nóng và nóng dài ngày. Không tưới trực tiếp vào khu vực dễ lọt nước vô cổ phôi, chỉ tưới từ trên xuống, tưới xéo xuống, tưới chung quanh môi trường.
Khi trồng nấm hay chăm sóc nấm đều luôn cần phải lưu ý đến vấn đề môi trường như nhiệt độ mát mẻ (dưới 30 độ C), độ ẩm cao (85-95%) và ánh sáng tự nhiên cũng như các điều kiện nước tưới đầy đủ (độ sạch, độ pH trung tính) để tránh cho nấm ra bị khô, quéo và hư.
Nếu chăm sóc tốt và đảm bảo đáp ứng các điều kiện thuận lợi thì trung bình từ 15 ngày nấm sẽ ra 1 lần. Đối với các bạn nuôi trồng tại nhà thì thời gian có thể sẽ nhanh hơn nhiều ở những lần ra nấm đầu tiên (gấp 2-3 lần) rồi sau đó sẽ ra nấm lâu hơn ở những lần cuối.
Quan sát khi nấm bắt đầu ló đinh ghim thì sẽ lớn rất nhanh trong 12h kế tiếp, bạn hãy canh đường kính tai nấm cỡ 5cm là thu hái được rồi, lúc này nấm rất ngon và giàu dinh dưỡng.
Nếu nhà bạn có không gian một chút thì việc trồng nấm tại nhà sẽ tiện lợi hơn nhà nhỏ, vậy nên hãy cân nhắc trước khi bạn mua phôi nấm về trồng nhé. Rồi khi xếp nấm hãy nhớ đặt phôi nấm chúi đầu xuống một chút là ổn.
Các câu hỏi khác sẽ thường xuyên được cập nhật thêm để giải đáp đầy đủ cho các bạn an tâm khi trồng nấm tại nhà vừa đơn giản vừa hiệu quả cao.
Hi vọng qua bài viết hướng dẫn cách trồng nấm tại nhà đơn giản hiệu quả cao này có thể giúp bạn giải quyết vấn đề tự trồng nấm tại nhà thế nào cho hiệu quả nhất.
Nguồn: https://camnangbep.com/cach-trong-nam-tai-nha/