Trong kho tàng thơ ca Việt Nam có vô số những câu ca hay về ẩm thực. Nó không chỉ phản ánh những gắn bó, thân thuộc với đời sống, cũng như mang đậm các yếu tố văn hóa vùng miền, mà còn thể hiện thú vui tao nhã của những tâm hồn thi sĩ, như Nguyễn Công Trứ từng viết: “Thảnh thơi thơ túi rượu bầu”.
Từ xưa, trong văn hóa của người Á Đông, thưởng rượu và ngâm thơ được xem như một thú vui tao nhã của người quân tử. Mượn rượu để tỏ lòng, thơ và rượu được xem như tri kỷ, giống như những câu thơ của Tản Đà:
“Trăm năm thơ túi rượu vò
Nghìn năm thi sĩ, tửu đồ là ai”.
Có thể nói, rượu chính là ngọn lửa khơi nguồn thi hứng cho bao tâm hồn thi sĩ, nhạc sĩ. Đồng thời, nó cũng gắn bó mật thiết với đời sống, lễ nghi, phong tục,... của nhân dân Việt Nam trên khắp các vùng miền, để từ đó ra đời hàng loạt những tác phẩm, thi phẩm, ca dao được lưu truyền ngàn đời.
Nhà thơ Nguyễn Khuyến từng viết:
“Những lúc say sưa cũng muốn chừa
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa?
Hay ưa nên nỗi không chừa được
Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa”
(Chừa rượu)
Sau này, viết về rượu, nhà thơ Hoàng Trọng Lợi cũng có những câu thơ nhiều cảm xúc:
“Mình ta uống cạn ly này
Nâng lên hạ xuống vơi đầy tình ta
Nhìn sâu trong đáy nhạt nhòa
Đắng cay cay đắng mình ta với đời
Chơi vơi sóng sánh men cay
Quyện vào khói thuốc nhẹ bay vào hồn...
(Một mình)
Còn tác giả Phạm Ngọc Vĩnh viết:
“Buồn đưa rượu, rượu đưa thơ
Men đâu chẳng ngấm… chuốc hờ vào trăng
Lạnh môi gạn nguyệt nâng hằng
Bao lần đưa chén nhùng nhằng chẳng say”
(Uống rượu bên trăng)
Bàn về ẩm thực và thơ ca, từ bao đời nay, cùng với rượu, các món ăn và thơ ca cũng gắn liền với nhau như một lẽ thường tình. Ngay từ thủa ấu thơ, ta vẫn hay nghe những câu ru, câu hò của bà, của mẹ cũng là những tâm tình về quê hương mà con người muốn gửi gắm:
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”
Hoặc:
“Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”...
Hoặc có khi, thơ ca thể hiện tấm chân tình của người con đất Việt với những đặc sản thân thương quê mình:
“Ra đi anh nhớ Nghệ An
Nhớ Thanh Chương ngon nhút
Nhớ Nam Đàn thơm tương”.
Hay:
“Ai lên xứ Lạng cùng anh
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem,
Mảng vui quên hết lời em dặn dò.
Và:
“Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi...
Viết về đặc sản quê hương, Tản Đà đã dành nhiều câu ca ngợi các món ẩm thực miền Trung, Nam, Bắc:
Hà tươi cửa biển Tu-ran
Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà
Sài Gòn nhớ vị cá tra
Cái xe song mã, chén trà Nhất Thiên
Đa tình con mắt Phú Yên
Hữu tình rau bí ông quyền Thuận An…
Các nhà thơ Việt Nam thời hiện đại cũng có nhiều người viết về ẩm thực. Nhà thơ Võ Quê có cả chùm thơ về các món ăn nổi tiếng của Huế như cơm hến, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh phu thê…
“Đã nghe ớt đỏ cay nồng
Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh
Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành…
Mời anh buổi sáng chân thành món quê”
(Cơm hến).
Nhà thơ Phùng Quán xưng tụng ẩm thực Việt như món Cà Gióng như một biểu tượng của sức mạnh thần kỳ Việt Nam:
“…Ăn hết bảy nong cơm
Ba nong cà
Chú bé không cha
Làng Phù Đổng
Vươn vai đứng dậy thành Thánh Gióng
Người-cứu-nước-khổng-lồ”
Cứ mỗi độ thu về Hà Nội lại nồng nàn hương cốm. Từ lâu cốm là loại quà đặc trưng của Hà Nội và được đông đảo người dân Thủ đô yêu thích. Cốm mang trong mình hương vị riêng của Hà Nội, hương cốm vẫn nồng nàn vấn vương, và chỉ ăn một lần là nhớ mãi:
Cốm Vòng thơm mãi bàn tay
Đi xa Hà Nội nhớ ngày cốm thơm.
Cùng với cốm, các đặc sản của Hà Nội cũng đã được tổng kết trong những câu ca: Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét/ Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm, cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây...
Ẩm thực Việt Nam đa dạng ở chỗ mỗi vùng miền trên đất nước lại có những món ăn khác nhau và mang ý nghĩa riêng biệt tạo nên bản sắc của từng dân tộc. Nó phản ảnh truyền thống và đặc trưng của mỗi cư dân sinh sống ở từng khu vực. Ẩm thực và văn hóa ẩm thực không những đi vào cuộc sống của con người mà còn ở trong các chất liệu của thi ca và sẽ mãi mãi trường tồn trong lòng dân tộc.
Trúc Lam