Hồng da tre là đặc sản mùa thu "hiếm có khó tìm" của vùng đất Thái Nguyên. Loại quả này có vỏ màu xanh, nhẵn như thân cây tre, khi chín hơi ửng vàng rồi dần dần chuyển sang màu trong như thạch.
Không giống như hồng giòn Đà Lạt hay hồng Mộc Châu cho thu hoạch quả kéo dài từ tháng 8-11 hằng năm, mùa vụ hồng da tre chỉ có vỏn vẹn trong vòng 1 tháng, từ cuối tháng 8 đến hết tháng 9.
Bởi vậy, cứ độ thu về, người dân địa phương bắt đầu nhộn nhịp vào vụ thu hoạch hồng da tre. Đây là thứ quả dân dã thường góp mặt trong mâm cỗ Trung thu của các gia đình từ miền núi tới miền xuôi, hay xuất hiện cả ở Hà Nội.
Thời gian thu hoạch ngắn, diện tích trồng không còn nhiều, chỉ tập trung ở một số huyện miền núi nên hồng da tre ngày càng trở nên quý hiếm, không phải ai cũng có cơ hội được thưởng thức.
Bởi vậy, những người "sành ăn" ở Thủ đô phải săn đón trước cả tháng để có thể mua được thứ quả đặc sản mùa thu . Họ sẵn sàng chi nhiều tiền để "tậu" hàng chục cân về thưởng thức hoặc đem làm quà biếu người thân, bạn bè.
Trên thị trường, hồng da tre có giá thành đắt hơn nhiều so với các loại hồng bình dân khác, dao động từ 80.000-110.000 đồng/kg. Kích cỡ quả cũng to hơn, khoảng 6-7 quả/kg.
Để thu hoạch hồng chất lượng, người địa phương chỉ hái khi quả đạt đến độ già nhất định rồi ủ cho chín tự nhiên trong 1-2 ngày. Khi chín, hồng da tre chuyển sang màu vàng trong, cầm mềm tay.
Nếu mua quả hồng còn xanh, bạn chỉ cần dựng ngược quả hồng lên để phần cuống chúc xuống đất. Sau 2-3 ngày, hồng sẽ chuyển từ màu xanh sang màu vàng úa.
Cách thưởng thức hồng da tre cũng có sự khác biệt so với các giống hồng khác. Bạn chỉ cần bổ đôi quả hồng rồi dùng thìa xúc gọn theo lớp vỏ là có thể ăn ngon lành. Phần ruột hồng có màu như lòng đào trứng gà, vị ngọt lịm, thơm và giòn sần sật như thạch.
Khi hồng chín mà chưa kịp ăn hết, bạn có thể bọc từng quả bằng giấy báo rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh để thưởng thức dần. Không nên ăn hồng chưa chín vì quả khi đó sẽ có vị chát