Quảng Ngãi thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ với đường bờ biển dài khoảng 129 km và vùng lãnh hải rộng lớn cùng 6 cửa biển dồi giàu hải sản, nhiều bãi biển đẹp. Cùng tham khảo kinh nghiệm du lịch Quảng Ngãi qua bài viết sau!
TỔNG QUAN DU LỊCH QUẢNG NGÃI
Quảng Ngãi là vùng đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá lâu đời như văn hoá Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa. Nhiều dấu vết văn hoá cổ xưa như thành cổ Châu Sa, Gò Vàng… di tích lịch sử Ba Tơ, Sơn Mỹ, Ba Gia, Trà Bồng, Vạn Tường; nhiều cảnh đẹp như Thiên Ấn Niêm Hà, Thiên Bút Phê Vân, Thạch Bích Tà Dương, Cổ Luỹ Cô Thôn, Nước Trong - Cà Đam…; nhiều bãi biển như Mỹ Khê, Sa Huỳnh…
Ngoài ra du lịch Quảng Ngãi còn nổi bật với đảo Lý Sơn. Huyện đảo Lý Sơn gồm 3 đảo Cù Lao Ré (đảo Lớn), xã đảo An Bình (đảo Bé) và hòn Mù Cu, nằm cách đất liền khoảng 30 km. Với lợi thế khung cảnh hoang sơ, chi phí rẻ, trong những năm gần đây, Lý Sơn luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn cho chuyến du lịch biển đảo.
THỜI ĐIỂM DU LỊCH QUẢNG NGÃI
Quảng Ngãi có khí hậu nhiệt đới và gió mùa, nhiệt độ trung bình khoảng 25-26,9°C, chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Khí hậu ở đây có nhiều gió Đông Nam, ít gió Đông Bắc vì địa hình địa thế phía nam, và do thế núi địa phương tạo ra. Lượng mưa của tỉnh là 2.198 mm/năm nhưng chỉ tập trung nhiều nhất vào các tháng 9, 10, 11, 12 còn các tháng khác thì khô hạn.
Do đó, thời điểm thích hợp để du lịch Quảng Ngãi là vào mùa khô, khi thời tiết nắng đẹp và không có mưa bão. Đặc biệt, các tháng 9, 10 ở Quảng Ngãi thường xảy ra ngập lụt do mưa lớn kéo dài. Vào mùa lụt, nước thường ngập đến nửa nhà. Và ở các sông có xảy ra hiện tượng sạt lở, lũ quét rất nguy hiểm đến sự an toàn của du khách.
DI CHUYỂN: PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN ĐẾN QUẢNG NGÃI
Máy bay
Hiện tại ở Quảng Ngãi chưa có sân bay riêng phục vụ dân sự, nhưng du khách có thể di chuyển đến sân bay Chu Lai (Núi Thành, Quảng Nam) rồi sau đó bắt xe về thành phố Quảng Ngãi. Vì sân bay Chu Lai nằm rất gần địa giới hành chính với tỉnh Quảng Ngãi. Hãy truy cập iVIVU.com hoặc gọi đến (028) 3933 8008 để đặt vé máy bay nhanh chóng, uy tín cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn!
Hà Nội đi Chu Lai
TP. HCM đi Chu Lai
Xe khách
Một số nhà xe từ Sài Gòn đi Quảng Ngãi. Giá vé: từ 330.000VNĐ:
Nhà xe Thanh Thủy: 1900 272 708.
Nhà xe Thuận Tâm: 0964 202 094.
Nhà xe Chín Nghĩa: 0908 147 194.
Nhà xe Chơn Mỹ: 1900 6772.
Nhà xe Phương Trang: 1900 6067.
Một số nhà xe từ Hà Nội đi Quảng Ngãi. Giá vé: từ 650.000VNĐ:
Nhà xe Hoàng Long: 0936 107 567.
Nhà xe Phượng Hoàng: 0988 683 669.
Tàu hỏa
Vé tàu từ Sài Gòn đi Quảng Ngãi có nhiều mức giá hợp lý để bạn lựa chọn, thường khoảng 551,000 VNĐ là đã có một chỗ vừa ý. Quãng đường 798km từ Sài Gòn đi Quảng Ngãi có 6 đoàn tàu đón trả khách và thời gian di chuyển khoảng 13 giờ 22 phút.
Vé tàu từ Hà Nội đi Quảng Ngãi có nhiều mức giá hợp lý để bạn lựa chọn với giá vé từ 745,000VNĐ/người. Quãng đường 928km từ Hà Nội đi Quảng Ngãi có 5 đoàn tàu đón trả khách với thời gian di chuyển khoảng 17 giờ 36 phút. Bạn có thể xem thêm thông tin về phương tiện tàu hỏa tại đây.
ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN TẠI QUẢNG NGÃI
Đảo Lý Sơn
Lý Sơn là một huyện đảo rất nổi tiếng của du lịch Quảng Ngãi. Trước đây, Lý Sơn được gọi là cù lao Ré, theo dân gian là “cù lao có nhiều cây ré”. Hòn đảo là vết tích còn lại của ngọn núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây khoảng 25-30 triệu năm. Ngọn núi là nguồn giữ các mạch nước ngầm cung cấp nguồn nước cho người dân trên đảo. Nói về đảo này, nhân dân địa phương có câu ca dao:
“Trực nhìn ngó thấy Bàn Than
Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ”.
Đến Lý Sơn, du khách có thể tham quan đỉnh Thới Lới, hang Câu, cổng Tò Vò, chùa Hang, chùa Đục, Âm Linh tự, cánh đồng tỏi, làng bích họa An Bình, bãi Ngang, hòn Mù Cu… Đặc sản Lý Sơn hấp dẫn với cua huỳnh đế, tôm hùm, ốc cừ, cá tà ma, chả cá, gỏi tỏi, nộm rong biển, dưa hấu hắc mỹ nhân, ốc tượng… và đặc biệt là tỏi Lý Sơn, loại cây vô cùng đặc trưng ở huyện đảo.
Đồng muối Sa Huỳnh
Đồng muối Sa Huỳnh thuộc huyện Đức Thọ có diện tích hơn 100 ha và được hình thành từ thế kỷ 19. Nghề làm muối là truyền thống của ngư dân vùng biển Quảng Ngãi. Cánh đồng muối này giờ đây đóng vai trò quan trọng bậc nhất khu vực Nam Trung Bộ, cung cấp muối cho tiêu dùng. Ở đồng muối Sa Huỳnh, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng khoảnh khắc hoàng hôn thơ mộng và tận mắt chứng kiến cuộc sống của những diêm dân cả đời ngâm mình trong nước mặn để làm ra những hạt muối đậm đà.
Đầm An Khê
Đầm An Khê là đầm nước lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa 2 xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ), có diện tích mặt nước 347 ha, chiều dài nhất đo được 3,5 km, chiều rộng nhất chừng 1 km. Đầm có nước quanh năm, mực nước nơi sâu nhất trong đầm là 4 m.
Đầm An Khê là môi trường sống thích hợp của nhiều loài thủy sinh như cá diếc, cá thác lác, cá bống, cá chép, cá chình, cá trắm cỏ, cá mè, tôm, ốc, cá rô phi… Đặc biệt ở đây có loài cá úc, song trong những năm gần đây đã dần trở nên khan hiếm. Nhóm cá biển với số lượng khá thấp sống trong đầm là các loài cá móm, cá đối, cá khế sáu sọc…
Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng
Thuộc ba tỉnh Gia Lai, Bình Định và Quảng Ngãi, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được thành lập từ năm 2004. Với tổng diện tích 15.446 ha, mật độ che phủ rừng là 98,5%, hệ sinh thái của khu bảo tồn được đánh giá đa dạng và phong phú về chủng loại với gần 1.000 loài động, thực vật. Không chỉ vậy, đây là khu bảo tồn thiên nhiên hiếm hoi còn sở hữu nhiều loại gỗ quý cùng nhiều loài động vật được ghi vào sách đỏ.
Thác Trắng Minh Long
Thác thuộc xã Thanh An, huyện Minh Long, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 23 km về hướng Tây Nam. Bao quanh thác là vùng đồi núi trập trùng, ngập tràn màu xanh của cây lá nên khung cảnh rất nên thơ, trong lành và tĩnh lặng. Thác Trắng cao chừng hơn 40 m, những dòng nước tuôn trào tung bọt trắng xóa các ghềnh đá phía dưới.
Nước đổ xuống hồ dưới chân thác rồi chảy theo con suối rộng chừng 20 m, nhấp nhô đá, chảy quanh co trong thung lũng trước khi hợp với các khe suối khác. Trong hồ nước dưới chân thác còn có nhiều cá niêng, một loại đặc sản được nhiều du khách ưa thích.
Đèo Vi Ô Lắc
Đèo Vi Ô Lắc khá dài và cao với rất nhiều khúc cua tay áo. Đèo nằm trên quốc lộ 24, là một trong những trục đường chính nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Con đèo này khi xưa rậm rạp hoang vu và có rất nhiều cây sưa. Từ đỉnh đèo có thể phóng tầm nhìn bao quát xuống phía dưới. Xa xa phía chân núi là những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thành cổ Châu Sa
Thành cổ Châu Sa hay Amaravati là thủ đô của Vương quốc Amaravati, được người Chăm Pa xây dựng bằng đất vào thế kỷ thứ 9 tại xã Tịnh Châu, thành phố Quảng Ngãi. Đây là loại thành Chăm duy nhất bằng đất ngày nay vẫn còn dấu tích. Thành Châu Sa là di tích dân sự lớn nhất trong khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi thuộc châu Amaravati của Champa xưa.
Núi Cà Đam
Núi Cà Đam là ngọn núi cao 1.431m, cao nhất trong các ngọn núi ở Quảng Ngãi. Ở đây quanh năm suốt tháng mây vờn, nhiều đồng bào dân tộc thi thoảng đi rừng còn nhìn thấy loài sâm bảy lá. Từ TP. Quảng Ngãi phải vượt qua 50 km lên huyện miền núi Trà Bồng. Từ đó theo đường liên huyện Trà Bồng - Tây Trà qua dốc Eo Chim cao trên 1.000 m rồi vượt thêm một cung đường dài khoảng 20 km để đến chân con đường mới mở lên Cà Đam.
Mũi Ba Làng An
Ba Làng An là một mũi đất thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Địa danh này có ba làng cùng có tên là An: An Hải, An Vĩnh, An Kỳ. Mũi Ba Làng An là mũi đất cuối bán đảo châu Mỹ Đông, cách đảo Lý Sơn khoảng 22 km. Trạm đèn biển Ba Làng An (ở mỏm ngoài cùng của mũi Ba Làng An), dẫn lối tàu thuyền ra vào cảng Sa Kỳ. Ba Làng An là mũi đất được tạo nên từ những trầm tích của nham thạch đổ tràn thoải dần theo hướng biển.
ẨM THỰC QUẢNG NGÃI
Tỏi Lý Sơn
Tỏi Lý Sơn là đặc sản nức tiếng gần xa, là món quà mà bất cứ khách du lịch Quảng Ngãi nào cũng phải mang về. Tỏi Lý Sơn đã trở thành thương hiệu và nhãn hiệu của vùng đất này. Do sự khác biệt về thổ nhưỡng và kinh nghiệm canh tác truyền thống (sỏi núi Thới Lới và cát biển được phủ lên mặt ruộng mỗi mùa canh tác mới) nên tỏi Lý Sơn có hương vị đặc biệt, cay dịu chứ không cay nồng như tỏi khác.
Kẹo gương Thu Xà
Kẹo gương được làm từ đường cát, mạch nha, mỡ heo, mè và đậu phộng. Người ta dùng chiếc chảo gang lớn “xênh” kỹ đường cùng với mạch nha và mỡ. Đậu phộng và mè được chuẩn bị sẵn bỏ vào chảo đường đang sôi trộn đều. Đoạn, người thợ đổ chảo đường ra tấm tôn lớn đã trải sẵn lớp mè hạt rồi dùng tay kéo nhẹ. Bấy giờ người thợ mới dùng con dao bén cắt ra từng mẩu nhỏ, rồi sắp vào chiếc hộp giấy đậy kín chở đi tiêu thụ.
Thịt trâu nấu xà bần H’rê Ba Tơ
Bên cạnh món trâu nướng bằng xiên tre, nướng cùng lá lốt, người H’re ở Quảng Ngãi còn có thêm món thịt trâu nấu xà bần. Đây là món thường được họ chế biến trong những dịp quan trọng, đãi khách đường xa. Cách làm món ăn này khá cầu kỳ vì nguyên liệu là thịt, huyết, gan, lá lách.
Tất cả nguyên liệu được làm sạch, cắt miếng nhỏ cho vào nồi đồng, đổ nước, thêm gia vị nêm nếm vừa miệng. Thịt phải được đun trên bếp liu riu cho nhừ, ngấm gia vị. Món ăn không thể thiếu hai loại nguyên liệu là lá sưng và trái sả. Khi thịt chín mềm cho lá sưng, trái sả vào khiến món trâu dậy lên mùi vị rất riêng, the the, thơm và ngọt thanh.
Don Quảng Ngãi
Don thuộc họ nhuyễn thể hai mảnh, vỏ nửa đen nhạt nửa vàng, hình quả trám, to bằng móng tay út, dài hơn một phân. Vỏ don thường mỏng, ruột don màu vàng và có những tua hồng bao quanh. Don nằm sâu dưới cát, mỗi năm chỉ nổi lên một lần. Don chỉ có ở hai con sông lớn là sông Trà và sông Vệ. Thường vào mùa khô hạn, người dân lại đến hai con sông cào don.
Don ngâm, rửa sạch rồi cho vào nồi nước sôi, khuấy mạnh và đều tay đến khi há miệng. Nước luộc don được cho riêng ra nồi khác, nêm nếm vừa ăn. Riêng con don đãi lấy ruột. Sau đó bẻ bánh tráng cho vào bát, đổ nước luộc don và cho thịt don vào, rắc thêm hành tây, hành lá, ớt xiêm và tiêu cùng tép tỏi Lý Sơn là đã thành món ngon khó cưỡng.
Cúm núm Sa Huỳnh
Cúm núm là một loài cua sống sát bờ biển, lớp vỏ cứng, mai có màu xanh lốm đốm nâu với phần bụng màu trắng sữa, càng và chân màu vàng nhạt. Khách du lịch Quảng Ngãi, đặc biệt là những vùng biển như Sa Huỳnh, Sa Kỳ, thường sẽ được thưởng thức cúm núm. Từ những con cúm núm tươi, người ta có thể chế biến nhiều món như hấp sả, lẩu, nấu chua, rang me…
Bò gân Bảy Mẫu
Đây là món ăn rất đặc biệt ở Quảng Ngãi, được chủ quán sáng tạo ra độc nhất vô nhị. Tuy có tên gọi bò gân, nhưng thực ra món này là da bò trộn gỏi. Da bò được cắt mỏng rồi mang đi hấp chín. Sau đó da bò đã chín được thái thành lát mỏng, trộn với gia vị, nước luộc bò cùng rau thơm, chuối chát, xoài, hành tím, hành phi, nước mắm ớt tỏi tạo nên hương vị cực kỳ hấp dẫn.
Bánh xèo vịt
Làm bánh xèo vịt cũng giống như làm các loại bánh xèo khác. Làm nhân bánh xèo vịt phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Vịt lóc bỏ xương, ướp gia vị, hành, tỏi, sả, tiêu, hạt nêm, bột ngọt… Sau đó, đem xay nhỏ rồi xào với dầu ăn. Khi đổ bánh, có thể trộn nhân lẫn vào bột gạo hoặc múc riêng để lên trên, cho thêm giá đỗ. Thực khách có thể thưởng thức bánh xèo vịt bằng cách cuốn bánh tráng kèm rau sống hoặc đơn giản hơn, cho bánh vào chén ăn cùng nước mắm.
Bánh đập
Bánh đập là sự kết hợp giữa bánh ướt và bánh tráng nướng. Trên lớp bánh ướt được phết dầu mỡ hành và hành phi, hẹ, chấm kèm với mắm nêm. Nước chấm gây thương nhớ của món bánh đập là mắm nêm cá cơm pha với đường, ớt, tỏi, thơm băm nhuyễn, thêm chút dầu phộng. Khi thưởng thức thì thực khách đập nhẹ vào bánh để dễ bẻ bánh ra từng miếng nhỏ hơn.
KHÁCH SẠN TẠI QUẢNG NGÃI
Lý Sơn Pearl Island Hotel & Resort
Khách sạn Mường Thanh Holiday Lý Sơn
Cocoland River Beach Resort & Spa Quảng Ngãi
Theo iVIVU.com
Xem thêm các bài viết:
Kinh nghiệm du lịch đảo Lý Sơn trong 4 ngày
Kinh nghiệm du lịch đảo Lý Sơn chi tiết năm 2023
Quán cà phê dùng bu gà làm bàn cho khách ở Quảng Ngãi