Hòn đảo của các vị thần
Bali là một trong 34 tỉnh của “đất nước vạn đảo” Indonesia. Với tổng diện tích 5.780km2, bao gồm đảo chính Bali và vài hòn đảo nhỏ khác, Bali nằm ở cực tây của quần đảo Sunda nhỏ, cách thủ đô Jakarta khoảng 1.000km. Dân số Bali khoảng 4,2 triệu người, mật độ dân cư thưa thớt, nhịp sống yên bình, phong cảnh hữu tình và không khí trong lành đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho hòn đảo mang hình dáng một chú gà con này.
Trong khi hơn 80% dân số Indonesia theo đạo Hồi thì khoảng 83% dân số ở Bali lại theo Hindu giáo, còn lại là người Hồi giáo, Kito giáo và một phần rất nhỏ (khoảng 0,5%) theo đạo Phật. Đó là lý do vì sao khi đặt chân tới hòn đảo xinh đẹp này, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi đi tới đâu cũng bắt gặp các ngôi đền với kiến trúc nổi bật là những ngôi tháp nhỏ có mái lợp lá, được xây bằng đá và cát từ dung nham núi lửa tạo nên màu đen huyền bí đặc trưng. Mỗi ngôi nhà đều có một khu đền, ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng một cổng trời có kiến trúc đặc trưng là 2 cánh vút cao như cánh phượng, bên trên chạm trổ các loại hoa văn truyền thống của Hindu giáo cực kỳ tinh xảo. Mỗi ngôi nhà của người Bali thường gồm 3 phần, giống như cơ thể người: Phần đầu - quan trọng nhất, chính là khuôn viên đền thờ; sau đó mới tới phần thân là những ngôi nhà một tầng hình vuông, 4 mái quay về 4 hướng, tường chủ yếu là màu đỏ đậm hoặc nâu trầm; cuối cùng là phần chân với những khu vườn xanh mướt cây cối.
Một điều khác biệt ở Bali là những ngôi nhà nằm sát mặt đường thường không mấy khi mở cửa. Tất cả đều hướng vào bên trong, về phía ngôi đền của gia đình để bày tỏ lòng tôn kính với các vị thần và tổ tiên của mình. Chỉ cần nhìn vào quy mô của các ngôi đền, người ta có thể đoán được phần nào gia cảnh của gia đình đó, giàu hay nghèo, trung lưu khá giả. Thông thường, những gia đình khá giả sẽ bố trí khuôn viên đền nằm sát mặt đường với những kiến trúc cùng các pho tượng thần có quy mô lớn.
Người ta ước tính trên đảo Bali có khoảng 20.000 ngôi đền. Ngoài đền tư gia còn có những ngôi đền phân cấp theo khu dân cư giống như đình làng ở các làng quê Việt. Lớn hơn nữa là những ngôi đền mang tầm quốc gia, nổi bật với kiến trúc độc đáo, bề dày văn hóa - lịch sử cùng sự uy nghiêm, cổ kính. Đây vừa là điểm hành hương, lễ bái của người dân, vừa là những điểm du lịch thu hút du khách bởi đa phần các ngôi đền đều được xây dựng từ thế kỷ XVI - XVII, thậm chí có những ngôi đền hàng nghìn năm tuổi như Tanah Lot, Ulundanu hay Uluwatu... với những nét kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Bali.
Hòn đảo “xanh”
Đến Bali, dù vào mùa mưa (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) hay mùa khô (từ tháng 5 đến tháng 10), du khách sẽ luôn cảm thấy dễ chịu bởi thời tiết không có sự chênh lệch lớn về nhiệt độ. Nền nhiệt trung bình quanh năm duy trì từ 20 - 35oC. Mùa khô là mùa du lịch lý tưởng nhất, nhưng mùa mưa cũng khá dễ chịu khi những cơn mưa chỉ ào xuống bất chợt rồi tạnh ngay, khiến cho cây cối trên đảo càng xanh tươi hơn. Ở Bali, rất ít những con đường rộng 6 - 8 làn xe. Càng đi sâu vào trong đảo, những con đường càng nhỏ lại, chỉ vừa đủ cho 2 làn xe đi ngược chiều nhau. Chính vì thế, hòn đảo hạn chế được phần nào khói bụi, ô nhiễm.
Một điều dễ nhận thấy là người dân nơi đây coi cây xanh là nơi ẩn náu của các vị thần, do đó, họ không chặt phá rừng. Du khách có thể đi xuyên đảo hàng chục kilômét, qua những cánh rừng nguyên sinh, những rặng dừa cao vút hay những thửa ruộng bậc thang trải dài tít tắp. Những ngôi nhà, khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên đảo đều đặt yếu tố thân thiện với môi trường, cảnh quan thiên nhiên lên cao nhất thông qua việc hạn chế tối đa vật liệu bê tông. Thật khó để tìm thấy trên đảo những tòa cao ốc, chung cư cao mấy chục tầng. Cư dân nơi đây quen sống trong những ngôi nhà chỉ 1 - 2 tầng, diện tích không quá rộng. Các ngôi nhà, mái đền đều lợp lá và có cây cối bao quanh. Vì thế, Bali không phải chịu sức ép từ hiệu ứng nhà kính như nhiều trung tâm du lịch ở các quốc gia khác.
Đến Bali, du khách bị hấp dẫn bởi các mặt hàng lưu niệm cực kỳ đa dạng. Bali nổi tiếng là hòn đảo của nghệ thuật, hội họa, các điệu múa cổ như Barong, Kecak, Legong và các nghề truyền thống như luyện kim, thuộc da, đặc biệt là nghề dệt vải Batik thủ công... Nhờ đó, các sản phẩm lưu niệm của Bali cực kỳ đặc sắc và đa dạng, giúp du khách có thể thoải mái lựa chọn, mua về làm quà cho người thân, bạn bè. Chỉ có điều, du khách sẽ rất vất vả nếu muốn tìm túi nilon để đựng hàng hóa. Người Bali đặc biệt có ý thức trong việc hạn chế sử dụng túi nilon để giảm tối đa những tác động bất lợi đến môi trường bởi họ hiểu, chỉ có bảo vệ màu xanh của cây cối, sự trong lành của biển cả, hòn đảo mới có thể mãi mãi trường tồn...