Đau hông phải là cảm giác khó chịu hay đau bên trong hoặc xung quanh vùng hông phía bên phải. Cơn đau lúc thì âm ỉ mà có khi lại dữ dội, có thể nghiêm trọng hơn khi bạn di chuyển, ngồi ghế thấp, ngồi bắt chéo chân hay nằm nghiêng về bên phải.
Đau hông phải là bệnh gì?
Đau hông phải là bệnh gì? Một số bệnh lý gây ra tình trạng đau hông phải có thể kể đến như:
Viêm khớp háng
Viêm khớp háng là một trong những nguyên nhân gây đau hông phải phổ biến, nhất là ở người lớn tuổi. Viêm khớp có thể dẫn đến viêm khớp hông cũng như xói mòn sụn đệm xương hông. Ngoài cơn đau, bệnh lý này còn có thể khiến hông cảm thấy cứng, làm giảm phạm vi chuyển động, đặc biệt là cử động của chân như: Đạp xe, đi bộ, leo cầu thang hay cúi xuống để nhặt đồ.
Bệnh cột sống lưng
Người mắc các bệnh về cột sống lưng như: Gai cột sống, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm… thường gặp phải những cơn đau ở vùng hông, eo, có thể đau bên phải, bên trái hoặc cả hai bên. Các cơn đau thường khó chịu, âm ỉ, đau chạy dọc từ thắt lưng lan xuống chân.
Viêm gân
Viêm gân phát triển do mất cân bằng cơ là tình trạng viêm các dải mô sợi nối các cơ với xương hông. Nguyên nhân có thể do người bệnh lười vận động, bắt chéo chân hoặc ngồi trên ghế thấp quá lâu. Bên cạnh đó, thói quen vận động quá mức gân cơ - dây nối cơ với xương sẽ gây nên những chấn thương nhỏ lặp đi lặp lại. Cuối cùng, dẫn đến mất cân bằng cơ ở hông và dẫn đến cơn đau một bên hông phải hoặc trái.
Bệnh gan mật
Những người mắc các bệnh lý về gan mật như: Sưng gan, viêm gan… có thể xuất hiện các cơn đau hông bên phải kèm theo một số triệu chứng như: Vàng da, chán ăn, khó tiêu, sụt cân…
Bệnh viêm ruột thừa
Các cơn đau bụng vùng trên rốn sau đó lan dần xuống phần eo bên phải có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm ruột thừa. Biểu hiện của bệnh lý này thường diễn ra dữ dội, nhanh chóng như: Sưng vùng bụng, nôn, sốt… Lúc này, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gấp để xử trí nếu không sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Sỏi niệu quản cũng như các bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu do sự xâm nhập của vi khuẩn, virus sẽ hình thành và phát triển các ổ viêm gây đau hông bên phải, đau lưng eo bên phải, đau vùng bụng kèm theo nôn, sốt.
Bệnh thận (phải)
Một số người mắc các bệnh lý gây tổn thương thận như: Sỏi thận, suy thận, teo thận, nhiễm trùng thận, thận tích nước… có thể bị đau hông phải (đối với thận phải). Các cơn đau có thể âm ỉ đến dữ dội, đặc biệt các cơn đau sẽ tăng lên khi người bệnh chơi thể thao quá sức hoặc hoạt động nặng.
Những nguyên nhân khác gây đau hông phải
Sau khi biết đau hông phải là bệnh gì, bạn cũng cần nắm rõ một số nguyên nhân khác gây nên tình trạng này. Bởi có khá nhiều trường hợp bệnh nhân không mắc phải bất cứ bệnh lý nào kể trên nhưng vẫn bị đau hông phải. Điều này thường xuất phát từ một số nguyên nhân cơ học sau:
- Tư thế làm việc không đúng cách.
- Tính chất công việc thường xuyên phải mang vác nặng tạo áp lực nặng nề cho cột sống, lâu ngày khiến khớp sụn tổn thương và đau hông phải là điều hiển nhiên xảy ra.
- Chấn thương xuất phát do tai nạn giao thông, ngã cầu thang… nếu không chữa trị đúng cách, kịp thời chắc chắn sẽ để lại di chứng về sau. Đặc biệt là những cơn đau ở tại vị trí chấn thương, nặng nhất là ở vùng hông gây hạn chế khả năng vận động.
- Thừa cân béo phì cũng là tác nhân lớn hình thành các bệnh lý liên quan đến xương khớp. Khi trọng lượng của cơ thể lớn, vượt quá mức cho phép sẽ gây áp lực lên cột sống, lâu dần sẽ dẫn đến đau nhức khó chịu vùng hông và vận động kém.
- Lười vận động, lười tập thể thao sẽ khiến cho cột sống của bạn hoạt động không được dẻo dai và linh hoạt. Chính vì vậy, nếu có bất kỳ một yếu tố nhỏ nào tác động đến hệ xương khớp thì chắc chắn sẽ gây ra đau nhức tức thì, trong đó có vùng hông phải.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Cơn đau hông phải có thể nhẹ trong giai đoạn đầu, nhưng có thể tiến triển nghiêm trọng đến mức khiến bạn không thể đi lại được. Bạn hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám nếu:
- Cơn đau hông phải khiến bạn không thể thực hiện bình thường các hoạt động hoặc ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Cơn đau tái phát hoặc nghiêm trọng.
- Cơn đau hông phải không thuyên giảm sau khi điều trị trong 2 tuần tại nhà.
- Bị cứng hông trong khoảng hơn 30 phút sau khi thức dậy.
Ngoài ra, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức trong các trường hợp sau:
- Đau hông phải đột ngột và dữ dội.
- Hông phải bị sưng và cảm thấy nóng.
- Vùng da quanh hông thay đổi màu sắc.
- Đau hông kèm theo mệt mỏi, ớn lạnh, sốt và run.
- Không thể đi lại.
- Không thể chịu bất kỳ trọng lượng nào lên chân bên phải.
- Cảm thấy ngứa ran, mất cảm giác ở hông hoặc chân sau khi bị thương.
Bác sĩ sẽ thăm khám, kê đơn thuốc giảm đau và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho bạn tùy thuộc vào nguyên nhân.
Các biện pháp giảm đau hông phải hiệu quả
- Massage vùng lưng, hông bên phải: Biện pháp này sẽ giúp giãn cơ, giãn nở mạch máu bị cơ cứng, cải thiện hệ thống tuần hoàn máu, từ đó làm giảm cơn đau và giúp bạn thư giãn.
- Chườm đá giảm đau hông phải: Chỉ cần dùng khăn sạch bọc từ 2 - 3 viên đá rồi chườm vào vị trí hông phải đang đau mỗi ngày 15 phút, bạn sẽ cảm thấy cơ thể dễ chịu ngay.
- Chườm nóng giảm đau hông phải: Lượng nhiệt tỏa ra sẽ làm tăng cường tuần hoàn máu, giảm tê cứng và thư giãn khớp. Bạn chỉ cần chuẩn bị một chiếc khăn ngâm trong nước ấm, vắt ráo nước rồi chườm vào khu vực hông bị đau.
- Ngâm mình trong nước ấm.
- Uống đủ nước mỗi ngày.
- Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm nhiều đạm, muối: Đây là những thực phẩm cần hạn chế bởi chúng khiến cho tình trạng viêm nhiễm ở khớp, thận trở nên nặng hơn làm cho các cơn đau hông phải tăng lên gây khó chịu cho người bệnh.
Bên cạnh đó, khi cơ thể xuất hiện triệu chứng đau hông phải, bạn cần chú ý theo dõi mức độ cũng như tần suất cơn đau để có thể kịp thời thăm khám, điều trị.
Những thông tin giải đáp thắc mắc đau hông phải là bệnh gì chắc hẳn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này. Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị và biện pháp giảm đau người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Đồng thời duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao với cường độ phù hợp để bảo vệ và tăng tính đàn hồi cho xương khớp.